Hiến định nguyên tắc tranh tụng

Hiến định nguyên tắc tranh tụng

Thứ 6, 24/05/2013 | 09:52
0
Việc Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đưa nguyên tắc tranh tụng vào dự thảo đã nhận được sự ủng hộ của các chuyên gia pháp luật.

Đây sẽ là nền móng quan trọng kéo theo hàng loạt thay đổi trong BLTTHS và các văn bản dưới luật khác trong thời gian tới.

Tại một hội thảo đóng góp ý kiến về sửa đổi Hiến pháp vừa diễn ra tại TP Vũng Tàu, chánh án TAND các tỉnh, thành khu vực phía Nam đều đồng tình rằng nếu nguyên tắc tranh tụng được Hiến pháp quy định thì đây sẽ là một bước tiến lớn trong tố tụng hình sự.

Đúng tinh thần cải cách tư pháp

Theo Thẩm phán Trịnh Thị Thanh Bình (Chánh án TAND tỉnh Bến Tre), trước đây khi soạn thảo BLTTHS 2003, nhiều ý kiến cho rằng nên ghi nhận nguyên tắc này để hoạt động tranh tụng tại tòa sôi nổi hơn và thực sự có chất lượng hơn. Nhưng đáng tiếc là cuối cùng nguyên tắc này đã không được các nhà làm luật ghi nhận. Nay Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đưa vào thì có thể coi đây là một cuộc cải cách lớn. Một khi đã hiến định nguyên tắc tranh tụng thì BLTTHS và các văn bản luật liên quan sẽ phải sửa đổi theo cho phù hợp. Nguyên tắc này sẽ làm cho nền tố tụng hình sự nước ta tiến bộ hơn và phù hợp với tinh thần của cải cách tư pháp.

Rất đồng tình, Thẩm phán Nguyễn Văn Cơ (Chánh án TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng cho rằng việc đổi mới này nhằm xây dựng tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp và ngày càng hoạt động có hiệu quả hơn. Có phiên tòa tranh tụng đúng nghĩa sẽ giúp hội đồng xét xử có cơ sở để đưa ra phán quyết cuối cùng đúng người, đúng tội, không oan, sai.

Luật sư - Hiến định nguyên tắc tranh tụng

Luật sư đang tranh luận với kiểm sát viên tại một phiên tòa lưu động ở quận 10, TP.HCM.

Thẩm phán Nguyễn Thái Hiền (Chánh án TAND tỉnh Kiên Giang) thì cho rằng tăng chất tranh tụng sẽ tạo ra sự bình đẳng giữa các chủ thể tham gia tố tụng mà không làm mất đi đặc trưng của mô hình tố tụng hiện có. Tranh tụng nâng chất xét xử, mà tòa xét xử tốt thì mới hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ con người, bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nhà nước và các cơ quan, tổ chức, bảo vệ sự ổn định của xã hội và bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Đúng thời điểm

TS Nguyễn Duy Hưng (Trưởng khoa Luật Trường ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương) nhận xét việc hiến định nguyên tắc tranh tụng trong đợt sửa đổi Hiến pháp lần này là rất đúng thời điểm và mang nhiều ý nghĩa. Bởi lẽ về mặt chủ trương thì các Nghị quyết 08 và 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp đã nói từ lâu nhưng chuyển biến thực tế diễn ra khá chậm. Nếu được quy định trong Hiến pháp, hàng loạt các bộ luật, luật, văn bản dưới luật liên quan phải sửa đổi theo cho phù hợp và có giá trị thi hành bắt buộc với các chủ thể tiến hành tố tụng cũng như tham gia tố tụng.

Theo TS Hưng, về mặt pháp lý, nguyên tắc này tạo ra môi trường tư pháp theo hướng công khai, minh bạch, văn hóa tranh tụng ngày càng tốt và hiệu quả hơn. Từ tòa, VKS cho đến luật sư, bị can, bị cáo đều thấy trách nhiệm của mình trong việc tranh luận để tìm ra bản chất vụ án. Về mặt xã hội, nó tạo ra sự dân chủ trong hoạt động xét xử, tăng niềm tin của người dân về chất lượng xét xử của tòa án.

Luật sư Nguyễn Hải Vân (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng phân tích: Về bản chất, việc hiến định nguyên tắc tranh tụng đồng nghĩa với việc nâng cao quyền con người trong tố tụng hình sự. Đó là quyền được bào chữa, được đưa ra lý lẽ, chứng cứ gỡ tội, giảm nhẹ... một cách công khai, minh bạch của bị can, bị cáo. Nó sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng, hoàn thiện pháp luật tố tụng, đảm bảo quyền lợi của công dân và làm giảm tiêu cực.

Tranh tụng không chỉ là đối đáp tại phiên tòa

Các bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp trước đây chỉ quy định “nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa được bảo đảm”. Tuy nhiên, bản dự thảo sửa đổi mới nhất đã có sự thay đổi lớn khi quy định “nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”. Theo Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, việc tranh tụng không chỉ diễn ra tại phiên tòa mà rộng hơn, bao gồm cả ở các giai đoạn tố tụng khác. Quy định trong Hiến pháp nguyên tắc tranh tụng trong xét xử là cơ sở hiến định cho việc quy định cụ thể nguyên tắc này trong các luật tố tụng. Do đó, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp tiếp thu các ý kiến đóng góp và chỉnh sửa như trên.

Một số điểm mới tiến bộ khác trong dự thảo

● Việc bắt, giam giữ người do luật định (khoản 2 Điều 22).

● Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật (khoản 1 Điều 32).

● Người bị buộc tội phải được tòa án xét xử kịp thời, công bằng, công khai. Trường hợp xét xử kín theo quy định của luật thì việc tuyên án phải được công khai, trừ trường hợp vì lợi ích của người chưa thành niên hay vụ việc liên quan đến tranh chấp hôn nhân hoặc quyền giám hộ đối với trẻ em (khoản 2 Điều 32).

● Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạ m (khoản 3 Điều 32).

● Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử có quyền sử dụng trợ giúp pháp lý (khoản 4 Điều 32).

● Tòa thực hiện quyền tư pháp (khoản 1 Điều 107).

● Tòa có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân... (khoản 3 Điều 107).

● Xét xử theo thủ tục rút gọn (khoản 1, khoản 4 Điều 108).Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm (khoản 2 Điều 108).● TAND có thể xét xử kín trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật Nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ (khoản 3 Điều 108).

● Quyền bào chữa của bị can, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm (khoản 7 Điều 108).

● TAND Tối cao thực hiện việc tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử (khoản 3 Điều 109)…

Theo Thanh Tùng (Pháp luật TP HCM)

18 triệu lượt góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Thứ 6, 17/05/2013 | 09:46
Đó là tổng kết báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch tổ chức lấy ý kiến về “dự thảo sửa đổi Hiếp pháp năm 1992” của Chính Phủ.

Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ góp ý sửa đổi Hiến Pháp

Thứ 4, 27/02/2013 | 11:33
Mở đầu bài viết "Góp ý sửa đổi Hiến Pháp", luật sư Nguyễn Trọng Tỵ nêu cao quan điểm “nghĩ mở, nói thắng” với mong muốn xây dựng một bản Hiến pháp của nhân dân.

Quyền lực của Chủ tịch nước trong Hiến pháp 1946

Thứ 5, 31/01/2013 | 16:25
LTS: Bài viết của luật gia Phan Hoàng Linh nhân sự kiện Nhà nước lấy ý kiến của toàn dân nhằm sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế bằng luật

Thứ 6, 17/05/2013 | 11:54
Kiến nghị về các quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân là một trong 7 nhóm vấn đề của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp của các Bộ, ngành, địa phương quan tâm đề xuất hoàn thiện trong báo cáo kết quả lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp của Chính phủ ngày 17/5/2013.