"Hiệp sĩ công nghệ thông tin" Nguyễn Công Hùng như tôi biết

Thứ 2, 07/01/2013 | 09:42
0
Tôi gọi anh là anh như cái cách người ta vẫn thường gọi anh trai của mình. Tin về anh, "hiệp sĩ công nghệ thông tin" Nguyễn Công Hùng đột ngột ra đi khiến những người yêu mến anh như tôi, những người đã bị anh cảm mến bằng nghị lực của bản thân không khỏi bàng hoàng. Một ngọn lửa tắt nhưng hơi ấm và hình ảnh của nó thì vẫn còn cháy trong lòng những người còn lại.

Ngày chia ly...

Nhận được tin anh mất, tôi không tin được vào mắt, vào tai mình. Gọi điện cho em gái Hùng là Thảo Vân cũng chỉ nhận được một câu trả lời: "Vân cũng không biết tại sao...". Có lẽ trong giờ phút ấy, tất cả những người yêu quý Hùng đều cùng có chung một tâm trạng, một sự ngơ ngác và không tin vào sự thật. Nhưng sự thật là "Ngọn lửa hiệp sĩ" Nguyễn Công Hùng đã tắt.

Lần cuối gặp anh cách đây cũng chỉ độ hơn một tuần, anh hẹn tôi một cái hẹn gọi là "hẹn hò", vẫn cười tươi như chưa từng bị số phận nghiệt ngã đi qua. Tôi biết anh thích đi và ham đi. Những chuyến đi từ thiện của anh vẫn kéo dài từ Nam chí Bắc, từ đông sang hè. Anh đến với những em nhỏ, những người già cả, khuyết tật, những đồng bào ở vùng sâu, vùng xa. Nhìn vào lịch đi kín mít và những dự định của anh, ít người tin được anh là một người khuyết tật dạng nặng. Thế nhưng anh đã luôn sống cao hơn cái bóng của mình.

Công nghệ - 'Hiệp sĩ công nghệ thông tin' Nguyễn Công Hùng như tôi biết

Thời gian trước, Hùng đã có sự chia sẻ với bạn bè và những người quen biết rằng anh đang muốn viết lại hồi kí của cuộc đời mình. Có lẽ anh đã linh cảm thấy sự ra đi của mình đã không còn xa nữa. Chưa được cầm cuốn hồi kí của anh trên tay, chưa đọc được những tâm sự của một đứa trẻ khuyết tật ở một vùng quê còn nhiều cổ hủ, những khao khát về một cơ thể bình thường như bao đứa trẻ khác, những nỗi buồn của một chàng thanh niên và những bất lực của một người nhiều đam mê và khát vọng nhưng tôi đã cảm nhận được một phần những điều mà anh đã trải qua. Sự sẻ chia cũng đã trọn, điều còn lại khiến anh áy náy nhất vẫn là người bạn đời tri kỉ của mình. Không một đám cưới, không một sự chứng nhận của pháp luật nào nhưng chị đã luôn bên anh, động viên và chăm sóc anh những khi trái gió trở trời. Anh gọi chị là "người tình" bởi vì đã là người tình thì không chỉ có tình yêu mà còn có cả tình tri kỉ. Người con gái xinh đẹp và khoẻ mạnh như biết bao người phụ nữ bình thường khác đã hiểu và đã cảm mến anh, đã yêu anh bất chấp những lời dèm pha, những bóng gió của người đời. Anh sợ khi anh mất, nỗi buồn sẽ để lại cho chị.

Đọc những dòng tin nhắn của chị cho một người bạn, tôi bật khóc: "Anh ấy lịm dần trên tay, khi con đang bồng anh ấy. Anh ấy đi sau khi nói rằng "Anh yêu em" rất nhiều, bây giờ anh thấy yếu đi nhiều, anh muốn được đi với em, lần cuối cùng". Linh cảm về sự ra đi của mình, anh và chị đã cùng nhau thực hiện một chuyến du lịch dài về những miền đất có nhiều kỉ niệm với hai người. Sau khi thăm Sài Gòn, anh muốn được đi miền Tây. Thậm chí cả chị cũng không có bất kì biểu hiện nào lạ ở anh, không một lời than mệt mỏi cũng như ốm đau gì. Anh đã ra đi nhẹ nhàng trong vòng tay của chị, người phụ nữ mà chúng tôi vẫn thường gọi với cái tên Việt là Phương.

Anh chị quen nhau, đến với nhau cũng qua những chuyến đi từ thiện, cùng chung niềm thương cảm với những mảnh đời còn khốn khó. Người con gái đến từ đất nước triệu voi ấy cũng đã vì tình yêu của mình mà dần hoà nhập với cuộc sống người Việt từ lời ăn, tiếng nói cho tới tập quán, lễ nghi. Nhìn chị, ít người tin được chị không phải người Việt cũng như cái cách mà người ta thấy kì lạ về cuộc tình của họ.

Lần tìm lại những bức ảnh chung của hai người mà tôi may mắn có được, tôi như đông cứng trước lời nhắn của chị dành cho anh: "Em vừa nhận được tin anh vừa qua Phan Thiết. Lâu nay anh ở đâu, làm gì anh đều nói với em. Hôm nay em ngồi và đợi hành trình của anh đi qua người khác... Em đang rất nhớ anh"...

Công nghệ - 'Hiệp sĩ công nghệ thông tin' Nguyễn Công Hùng như tôi biết (Hình 2).

“Hiệp sĩ công nghệ thông tin” Nguyễn Công Hùng.

Nụ cười rạng rỡ qua những bão giông

Tôi gặp anh lần đầu đúng vào ngày 8/3, ngày Quốc tế Phụ nữ. Hẹn anh ở căn hộ chung cư nhỏ ở Linh Đàm, cũng là nơi trung tâm Nghị Lực Sống đặt trụ sở làm việc. Dù đã chuẩn bị tinh thần trước nhưng khi xuống đến nơi, tôi không tránh khỏi sốc khi nhìn thấy những con người nơi đây. Họ đa phần đều là những người khuyết tật khiến tôi bất giác phải nhìn lại mình rồi quay đi.

Ngày lễ nên từ sáng, Hùng đã cùng mọi người xuống dưới nhà mua đồ, chuẩn bị mọi thứ để chúc mừng chị em. Tôi bất ngờ bởi nụ cười của anh, nụ cười bừng sáng tên gương mặt và vầng trán cao. Cơ thể anh nhỏ bé, lọt thỏm trên chiếc xe lăn đã cũ màu thời gian. Mọi sinh hoạt của Hùng đều phải nhờ vào sự chăm sóc của người khác. Người bạn bế anh ra khỏi chiếc xe, trông anh lại càng nhỏ bé. Những lần gặp sau, nhiều lần tôi ngỏ ý muốn giúp anh di chuyển, nhưng anh phải lắc đầu: "Nếu người không quen thì không làm được".

Hùng ngồi trên giường, bàn tay đặt trên chuột, anh chỉ dùng một ngón để điều khiển tất cả những hoạt động trên máy. Thấy tôi ngạc nhiên, anh bảo xoay màn hình máy lại, quả nhiên với bàn phím ảo, anh vẫn thực hiện những bước lập trình cơ bản một cách dễ dàng. Rồi Hùng kể cho tôi  nghe câu chuyện cuộc đời mình. Có lẽ, cũng đã nhiều lần anh bị báo chí "soi" nên hỏi gì, anh cũng chỉ cười. Bất ngờ, Hùng xoay sang hỏi ngược lại về tôi, về cách sống, về những mối quan tâm. Anh chê tôi sống nhàm chán và tự thu hẹp mất những đam mê. Anh khiển trách tôi yếu mềm và mất niềm tin trong cuộc sống. Có lẽ, chưa một phóng viên nào lại bị nhân vật soi ngược trở lại như thế, nhưng cái cách mà anh "soi" không khỏi khiến tôi xúc động. Đó là cái cách của một người anh đang nhìn vào một đứa em nhỏ đang cần một lời bảo ban.

Hùng hơn tôi nửa giáp, em gái anh là Thảo Vân thì bằng tuổi, cả hai đều là những người được công chúng biết đến nhiều vì những đóng góp cho cộng đồng người khuyết tật. Sinh ra vốn không may mắn mắc phải bệnh hiểm nghèo từ nhỏ, cơ thể Hùng và Vân không được đầy đặn như bạn bè cùng lứa, càng lớn lên lại càng nhỏ lại, đúng với cụm từ "da bọc xương". Vậy mà con người ấy đã biết vượt lên trên số phận, tạo dựng cho mình được một cái nghề riêng với chiếc máy tính mà cha mẹ đã chắt chiu dành dụm được. Khi đã thành nghề, anh lại mở lớp dạy cho những đứa trẻ khuyết tật xung quanh. Năm 2006, Hùng "đơn thương độc mã" một thầy, một trò ra Hà Nội tìm cho mình một chân trời mới. Anh ấp ủ trong lòng mình một ước muốn ấm áp mà đầy hoài bão sẽ làm được  một điều gì đó cho những người như mình...

Đó là câu chuyện của những năm về trước, trước khi Nghị Lực Sống trở thành một thương hiệu trong cộng đồng người khuyết tật, trở lại với thời điểm lần đầu tiên gặp anh, là một người đã từng đi nhiều, thấy nhiều nhưng câu chuyện của anh cứ cuốn tôi vào. Tôi không thấy anh buồn mà trong nụ cười lấp lánh hi vọng và niềm vui. Anh kể nhiều về những giấc mơ, hỏi về những chuyến đi như để hướng tôi khỏi những câu chuyện buồn vô tình chạm phải. Rồi anh lại kể tiếp về những người bạn của mình, những người anh quen thân và cả những người anh chỉ gọi là biết. Hùng cho tôi xem cuốn sách ảnh "Họ đã sống như thế" về 90 nhân vật khuyết tật đã sống và vượt lên số phận của mình. Bất ngờ tôi dừng lại trước cái tên của hoạ sĩ Trịnh Long, nguyên là giảng viên trường đại học mỹ thuật Yết Kiêu. Anh Long vốn là một người bạn trời xa, một người tôi đã từng gửi gắm nhiều tâm sự và nhận được những lời động viên trong những ngày khó khăn. Cả Hùng và tôi đều nói nhiều về Long với những câu chuyện của riêng mình. Tôi thực sự bất ngờ trước cái tin anh mất. Anh mất vào mùa xuân, viêm phổi nặng rồi qua đời bình yên trong giấc ngủ. Đó là sự lý giải vì sao những dòng tin nhắn, những bức thư điện tử gửi đi mãi không một lời hồi âm lại. Tôi đã tưởng anh giận tôi, rằng anh đã quên tôi. Giấu sự nghẹn ngào trong lòng, tôi từ biệt Hùng như một sự trốn chạy.

Trên đường về, không giấu nổi giọt nước mắt vì thương bạn, giận hờn về sự vô tâm của mình..., tôi đã nhắn tin cho Hùng. Ít phút sau, anh nhắn lại với lời động viên chân thành: "Sự sống cái chết đều mong manh vàâ hữu hạn lắm em. Không ai biết được ngày mai sẽ thế nào nên ngày hôm nay hãy cứ cười mà sống em ạ! Như anh đây, cũng đang bị viêm phổi, chắc cũng không còn lại được bao lâu". Tôi lại khóc, khóc vì thương anh, vì quá đau lòng và lo sợ cái ngày mà anh nói sẽ sớm đến. Cuộc sống của những người như tôi, đã để qua quá nhiều thời gian và cơ hội, để cho những người như anh phải tận dụng đến từng khoảnh khắc một...                 

Đỗ Huệ

Cuộc đời ngắn, dấu ấn dài của 'hiệp sĩ' Nguyễn Công Hùng

Thứ 5, 03/01/2013 | 10:00
Sinh ra rồi lớn lên với bệnh nhão cơ, ra đi ở tuổi 30 nhưng anh đã làm được những điều mà hàng triệu người không thể thực hiện được.

Vĩnh biệt Hiệp sĩ CNTT Nguyễn Công Hùng

Thứ 3, 01/01/2013 | 09:45
Hiệp sĩ CNTT Nguyễn Công Hùng vừa đột ngột qua đời hôm qua, 31/12/2012, trên đường từ TP.HCM đi Vĩnh Long trong dịp nghỉ Tết.