Hành trình tìm chân dung danh nhân Đồ Chiểu

Hành trình tìm chân dung danh nhân Đồ Chiểu

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
0
Danh tiếng, tài đức của thi sĩ, chí sĩ Nguyễn Đình Chiểu sớm đã vượt khỏi sử sách. Thế nhưng, ít ai biết được ngoại hình, chân dung thật của con người vĩ đại ấy.

Chập chững bước chân đầu

Trao đổi vấn đề trên, tác giả Châu Anh Phụng khẳng định: "Bức chân dung đang được lưu truyền trong dân gian cũng trải qua nhiều giai đoạn, công đoạn khác nhau". Theo đó, bức chân dung này được các họa sĩ vẽ lại theo những nghiên cứu, ký ức của hậu duệ cụ Đồ.

Lạ & Cười - Hành trình tìm chân dung danh nhân Đồ Chiểu

Bức chân dung Nguyễn Đình Chiểu vẽ đen trắng năm 1971.

Theo lời tác giả, bức chân dung của cụ Đồ Chiểu được vẽ 2 lần. Đó là những năm 1971, 1982. Chia sẻ những tư liệu về công cuộc định hình dung nhan của tiền nhân, nữ tác giả trên cho biết: "Về sau này, khi các tác phẩm văn học của Nguyễn Đình Chiểu được phổ biến một cách rộng rãi, thậm chí được đưa vào sách giáo khoa, thì xã hội đã đặt ra những yêu cầu bức thiết về hình ảnh của một con người được vinh danh là danh nhân, trong đó có những nhà văn, nhà giáo, một trong số đó là nhà giáo Võ Văn Dung".

Được biết, thầy Võ Văn Dung cũng là một trong hàng triệu người mến mộ, trân trọng, cảm phục cuộc đời cụ Đồ. Thế nên, ông đã cất công sưu tầm những tư liệu cả trong lẫn ngoài nước về danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Theo lời tác giả Châu Anh Phụng, vào những năm 1970, thầy giáo Võ Văn Dung từng tham gia giảng dạy Việt văn tại Sài Gòn, tại trường trung học Nguyễn Đình Chiểu, tại TP. Mỹ Tho và một số trường trung học khác ở Cần Thơ. Nhận thấy tầm quan trọng của việc tìm kiếm, giới thiệu hình ảnh, chân dung của người chí sĩ Nguyễn Đình Chiểu, ông đã quyết định đẩy mạnh công tác nghiên cứu vào vấn đề trên.

Năm 1971, nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm lần thứ 149 ngày mất cụ Nguyễn Đình Chiểu, ông Võ Văn Dung được bà Mai Huỳnh Hoa (cháu ngoại bà Sương Nguyệt Anh vốn là chắt ngoại cụ Đồ) tin tưởng giao lại 2 bức ảnh quý về những hậu duệ gần nhất của cụ Đồ. Theo lời tác giả Châu Anh Phụng, 2 tấm ảnh đó có chụp hình ảnh của ông Nguyễn Đình Chiêm là con trai thứ 7 của cụ Đồ Chiểu, bức thứ hai chụp hình ảnh của ông Nguyễn Đình Ninh, con của người con trai thứ, tức cháu nội của cụ Đồ. Hai người này được những người thân trong gia đình vốn là hậu duệ của Nguyễn Đình Chiểu cho là có khuôn mặt giống cụ Đồ nhất.

Sau khi có trong tay tài liệu quý, ông Võ Văn Dung cất công nhờ một một họa sĩ có tiếng và yêu cầu dựa trên hai bức ảnh trên để phác họa chân dung cụ Đồ. Được biết, bức chân dung trên được ông giới thiệu và đăng trong tập Kỷ yếu lễ kỷ niệm Nguyễn Đình Chiểu năm 1971 tại Sài Gòn. Tuy nhiên, bức chân dung đầu tiên về Nguyễn Đình Chiểu được công bố rộng rãi trên về sau được bà Mai Huỳnh Hoa (một người cháu khác của cụ Đồ Chiểu) đánh giá là chưa trọn vẹn.

Theo đó, bức chân dung được bà nhận định là khuôn mặt quá gân guốc, khắc khổ và nhân vật trong ảnh không có râu là chưa thể hiện đúng diện mạo, phong thái của bậc đại Nho của bà. Tuy nhiên, bức chân dung trên cũng được đánh giá rất cao, đặt được bước chân tiên phong trên con đường đi tìm hình ảnh người chí sĩ vĩ đại.

Gian nan một hành trình

Sau những khiếm khuyết trên làm cho làn sóng nghiên cứu, sưu tầm về cuộc đời Đồ Chiểu trở nên lúng túng, đặc biệt là Tiểu ban Nguyễn Đình Chiểu tại TP.HCM. Được biết, Tiểu ban bao gồm những vị thi sĩ, họa sĩ, nhà giáo, nhà nghiên cứu có uy tín, trong đó có bà Mai Huỳnh Hoa, cháu cụ Đồ Chiểu và tác giả Châu Anh Phụng được thành lập năm 1982. Tiểu ban trên bao gồm những người yêu thích thơ văn Nguyễn Đình Chiểu cũng như quý trọng, nghiên cứu sưu tầm về cuộc đời người chí sĩ yêu nước trên.

Lạ & Cười - Hành trình tìm chân dung danh nhân Đồ Chiểu (Hình 2).

Bức vẽ chân dung Đồ Chiểu bằng sơn dầu năm 1982.

Một thời gian sau, thể theo nguyện vọng của bà Mai Huỳnh Hoa một trong 8 thành viên của Tiểu ban trên, Tiểu ban Nguyễn Đình Chiểu đã quyết định công tác nghiên cứu và vẽ lại chân dung nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Theo đó, nhiệm vụ của công tác trên được vạch rõ là dựa trên bức chân dung cũ được họa sĩ khuyết danh vẽ năm 1971 để hoàn thiện lại theo yêu cầu, bổ sung của bà Mai Huỳnh Hoa cũng như những phát hiện mới.

Bà Châu Anh Phụng cho biết: "Sau khi nhóm họp và quyết định vẽ lại bức chân dung dựa trên bức vẽ cũ, tôi được các thành viên khác của Tiểu ban tin tưởng giao nhiệm vụ kiếm tìm họa sĩ thực hiện bức vẽ. Sau một thời gian dài tìm tòi, nghiên cứu, chọn lựa họa sĩ, cuối cùng, tôi tìm được họa sĩ Hoàng Hiệp bút danh Thanh Xuân".

Theo ghi nhận trong tài liệu Sưu tập Nguyễn Đình Chiểu của tác giả Châu Anh Phụng, bức chân dung được phổ biến rộng rãi ngày nay cũng được họa sĩ Hoàng Hiệp vẽ đi vẽ lại nhiều lần theo những góp ý liên tục của Tiểu ban Nguyễn Đình Chiểu. Cuối cùng, năm 1928, bức chân dung hoàn thiện, được hậu duệ Đồ Chiểu đánh giá là gần với hình ảnh thật của Cụ nhất hoàn thành.

Theo đó, bức chân dung trên nhanh chóng được phổ biến và đăng trong các sách như: Tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu, Văn học lớp 11, Từ điển Văn học, Sưu tập Nguyễn Đình Chiểu. Được biết, sau đó, bức chân dung được vẽ vào năm 1982 cũng được sử dụng làm ảnh minh họa cho tượng đài Nguyễn Đình Chiểu tại Trường mù Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM), trường THCS Nguyễn Đình Chiểu tại Cần Giuộc, Long An, lăng Nguyễn Đình Chiểu tại Bến Tre và các đền thờ, bia tưởng niệm khác trên mọi miền đất nước.

Tuy nhiên, cũng theo tài liệu Sưu tập Nguyễn Đình Chiểu, sau đó, họa sĩ Hoàng Hiệp còn thực hiện thêm một bức chân dung cùng chủ đề bằng chất liệu sơn dầu với kích thước lớn gấp 4 lần bức vẽ trước đây. Thông tin về việc này, tác giả Châu Anh Phụng cho biết: "Hoàn cảnh ra đời của bức chân dung này cũng khá đặc biệt. Nó được vẽ tặng cho nhà thơ Hoàng Trung Thông, bấy giờ đang giữ chức Viện Trưởng Viện Văn học Hà Nội". Theo đó, năm 1982, nhà thơ Hoàng Trung Thông vào Nam dự Hội nghị Khoa học Xã hội được tổ chức tại Bến Tre, ông ngỏ ý muốn có một bức chân dung cụ Đồ Chiểu vừa hoàn thành trong năm. Thể theo yêu cầu trên của Viện trưởng, bà Châu Anh Phụng đã trình ý kiến trên với Tiểu ban Nguyễn Đình Chiểu và đề nghị nhờ họa sĩ Hoàng Hiệp tiếp tục vẽ lại bức chân dung rất thành công của ông bằng chất liệu sơn dầu với kích thước lớn hơn gấp 4 lần bức đầu tiên để được lâu bền và trang trọng hơn. Được biết, về sau bức chân dung được đăng trong tác phẩm Lục Vân Tiên Fidélité & Trahison năm 1997 do ông Lê Trọng Bổng chuyển thể sang tiếng Pháp.

Hà Nguyễn - Ngọc Lài

(Còn nữa)