"Hô biến" đậu nành thành cà phê “thượng hạng”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Các “chuyên gia” chế biến cà phê giả cũng cảm thấy buồn nôn, hoa mắt và khó thở.

Từ một “ảo thuật gia” đã từ bỏ các chiêu thức chế cà phê độc hại người, chúng tôi dần tiếp cận được các “tuyệt kỹ” này. Theo đó, chỉ cần qua một vài công đoạn, những hạt đậu nành cháy khét bỗng biến thành cà phê “xịn”. Có lẽ chẳng “thượng đế” nào biết được loại đồ uống mình đang “nốc” vào người mỗi ngày lại chứa đến gần 20 chất độc hại. Đau lòng thay, vì những món lợi trước mắt, nhiều người dùng thủ đoạn để bào mòn sức khỏe khách hàng.

Xã hội - 'Hô biến' đậu nành thành cà phê “thượng hạng”

Bên trong một lò sản rang xay cà phê giả

Hoa mắt chóng mặt vì cà phê giả

T. khẳng định, nếu trước đây để chế biến loại đồ uống này, thành phần chính là cà phê nguyên chất (chiếm 90%) thì ngày nay, các “lò” rang xay cà phê hoàn toàn sử dụng các phụ gia. Họ đã quên mất thành phần chính của loại thức uống này là gì. Thấy chưa thuyết phục, T. giới thiệu cho chúng tôi một “chuyên gia” có kinh nghiệm “phù phép” đậu nành thành cà phê nay đã “gác kiếm”. Người đàn ông này ngụ tại Q.Phú Nhuận (TP. HCM).

Nói chuyện với chúng tôi, “chuyên gia” cho biết: “Ngày nay cà phê nguyên chất hay còn gọi là cội đã không còn được các lò rang xay cá nhân sử dụng nữa. Bởi vì, giá thành của chúng rất cao. Nhân cà phê có giá lên đến 50 - 55 ngàn đồng/kg. Mỗi 1 kg nhân cà phê chỉ pha chế được 0,7 kg cà phê bột. Tuy nhiên, giá bán 0,7 kg cà phê bột “xịn” chỉ khoảng 60 – 65 ngàn đồng/kg. Với việc mua cà phê nhân cộng với phụ gia thì các lò xay không có lãi. Cuối cùng họ đành làm cà phê giả để kiếm lời.

Cũng theo lời người này, một trong những nguyên liệu từng được sử dụng trong công nghệ làm cà phê giả là ngô rang cháy. Tuy nhiên, loại nguyên liệu này sau khi rang có độ đắng rất thấp. Chính vì vậy, các chủ lò rang xay phải tìm các phụ gia để làm tăng độ đắng cho bắp như các loại caramel đắt tiền. Do đó, giá thành của loại cà phê giả này cũng bị đẩy lên cao. Cuối cùng, các chủ lò xay rang tìm đến các loại đậu nành.

Được biết, sở dĩ các “ảo thuật gia” tìm đến đậu nành không chỉ vì loại ngũ cốc này có giá rẻ hơn rất nhiều so với cà phê. Đậu nành sau khi rang cháy đen có vị đắng rất gắt mà không cần phải độn nhiều hóa chất làm đắng.

T., người hướng dẫn chúng tôi tiếp cận công nghệ làm giả “một vốn bốn lời” này cũng khẳng định, nếu các loại ngũ cốc trên được chế biến một cách bình thường sẽ không nguy hại đến sức khỏe. Thế nhưng, khi đậu nành rang chuyển sang màu đen, mùi bắt đầu gắt khiến cho người rang bị tức ngực. Thậm chí, nhiều công nhân bị hoa mắt chóng mặt vì ngạt thở.

Theo “chuyên gia” T., để biến từ đậu nành cháy đen đến cá phê “thượng hạng” là cả một sự sáng tạo và tính toán bài bản. Theo đó, những chủ nhân của công nghệ làm giả này ngoài việc đánh vào tâm lý thích hàng rẻ của khách hàng phải tìm ra phương pháp pha chế, độn các phụ gia, hương liệu cho phù hợp. Nhiều khi, những mẻ cà phê giả ra “lò” còn có mùi thơm hơn cả cà phê thật.

Xã hội - 'Hô biến' đậu nành thành cà phê “thượng hạng” (Hình 2).

Bắp được rang cháy đen, một trong hai thành phần chính của cà phê giả

Bóc mẽ công nghệ hô biến cà phê

Được biết, để có thể biến đậu nành thành cà phê để thu lợi nhuận khổng lồ, các lò xay thường tìm mua các loại đậu nành từ Malaysia, Campuchia, Canada... Tuy nhiên, đậu nành Capuchia (nành Miên, cách gọi của dân rang xay cà phê) có vị đậm (ngọt, đậm đà) và có mùi thơm không khét như các loại đậu nành khác nên được dùng nhiều hơn cả.

Nói về quy trình chế biến loại “cà phê đậu nành” vẫn được bày bán trên thị trường, T. kể lại: Đầu tiên, đậu nành sẽ được đổ vào lò rang ở nhiệt độ 200 độ C đến khi lên màu đen đặc. Sau đó, chất tạo màu caramel, vốn là đường công nghiệp sẽ được đổ vào trộn chung với đậu nành đã chín.

Mục đích của động tác này là để tạo màu và vị ngọt ban đầu và phá vị đắng “gắt” cho cà phê giả. Về chất tạo màu caramel trên, anh T. cho biết: “Đây vốn là đường thắng công nghiệp thu được khi đun các loại đường ở nhiệt độ rất cao. Khi nó được trộn vào đậu nành rang cháy đen ở nhiệt độ cao cũng đồng nghĩa với việc caramel được đun lại lần thứ hai. Chúng tôi cũng không thể biết được nó có sinh ra chất độc hại nào trong lần thắng thứ hai này”.

Cũng theo lời anh T, nhiều lò rang xay đã bất chấp sự nguy hiểm của khách hàng để trộn caramel với số lượng lớn vào đậu nành rang. Có chủ lò “mất nhân tính” đến nỗi trộn khoảng 7- 10 kg caramel/50 kg đậu nành rang cháy. Sau khi caramel đổ vào khoảng mấy phút, các chủ lò rang tiếp tục rắc đường hóa học “Made in China” vào để tăng vị ngọt. Hỗn hợp trên được trộn đều để caramel khô lại.

Tiếp đến, các “nhà ảo thuật” đổ hỗn hợp ra một khay lớn để thực hiện công đoạn biến đậu nành thành cà phê bằng phụ gia, hương liệu. Sau khi cà phê giả được làm nguội, bơ công nghiệp và các loại dầu sẽ được các “chuyên gia” chế vào đậu nành.

Theo anh T, các loại dầu ăn không mùi là phụ gia không thể thiếu. Tùy theo “lò”, người ta có thể dùng dầu cải, dầu dừa. Tuy nhiên, nguy hiểm nhất trong giai đoạn này là sự có mặt của chất CNC (một chất hóa học dùng trong quá trình hồ vải). Chất độc này trộn chung với các loại dầu với mục đích cô đặc hỗn hợp.

Để phá mùi đậu nành và có hương cà phê, các lò phải đổ một lượng lớn bột béo xuất xứ từ Trung Quốc. Loại bột này được bày bán tràn lan trong các cửa hàng hương liệu trong chợ Kim Biên, đường Nguyễn Trãi… với giá rẻ mạt. Sau đó, họ thêm các loại tinh sữa của Pháp để tạo vị bùi, tinh Sô tạo mùi dài lâu trên bao bì, tinh Singapo, tinh ca cao và các loại hóa chất tạo bọt... Lúc đó, các chủ “lò” đã nắm trong tay loại cà phê “thượng hạng”.

Trao đổi với chúng tôi, “chuyên gia” T. cho biết, nếu trước đây, cà phê bẩn, cà phê rởm được các chủ lò rang một cách lén lút sâu trong các con hẻm, khu phố thì nay cơ sở rang xay với số lượng lớn mang tính chuyên nghiệp đã “bò” ra ngoài mặt đường. Điều đó cho thấy, mỗi ngày không biết bao nhiêu tấn cà phê độc hại được đưa ra thị trường. Người chế cứ chế, người bán cứ bán và cuối cùng người dân chịu trận.

Mới đây người ta nói đến cà phê “dởm” (7 phần độn, 3 phần cà phê) đã là sự kinh hoàng đối với người uống thì nay loại cà phê 100% độn còn nguy hiểm hơn gấp bội. Bởi vì chúng tồn dư đường hóa học, chất CNC.

Nhớ lại thời gian đứng tại “lò” chế biến cà phê trên đường Khuông Việt. Q. 11, chúng tôi không khỏi giật mình. PV lo lắng vì hình ảnh những chiếc xe gắn máy vào “ăn hàng” tấp nập. Những bao tải màu đen đựng đầy cà phê giải đang len lỏi trong mọi ngõ ngách để đi đầu độc con người. Cái hậu quả mà loại cà phê 100% hóa chất này đem lại chắc ai cũng hiểu rõ. Tuy nhiên, đau đớn thay, những người dân Sài Gòn vẫn đang ngày đêm vô tư thưởng thức thuốc độc mà không hề hay biết.

Sát thủ của nội tạng

Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, chi cục phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, cho biết: Các chất độn cà phê như bắp rang, đậu nành bị rang cháy đen sẽ rất có hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Khi đậu được rang với nhiệt độ cao hoặc bắp cháy sẽ sinh ra 20 chất độc hại. Trong đó, các chất như acrylamide, heterocyclic amines, HCAs... là những chất có khả năng gây ung thư cho người sử dụng. Hơn nữa, việc các cơ sở sản xuất lạm dụng nhiều chất phụ gia hóa chất với liều lượng quá nhiều sẽ gây nguy hại cho sức khỏe người dùng. Nếu cho quá nhiều đường hóa học sẽ dẫn tới triệu chứng tiêu chảy. Các chất phụ gia khác cho vượt mức nhiều lần sẽ gây tồn dư các kim loại nặng, các kim loại này sẽ lắng lại ở gan, ruột, thận và dẫn tới các bệnh lý ở các cơ quan này.

C.Tuân

Hà Nguyễn – Ngọc Lài