Hiệu quả từ mô hình nhà trường - doanh nghiệp

Hiệu quả từ mô hình nhà trường - doanh nghiệp

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:56
0
Để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường hiệu quả công tác nghiên cứu và đem lại nguồn thu cho nhà trường, trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã được thành công đáng kể trong việc áp dụ mô hình nhà trường doanh nghiệp.

Bộ GD&ĐT và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vừa tổ chức Hội thảo – tọa đàm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã tham dự.

Tại Hội thảo GS. Nguyễn Trọng Giảng – hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, mô hình nhà trường – doanh nghiệp thực hiện tại Đại học Bách khoa Hà Nội được điều hành một cách linh hoạt đã đem lại những giá trị tích cực, không những góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường hiệu quả công tác nghiên cứu mà còn đem lại cho nhà trường một nguồn thu đáng kể.

Xã hội - Hiệu quả từ mô hình nhà trường - doanh nghiệp

Ảnh minh họa

GS.Nguyễn Trọng Giảng cho biết, nhằm đổi mới cơ bản, toàn diện giáo dục ĐH tại ĐH Bách khoa Hà Nội, trường đã thực hiện đổi mới mô hình, cơ cấu tổ chức nhà trường là trường ĐH đa ngành, đa lĩnh vực; đồng thời đang tích cực triển khai đổi mới cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý, chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị chuyên môn tại các học viện, các viện và trung tâm nghiên cứu; xây dựng hệ thống văn bản pháp quy, các quy trình quản lý, quy chế nội bộ cho các đơn vị để có thể từng bước phân cấp tự chủ và tự chịu trách nhiệm.

Theo đó, nhà trường thực hiện đổi mới cơ bản mô hình đào tạo theo hướng hội nhập quốc tế; đa dạng hóa chương trình đào tạo…Trường cũng đã thực hiện triển khai đổi mới một cách cơ bản cơ chế quản lý và triển khai các hoạt động khoa học của nhà trường; thực hiện cải cách quản lý tài chính, sử dụng và khai thác tài sản công

PGS Hoàng Minh Sơn – trưởng phòng Đào tạo đại học (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho rằng, đổi mới căn bản và toàn diện phải bắt đầu từ đổi mới các quan niệm cơ bản về hệ thống bằng cấp, mô hình đào tạo và cấu trúc hệ thống giáo dục ĐH. Tự chủ đại học và môi trường cạnh tranh bình đẳng phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống, tạo nền tảng vững chắc và là động lực cốt yếu để hệ thống giáo dục đại học tự đổi mới toàn diện.

PGS. Đinh Văn Phong – trưởng phòng Khoa học & Công nghệ đặt vấn đề nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong quá trình đổi mới giáo dục đại học; PGS. Nguyễn Cảnh Lương – bí thư Đảng ủy – phó Hiệu trưởng nhà trường đặt vấn đề tự chủ đại học là điều kiện đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam…

Kết luận tại Hội thảo, bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, đổi mới phải ở tất cả các lĩnh vực, các bậc học, các khâu. Việc đổi mới có sự khởi động, tổ chức từ bên trên nhưng phải có sự chủ động từ bên dưới. Nếu như ở cấp học phổ thông, Bộ GD&ĐT phải lo nhiều hơn đến chuyên môn thì ở bậc ĐH, những nội dung chuyên môn, chương trình, phương pháp dạy học… các cơ sở đào tạo tự lo là chính, Bộ chỉ thiết kế để có một khung luật để theo đó các trường thực hiện, sao cho sự quản lý sẽ chuyển sang tạo điều kiện thuận lợi nhất để các trường phát triển lành mạnh…

Thanh Đình