'Tranh cũng như con người tôi, nửa trí thức, nửa lưu manh'

'Tranh cũng như con người tôi, nửa trí thức, nửa lưu manh'

Thứ 4, 17/04/2013 | 21:17
0
Trong giới hoạ sĩ, Lê Thiết Cương nổi tiếng không chỉ ở sự tài hoa mà còn bởi nét tính cách khác người. Nhiều người ghét anh vì cái tính nói thẳng nói thật đến mất lòng, nhưng cũng không ít người chơi thân với anh vì trân quý tính cách ấy. Có lẽ chính những điều không giống ai ở anh đã làm nên một Lê Thiết Cương cá tính cả ở trong hội hoạ lẫn ngoài đời thực, thậm chí có lúc anh còn tự giấu mình...

> Ảnh Angelina Jolie vô tư để ngựa 'sờ' ngực

Riêng một góc trời

Sớm được nghe danh Lê Thiết Cương từ lâu, lại biết anh khá có tiếng trong giới hội hoạ nên tôi cứ nghĩ, để xin anh một cuộc hẹn chắc sẽ khó lắm. Vậy mà khi liên lạc với anh tôi hơi bất ngờ vì không ngần ngại Lê Thiết Cương nhận lời luôn và sẵn sàng dành một buổi chiều cuối tuần cho cuộc trò chuyện. Vậy là đúng giờ hẹn tôi tìm đến ngôi nhà bề thế của anh ở số 39 Lý Quốc Sư. Lê Thiết Cương xuất hiện với trang phục giản dị, áo phông và quần jean thoải mái khiến anh trông trẻ hơn tuổi ngoài 50 của mình rất nhiều. Có lẽ khi đã theo đuổi nghệ thuật mỗi một nghệ sĩ đều giữ cho mình nét trẻ trung, tươi mới để khơi nguồn sáng tạo và nuôi dưỡng những đam mê. Những chia sẻ rất cởi mở và chân thành của Lê Thiết Cương càng khiến tôi khẳng định những gì mình đã chiêm nghiệm là đúng. Một Lê Thiết Cương chân thành, thẳng thắn, dám nghĩ, dám làm...

Nhân vật - 'Tranh cũng như con người tôi, nửa trí thức, nửa lưu manh'

Họa sĩ Lê Thiết Cương.

Trong thế giới của những mảng màu và cây cọ, anh chọn cho mình một lối đi riêng không giống bất kỳ ai. Đó là chủ nghĩa tối giản trong nghệ thuật. Ở Việt Nam, Lê Thiết Cương là người đầu tiên và có lẽ cũng là người duy nhất đứng một mình một “chợ” như thế. Sự độc nhất ấy khiến cho người ta luôn tò mò về những tác phẩm của anh. Người hiểu thì khen hết lời, rằng: “Tranh của anh đơn giản mà tinh tế, thâm trầm mà sâu sắc, đúng với chất thanh lịch của người gốc Hà thành”. Người không hiểu thì chê bai anh lười sáng tạo, không chịu tìm tòi những cái mới. Cái kiểu người khen cũng lắm mà người chê cũng nhiều ấy không mảy may làm ảnh hưởng đến Lê Thiết Cương, bởi anh quan niệm: "Tôi không bao giờ đả phá khi người ta chê bai hay chất vấn mình về sự lười biếng hay chăm chỉ, bởi mỗi người đều có quyền nói lên cảm nhận riêng". Đối với Lê Thiết Cương điều quan trọng không nằm ở việc người ta đánh giá về mình như thế nào, mà là ở chỗ mình có sống đúng với con người mình hay không.

Điều khiến nhiều người ngạc nhiên ở anh có lẽ là việc dù không qua một trường lớp đào tạo chính thức nào về hội hoạ nhưng những tác phẩm của Lê Thiết Cương vẫn chiếm một vị trí đáng kể trong giới hội hoạ Việt Nam. Cái độc và riêng trong tranh của anh luôn khiến cho những buổi triển lãm thu hút được sự quan tâm của công chúng. Nhạc sĩ Quốc Bảo có lần đã phải thốt lên: "Tôi đặc biệt yêu tranh Cương đen trắng, cứng cáp, ương ngạnh lại hào hoa, kiệm hình, kiệm màu mà đa chiều đa nghĩa. Có lẽ chừng ấy cũng đủ để nói về sự thâm trầm, sâu sắc trong những tác phẩm của anh”.

> Nghệ sĩ tài hoa nhưng nghèo khó  

Và không chỉ trong mỹ thuật mà trong các lĩnh vực khác như âm nhạc, điêu khắc, nhiếp ảnh, văn hoá anh cũng am hiểu một cách sâu sắc và tinh tế như một chuyên gia trong ngành. Vậy mà anh lại dùng hội hoạ để nói về mình như một sự châm biếm: "Tranh của tôi màu thường đơn giản hoặc chỉ có một màu trắng cũng như con người tôi nửa trí thức nửa lưu manh”. Những câu nói quá thẳng thắn và cách sống theo kiểu bất cần đời, thậm chí hơi cao ngạo của Lê Thiết Cương khiến nhiều người không thích anh nhưng điều ấy cũng không làm anh bận tâm bởi: "Khi mình nói ra điều gì tốt nhất nên nói thẳng thắn, còn nếu không biết hay không phải lĩnh vực của mình thì thôi. Chuyện có người ghét tôi khi tôi nói thẳng thì như cổ nhân nói, trung ngôn nghịch nhĩ, tôi không quan tâm đến chuyện người ta nghĩ gì về mình", anh thẳng thắn chia sẻ.

Nhân vật - 'Tranh cũng như con người tôi, nửa trí thức, nửa lưu manh' (Hình 2).

Một tác phẩm “dị” của Lê Thiết Cương hút hồn người xem.

Thích sống chậm để cảm nhận

Lê Thiết Cương theo đuổi chủ nghĩa tối giản không chỉ trong hội hoạ mà trong mọi lĩnh vực khác của cuộc sống như anh chia sẻ: "Dù là gì đi chăng nữa tối giản vẫn là phong cách của tôi. Anh thích những gì đơn giản nhưng không phải là sự đơn giản đến dễ dãi, nhạt nhẽo. Tất cả những việc anh làm từ vẽ tranh, điêu khắc, làm gốm, chụp ảnh, cho đến thiết kế bìa sách, minh hoạ cho các báo đều theo một cá tính cốt tử là tối giản. Sự đa tài đó của Lê Thiết Cương được anh lý giải như một sự may mắn rằng, ông trời đã sinh ra cho anh làm nghệ thuật thì chỉ cần ngày nào được sống anh sẽ làm những việc liên quan đến nghệ thuật. Với Lê Thiết Cương, khi sáng tác cảm hứng không phải là cái quyết định. "Người ngoài ngành không hiểu luôn đặt chuyện cảm hứng lên đầu nhưng đã hiểu về mỹ thuật, đã là hoạ sĩ sẽ biết cảm hứng chỉ là chất xúc tác quan trọng ban đầu. Hoạ sĩ chuyên nghiệp không bao giờ nên lấy cớ đó biện minh cho việc vẽ nhiều, vẽ ít hay lười vẽ".

Đam mê và dành nhiều thời gian cho công việc nhưng kể cả khi nghỉ ngơi anh cũng dành thời gian cho việc thưởng thức nghệ thuật. Với Lê Thiết Cương đơn giản là nghe nhạc hay đọc một trang sách hay cũng là một sự thư giãn thú vị. Anh thích nghe nhạc cổ điển Việt Nam và nhạc cổ điển châu Âu, thích nghe chèo, ca trù và đờn ca tài tử để tìm về với cội nguồn của dân tộc. Ngoài hội hoạ, anh còn đam mê nhiều lĩnh vực từ kiến trúc, điêu khắc, nội thất cho đến nhiếp ảnh, thời trang.

Tưởng rằng sự đa tài đó sẽ giúp cuộc sống của anh khá dư dả và đầy đủ nhưng Lê Thiết Cương lại chia sẻ rằng, hội hoạ mới là nguồn thu nhập chính của anh. Tôi hơi ngạc nhiên vì ở Việt Nam, người hiểu và mua tranh của anh không nhiều và cũng nghe anh nói mấy năm nay anh chưa bán được bức tranh nào. Có ngôi nhà trị giá hàng trăm tỷ đồng và nằm ở vị trí đắc địa trên phố Lý Quốc Sư nhưng anh cũng không buôn bán hay kinh doanh gì và sẵn sàng để cho người ta bán hàng trước cửa nhà mình mà không tính toán. Hỏi anh rằng nếu có một ngày không vẽ nữa thì anh sẽ làm gì, anh bảo có lẽ anh sẽ đi làm báo vì đó cũng là niềm đam mê của anh. Tôi chợt nhớ đến câu nói người nghệ sĩ sống cho niềm đam mê của mình nhiều hơn cho gia đình, điều ấy có lẽ cũng đúng với Lê Thiết Cương?.

Tôi thấy mình bắt đầu khó tính

Trải qua hai cuộc hôn nhân nhưng đều không đi đến bến bờ hạnh phúc, anh càng dành nhiều thời gian hơn cho việc sáng tác. Dường như anh không còn hứng thú với việc tìm kiếm cho mình một bến đỗ mới nữa? Anh không ngại chia sẻ một cách thẳng thắn: "Tôi không có ý định lập gia đình vì thấy mình càng ngày càng ích kỷ hơn. Nếu mình đã yêu ai, sống với ai thì đều phải có trách nhiệm với người ta, đây là điều mà ai cũng làm chứ không riêng gì tôi. Giờ mình đã có tuổi trách nhiệm càng không thể nào bằng trước đây và tôi bắt đầu khó tính hơn. Bây giờ tôi chỉ thích sống thật chậm lại để cảm nhận và chiêm nghiệm cuộc sống nhiều hơn".

Chọn cách sống chậm lại và tìm cho mình những khoảng lặng cần thiết dường như là cách để anh sống cho mình và tìm kiếm những xúc tác mới cho sự sáng tạo. Có lẽ khi đặt cái lặng lẽ, bình yên bên cạnh sự ồn ào, náo nhiệt, Lê Thiết Cương đã chọn cho mình một lối đi tất yếu.  

"Quyền được lựa chọn đúng với tất cả mọi sự trên đời nhưng với nghệ thuật là vô nghĩa, phong cách nghệ thuật là cái không thể chọn được. Người ta luôn tìm tòi xem mình là ai, nếu may mắn tìm được thì đấy là phong cách của họ, còn nếu không tìm được thì không bao giờ trở thành tác giả. Tôi là người thẳng thắn, không vòng vo trong mọi chuyện. Nhiều người có thói đi đường vòng nhưng tôi thì không. Tôi chọn đi đường thẳng, tôi nói thẳng, nghe được thẳng và ở hội hoạ tôi tìm thấy mình trong phong cách tối giản, ít hình, ít màu, bố cục đơn giản. Tôi thấy đấy là cái tạng của tôi", Lê Thiết Cương bộc bạch.

Loan Thanh

> Muốn nhận máy tính bảng Google Nexus 7 không mất một xu nào, hãy vào đây!

Họa sĩ truyện tranh lên ngôi Hoa hậu Nhật

Thứ 4, 06/03/2013 | 07:09
"Người đẹp tranh hoạt hình" Yukimi Matsuo vượt qua 42 cô gái khác giành vương miện trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ xứ Phù Tang năm 2013.

Cuộc đời họa sĩ vẽ tranh bằng miệng bán hàng chục ngàn đô

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
Cho đến tận bây giờ, Đỗ Minh Tâm cũng không thể nào nhớ được vụ tai nạn kinh hoàng ấy. Từ một thanh niên cao lớn, khỏe mạnh với bao ước mơ, hoài bão bỗng chốc, Tâm trở thành người tàn phế. Và rồi Đỗ Minh Tâm bén duyên với hội họa, tay chân không còn sức lực, Tâm chỉ còn cách vẽ tranh bằng... miệng.