'Xẻ thịt' gầm cầu: Cuộc chiến chưa hồi kết

'Xẻ thịt' gầm cầu: Cuộc chiến chưa hồi kết

Thứ 4, 10/04/2013 | 14:14
0
Hơn một năm trước, câu chuyện "xẻ thịt" gầm cầu lần đầu tiên được dư luận xới lên khi những cây cầu huyết mạch giữa Thủ đô vừa xây xong đã lập tức biến thành bãi đỗ xe, nhà kho, kios bán hàng... Thời điểm đó, báo Người Đưa Tin cũng đi tiên phong trong việc điều tra, phanh phui hành trình "xẻ thịt" gầm cầu trước công luận.

Mới đây nhất, câu chuyện quản lý gầm cầu tại các cầu vượt, đường trên cao của Hà Nội lại một lần nữa nóng lên trên bàn nghị sự. Tuy nhiên, dường như các bên vẫn chưa thực sự tìm được tiếng nói chung.

Đến bộ GTVT cũng bức xúc

Không khó để "điểm mặt chỉ tên" những địa bàn bị "xẻ thịt" nhiều nhất. Đứng đầu "danh sách đen" có lẽ là gầm cầu đường vành đai 3 (đoạn Nguyễn Xiển - Hoàng Liệt - Pháp Vân). Theo khảo sát của Công an Hà Nội, tuyến đường này có 193 khoang với tổng diện tích hơn 193.000m2 do Xí nghiệp khai thác điểm đỗ xe 6 (công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội) quản lý.

Hầu hết các khoang được rào chắn bằng lưới thép hoặc tôn, trong đó 10 khoang rộng chừng 3.500 m2 được dùng làm nhà xưởng để gò hàn, sửa ôtô, chứa máy móc, làm kho, bãi đỗ xe tải... Dù được sở GTVT Hà Nội giao sử dụng gầm cầu để trông xe máy, ô tô trong một năm nhưng đơn vị này lại "tận dụng" để kinh doanh các dịch vụ khác, gây lộn xộn về trật tự đô thị, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ... Trước thực tế đó, công an T P. Hà Nội đã kiến nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo chấm dứt sự việc, giao cho đơn vị chức năng trồng cỏ, trồng hoa đảm bảo an toàn và mỹ quan đô thị.

> Muốn nhận máy tính bảng Google Nexus 7 không mất một xu nào, hãy vào đây!

Kế đến là khu vực gầm cầu Thăng Long (đoạn chạy qua xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm). Phần lớn diện tích gầm cầu đã bị chia thành bãi gửi ôtô, xe máy, kho chứa hàng hóa, bãi tập kết vật liệu xây dựng, sắt thép. Được biết, công ty Quản lý đường sắt Hà Thái là đơn vị được giao khai thác phần diện tích dưới gầm cầu. Tuy nhiên, không khó để nhận ra diện tích đơn vị này quản lý chiếm phần rất nhỏ trong hàng chục nghìn m2 đang bị "xẻ thịt". Tại khu vực gầm cầu Long Biên cũng đang còn các nhà lán, kho chứa hàng quán buôn bán, kinh doanh gây mất an toàn cho công trình cầu...

Xã hội - 'Xẻ thịt' gầm cầu: Cuộc chiến chưa hồi kết

Gầm cầu biến thành nơi kinh doanh dịch vụ

Không chỉ người dân mà bản thân những lãnh đạo của ngành giao thông vận tải cũng tỏ ra bức xúc khi tận mắt chứng kiến hiện trạng một số gầm cầu trên địa bàn Thủ đô ngày ngày bị "xẻ thịt" không thương tiếc. Còn nhớ, trong cuộc giao ban định kỳ hàng quý với UBND TP. Hà Nội mới đây, ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh thanh tra bộ GTVT đã phải thốt lên: "Trong năm 2012, Thanh tra bộ Giao thông và sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã thực hiện giải phóng ba gầm cầu Ngã Tư Sở, Chương Dương, Ngã Tư Vọng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm thực sự nhức nhối. Toàn bộ khu vực gầm cầu Pháp Vân, đảo xoay đều được phân lô để trông giữ xe. Khu vực chân cầu Thăng Long cũng được tận dụng để gửi xe, kinh doanh dịch vụ, kho chứa hàng hóa, bãi tập kết vật liệu xây dựng... Việc này không chỉ gây mất an toàn giao thông mà còn ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị".

Thứ trưởng bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cũng phải thừa nhận, cả cơ quan tài trợ vốn cho dự án là cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) lẫn các đại biểu Quốc hội mỗi khi về Thủ đô đều rất không hài lòng. "Trước đây, do thành phố gặp khó khăn về bãi đỗ xe nên Bộ đồng ý cho tạm thời sử dụng một vài điểm làm bãi trông xe. Việc này không phải Bộ không biết nhưng chấp nhận thời gian quá độ. Sau thời gian, thấy hiện trạng càng nhức nhối, nhất thiết phải quy hoạch lại, phải giải tỏa vì nếu để thêm sau này sẽ rất khó", ông Trường nhấn mạnh.

Chưa tìm được"tiếng nói chung"?

Hiện tượng "xẻ thịt" gầm cầu đã rõ như ban ngày, tuy nhiên, bản thân cơ quan quản lý dường như vẫn chưa thể đi đến thống nhất. Bộ Giao thông Vận tải muốn thu lại trồng cỏ trong khi chính quyền Thủ đô vẫn muốn giữ vài điểm để... trông xe.

Nghị định của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã chỉ rõ: "Không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, hoạt động kinh doanh dịch vụ, điểm dừng xe, bến xe gây mất an toàn công trình cầu, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường....". Thế nhưng, không hiểu lý do gì, sở GTVT Hà Nội vẫn để cho các đơn vị biến gầm cầu thành bãi đỗ xe.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Nguyễn Quốc Hùng, giám đốc sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, trong cuộc họp với bộ GTVT và UBND TP. mới đây ông đã trình bày rõ những nội dung trên. Sở cũng đang thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra tình trạng sử dụng gầm cầu làm điểm trông giữ xe trái phép. "Thực tế, số lượng xe đăng ký tại Thủ đô ngày càng cao đồng nghĩa với việc nhu cầu đỗ xe khá nhức nhối. Nếu thu hồi hết để trồng cây thì rất lãng phí và thực tế qua khảo sát, có những chỗ không thể trồng cây được", ông Hùng phân trần.                               

Anh Văn

Gầm cầu do Bộ GTVT quản cũng thành bãi đỗ xe

Thứ 6, 05/04/2013 | 14:30
Tại Hà Nội, không chỉ gầm cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy và gầm cầu cạn đường trên cao vành đai 3, hiện các gầm cầu do Bộ GTVT quản lý như Thăng Long, Long Biên cũng nhan nhản điểm đỗ xe, tụ điểm kinh doanh.

Công an điểm mặt đối tượng 'xẻ thịt' gầm cầu

Thứ 6, 29/03/2013 | 14:44
Công an TP. Hà Nội vừa chính thức có báo cáo về hàng loạt sai phạm trong việc quản lý sử dụng gầm cầu mà Người Đưa Tin vừa phản ánh...

Tới lượt gầm cầu bị... xẻ thịt

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:58
Khi những m2 vỉa hè, lòng đường dần trở nên hạn hẹn trong cuộc tranh giành nghẹt thở, những gã "khổng lồ" trong hành trình "băm nát" vỉa hè, lòng đường, bắt đầu tính kế mở rộng lãnh địa bằng việc khai hoang cả… gầm cầu.