Họa mi chiến - cuộc chơi chưa bao giờ cũ

Họa mi chiến - cuộc chơi chưa bao giờ cũ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:56
0
Mỗi độ Tết đến, Xuân về hội viên của Hội họa mi chiến Hà Nội lại háo hức chờ đợi những cuộc tranh hùng tìm "điểu vương". Những người chơi họa mi chiến biết rõ mười mươi truyền thuyết của "nghề chơi". Theo đó, nguồn tích của thú chơi này có từ thời nhà Lý.

Anh hùng của rừng xanh

Dã sử kể lại: Khi Lý Thường Kiệt đem quân dẹp loạn Nùng Tôn Hức ở Cao Bằng, con trai phiến loạn là Nùng Trí Cao không phục, tiếp tục dấy loạn. Tôn Đản lên đánh bắt được Trí Cao, thấy thần khí bạo liệt dạng Mạnh Hoạch bèn tâu vua dùng đức để trị, gả công chúa, cho trấn ải biên thùy.

Ngày ấy, đất Thăng Long mới chỉ biết đến đàn ca, sáo nhị, chọi gà, đá dế, thả bồ câu... mà chưa ai biết đến họa mi chiến. Nhân dịp Tết Nguyên tiêu, Nùng Trí Cao tiến vua một đôi chim và giải trình cặn kẽ thú chơi của người vùng cao khi có hội, lúc đến chợ phiên. Từ cung đình đến phủ huyện phụ cận, họa mi chiến trở thành thú chơi không thể thiếu mỗi hội xuân về. Chủ tịch Hội họa mi Hà Nội, ông Lê Hoàng Trung cho biết: “Đến nay Hà Nội có hàng ngàn người chơi họa mi chiến. Hội viên của câu lạc bộ không ngừng tăng lên, mà đã không biết thì thôi, mê thú chơi này thì không thể bỏ được”.

Cách đây 10 năm, tôi mê như điếu đổ những trận thư hùng của "nghệ sỹ rừng xanh", nơi đâu có họa mi chiến là tôi có mặt. Ngày ấy, tôi thường theo ông Thái Giang, một nhà thơ, một nhà báo đã từng làm tổng thư ký Hội Họa mi chiến. Ông Thái Giang đã thi vị hóa đặc tính của giống chim kiêu hùng này. Trong trận thư hùng tranh giành lãnh thổ, giống chim này nếu bại trận sẽ xé toang cổ họng mà chết. Ông cho rằng, đó là sự thăng hoa của văn hóa truyền miệng, nhưng sự bất khuất của loài chim là có thật.

Trong vùng rừng núi lúp xúp sim mua, từng cặp vợ chồng họa mi cát cứ, sự phân biệt lãnh thổ nhiều khi chỉ là khe suối, một thân gỗ mục mưa nắng dãi dầu. Bởi giữ đất sau này cho con cái sinh sống nên tính tiểu bá của họa mi rất lớn. Nếu có sự xâm lược, hai vợ chồng họa mi sẽ liên thủ chiến đấu chống trả đến cùng. Nếu con trống khiếp đảm, con mái sẽ xông vào đánh "phu quân" của mình trước rồi tiếp đến là địch thủ, kẻ xâm lược. Con chim thua trận phải bỏ cả vợ con, bay đi vùng khác, sống lưu vong, câm lặng trong cô đơn như nô lê, ồ âm thầm mài mó, luyện đòn chờ ngày rửa hận. Một lúc nào đó, nó sẽ trở về rửa mối thù “vong quốc”.

Sự kiện - Họa mi chiến - cuộc chơi chưa bao giờ cũMột trận thư hùng của điểu vương.

Nghe tiếng hót, người mê họa mi có thể biết tình trạng của loài chim này: Tiếng hót trước cuộc tỉ thí đanh như kèn trận, thách thức và áp đảo; tiếng hót ban trưa thanh bình, yên ả khi con chim đứng co một chân trong bóng râm, phô diễn kỹ xảo âm thanh của các loài chim mà nó học được: Tiếng bắt cô trói cột, tiếng reo reo của chèo bẻo, tiếng te te của gà tre, tiếng quých của chào mào... phong phú như tiếng đàn Sư Khoáng, làn điệu gọi vợ êm đềm, hơi buồn một chút nhưng tha thiết dịu dàng âu yếm như khúc "Phượng Cầu Hoàng" của Tư Mã Tương Như quyến rũ Trác Văn Quân; tiếng hót trước khi giã từ cõi đời, khi con chim biết mình không thể sống nổi, nó hót với tất cả những làn âm thanh học được thuở ấu thơ, vừa thảm thiết, vừa nuối tiếc. Giọng hót cất lên khi bất thường, không phải như lúc luyện giọng của nó. Dứt tiếng tự cầu hồn cuối cùng, con chim sẽ gục chết, không thuốc nào chữa được.

Nghề chơi lắm công phu

Để có một con họa mi thiện chiến, có thành tích cao trong những trận thư hùng, các "tay chơi" đã phải bỏ ra nhiều tiền bạc, thời gian để săn lùng, chăm sóc. Một con họa mi chiến tốt giá lên tới vài chục triệu đồng. Chọn họa mi chiến phải tìm những con có tướng tốt.

Theo sách tướng của Trung Quốc, nào là tướng ngũ đoản, ngũ trường, kình thiên chủng; tướng mắt thì chọn màu chu sa (họa nhỡn), thiên thang, kim sa, mắt trắng cát đen. Mắt lục đậu gà...; tướng đầu thì xà đầu, trúc phật đầu, trung phượng đầu, đại phượng đầu; tướng mỏ chọn mỏ tam thiết, mỏ sẻ, mỏ búp đa, mỏ thẳng. Có người lại chọn ngực nở, chân ngôn đét, móng mèo, mắt mọng. Người thì chọn theo tướng gà chọi "đầu công, mình cốc, cánh mảnh chai, đùi dài, quản ngắc cóc sợ ai" mà chiếu sang họa mi. Có người chọn đấu sĩ của mình chỉ ưa những con dị tướng.

Tìm một con mi chọi hay, dân chơi phải lang thang đi nhiều tỉnh miền núi, miền Trung gió lào như Nghệ An, Hà Tĩnh, rồi Cao Bằng, Hòa Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Lai Châu... Nhưng không phải mỗi lẫn đi săn đều mua được chim ưng ý hoặc có mua được chim nhưng chưa chắc đã chịu xuống lồng (chọi), khi đã chịu xuống lồng thì chưa hẳn đã đánh tốt. Nhưng chim quý thường tập trung ở vùng sơn cước phía Bắc như Thất Khê, Đông Khê (Lạng Sơn), Trùng Khánh (Cao Bằng), Hòa Bình... Con mi chọi hay thường phải có tuổi rừng lâu (sống ngoài tự nhiên), sống độc ở một quả đồi, cánh rừng.

Chiến tích

Sự ham mê của những "tay chơi" cuối cùng cũng được đền đáp khi họ có trong tay những con mi có "số má", gắn với nhiều thành tích huy hoàng và được tặng cho những biệt danh nghe lạnh người như con 4.200 - vì thắng liên tiếp được tổng cộng 4.200 điểm trong trận chiến diễn ra hơn 2 giờ của anh Trung "cuốn" vào 40 năm nay chưa có con nào vượt qua. Hay con "chim sắt" của cụ Lâm, con "Bạch đầu ông" của cụ Khánh, con "Điều khiển từ xa" (đánh như rô bốt) của ông Bắc (Thanh Trì) hay con "Mất móng hậu" của các cụ mà giới chơi mi chọi còn nhắc đến nay...

Sự kiện - Họa mi chiến - cuộc chơi chưa bao giờ cũ (Hình 2).

Họa mi chiến luôn hấp dẫn người xem.

Vì vậy, khi con mi chiến tốt "về hưu" vẫn được nuôi dưỡng vì có giọng hót tuyệt. Một con mi mua vài triệu đồng khi đánh hay có thể được trả tới vài chục triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng. Có một con mi hay của tay chơi người Gia Lâm (Hà Nội) có giá gần nửa tỷ đồng được chuyển từ chủ nhân người Trung Quốc. Có điều, dân chơi mi chiến có nguyên tắc bất thành văn mà ít người phá bỏ, đó là rất hiếm khi bán chim hay, dù trả giá cao đến mấy bởi có được con đánh hay, liên tục giành giải thì cảm giác sướng tuyệt vời. Ai đã trót dính vào thú vui này thì sẽ rất thấm cảnh khổ sở, buồn tẻ khi trong nhà không có ít nhất một con chịu xuống lồng.

Đối với những người có tuổi, đam mê họa mi chiến và thành danh vào những năm 90 của thế kỷ trước như ông Thái Giang, ông Phạm Đình Thái còn giữ những tình cảm, những nỗi nhớ không quên với điểu sĩ của mình. Họ thường thả những chiến binh của mình về với trời xanh khi... hết tuổi, những chiến binh tử trận thường được chôn cất chu đáo.

Tôi vẫn nhớ, khi trò chuyện với ông Thái Giang, ông thường nói: "Nếu mình phụ tình một con họa mi thôi, đồng nghĩa với việc suốt đời tìm kiếm cũng chẳng được con mi hay". Phải chăng từ những kinh nghiệm của người đi trước mà thế hệ sau này, những người mê họa mi đều thực sự dành cho chiến binh của mình một tình cảm khăng khít. Nhờ đó mà cứ thứ bảy, chủ nhật tại đình làng Nghi Tàm, hay chùa Kim Liên lại tụ hội về đây 300-400 dân chơi lủng lẳng lồng mi chiến vào những cuộc chơi chưa bao giờ cũ. Nhiều dân chơi đều khẳng định, chơi đến khi không còn sức, giải nghệ vẫn chưa thể tìm thấy hết những vi diệu trong lối đánh của những chú họa mi chiến!

Càng dữ dằn tiếng hót càng hay

Họa mi không khoe mẽ như nhiều loài chim khác như vẹt, chẳng uyển chuyển điệu đà như chim công, nó chỉ có một màu nâu giản dị. Nhưng đặc tính của loài chim này là cặp mắt tinh anh, có hình như ai đó đã vẽ lên vậy. Họa mi càng dữ dằn tiếng hót càng hay. Người chơi chim đã dùng từ "tường thanh" để chỉ khả năng thiên phú của họa mi. Buổi sáng họa mi bay lên ngọn cây cao nhất trong vùng cát cứ của mình, cất tiếng hót lanh lảnh vang xa khẳng định chủ quyền.

Vương Hà