'Hãy biết xấu hổ khi đô thị loại 1 mà không có nhà vệ sinh công cộng'

'Hãy biết xấu hổ khi đô thị loại 1 mà không có nhà vệ sinh công cộng'

Thứ 2, 21/01/2013 | 19:06
0
Cuộc nói chuyện giữa tân bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh với hàng ngàn cán bộ và nhân dân Đà Nẵng ngày 23/7/2003 trở thành một buổi đối thoại 'lừng danh' của nhà lãnh đạo với dân chúng.

> Tìm từ khóa Nguyễn Bá Thanh trên báo Người đưa tin

Trong buổi nói chuyện đó, ông nhấn mạnh: “Người dân ngứa sau lưng, gãi không tới nên họ mới nhờ mình gãi. Nếu mình gãi không trúng, cứ nhè trước bụng mà gãi, coi chừng họ gai mắt, đạp xuống sông Hàn uống nước như chơi. Phải bắt cho trúng mạch, gãi cho đúng chỗ “ngứa” của người dân. Đừng cứ ngồi nói lý luận với nhau mà không chịu làm!”

Luật sư - 'Hãy biết xấu hổ khi đô thị loại 1 mà không có nhà vệ sinh công cộng'

Ông Thanh (áo trắng, bên trái) tại một phiên tòa bị kêu oan ở Đà Nẵng. Ảnh: Infonet

Ông đặt thẳng câu hỏi với ông Lê Ngọc Nam, giám đốc Công an Đà Nẵng: “Có cái gì ở trạm CSGT Kim Liên (trên QL 1A ở cửa ngõ phía Bắc Đà Nẵng) mà ai vô CSGT cũng đòi cho ra đứng đó. Chỉ ít lâu sau là ai nấy khấm khá cả lên. Tiền ở đâu ra, tài sản ở đâu ra, dân biết hết, còn các anh có biết không?”.

Với ngành thuế, ông nêu ví dụ: Chủ một quán ốc hút ở ngã tư Lê Duẩn - Nguyễn Thị Minh Khai đến khóc ở uỷ ban vì thuế từ 260 ngàn tăng lên 500 ngàn đồng/tháng. Ông giả làm người ăn ốc, vào quán này mới biết quán rất ế vì địa thế không tốt, chủ quán lại kém khâu ăn nói. Ông kêu cục phó Cục thuế Đà Nẵng Dương Tấn Lực lên hỏi: “Người ta buôn bán như thế mà thuế tăng gấp đôi, lên đến cả chỉ vàng/tháng thì làm sao sống cho nổi? Anh làm lãnh đạo mà không chú ý, để cán bộ hành dân ra bã đó nghe!”.

Với lực lượng Thanh niên xung kích, ông phê phán thẳng: “Với những kẻ cố tình vi phạm, lạng lách, đánh võng thì không dám làm gì, còn mấy bà trong quê ra, đem chục trứng, mớ rau kiếm sống, lẽ ra chỉ nên nhắc nhở họ thì hùng hùng hổ hổ đổ rổ rau của người ta ra đường. Ai bảo anh làm chuyện vô lễ với dân như vậy?”.

Với kiểm lâm, ông chỉ ra: “Người ta mang cả khúc gỗ lớn đi trên đường chứ có phải ở rừng ở núi gì đâu mà khó bắt thế? Hoá ra là cùng đường dây cả, lỡ làm ăn với nhau “thâm niên” rồi, lâu lâu bắt một cú biểu diễn thôi!”. Cũng với ý đó, ông hỏi lãnh đạo Sở VHTT: “Liệu có nên giải tán Đội kiểm tra liên ngành 814 hay không? Hô hào nào là quy định ánh sáng rồi kiểm tra, cấp phép... thế mà tệ nạn trong mấy karaoke đèn mờ vẫn tràn lan!”.

Với các ngành Xây dựng, Địa chính, Quy hoạch, Thuỷ sản - Nông Lâm, các BQL dự án..., ông cũng chỉ thẳng nhiều biểu hiện vòi vĩnh, bắt chẹt nhưng lại rất sở hở trong công tác quản lý. Từ kiểm định sai đến không làm hết trách nhiệm giám sát chất lượng công trình, cố tình gây khó dễ đã tạo nhiều khó khăn lớn đối với nhu cầu thiết yếu của người dân trong việc ổn định nơi ăn chốn ở, xác định sở hữu nhà đất..., kể cả làm ách tắc các công trình trọng điểm. Nhiều cán bộ, công chức không thông cảm với nỗi khổ của người dân phải di dời, có người vô trách nhiệm làm gần 20 hộ dân thuộc dự án mở rộng sân vận động Chi Lăng bị thiệt hại từ 5 – 50 triệu đồng, gây phản ứng gay gắt trong dân.

Ngược lại, có người nhận đút lót mà làm sai để bị kiện, có người là cán bộ địa chính mà “đạo diễn” cho dân kê khống để kiếm thêm tiền đền bù chia cho mình, móc nối với cò đất chọn lô ngon mua lại giấy đất để bán kiếm lời... Vậy mà việc quản lý, xử lý của lãnh đạo các cấp còn tỏ ra rất bất cập, đơn cử như ông Nguyễn Điểu, giám đốc Sở Địa chính – Nhà đất: “Ông bảo đuổi mấy chục cán bộ nhưng chỉ có một anh đi tỉnh khác, còn lại đều chạy từ chỗ này qua chỗ kia mà ông không biết. Chỉ biết mình hoàn thành “nhiệm vụ” đuổi, rồi thôi!”.

Kể cả với nhiều công trình thiết yếu của TP thì các cơ quan này cũng tỏ ra rất trì trệ: “Các anh không thấy xấu hổ khi Đà Nẵng là đô thị loại 1 mà tìm hoài không ra nhà vệ sinh công cộng hay sao? Không có nhà vệ sinh, người ta đi bậy ra đường làm sao phạt được? Khó gì chuyện đó mà tôi đã đích thân năm lần bảy lượt đưa các vị đi tìm đất, vậy mà mấy năm rồi vẫn chưa ra nhà vệ sinh công cộng? Khó gì cái đài hoả táng mà nói mấy năm rồi vẫn không có?

Tình trạng giết mổ lậu tràn lan khiến dân kêu không thấu trời vì ô nhiễm, vì tiếng ồn. Vậy mà nói mãi một cái lò giết mổ tập trung vẫn chưa có. Mấy anh ở Sở Thuỷ sản – Nông lâm hình như chưa bao giờ thức đêm đến mấy lò mổ tư nhân để hiểu nỗi khổ của dân ở quanh đó phải không?... Tôi tin không phải khó làm, nhưng các anh ôm nhiều quá, cứ sợ chia ra thì mình mất quyền lợi. Nhưng ôm vô mà sức không làm nổi. Vậy là mọi chuyện cứ ách tắc kéo dài”...

Hải Châu (lược thuật từ Infonet)

* Tường thuật buổi đối thoại của bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh với cán bộ và nhân dân Đà Nẵng ngày 23/7/2003.

Ông Nguyễn Bá Thanh: Mất lòng dân là mất chế độ

"Một khi cán bộ thoái hoá, biến chất như vậy sẽ dẫn đến cái mất gì nữa? - “Mất lòng dân – ông nhấn mạnh - Và một khi dân không còn tin chúng ta nữa thì cái mất thứ tư đau lòng hơn cũng rất dễ xảy ra: Mất chế độ!”

Ông Nguyễn Bá Thanh: 'Tôi nói được là làm được'

Thứ 2, 21/01/2013 | 19:11
Không chỉ đề nghị "Cán bộ phải biết tập xấu hổ", "làm việc đừng hô khẩu hiệu", ông Thanh còn tuyên bố "cảnh sát chung chi vài trăm nghìn sẽ cho về vườn". Nhiều lãnh đạo Sở cũng bị ông "truy" tới cùng trong kỳ họp HĐND.

Cách chức cán bộ kiểu Nguyễn Bá Thanh

Thứ 2, 21/01/2013 | 19:09
Cảnh cáo giám đốc Sở ngay tại kỳ họp HĐND, cách chức giám đốc BQL dự án cũng tại đó, kỷ luật một loạt các chủ tịch quận thuộc Đà Nẵng, nhưng ông Nguyễn Bá Thanh ủng hộ người bị cảnh cáo lên phó chủ tịch UBND TP này vì 'ông ấy ít cá nhân hơn' và 'không mơ mơ màng màng có lên được PCT hay không'.

Thanh tra không nên 'làm ảnh hưởng đến phong trào cách mạng'

Chủ nhật, 20/01/2013 | 12:56
Phản bác mạnh mẽ kết luận của Thanh tra Chính phủ, Đà Nẵng, trên Cổng thông tin điện tử TP Đà Nẵng, cho rằng, thanh tra giúp chỉ ra khiếm khuyết của lãnh đạo chứ 'không phải quy kết thiếu tính thuyết phục, làm ảnh hưởng đến phong trào cách mạng của Thành phố'.