Nghề thời thượng cứu nguy cặp đôi hiếm muộn

Nghề thời thượng cứu nguy cặp đôi hiếm muộn

Thứ 2, 12/08/2013 | 07:03
0
Du lịch y khoa tại Tây Ban Nha ngày một nở rộ trong những năm gần đây, mặc dù đất nước này đang phải trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất.

"Trứng không cho sẽ mất"

Năm 2008, khi ngành xây dựng của Tây Ban Nha đứng trước tình trạng sụp đổ, chồng của cô Monica Campos buộc phải ngừng kinh doanh và bán những chiếc ô tô sang trọng. Hai vợ chồng mất khả năng trả tiền cầm cố căn nhà và khu vườn ở Macanet de la Selva. Ngân hàng đe dọa, sẽ tịch thu tài sản thế chấp và gia đình Campos có nguy cơ phải sống cuộc đời tiếp theo là vô gia cư.

Đứng trước tình cảnh không có tương lai, Campos đã tìm đến một bệnh viện phụ sản tư nhân ở Granollers, gần thành phố Barcelona, nơi tiếp nhận hiến trứng. Cô cho biết, đó là lần đầu tiên cô kiếm tiền bằng chính cơ thể của mình. Mỗi chu kỳ hiến trứng, Campos nhận được chưa đến 1.000 euro (đồng tiền châu Âu - PV).

Tuy số tiền không nhiều, nhưng đối với Campos, số tiền đó đủ giúp gia đình chị phần nào chống chọi được với cơn khốn khó về  tài chính. Theo quy định của pháp luật Tây Ban Nha, một người phụ nữ chỉ được phép hiến trứng nhiều nhất là 6 lần, tuy nhiên, Campos đã hiến đến 14 lần trong vòng chưa đầy hai năm và cô kiếm được khoảng 10.000 euro.

Lạ & Cười - Nghề thời thượng cứu nguy cặp đôi hiếm muộn

Bệnh viện Dexeus

Cùng lúc đó, một người phụ nữ Đức sống ở thành phố Freiburg cũng khốn đốn chiến đấu với một khó khăn khác: Cô muốn mang thai nhưng không được toại nguyện. Sau nhiều lần thụ thai tự nhiên thất bại, người phụ nữ 40 tuổi này quyết định bay đến Barcelona (Tây Ban Nha) với hy vọng sẽ được làm mẹ. Tại bệnh viện Clinica Eugin, các bác sĩ giúp người phụ nữ Đức thụ thai nhờ trứng hiến và tinh trùng của chồng.

Tại Đức, việc thụ thai kiểu này là bất hợp pháp, còn tại Tây Ban Nha, đây là biện pháp nhân đạo và hoàn toàn được chấp nhận. Câu chuyện của hai người phụ nữ không hề liên quan đến nhau nhưng nếu nhìn lại ta sẽ thấy, cả hai câu chuyện đều xảy ra tại Tây Ban Nha và cùng là "sản phẩm" của cuộc khủng hoảng cá nhân.

Các kỹ thuật thụ tinh nhân tạo tiên tiến nhất được phát triển mạnh mẽ ở Tây Ban Nha và được luật pháp thông qua vào năm 2006. Bởi vậy, rất đông những phụ nữ hiếm muộn đã tìm đến đây với hy vọng có cơ hội thực hiện thiên chức thiêng liêng là làm mẹ. Hiện nay, các bệnh viện phụ sản ở Tây Ban Nha có nhu cầu trứng hiến tặng rất lớn. Và, khi Tây Ban Nha rơi vào cuộc khủng hoảng đồng euro, dẫn đến tỉ lệ thất nghiệp tăng cao thì ngày càng có nhiều phụ nữ sẵn sàng hiến trứng để có thu nhập.

Tất nhiên, những phụ nữ hiến trứng buộc phải xét nghiệm các bệnh di truyền cũng như những khiếm khuyết di truyền. Họ được xét nghiệm máu, điện tâm đồ và đánh giá tâm lý. Sau đó, cứ hai tuần một lần, người hiến trứng được chỉ định tiêm hormone để kích thích rụng trứng và sinh trứng. Khi trứng chín, các bác sĩ sẽ tiến hành thu hoạch 6 trứng một lần.

Theo Coroleu Lletget - Trưởng khoa Dịch vụ sinh sản bệnh viện Dexeus, hiện tượng hiến trứng nhiều cũng có mặt tích cực vì nó cung cấp cho các bác sĩ một kho trứng hết sức phong phú để có sự lựa chọn phù hợp giữa cho và nhận, về nhóm máu, màu da, mắt hay tóc, cũng như chiều cao và cân nặng. Ông Lletget giải thích: "Chúng tôi rất khắt khe ở giai đoạn chọn lọc người cho trứng. Chỉ có 35/100 phụ nữ được chấp nhận hiến trứng và 1/3 trong số họ là sinh viên đại học.

Viện Y khoa Marques ở Tây Ban Nha đã có các chương trình quảng cáo đến các trường đại học với thông điệp hết sức ấn tượng: "Cái gì không cho sẽ bị mất. Trứng cũng vậy!". Để đảm bảo phụ nữ không hiến tặng một phần cơ thể mình vì lý do tài chính, một buổi thẩm tra giữa người cho trứng và chuyên gia tâm lý học cũng được tổ chức. Các bác sĩ đã giải thích kỹ lưỡng về nguy cơ đối với sức khỏe và yêu cầu phụ nữ hiến trứng ký tên vào một bản hợp đồng cam kết sự minh bạch về tài chính giữa hai bên.

Lạ & Cười - Nghề thời thượng cứu nguy cặp đôi hiếm muộn (Hình 2).

Trưởng Khoa Dịch vụ sinh sản bệnh viện Dexeus

Hậu quả khôn lường

Vì miếng cơm, manh áo, Monica Campos tích cực hiến trứng trong gần hai năm, khiến sức khỏe của chị dần suy sụp. Hậu quả là hai buồng trứng của chị không còn đủ sức sản sinh ra trứng nữa. Campos đã tự tiêm cho mình liều hormone cao nhất để kích thích mọc trứng nhưng kết quả lại không như mong muốn. Bụng Campos phình ra như chứa đầy nước chứ không hề sinh thêm trứng. Cô không hề biết rằng, đó là sự kết thúc các chu kỳ hiến trứng của mình.

Ba năm sau lần tiêm hormone cuối cùng, bác sĩ chẩn đoán Campos bị nở rộng hai buồng trứng một cách bất thường. Năm 2010, Campos bị chứng rối loạn gây đau cơ tên gọi fibromyalgia, căn bệnh khiến chị đau đớn kinh niên về thể xác lẫn tinh thần. Cuộc hôn nhân của chị cũng có nguy cơ tan vỡ.

Hy vọng cuối cùng cứu vãn hai vợ chồng Campos là ngân hàng cho họ tạm ngưng trả nợ. Vì không thể tiếp tục hiến trứng, Campos quyết định trở thành người mẹ mang thai hộ dù rằng, ở Tây Ban Nha, việc làm này bị cấm. Các cặp vợ chồng giàu có ở Mỹ thường sẵn sàng trả đến 150.000 USD (khoảng 110.000 euro) để thuê bụng. Campos không ngại ngần mà thú thật: "Nếu một cặp vợ chồng giàu có cung cấp cho tôi một con đường để sống thì tôi sẽ mang thai đứa con của họ ngay".

Campos cho biết, những trường hợp đi hiến trứng ở nhiều nơi như cô thường xảy ra bởi các bệnh viện Tây Ban Nha không có dữ liệu chi tiết về những phụ nữ hiến trứng. Elisabeth Clua, nữ chuyên gia sinh học ở Dexeus tiết lộ, bệnh viện này chỉ được xem qua các bệnh án của một bệnh viện khác nếu có sự cho phép của người hiến trứng. Do không muốn bị đánh giá và trục lợi nhờ khủng hoảng kinh tế nên các bệnh viện đã chuyển sang hình thức hiến trứng khác hợp pháp hơn.

Ví dụ, cô hầu bàn Tania Lorenzo (33 tuổi) có mái tóc màu đồng và nước da trắng, rất thích hợp với một số phụ nữ người Anh có nhu cầu. Cô đến bệnh viện hiến trứng nhưng dưới hình thức hiến máu. Nhờ vậy, cô có thể đàng hoàng ra vào bệnh viện mà không bị "hỏi thăm".

Dường như, hiến tặng trứng đang trở thành "nghề" thời thượng đối với những người phụ nữ đang gặp khó khăn về tài chính ở Tây Ban Nha. Hiện nay, Tây Ban Nha được đánh giá là nước dẫn đầu châu Âu về hiến trứng cũng như cấy ghép trứng và các bộ phận trong cơ thể con người.

Tây Ban Nha đứng đầu châu Au về hiến trứng

Theo một báo cáo, chỉ riêng năm 2012, bệnh viện Clinica Eugin (Tây Ban Nha) đã thực hiện hơn 3.000 chu kỳ hiến trứng, chiếm 10% so với toàn châu Âu. Một trong những ngân hàng trứng, tinh trùng và phôi thai lớn nhất châu Âu cũng đã được thành lập tại Tây Ban Nha. Mỗi ca cấy ghép trứng hiến tặng có giá khoảng 10.000 euro ở Tây Ban Nha và có thể đắt hơn nhiều lần khi thực hiện ở Anh hay Đan Mạch.

An Mai (Theo Spiegel)

Hiến tinh 7 năm mới biết mình có hàng trăm đứa con

Thứ 7, 27/04/2013 | 07:25
Một luật sư 56 tuổi đang vô cùng đau khổ vì đã “gieo giống” bừa bãi thời trai trẻ nghèo khó.

Ngày nào cũng đòi hiến tinh để... tạo 'mầm tốt' cho xã hội

Thứ 2, 18/03/2013 | 14:59
Nhiều quý ông lao vào bán tinh trùng với lý do để biết ‘mùi đời’, thõa mãn sĩ diện với bạn bè hay ngây ngô tưởng rằng sẽ được làm ‘chuyện ấy’…

Vụ kiện người hiến tinh trùng hi hữu trong ngành y

Chủ nhật, 17/03/2013 | 12:48
Một vụ kiện gần đây tại nước Mỹ khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng bởi bị đơn chính là một người hiến tinh trùng tốt bụng.

Có tiền lại chẳng mất gì, nam sinh 5 lần bán tinh trùng

Thứ 2, 18/03/2013 | 13:31
Lấy số điện thoại trên mạng, tôi gọi điện cho T. người tự giới thiệu là sinh viên, muốn giúp đỡ những người hiếm muộn sinh con.

Góc khuất của những chàng rao bán tinh trùng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:59
Một đêm, đang mò mẫm lang thang trên mạng, tôi truy cập vào diễn đàn trên trang web hiemmuon..., phát hiện ra có rất nhiều người rao bán... tinh trùng. Bất ngờ và có chút tò mò, tôi bấm vào google, tìm kiếm bán tinh trùng, nhiều lời rao cùng nội dung hiện lên.

Mua bán tinh trùng, phạm pháp và rước họa HIV

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:09
"Người nhận tinh trùng nếu không qua các khâu kiểm tra, xét nghiệm chặt chẽ từ người cho thì có thể đứng trước nguy cơ mắc các bệnh như HIV, con sinh ra có thể mắc các bệnh di truyền...", bác sĩ Lê Tấn Cảnh, khoa Hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ cho biết.