Tiền thưởng khủng cho những trò... mua vui nhạt nhẽo

Tiền thưởng khủng cho những trò... mua vui nhạt nhẽo

Thứ 5, 04/04/2013 | 14:03
0
1 tỉ - 350 hay 250 triệu đồng, những con số khổng lồ về giá trị giải thưởng trong các gameshow truyền hình giải trí Việt Nam đang làm công chúng thực sự giật mình. Bởi nếu so với những cuộc thi mang tính trí tuệ khác trên VTV thì chẳng khác gì lấy con voi đặt cạnh con chuột.

Đến hẹn lại lên và đến mùa là có

Người ta gọi một tuần vừa qua là tuần "bão nghiêng đêm" của gameshow Việt. Bởi sau đêm đầu tiên ra mắt khá giả, cả Cặp đôi hoàn hảo và Bước nhảy hoàn vũ (hai gameshow đang rất thu hút người xem) đều xuất hiện những tranh cãi nảy lửa giữa thí sinh và ban giám khảo. Nhưng thực sự, nếu gọi đấy là bão thì dường như loại bão này đã trở thành một hiện tượng quen thuộc, đến hẹn lại lên và đến mùa là có. Ấy là thu hút dư luận bằng đủ mọi chiêu trò.

Sự kiện - Tiền thưởng khủng cho những trò... mua vui nhạt nhẽo

Đến bao giờ những cuộc thi trí tuệ mới được tôn vinh xứng đáng nhất.

Gương mặt thân quen, ngay từ lần đầu chạm ngõ đã làm người xem choáng váng với giải thưởng 100 triệu đồng dành cho người thắng cuộc sau mỗi đêm diễn và 700 triệu đồng dành cho người chiến thắng chung cuộc. Rồi như một sự sắp xếp hoàn hảo nhất, sáu nghệ sĩ tham gia đều được đăng quang ngôi vị cao nhất một lần để thưởng thức giải thưởng ấy. Nhạt nhẽo và thiếu sáng tạo có lẽ là điều dễ thấy nhất ở số đông các thí sinh tham gia chương trình này. Vì vậy mà, một Phương Thanh dù cố gắng biến hoá hết hình ảnh này sang hình tượng kia vẫn không làm thay đổi được sự cũ kĩ và lối diễn quen thuộc, nhàm chán ở chị. Chưa kể đến giọng hát đã thực sự xuống dốc với đầy lỗi chênh, phô của ca sĩ "Trống vắng" một thời. Người ta nói, Phương Thanh đã hết thời chạy show nên chị lựa chọn các gameshow như một cách níu kéo và hâm nóng tên tuổi của mình. 

Thảm hoạ gameshow của năm 2013 phải kể đến Cặp đôi hoàn hảo. Nếu ở lần tổ chức thứ nhất, chương trình này đã gây khá nhiều bất ngờ, thú vị thì ở lần thứ hai, mọi tính toán của nhà tổ chức thực sự bị đổ bể. Hiện tượng thí sinh "vỗ mặt" giám khảo, công khai cãi tay đôi, thậm chí thách thức cả về vấn đề chuyên môn được xem là cái đáy thảm hại của chương trình giải trí thực tế này. Chưa dừng lại ở đó, việc cho thí sinh gắn mác bao bì nhà tài trợ (thương hiệu mì ăn liền hảo hảo) lên trang phục biểu diễn đã gây nên nhiều phản cảm. Một lãnh đạo của Cục Văn hoá cơ sở cho rằng, đây là hành động thương mại lộ liễu, thái quá cần được lên án và ngăn chặn. Cùng chung số phận với Cặp đôi hoàn hảo, Bước nhảy hoàn vũ mùa thứ 4 đang gây nhiều thất vọng vì kịch bản và format cũ kỹ. Chưa hết, mới đây, sau đêm thi thứ 2, một nghệ sĩ tham gia cuộc thi đã đăng đàn tố cáo ban tổ chức dàn xếp kết quả trắng trợn.

Nhảm nhí, ồn ào, tạo chiêu trò không đáng có nhưng xét một cách công bằng, các gameshow đã thực sự thành công ở góc độ mua vui, giải trí. Chỉ có điều, cái làm người xem băn khoăn ấy là giải thưởng.

Sự kiện - Tiền thưởng khủng cho những trò... mua vui nhạt nhẽo (Hình 2).

Nghệ sĩ hồn nhiên gắn logo nhãn hiệu nhà tài trợ trong một tiết mục biểu diễn

Giải thưởng bé cho những cái đầu lớn

Thử làm một phép so sánh đơn giản về con số giá trị giải thưởng giữa các gameshow giải trí và những chương trình mang tính trí tuệ, sẽ thấy một sự thật đau lòng rằng, sự chênh lệch này là quá lớn.

Olympia với lịch sử 13 năm, được xem là cuộc thi trí tuệ lớn nhất Việt Nam nhưng giải thưởng tuần cho thí sinh về nhất chỉ vẻn vẹn có bốn triệu đồng, cao hơn một chút ở cuộc thi tháng là 6 triệu đồng và 25 triệu đồng ở thi quý. Giải nhất 35.000 USD tương đương với 730 triệu đồng được xem là tương đối có giá trị. Nhưng để chạm đến được cột mốc chói lọi này, các em học sinh đã trải qua bao nhiêu phần thi trí tuệ với tính chất đấu trí đầy cam go, quyết liệt, ngoài sự thông minh trời cho. Dĩ nhiên, nếu chiến thắng, các em sẽ được tôn vinh, được đội vòng nguyệt quế, được chạm đến giấc mơ ngời sáng trong tương lai. Nhưng nếu thất bại, ngoài những trải nghiệm, giải thưởng bèo bọt đôi khi không thể trở thành một niềm an ủi dù là nhỏ nhoi. 20 triệu đồng hay 10 triệu đồng cho các giải nhì, ba một cuộc thi trí tuệ. Và 50 triệu đồng cho một cặp đôi thí sinh (trong gameshow Cặp đôi hoàn hảo) phải rời cuộc thi chỉ sau 3 đêm tham gia trình diễn? Đó có phải là một bi kịch? Một sự chênh lệch xót xa giữa giải trí và trí tuệ?

Robocon Việt Nam vô địch giải châu Á Thái Bình Dương cũng chỉ có 150 triệu đồng chia đều cho cả đội gần 10 người. Năm 2010, giải nhất ĐH Lạc Hồng có tổng giá trị giải thưởng là 60 triệu đồng bao gồm công ty ô tô Toyota: 10 triệu đồng, UBND tỉnh Đăk Lăk: 10 triệu đồng và đơn vị tổ chức VTV: 40 triệu đồng và 1000 USD từ ABU (Hiệp hội phát thanh truyền hình châu Á - Thái Bình Dương). Giải nhì còn bèo bọt hơn với tổng giá trị là 25 triệu đồng. Các giải thưởng khác đều có đồng giá trị giải thưởng là 10 triệu đồng.

Từng chứng kiến một cuộc thi Robocon toàn quốc, người viết thấy được sự vất vả của những thành viên tham gia. Một sinh viên thuộc đội tuyển Robocon trường ĐH Lạc Hồng chia sẻ: "Tai nạn trong quá trình làm robot là chuyện đã trở thành bình thường, khó có thể tránh khỏi. Việc nghiên cứu và thực nghiệm robot phải hoàn toàn bằng tay nên chúng tôi bị thương khá nhiều. Việc đứt tay, cháy mặt... thì hầu như bạn nào cũng gặp. Có bạn lần đầu tiên hàn kim loại bị cháy tay, lửa bắn vào mặt... Việc học trên lớp xen kẽ với thời gian thử nghiệm robot cực kì vất vả. Nếu không có lòng đam mê với những chú robocon có lẽ chúng tôi đã phải bỏ cuộc từ lâu. Phải rất khó khăn chúng tôi mới cân bằng được giữa việc học và công việc chế tạo robot. Trong một lần chạy chương trình, robot không may bị "treo" phần mềm, lúc đó tôi không thể điều khiển kịp vì robot đang chạy với tốc độ rất cao. Vậy là cả người thật và người máy đều lao thẳng vào lồng. Robot thì bị vỡ con lăn, gãy tay còn người thì máu me tùm lum".

Bàn về các gameshow giải trí, GS. Văn Như Cương chia sẻ với PV: "Các chương trình giải trí thực tế đang khiến truyền hình trở nên nhảm nhí. Bởi nghệ sĩ xuất hiện trên kênh truyền thông lớn nhất quốc gia nhưng ăn mặc quá lố lăng, nói năng phản cảm. Chưa kể đến việc lạm dụng quảng cáo để kinh doanh, thương mại. Mới đây, trong cuộc nói chuyện với các đoàn viên thanh niên, tôi đã bày tỏ quan ngại về lối sống và suy nghĩ của người trẻ bây giờ. Họ sẵn sàng đội mưa đội gió, quên ăn, quên ngủ để đi đón hay tranh nhau hôn hít một anh chàng, cô nàng diễn viên, ca sĩ Hàn Quốc nào đó nhưng lại chẳng mấy để ý đến một người đầy nghị lực sống như Nick Vujicic đến Việt Nam. Điều đó là đáng buồn và đáng báo động. Các em đang thiên về lối sống hào nhoáng, chỉ coi trọng cái bề nổi mà quên mất bề chìm. Nếu biết coi trọng giá trị thật thì các em đã không điên cuồng như thế với những cô ca sĩ, diễn viên mà vẻ đẹp của họ hoàn toàn là nhân tạo".

Ở góc nhìn khác, tiến sĩ Nguyễn Kim Dung, phó viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục, ĐH SP TP.HCM bày tỏ: "Lứa tuổi thanh thiếu niên có sự quan tâm đa dạng là điều bình thường. Chương trình nào thu hút được các em dĩ nhiên đều có lí do của nó. Theo tôi, sự quan tâm nào, dù là âm nhạc, hội hoạ, giáo dục, thể thao cũng đều rất chính đáng. Điều quan trọng là phải xem xét đến mục đích của mỗi chương trình. Bài toán này phải do các nhà quản lý thực hiện. VTV góp một phần trong việc định hướng đó. Giải trí trên truyền hình là đúng nhưng chúng ta đừng lạm dụng, đừng thái quá để đến một lúc nào đó sự nhảm nhí sẽ lấn át những giá trị trí tuệ".                 

Phải có một cuộc điều tra về vấn đề này

GS. Văn Như Cương cho rằng:"Các trò chơi giải trí truyền hình đang gây tốn quá nhiều thời gian. Ngoài ra, tất cả nội dung, kịch bản, ban giám khảo, kết quả, giải thưởng luôn có vấn đề. Kể cả thi hoa hậu, một cuộc thi bậc nhất về nhan sắc, đạo đức thì vẫn tồn tại một cách làm thiếu văn hoá. Trong khi các cuộc thi như Olympia hay Robocon rất cần thiết thì công sức, thời gian đầu tư chưa nhiều. Cũng có nhiều chương trình ôn thi trên VTV2 nhưng chưa thực sự hấp dẫn. Chưa có nghiên cứu thống kê nào về xã hội học đưa ra con số những người tham gia xem chương trình đó là bao nhiêu. Chúng ta nhất thiết phải có một cuộc điều tra về vấn đề này".

> Những ca sỹ xấu 'dã man' nhưng vẫn thành danh

Đào Bích

Sao Việt: 'Nhẵn mặt' gameshow, thất bát giải thưởng

Thứ 2, 04/03/2013 | 17:02
Ngày càng nhiều cuộc thi dành riêng cho sao Việt nhưng cũng có nhiều người ra về “trắng tay” tại các cuộc chơi này.

Chuyện "cười ra nước mắt" của gameshow

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
Được một lần "chường mặt" lên truyền hình cho làng nước thấy mình oách như thế nào là mơ ước giản dị của không ít người dân, chẳng kể nông thôn hay thành thị.

Gameshow trên VTV3 bị tố “quỵt” tiền thưởng

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:05
Hà Nội 36 phố phường là Gameshow “hoành tráng” chào mừng 1.000 năm Thăng Long Hà Nội. Tuy nhiên, chương trình kết thúc đã hơn nửa năm nhưng tiền thưởng của người chơi thì mãi không thấy đâu.