Hồ Con Rùa: sản phẩm chấn trạch của ông Thiệu

Hồ Con Rùa: sản phẩm chấn trạch của ông Thiệu

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:06
0
Trấn yểm tại núi Mặt Quỷ và hòn Đá Dao ở quê nhà chưa đủ, ông Nguyễn Văn Thiệu còn mê tín đến mức mời "thầy địa lý" Trung Quốc về Dinh Độc Lập xây Hồ Con Rùa để "yểm đuôi con rồng" đang quẫy. Đến giữa 3/1975, người của ông Thiệu đã đào hết mồ mả ông bà tổ tiên ở quê để tìm vàng.

Dùng rùa lớn, đinh đại yểm đuôi rồng quẫy

Mê tín đến mức cuồng tín, nhưng vốn bản tính đa nghi bẩm sinh, nên vợ chồng Thiệu luôn trong tâm trạng bất an, chưa hết lo. Năm 1967, vợ chồng Thiệu cho mời một thầy địa lý người Hoa từ Hồng Kông vào Dinh Độc Lập yểm bùa. Thầy địa lý phán: "Dinh được xây trên long mạch, trấn ngay vị trí đầu rồng. Đuôi rồng nằm cách đó non 1km, rơi vào vị trí Công trường Chiến Sĩ. Cần phải dùng một con rùa lớn yểm đuôi rồng lại, sự nghiệp của Tổng thống mới mong bền vững".

Hồ Con Rùa. Nguồn ảnh: Xóm nhiếp ảnh

Vợ chồng Nguyễn Văn Thiệu tin theo, cho xây hồ nước tại công trường thành hình bát giác, từ trên cao nhìn xuống giống hệt những ô bát giác trên mai rùa.

Vị trí của hồ được đặt ngay chính vị trí cửa Khảm Khuyết của thành Gia Định xưa (còn gọi là thành Bát Quái hay thành Qui). Giữa trung tâm hồ nước là một đài tưởng niệm, trên có đúc một con rùa lớn bằng kim loại đội bia ở trên lưng và một cột cao có hình cánh hoa xòe ở phía trên, xem như một chiếc đinh đóng xuống giữa hồ để ghim đuôi rồng lại.

Năm 1972, Công trường Chiến sĩ được đổi tên thành Công trường Quốc tế, dân Sài Gòn vẫn quen gọi đó là hồ Con Rùa.

Lại có chuyện liên quan đến yểm long mạch Hồ Con Rùa, từ nguồn gốc xây Dinh Norodom (Đinh độc Lập) từ trước do KTS Ngô Viết Thụ thiết kế. Lấy núi giả trong Sở Thú (Thảo Cầm Viên) làm bình phong, sông Thị Nghè làm lưu thủy, tạo thế long chầu, hổ phục.

Người Pháp lại xây Nhà thờ Đức Bà mặt trước bên phải Dinh, phá vỡ thế chữ Vương (gồm Nam Kỳ Khởi Nghĩa-Pasteur-Phạm Ngọc Thạch nay) thêm một chấm thành chữ Chủ, phá thế Long mạch của Dinh. Do vậy phải xây thêm Hồ Con Rùa để phá thủy, làm nước phun lên. Nhưng nêu tinh mắt sẽ nhận ra thêm một huyền cơ bí ẩn khác trong việc này. Số là, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh nằm ngay ngã tư Võ Văn Tần- Lê Quý Đôn ngày nay, xưa chính là chùa Khải Tường-Nơi sinh ra Hoàng tử Đảm (Vua Minh Mạng) trên đường Nguyễn Ánh- Gia Long bôn tẩu tránh sự truy đuổi của Tây Sơn.

Tương truyền khi Hoàng tử Đảm chào đời, nơi đây phát ra hào quang ánh sáng ba đêm liền. Nếu chiếu thẳng góc, thì chùa Khải Tường thẳng trực với Dinh Độc Lập và thẳng góc vuông với Hồ Con Rùa. Việc trấn yểm này còn liên quan đến ngũ hành, âm dương, phá thủy, giả sơn mà các thầy chiêm tinh, địa lý nào cũng phải biết. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà Hồ Con Rùa nằm thẳng trục với nhà thờ Đức Bà trên đường Phạm Ngọc Thạch (đường Duy Tân xưa), còn Chùa Khải Tường thẳng trục Dinh Độc Lập tạo thành một hình vuông, nếu chiếu bóng, sẽ là một đường thẳng.

Lính ông Thiệu đập nát mồ mả ở Phan Rang

Trước ngày Phan Rang giải phóng 16/4, vào ngày 13/4/1975 trung đội lính bảo an bảo vệ khu vực mồ mả, chùa miếu ở núi Đá Chồng quê hương của Thiệu đã bắn chết người cai quản Văn Thánh miếu, rồi xô vào đập nát các bệ thờ, tượng Phật, cạy cả mái ngói để "tìm vàng ông Thiệu giấu".

Một trong những vụ cướp bóc tồi tệ nhất chưa từng có. Ngày 21/4/1975, Nguyễn Văn Thiệu đã phải ngậm ngùi lên đài truyền hình đọc lời từ chức, thú nhận sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn và chính bản thân ông ta, để rồi sau đó tối 25/4/1975 cùng với Trần Thiện Khiêm chạy sang Đài Loan trốn trong nỗi kinh sợ rợn gáy về khả năng CIA Mỹ lập lại cuộc thủ tiêu như người tiền nhiệm Ngô Đình Diệm.

Có lần đi công tác ở Ninh Hải, chúng tôi tìm đến ngôi nhà của Nguyễn Văn Thiệu. Ngôi nhà tường xây, cột gỗ, lợp ngói theo kiểu xưa, trong nhà chẳng có gì đặc biệt, không chạm trổ hay điêu khắc gì. Gian nhà chính khá rộng rãi, ít hư hỏng hơn trong khi nhà dưới và nhà bếp xuống cấp nặng.

Theo một vài người dân ở đây, từ sau tháng 4/1975, huyện Ninh Hải tiếp quản ngôi nhà để làm nhà trẻ, sau đó cho các hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn ở tạm, khi nào làm được nhà mới thì bàn giao lại cho người khác. Cứ thế mấy mươi năm nay, đã có nhiều hộ nghèo sử dụng ngôi nhà vô chủ này. Người dân ở tạm, vừa bảo quản, sửa chữa nhỏ, quét vôi, lợp lại ngói đã mục nát chống mưa dột chút đỉnh...

Một người dân dẫn tôi đi xem và đưa tay chỉ dãy mộ xen cỏ dại mọc lúp xúp, hoang tàn vắng lặng nằm phía sau trường THCS Lý Thường Kiệt nói: "Đây là mồ mả ông bà, tổ tiên nhà ông Thiệu, gồm các cụ tổ, ông bà nội và các anh chị mất lúc trẻ. Trước giải phóng, khu này lúc nào cũng có hai lính canh, tay lăm le súng ống, nay cả nhà ra nước ngoài, không ai hương khói, bao nhiêu năm đất cát lấp gần hết. Trước đây thấy mười mấy cái mộ, nay chỉ đếm được vài cái…".

* Bài đăng trên ấn phẩm chuyên đề báo ĐS&PL