Hiểm họa nóng lên cùng Trái đất

Hiểm họa nóng lên cùng Trái đất

Thứ 5, 11/04/2013 | 15:30
0
“Sự nóng dần lên của trái đất cũng nguy hiểm như vũ khí hủy diệt hàng loạt và chủ nghĩa khủng bố toàn cầu” - John Houston - chủ tịch Cơ quan Khí tượng Anh - Phó chủ tịch nhóm công tác của LHQ nghiên cứu những tác hại của sự biến đổi khí hậu.

> Muốn nhận máy tính bảng Google Nexus 7 không mất một xu nào, hãy vào đây!

Bất ngờ và không thể đảo ngược

Trong những năm gần đây, đặc biệt trong khi chính sách môi trường, biến đổi khí hậu (BĐKH) thường đề cập tới sự thay đổi khí hậu hiện nay, được gọi chung bằng hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Nguyên nhân chính làm BĐKH trái đất là do sự gia tăng các hoạt động tạo ra các chất thải khí nhà kính, các hoạt động khai thác quá mức các bể hấp thụ và bể chứa khí nhà kính như sinh khối, rừng, các hệ sinh thái biển, ven bờ và đất liền khác.

Các hoạt động sống của con người, đặc biệt là hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch (than, dầu mỏ và khí thiên nhiên), hoạt động nông nghiệp (đốt phụ phẩm sau thu hoạch, v.v...), thay đổi sử dụng đất (phá rừng, v.v...) làm sinh ra nhiều khí nhà kính hơn. Khi nồng độ khí nhà kính càng tăng làm cho quá trình giữ  nhiệt tăng lên. Hậu quả là nhiệt độ bề mặt trái đất tăng lên nhanh chóng và tạo ra các biến đổi trong các vấn đề thời tiết hiện nay.

Theo báo cáo mới nhất của Liên Hiệp Quốc (LHQ) 90%, nguyên nhân của hiện tượng BĐKH do con người gây ra, 10% là do tự nhiên. Hiện nay, nhiệt độ trung bình đã tăng lên tới 0,3 - 0,4oC trong mấy chục năm vừa qua và hiện đang có xu hướng tăng tiếp.

Theo các mô hình nghiên cứu, trong thế kỷ XXI nhiệt độ trung bình của trái đất có thể tăng từ 1,1 – 6oC, khả năng xảy ra từ 1,8 – 4oC  tùy theo sự phát thải hiệu ứng nhà kính cắt giảm đến mức độ nào để làm giảm bớt khí CO2 và các khí khác gây hiệu ứng nhà kính.

Nếu như ngay từ lúc này, nhân loại  dừng phát thải khí  nhà kính thì nhiệt độ bề mặt trái đất vẫn tiếp tục nóng lên, nước biển vẫn tiếp tục dâng lên trong vòng 50 năm nữa. Mực nước biển dâng lên từ 28 - 43cm. Nhưng có thể mực nước biển này còn cao hơn nữa tùy theo sự phát thải của hiệu ứng nhà kính và tác động của con người gây ra.

Vùng chịu ảnh hưởng của BĐKH lớn nhất của trái đất là Bắc Cực và Nam Cực, hai nơi này nhiệt độ tăng lên nhanh nhất. Sau đó đến các vùng núi cao như Himalaya, Tây Tạng... Một điều chắc chắn là vấn đề bão lũ có liên quan đến BĐKH.

Theo các nghiên cứu khoa học đã đánh giá trong những năm có hiện tượng Lanina, các vấn đề bão, mưa lũ ở Việt Nam cao hơn mức bình thường. Vấn đề này có liên quan đến hiện tượng thời tiết cực đoan và chắc chắn có liên quan đến vấn đề BĐKH. BĐKH làm cho tần suất, cường độ cực đoan của khí hậu tăng lên rất nhiều.

Việt Nam Xanh - Hiểm họa nóng lên cùng Trái đất

Bản đồ các vùng chịu ảnh hưởng nước biển dâng ở đồng bằng sông Hồng.

Theo báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ IPCC (thuộc LHQ) về BĐKH, bản báo cáo được coi là ảm đạm nhất từ trước tới nay, với lời cảnh báo rằng, tác động của tình trạng ấm lên trên toàn cầu là "bất ngờ và không thể đảo ngược", đồng thời không loại trừ bất cứ quốc gia nào.

Các nhà khoa học cho rằng để chăn chặn thảm họa BĐKH, nhiệt độ không được phép tăng hơn 2oC. Các nước giàu chỉ chiếm 20% dân số thế giới, nhưng thải tới 80% lượng khí thải toàn cầu. Theo Nghị định thư Kyoto, họ đã đồng ý cắt giảm lượng khí thải xuống ít nhất 5% dưới mức năm 1990 vào năm 2012.

Cho đến nay, các nước giàu nói chung đã chấp nhận cam kết từ nay đến năm 2020 giảm từ 11% đến 15% lượng khí thải khí nhà kính của họ so với mức của năm 1990. Liên minh châu Âu tiến bộ hơn, hứa sẽ đơn phương giảm 20% lượng khí thải trong khu vực, thậm chí giảm 30% nếu những nước khác làm theo gương của họ… Tuy nhiên, lời hứa vẫn chỉ là lời hứa.

Tàn phá như Vũ khí hủy diệt

Trong khi đó theo ước tính, chỉ trong vòng 10 - 15 năm nữa, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ vượt ngưỡng cho phép để có thể duy trì tình trạng ấm lên ở mức "chấp nhận được" như hiện nay. Một số ý kiến cho rằng, ngay cả khi lượng khí CO2 trong khí quyển dừng lại ở mức như hiện nay thì mực nước biển vẫn sẽ tăng từ 0,4m đến 1,4m. 

Trên thực tế, tốc độ thay đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn so với dự đoán của giới khoa học và tình trạng đó có thể gây nên những hậu quả đáng sợ sau nửa thập kỷ nữa - Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tuyên bố.

Theo WWF, những thảm họa thời tiết, chẳng hạn như mùa hè kinh khủng từng giết chết 35 nghìn người ở châu Âu năm 2003, sẽ xảy ra thường xuyên hơn. WWF nhận thấy Bắc Băng Dương có thể hết băng sớm hơn ít nhất 30 năm so với dự báo của IPCC. Nếu xu hướng này vẫn tiếp diễn, trong vòng 5 năm nữa chúng ta sẽ không nhìn thấy băng ở Bắc Cực vào mùa hè - điều chưa từng xảy ra trong hơn 1 triệu năm qua. Hiện tượng đó có thể mở màn cho một giai đoạn mà trong đó, các thay đổi khí hậu diễn ra nhanh chóng và bất ngờ, chứ không chậm và đều như hiện nay.

Báo cáo của WWF mang tên "Thay đổi khí hậu: Nhanh hơn, mạnh hơn và sớm hơn" cũng cho rằng, tình trạng mùa màng thất bát, lũ lụt ở Bắc Âu và hạn hán kéo dài ở Địa Trung Hải sẽ xảy ra thường xuyên. Số lượng và cường độ những cơn lốc xoáy tại Anh và nhiều nơi khác sẽ tăng lên.

Việt Nam Xanh - Hiểm họa nóng lên cùng Trái đất (Hình 2).

Sơ đồ hiệu ứng nhà kính. (Ảnh: masternewmedia.org)

Trong 15 năm trở lại đây, thiên tai đã làm chết và mất tích hơn 10.711 người, giá trị thiệt hại về tài sản ước tính chiếm đến 1,5% GDP/năm. Khi nhiệt độ toàn cầu ấm lên sẽ tạo điều kiện cho dịch bệnh cũ và dịch bệnh mới phát triển mà con người khó có thể kiểm soát được.

Dưới tác động của nhiệt, các căn bệnh đã gia tăng như: sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não (truyền qua muỗi); các bệnh đường ruột (qua môi trường nước), các bệnh suy dinh dưỡng, bệnh phổi... Những bệnh này đặc biệt ảnh hưởng lớn đến các vùng kinh tế kém phát triển, đông dân và có tỷ lệ đói nghèo cao. Dự báo mỗi năm BĐKH sẽ làm khoảng 150 nghìn người chết và 5 triệu người ốm.

Nghiêm trọng hơn, tác động của BĐKH còn có thể gây tổn thương cho hệ sinh thái. Ở Việt Nam, GS-TSKH Lê Huy Bá (Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường - ĐH Công nghiệp TP HCM) cho rằng: Sự tăng lên của nhiệt độ tác động đến các hệ sinh thái tự nhiên, làm dịch chuyển các ranh giới nhiệt của các hệ sinh thái lục địa và hệ sinh thái biển, làm thay đổi cơ cấu các loài thực vật và động vật ở một số vùng.

Chế độ nhiệt xích đạo sẽ lan rộng lên đồng bằng sông Cửu Long. Nước mặn sẽ xâm nhập sâu vào nội địa, giết chết nhiều loài động, thực vật nước ngọt của hệ sinh thái thủy sinh và ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt cho sinh hoạt cũng như hệ thống canh tác, cơ cấu cây trồng của nhiều vùng. Sự thích nghi không tốt với BĐKH đã khiến đa dạng sinh học suy giảm nghiêm trọng.

Cụ thể là theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long (Đại học Cần Thơ): Sự xuất hiện và tác động của thời tiết bất thường sẽ ảnh hưởng đến sản lượng và diện tích nuôi trồng. Người dân ở Trà Vinh, Kiên Giang chu kỳ cứ khoảng 3 - 4 năm sẽ có một đợt tôm chết hàng loạt. Thiệt hại bình quân được ước tính khoảng 215 kg tôm/ha, bằng 76% sản lượng bình quân trong năm. Và nếu nhiệt độ tăng 10C thì sản lượng tôm sẽ giảm 0,7 tấn/ha.

Đánh giá của các doanh nghiệp và Hiệp hội Thủy sản, kim ngạch xuất khẩu thủy sản bị tác động và ảnh hưởng không nhỏ của BĐKH do bị thu hẹp diện tích (12%), sản lượng (18%) và nhân tố giá cả (17 %).

Kinh tế Xanh là cứu cánh

"Nền kinh tế xanh" được Chương trình Môi trường LHQ, Ủy ban LHQ về kinh tế và xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế... xác định các yếu tố chính bao gồm: 1) Đầu tư vào vốn tài nguyên; 2) Tạo việc làm và công bằng xã hội; 3) Thay thế năng lượng hóa thạch bằng năng lượng tái tạo và công nghệ ít các-bon; 4) Khuyến khích sử dụng nguồn lực và năng lượng hiệu quả hơn; 5) Đô thị bền vững và giao thông ít các-bon; 6) Cơ chế tài chính, tài khóa; 7) Hệ thống pháp luật, chính sách hỗ trợ. Đồng thời xác định mô hình kinh tế xanh sẽ cần chuyển đổi cơ bản cấu trúc kinh tế truyền thống, giải quyết hiệu quả các thách thức về kinh tế, môi trường và xã hội của khu vực, qua tiếp cận hiệu quả sinh thái.

Mô hình kinh tế mới này ghi nhận giá trị và vai trò của đầu tư vào vốn tự nhiên. Thay vì sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nền “kinh tế xanh” sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ các-bon thấp, khuyến khích sử dụng nguồn lực và năng lượng hiệu quả hơn...

Việt Nam cũng đang áp dụng tăng trưởng xanh với 3 nội dung chính, bao gồm: tăng trưởng kinh tế tập trung vào các ngành sản xuất thân thiện môi trường; giảm suy thoái môi trường và chiến lược giảm thiểu, thích ứng kịp thời với các tác động của BĐKH.

Việt Nam muốn hướng tới nền kinh tế các-bon thấp thì cần định hướng chính sách giảm thải khí nhà kính trong 3 lĩnh vực: năng lượng, lâm nghiệp và nông nghiệp; đồng thời cần gắn mục tiêu này với các nhiệm vụ trong Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo CAND Online

Biến đổi khí hậu tạo ra các bệnh lạ ở người

Thứ 3, 09/04/2013 | 16:48
Do biến đổi khí hậu, nhiệt độ tăng cùng với lũ lụt và hạn hán đã tạo điều kiện thuận lợi cho các con vật truyền nhiễm như muỗi, ve, chuột,… sinh sôi nảy nở, truyền nhiễm bệnh gây nguy hại đến sức khỏe của nhiều bộ phận dân số trên thế giới.

Biến đổi khí hậu khiến Việt Nam 'lún sâu nghèo nàn'

Thứ 3, 09/04/2013 | 11:34
‘Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH. Trong vòng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình đã tăng khoảng 0,5 độ, mực nước biển đã dâng khoảng 20cm, thiên tai ngày càng khốc liệt’.

Kiên Giang, Gia Lai: Điểm nóng biến đổi khí hậu

Thứ 3, 09/04/2013 | 09:12
Cùng với bảy tỉnh của Thái Lan, Lào và Campuchia, hai tỉnh Kiên Giang và Gia Lai của Việt Nam vừa được liệt kê vào danh sách các địa phương bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu đe dọa sản lượng nông nghiệp lưu vực Mê Kông

Thứ 6, 05/04/2013 | 08:50
Theo kết luận của một nghiên cứu mới thuộc Dự án thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu vùng sông Mê Kông (MeKong ARCC), biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đáng kể tới sản lượng lương thực và cây công nghiệp của các nước hạ nguồn Mê Kông, bao gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam.