Học nhiều vẫn... bằng 0

Học nhiều vẫn... bằng 0

Thứ 4, 27/03/2013 | 14:49
0
Khuyên con chăm chỉ học hành, bậc làm cha mẹ vẫn nói học ấm vào thân, có tấm bằng sau này mới làm ông nọ, bà kia. Chẳng biết có phải kỳ vọng nhiều nên thất vọng lớn hay không mà nhiều học sinh học đến loạn chữ, nhồi nhét nhiều cuối cùng vẫn là... con số 0.

Có một nhà giáo dục đã nói: Những đưa trẻ ở thành thị được nuôi trong gia đình khá giả đa phần đều biến thành...gà công nghiệp. Trong đầu những chú gà ấy là một mớ những lý thuyết sách vở, những thứ cứ học mà chẳng biết ứng dụng vào đâu. Chúng chỉ học để bố mẹ yên tâm nên bị...ngộ chữ cũng là điều dễ hiểu.

Ngẫm đi ngẫm lại, thấy điều này thật chí lý. Hãy xem thời gian học của một học sinh tiểu học. Ngày đến lớp học hai buổi, tối đi học tiếng Anh, đi học thêm đủ các môn học khác, còn với học sinh THPT thì còn học nghề điện, lắp ráp xe máy... Tuổi nhỏ thì học theo sự sắp xếp của bố mẹ, còn những học sinh lớn hơn đăng ký học nghề, không phải vì yêu thích, hoặc sẽ không thi đại học mà rẽ ngang thành công nhân. Đơn giản, học sinh đăng ký học chỉ để có chứng chỉ học nghề và khi thi tốt nghiệp sẽ được cộng điểm. Bởi thế, danh sách những môn học chẳng để làm gì cứ dài thêm.

Con người sinh ra mấy ai giỏi giang toàn vẹn. Bởi vậy, trong đời sống mới có chuyện phân công lao động. Người có sở trường về nghề gì, sẽ làm việc ấy. Và khi làm việc đúng sở trường, đúng kiến thức được học con người mới có sự đam mê và tạo hiệu quả công việc tốt. Bởi thế, thiên hướng từ trong trường học, những đứa trẻ đã tỏ rõ mình hợp với các môn tự nhiên hay xã hội. Nhưng từ khi bỏ phân ban, những đứa trẻ cứ phải nhồi nhét một mớ kiến thức nặng nề nên mệt mỏi, không hiệu quả.

Xã hội - Học nhiều vẫn... bằng 0

Ảnh minh họa

Những đứa trẻ để thành học sinh giỏi phải cố gắng học đều các môn. Điều này dẫn đến học vẹt những môn không yêu thích, làm mòn đi sự sáng tạo trong con trẻ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Thậm chí, nó còn tạo cho trẻ sự gian dối, những môn không yêu thích chúng phải quay cóp bài để có điểm cao.

Tôi có người bạn đã sống lâu năm ở nước ngoài. Sau nhiều suy nghĩ thiệt hơn, anh quyết định đưa con trai 6 tuổi về nước học tập mong con nói được tiếng Việt và không bị mất gốc văn hoá. Nhưng trước những cách học nhồi nhét, học sinh không được phân loại, không được học những môn mình yêu thích khiến anh băn khoăn, không biết quyết định của mình có sáng suốt hay không!

Học trên lớp chưa đủ, những đứa trẻ lại phải cuốn vào những buổi học thêm. Mặc dù những quan chức của ngành giáo dục từ Bộ đến Sở đều cấm dạy thêm, học thêm nhưng tình trạng này vẫn nở rộ. Cấm học thêm công khai trên lớp thì học thêm rút vào hoạt động bí mật. Và cũng chỉ phạt được giáo viên khi có đơn thư tố cáo của phụ huynh học sinh về chuyện ép học sinh học thêm. Nhưng khổ nỗi, chuyện học thêm cũng như công tác ngoại giao, học đôi khi không chỉ vì lý do duy nhất là kiến thức, chỉ là để cô hài lòng mà quan tâm đến học sinh hơn. Bởi thế, chẳng có phụ huynh nào dại dột đi tố cáo cô giáo bởi đơn giản "qua sông phải lụy đò" mà cô thầy đang là người đưa đò của thời buổi kinh tế thị trường. Thời đồng tiền được coi trọng nên thầy cô bán kiến thức cũng là điều dễ hiểu. Ai cũng thông cảm điều ấy, có chăng chỉ biết trách "hơi đồng" mà thôi.

Khi trò chuyện với nhiều học sinh tôi mới vỡ ra một điều: Việc học thêm có sự tác động từ giáo viên chứ không chỉ do học sinh. Vì không phải học sinh nào cũng có tiền đi học thêm. Nhưng thật sự thầy cô giảng các em không hiểu, mặc dù đã rất chú tâm. Nếu không đi học thêm thì việc học của các em sẽ bị trì trệ. Cũng là giáo viên nhưng có thầy cô giảng bài dễ hiểu, nhưng có người dạy học sinh không tiếp thu được. Và đi học thêm để được luyện dạng đề kiểm tra, đề thi để có điểm cao. Vậy là, vì thành tích, vì điểm số những phụ huynh lại phải tiết kiệm khoản chi tiêu để cho con em đi học thêm.

Học vì điểm số, vì bằng cấp thì kiến thức mấy khi đọng lại trong đầu. Cuối cùng cứ hết năm học, chữ thầy lại trả cho thầy, kiến thức vào đời của những những công dân trẻ vẫn là con số 0, vẫn là những lứa...gà công nghiệp. Trong khi, kiến thức thực tế, kỹ năng sống của học sinh lại bị bỏ ngỏ. Những đứa trẻ không được trang bị kiến thức để thích ứng với cuộc sống hiện đại. Trẻ ít có tính tự lập và đương nhiên, nếu thành công trẻ lại phải được đào tạo lại trong môi trường thực tiễn hơn.

Người đứng đầu ngành giáo dục đã khẳng định không khuyến khích học thêm để đỗ đại học. Nhưng chừng nào, đại học vẫn là ngưỡng cửa tốt nhất để vào đời, xã hội còn coi trọng bằng cấp thì chừng ấy học sinh vẫn phải đi học thêm. Cho dù việc học chỉ để lấy một tấm bằng, còn giá trị của tấm bằng chẳng ai cần quan tâm.

Và như thế, các đời Bộ trưởng bộ GD&ĐT cứ cải cách thì sự học vẫn dậm chân tại chỗ. Bệnh thành tích mãi đồng hành cùng với cơ chế thi tuyển công chức lấy bằng cấp làm thước đo.

Mỹ Kim

Luyện con thành... “thần đồng”

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:05
"Hôm nay Chủ nhật, anh mới có thời gian thong thả. Bận công việc túi bụi, lại phải cùng cháu thực hiện "giáo án" đúng kế hoạch. Mệt nhưng cũng rất vui vì thấy công sức mình bỏ ra không uổng phí, thành quả thật đáng để phấn đấu", Anh Đán nói.

Bị ép làm “thần đồng”, trẻ “tẩu hỏa nhập ma”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:53
“Thiên tài” chưa thấy đâu nhưng những giờ học ngoại khóa hoặc gia sư từ toán, văn, ngoại ngữ đến “cầm kỳ thi họa” khiến không ít trẻ “tẩu hỏa nhập ma”.

Quy định “lơ lửng”, trẻ em vẫn bị ép thành “thần đồng”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
Theo các chuyên gia giáo dục, việc nhồi nhét kiến thức trước tuổi là việc làm phản khoa học.

Đầu tư giáo dục tăng nhưng lạm thu không giảm?

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:03
GS.VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, bức tranh giáo dục nước nhà đã tồn tại nhiều vấn đề chưa giải quyết tốt, việc lạm thu ở nhiều trường càng làm cho bức tranh ấy thêm rối rắm. Tuy nhiên, lỗi ấy không hoàn toàn do nhà trường và ngành giáo dục, mà một phần trách nhiệm của ban đại diện cha mẹ học sinh.