Hành trình tìm lại cuốn nhật ký bị chôn vùi 50 năm

Hành trình tìm lại cuốn nhật ký bị chôn vùi 50 năm

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
0
Sau gần 2 tháng hành trình xuôi ngược đi tìm tác giả tập kỉ vật Thế hệ Hồ Chí Minh tưởng chừng như vô vọng, chúng tôi rất bất ngờ khi tìm được họ tên của chị người con của quê hương Cai Lậy (Tiền Giang) anh hùng.

Nỗi trăn trở của người lính già

Kể từ khi tìm lại được cuốn nhật kí của liệt sĩ, ông Huỳnh Văn Sáng (Bảy Sáng, ngụ ấp Xóm Đèn, xã Tân Mỹ, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) cứ canh cánh trong lòng và luôn tự đặt ra câu hỏi để dằn vặt bản thân: "Làm sao để biết tên các liệt sĩ, làm sao để quy tập đủ số hài cốt của những người lính, đưa họ trở về nơi chôn nhau cắt rốn ở mảnh đất quê nhà”. Với ý nghĩ đó, ông Sáng cùng những đồng đội cũ từng chiến đấu trên mảnh đất chiến khu Đ năm nào lặn lội qua nhiều tỉnh thành truy tìm ra tung tích của tác giả nhật kí Thế hệ Hồ Chí Minh.

Ông Huỳnh Văn Sáng kể: "Có một chi tiết làm mọi người rất băn khoăn đó là ở trang đầu của nhật ký, tác giả có ghi họ tên của mình nhưng sau đó xóa đi chỉ còn để sót lại 2 chữ T viết hoa. Tại sao như vậy?". Để trả lời câu hỏi này, ông Huỳnh Văn Sáng phân tích: "Sở dĩ tác giả viết tắt tên mình là do quy định bí mật thời chiến. Những chiến sĩ từ Bắc vào Nam đánh giặc, khi viết nhật ký thường được ghi họ tên và địa chỉ gia đình.

Cho nên sau này, nhật ký của Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc được tìm thấy dễ dàng vì nhật kí của 2 người ghi đầy đủ thông tin cá nhân. Còn các chiến sĩ từ vĩ tuyến 17 trở vào thì không được phép ghi thông tin cá nhân trong nhật ký, bởi trong một hoàn cảnh nào đó, chẳng hạn như hy sinh hoặc đánh rơi nhật ký mà giặc có được sẽ giúp chúng phát hiện địa chỉ thì gia đình sẽ bị liên lụy, hậu quả khó mà lường trước được. Do đó, tác giả xóa tên của mình cũng là điều dễ hiểu, đây cũng là cách chứng tỏ rằng quê tác giả ở miền Nam".

Cũng theo ông Sáng, 2 chữ T viết hoa phía ngoài bìa bị tác giả xóa chưa hết như đánh đố đối với mọi người. Hầu hết những người đọc qua cuốn nhật kí đều phỏng đoán rằng, T-T có thể là Thu Thủy, Thanh Thanh, Thanh Tâm, Thủy Tiên... Riêng chữ M viết tắt, lặp đi lặp lại nhiều lần trong suốt 35 trang của nhật ký được xác định là từ một đại từ xưng hô: M. tức là mình.

Xã hội - Hành trình tìm lại cuốn nhật ký bị chôn vùi 50 năm

Tác giả cuốn nhật ký Lê Thị Thiên

Sau gần 2 tháng lặn lội từ Bình Dương lên TP.HCM, qua Tây Ninh, xuống Miền Tây gặp gỡ nhiều vị lão thành cách mạng, các nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng mọi người đều không nhớ rõ họ tên của tác giả. Ông Huỳnh Văn Sáng cho biết: "Ai cũng bảo gương mặt này quen lắm, nó đây rồi, gặp ở đâu rồi nhưng để nhớ ra cái tên thì các cô, các chú đều hẹn để trả lời sau. Trong lúc cuộc tìm kiếm gần như đi vào ngõ cụt, chúng tôi có được thông tin từ bộ Giáo dục & Đào tạo về 810 nhà giáo trong cả nước hy sinh thời kháng chiến. Và chắc chắn, chị - tác giả nhật ký "Thế hệ Hồ Chí Minh" có tên trong danh sách này.

Ông Sáng kể: "Nhìn danh sách những cái tên, chúng tôi rất vui mừng, nhưng vấn đề là làm cách nào để xác định được tên và địa chỉ của chị. Thế rồi, bằng phương pháp loại dần, khoanh vùng chúng tôi xác định: "Chỉ tìm những người quê ở các tỉnh miền Tây và tập trung vào những người có tên là hai chữ T như: Thu Thủy, Thanh Thủy, Thanh Tâm... được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên vẫn ông vẫn không tìm ra tác giả cuốn nhật kí. Một buổi sáng tình cờ, một cán bộ tỉnh Bình Dương đã phát hiện một trường hợp rất đáng lưu tâm trong tổng danh sách 810 liệt sĩ, đó là: "Liệt sĩ Lê Thị Thiên quê ở Xã Mĩ Phước Tây, huyện Cai Lậy (Tiền Giang), nguyên giáo viên, hy sinh năm 1966 tại miền Đông". Không còn do dự gì nữa, anh Sáng tức tốc xuôi về Miền Tây.

Ra đi trọn một lời th

"Cuối cùng chuyến hành trình tìm tác giả nhật ký Thế hệ Hồ Chí Minh dừng lại tại một làng quê trù phú nằm giữa hai dòng kênh Bang Xang và kênh Kháng Chiến (thuộc ấp Bà Bèo, xã Mỹ Phước Tây, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). Trên đường vào nhà liệt sĩ Lê Thị Thiên, bà con trong làng đổ ra đón chúng tôi với một tình cảm vừa thân thương vừa gần gũi.

Tranh thủ lúc đi đường, chúng tôi mang hình ảnh của chị cho mọi người xem nhằm khẳng định thêm về thông tin bất ngờ này. Bà Huỳnh Thị Đông và bà Lê Thị Vân Anh là anh em con chú, bác với liệt sĩ xúc động nói: "Chị Thiên con bác tôi đây mà. Sao các anh tìm được, hài cốt chị ấy giờ ở đâu?”. Tất cả họ đều vui mừng xen lẫn tự hào và xúc động, cùng tiến nhanh về ngôi nhà mà cách đây đúng 50 năm, chị đã rời xa để lên đường kháng chiến nhưng rồi chị đã ra đi và mãi mãi không về", ông kể lại.

Vợ chồng ông Nguyễn Thanh Văn, cháu gọi liệt sĩ Lê Thị Thiên bằng dì ruột ngỡ ngàng và xúc động không nói nên lời. Các cụ cao niên, bạn bè và đồng đội năm xưa của chị cũng tề tựu về ngôi nhà này để xem các bức ảnh kèm trong kỷ vật đã bị chôn vùi dưới lòng đất gần 50 năm qua. Ông Sáng bồi hồi nhớ lại: "Chúng tôi bày ra 6 bức ảnh để mọi người cùng xác định và chỉ trong chốc lát ai cũng lên tiếng: “Hình cô gái đội mũ tai bèo chính là liệt sĩ Lê Thị Thiên".

Vợ chồng ông Văn vẫn còn giữ giấy báo tử ghi rõ: "Đồng chí Lê Thị Thiên, sinh năm 1945 tại ấp Bà Bèo, xã Mỹ Phước Tây, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), nhập ngũ ngày 8/2/1962, hy sinh ngày 10/10/1966. Đồng chí đã được tặng Huân chương Chiến sĩ Giải phóng hạng Ba và truy tặng Huân chương Chiến sĩ Giải phóng hạng Nhì". Như vậy, từ thông tin trong giấy báo tử, đối chiếu với những trang nhật ký của chị về mốc thời gian là hoàn toàn trùng khớp.

Theo như cuốn nhật kí, tháng 2/1962, chị vào bộ đội và được đi học văn hóa, tháng 12 trở lại đơn vị ở một địa phương thuộc miền Đông tiếp tục công tác và lúc này chị bắt đầu viết nhật ký. Đến tháng 5/1964, chị lên Trung ương Cục học lớp sư phạm tại trường Giáo dục Tháng Tám, khóa 2. Tháng 2/1965 tốt nghiệp, trở lại chiến trường hoạt động và đến ngày 10/10/1966 (âm lịch) thì hy sinh. Trong làn khói hương phảng phất, mọi người ngồi quanh bàn thờ ở gia đình ông Văn mà tưởng nhớ đến hương hồn của chị. Từ đây, những câu chuyện về tuổi thơ của chị Thiên đã hiện về trong ký ức của những người bạn cùng trang lứa mà giờ đây, mái đầu của họ nhiều người bạc trắng.

Nâng niu tấm hình của chị trên tay, bà Nguyễn Thị Sáu (66 tuổi), bồi hồi kể về những năm tháng sống chung với bạn mình: "Thiên rất đẹp, nó có cái răng khểnh bên phải. Hồi đi học, tôi từng khuyên nó cưa đi, bịt vàng vào nhưng nó không chịu, chỉ bẽn lẽn cười. Ba má của Thiên thường đào hầm cho bộ đội trú ẩn nên có hôm bọn địch nghi ngờ giúp Việt Cộng nên đã hành hung ông bà một trận rất dã man.

Hai đứa tôi đi học về đã chứng kiến tụi Mỹ - Ngụy tung những cú đá như trời giáng vào bụng của ông bà, làm máu mồm, máu mũi chảy ra .Chứng kiến cảnh này đã khiến chúng tôi lòng sôi sục lửa căm thù. Tối đó, tôi và Thiên cùng anh trai của Thiên là Lê Văn Tính rủ nhau ra gốc dừa sau hè mà thề. Lớn lên sẽ vào bộ đội, giết giặc trả thù cho nhân dân và gia đình”.

Thế rồi, năm 1962 hai chị em Thiên đã thực hiện được lời thề này. Thiên lúc đó 17 tuổi, cậu Tính 20 tuổi đã xung phong lên đường đánh giặc. Bà Nguyễn Thị Sáu cho hay: "Riêng tôi không thực hiện được vì trong gia đình đã có nhiều anh em đi bộ đội nên tôi phải ở nhà chăm sóc ba má. Ngày tòng quân, thấy Thiên gầy yếu tôi thương bạn lắm, cứ níu áo kéo Thiên ở lại không cho đi. Tôi khóc và nói với nó hay là mày ở nhà tham gia du kích xã cũng được mà, lên miền Đông xa lắm.

Tôi thương bạn thân gái dặm trường nên nói vậy nhưng nó quyết tâm dứt áo, chỉ trả lời tôi có đúng một câu: “Thôi mày ở lại mạnh giỏi!”. Đó cũng là lần chúng tôi chia tay mãi mãi. Bà Sáu nghẹn ngào nói trong nước mắt: "Thiên ơi! Sáu đây nè, mày đi son sắt một lời thề!...””.

Hiện nay, cha mẹ và các anh em của chị Thiên đã qua đời (trong đó có 2 liệt sĩ), người thờ cúng hàng năm tại quê nhà là vợ chồng ông Nguyễn Thanh Văn. Ông Văn nói trong ngậm ngùi: "Ông bà ngoại tôi (tức ba mẹ của chị Thiên) cũng mới qua đời cách đây vài năm, nếu như được các anh tìm về sớm hơn thì an ủi cho ông bà nhiều lắm. Ông bà đã sống gần được trăm tuổi và ngày nào cũng ngóng trông tin tức chị Thiên và cậu Tính. Lúc ngoại tôi mất, cũng vì thương nhớ dì, cậu chưa tìm được hài cốt nên lòng rất quặn đau, ra đi mà chưa thanh thản”.

Quyên Triệu