Hoãn tăng lương thì xin đừng tăng giá điện, xăng…

Thu Huyền

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến toàn thế giới và vẫn đang diễn biến phức tạp, trong đó nền kinh tế Việt Nam cũng chịu nhiều tác động tiêu cực. Theo đánh giá, việc chưa tăng lương cơ sở tuy gây một số khó khăn nhất định nhưng phù hợp với bối cảnh hiện tại.

Cần “hoãn” cả việc giá cả leo thang

Gương mặt buồn bã khi cầm lương hưu trong tay, ông D.V.T. (Quế Võ, Bắc Ninh) buồn bã khiến vợ con sốt ruột, không biết đã có chuyện gì xảy ra.

Vợ ông lựa lời hỏi: “Có chuyện gì thế?”, ông T. chùng giọng mà rằng: “Cứ tưởng được tăng thêm mấy trăm nghìn tiền lương, đỡ lo cái khoản tiền thuốc mấy tháng nay tăng lên đáng kể. Nhưng giờ dịch bệnh hoành hành, Nhà nước bảo sẽ hoãn việc tăng lương cơ sở đến năm 2021, thế thì khoản bù vào tiền thuốc tháng sau chưa biết tính sao”.

Việc chưa tăng lương cơ sở tuy gây một số khó khăn nhất định nhưng phù hợp với bối cảnh hiện tại.

Số là, mấy năm gần đây, ông T. bị nhiều bệnh giày vò, khoản tiền lương hưu nho nhỏ chỉ đủ trang trải thuốc men. Mấy tháng gần đây, bệnh tình diễn biến nặng, tiền thuốc tăng lên, bà vợ ông phải bán cái nọ, bán cái kia, trồng thêm rau, nhặt nhạnh từng đồng để đỡ đần cho mấy đứa con cũng còn khốn khó. Nghe tin tăng lương từ lâu, ông T. cứ mong ngóng và hy vọng đến tháng Bảy là gánh nặng trên vai vợ ông sẽ vơi đi phần nào. Ai dè…

Bà P., vợ ông T. vồn vã động viên chồng: “Thôi thì Nhà nước đã cần, vợ chồng mình già cả, ốm đau, không giúp được gì thì chia sẻ khoản tiền “lộc trời cho” ấy vậy, tôi vẫn còn sức lao động, còn cố gắng được, ông đừng băn khoăn quá”. Nghe thế, ông T. gật đầu, nén một tiếng thở dài: “Đúng là còn nhiều người hoàn cảnh khó khăn hơn mình, phải sẻ chia để cùng nhau vượt qua”.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, chị Nguyễn Thị Hồng (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho biết: “Cá nhân tôi vẫn đồng thuận với việc tạm ngừng tăng lương cơ sở để cùng chia sẻ với Nhà nước, với Chính phủ và những người lao động còn khó khăn khác. Nhưng, nếu hoãn tăng lương cơ sở thì không được để giá cả leo thang như giá xăng, giá điện, nước. Vì khi giá cả giữ được thì tác động của việc dừng tăng lương không lớn, khi đó, đời sống của người lao động nói chung và cán bộ công nhân, viên chức về cơ bản sẽ vẫn được giữ ổn định”.

Phù hợp bối cảnh hiện tại

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, ĐBQH Đỗ Văn Sinh (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) bày tỏ: “ Quan điểm của tôi là chúng ta phải cùng chia sẻ với Nhà nước, Chính phủ bởi trong bối cảnh thâm hụt ngân sách nhưng Chính phủ vẫn duy trì mức lương đang hưởng của công chức, viên chức, người hưởng lương ngân sách là cả một nỗ lực rất lớn”.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Giảng viên học viện Tài chính) phân tích, nhìn vào kết quả phòng chống dịch của nước ta ở thời điểm hiện tại đó là một kỳ tích. Nó thể hiện sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự điều hành của Chính phủ và đồng lòng của toàn dân với một “mục tiêu kép” là vừa quyết liệt phòng chống dịch, vừa duy trì, phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm đời sống của người dân.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Giảng viên học viện Tài chính).

Nhà nước đã thực hiện những khoản chi “chưa từng có” từ nguồn dự phòng ngân sách như điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19, mua thiết bị vật tư y tế, cho bác sĩ, tiền ăn cho người ở khu cách ly.

Cùng với đó là việc triển khai các gói an sinh xã hội 62.000 tỷ hỗ trợ người hỗ trợ các đối tượng lao động tự do bị mất việc, giảm sâu thu nhập, hộ kinh doanh, người nghèo, cận nghèo, người có công hay gói vay 300 nghìn tỷ lãi suất ưu đãi ngân hàng đối với các doanh nghiệp…

Rõ ràng, nguồn thu ngân sách năm 2020 giảm thì ngân sách chi cho tiền lương cũng phải cân đối lại. Việc giảm chi tiền lương cho khu vực công cũng giúp Chính phủ có thêm nguồn lực để tăng chi an sinh xã hội cho các khu vực khác.

“Tình hình kinh tế đang gặp nhiều khó khăn thì việc trì hoãn tăng lương là việc làm có thể chấp nhận. Việc lùi thời điểm tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức ở thời điểm này sẽ không ảnh hưởng nhiều vì mức lương công chức, viên chức vẫn được giữ nguyên trong suốt thời gian dịch bệnh. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp buộc phải giảm lương, giảm giờ làm để duy trì sản xuất và giữ chân người lao động”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho hay.

Ông Bùi Tôn Hiến - Viện trưởng viện Khoa học Lao động và Xã hội (bộ LĐ-TB&XH).

Đồng quan điểm, ông Bùi Tôn Hiến - Viện trưởng viện Khoa học Lao động và Xã hội (bộ LĐ-TB&XH) nói: “Tôi đồng tình với Chính phủ trong điều kiện hiện nay thì chưa tăng lương cơ sở. Thực ra, nếu không tăng lương vào 1/7 thì thu nhập của công chức, viên chức, người hưởng lương hưu vẫn giữ nguyên ở mức hiện tại, vẫn bảo đảm cuộc sống chứ không bị giảm. Chính phủ phải dành nhiều nguồn lực cho các chính sách an sinh xã hội khác thì việc dừng tăng lương theo kế hoạch dự kiến là phù hợp, chúng ta nên thắt lưng buộc bụng, tiết kiệm một phần nào đó để cùng chung tay”.

Theo bộ Tài chính, mức lương cơ sở tăng khoảng 7% trong 4 năm gần đây và thường được áp dụng từ ngày 1/7. Theo đó, mức lương cơ sở năm 2017 tăng thêm 90.000 đồng, lên mức 1.300.000 đồng/tháng; năm 2018 tăng lên 1.390.000 đồng; năm 2019 lên 1.490.000 đồng.

Tại kỳ họp diễn ra vào tháng 11 năm 2019, Quốc hội đã ban hành nghị quyết về điều chỉnh mức lương cơ sở năm 2020. Theo đó, lương cơ sở tăng thêm 110.000 đồng/tháng, cụ thể từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.600.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, năm 2020, dịch Covid-19 đã làm tổng thu ngân sách giảm, hụt thu khoảng 163.000 tỉ đồng. Việc tăng lương cơ sở năm 2020 sẽ được lùi lại vào 1/2021.

T.H