Học sinh thủ dao đến trường, lực lượng bảo vệ vô can?

Học sinh thủ dao đến trường, lực lượng bảo vệ vô can?

Thứ 5, 02/05/2013 | 09:01
0
"An ninh trường học không được tốt, lý do thì nhiều nhưng chúng ta phải xem xét giải quyết chứ không thể đổ lỗi cho nơi này, nơi kia. Không thể nói học sinh ra khỏi sân trường, bộ Giáo dục vô can!", TS. Nguyễn Tùng Lâm, chủ tịch Hội Tâm lý- Khoa học giáo dục Hà Nội cho ý kiến khi nói về an ninh, an toàn học đường.

Bảo vệ không đúng  quy trình

Là một người làm trong lĩnh vực giáo dục, ông nhận xét gì về thực tế an ninh, an toàn học đường hiện nay?

Theo tôi, đây là một tình trạng phải lên tiếng báo động cao. Tôi thấy buồn khi vẫn đọc ở đâu đó, chuyện kẻ xấu vào trường hành hung, giở trò đồi bại với học sinh. Môi trường học đường là môi trường khá đặc biệt, là nơi các thế hệ tương lai được chăm sóc và tu dưỡng nền tảng tri thức, đạo đức thì vấn đề trách nhiệm của nhà trường về công tác an ninh, bảo vệ lại càng phải được đề cao, coi trọng. Trách nhiệm ở đây phải xét tổng thể từ phía nhà trường, công tác bảo vệ và bản thân các thầy cô giáo.

Nhưng thưa ông, công tác bảo vệ ở nhà trường thường chỉ chú trọng trông giữ tài sản, chứ không đủ sức đảm bảo an toàn, an ninh cho học sinh, giáo viên?

Đầu tiên là khâu bảo vệ. Hiện nay, khi đi vào một cơ quan ban ngành nào, chúng ta phải xuất trình giấy tờ rõ ràng nhưng khi đi vào trường học thì lại không, đây cũng là một sự bất cẩn không đáng có. Người ngoài có thể ra vào trường dễ dàng thì làm sao ngăn chặn được những tác động xấu từ bên ngoài tới học sinh. Thậm chí, hiện nay ở các trường học, nghiệp vụ bảo vệ cũng không được đảm bảo. Người bảo vệ không làm đúng quy trình và nghiệp vụ. Vấn đề này thuộc về trách nhiệm quản lý của nhà trường.

> Thiếu kinh phí để đảm bảo an ninh học đường

Xã hội - Học sinh thủ dao đến trường, lực lượng bảo vệ vô can?

TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý- Khoa học giáo dục Hà Nội.

Theo ông, các trường có nên thuê công ty bảo vệ chuyên nghiệp nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh?

Theo tôi, tuỳ vào điều kiện của các trường mới có thể thuê bảo vệ chuyên nghiệp. Ở những trường có điều kiện thì việc này là đương nhiên, họ thuê những bảo vệ từ các công ty chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản và có thể xử lý những tình huống bất khả kháng. Nhất là các trường tư thục thì vấn đề này được đảm bảo hơn. Bản thân tôi cũng là người làm công tác quản lý ở trường học nên biết hiện nay, nhiều học sinh cấp trung học cũng thủ dao, gậy đến trường,... nhiều khi tôi phải cho kiểm tra hành chính đột xuất. Với nhiều nguồn tin khác nhau như bà bán nước, ông xe ôm cạnh trường, khi có thông tin thì lập tức phải dừng ngay các lớp có vấn đề, gọi công an đến để xử lý kịp thời. Nếu chỉ trông vào bảo vệ thôi thì chưa đủ. Ngay trường hợp trường Cao đẳng Công nghệ vừa qua, học sinh bên ngoài nhảy vào dùng vũ khí đâm nhau chứng tỏ nghiệp vụ bảo vệ cũng chưa tốt. Trong những trường hợp như vậy thì bảo vệ phải lập tức ngăn chặn lại. An toàn của học sinh bao giờ cũng phải đặt lên hàng đầu.

Lỗ hổng giáo dục kỹ năng an toàn cho học sinh

Có ý kiến cho rằng, an ninh, bạo lực học đường cũng xuất phát từ mối quan hệ lệch chuẩn của giáo viên và học sinh. Ông nghĩ sao về điều này?

Tôi cho rằng cũng cần phải xét từ phía trách nhiệm của các thầy cô giáo. Ngành giáo dục phải có biện pháp để chấm dứt hành vi ứng xử không thực sự văn hoá với học trò thì sẽ không có những chuyện đau lòng  như cô giáo tát học trò, doạ nạt hay đánh đập... như xã hội đã lên tiếng nhiều trong thời gian vừa qua. Điều này cũng thuộc về phẩm chất đạo đức của nhà giáo nên nếu có vụ việc sai phạm diễn ra, không đơn giản chỉ là kỉ luật mà còn phải công khai làm rõ. Nếu hành vi đó tái diễn trong phạm vi trường học thì hình thức kỷ luật cũng phải cao hơn chứ không thể để tình trạng người này vi phạm, người khác cũng vi phạm theo với lý do phạm lỗi lần đầu.

Phụ huynh gửi con em đến trường học là trao gửi cả tính mạng, tinh thần con em họ cho nhà trường. Vậy trách nhiệm đảm bảo an toàn cho học sinh phải được quy định rõ ràng như thế nào, thưa ông?

Khi có vụ việc bất khả kháng xảy ra, tai nạn diễn ra trong phạm vi trường học như chết đuối, bị xâm hại thì người phải đứng ra chịu trách  nhiệm đầu tiên là hiệu trưởng. Phụ huynh học sinh đã tin tưởng gửi gắm con em mình cho nhà trường thì trong thời gian các em học tập, sinh hoạt ở trường, nhà trường phải có trách nhiệm quản lý. Điều này cũng đã được pháp luật quy định rõ. Tuy nhiên, nếu cứ đổ cho xã hội thì nhiều thứ quá, không giải quyết hết, bản thân công tác bảo vệ của các trường học phải được củng cố chặt chẽ hơn.

Nhưng dường như nhà trường chưa quan tâm đầy đủ đến kỹ năng tự phòng vệ cho học sinh?

Để đảm bảo được an ninh học đường cũng phải lưu ý đến ý thức của chính các em học sinh. An toàn ở đây không chỉ là những việc mang tính bạo lực, xâm hại mà còn phải tính đến những khả năng tai nạn có thể dẫn tới như bom đạn nằm sâu trong đất chẳng hạn, nhìn thấy là phải biết tránh xa chứ không phải tò mò lại gần. Ứng xử với nước ra sao, với lửa, với khí độc thì phải xử lý thế nào,... có thể thấy  công tác giáo dục kỹ năng an toàn cho học sinh hiện nay vẫn chưa được thực hiện tốt, thậm chí còn lỗ hổng khá lớn. Chúng ta không có bài bản cụ thể mà mới chỉ dừng lại ở phạm vi những tiết học ngoại khóa. Giáo viên phải dạy học sinh biết rèn luyện kỹ năng bảo vệ mình như một phản xạ có điều kiện, khi có bất kỳ tình huống bất khả kháng nào diễn ra, các em cũng sẽ có biện pháp xử lý tốt hơn, tránh những hậu quả đáng tiếc.

Xin cảm ơn ông!

Đỗ Huệ- Minh Khánh

Bạo lực học đường: Một tháng, ba vụ đánh nhau đến chết

Thứ 4, 16/01/2013 | 09:12
Bênh bạn, đùa giỡn, “ma mới” của ký túc xá, là những nguyên nhân khiến nmột nam sinh bị bạn cùng trường đánh đến chấn thương sọ não, thậm chí có người bị cướp đi mạng sống.

HS chửi bậy trong bài văn: Hậu quả của thói dối trá học đường!

Thứ 3, 08/01/2013 | 14:52
Kết quả, học sinh này đã nhận điểm 0 và lời phê “Cần xem lại đạo đức bản thân” của giáo viên.

Bức xúc khi học đường thành... võ trường

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
Gần đây tình trạng bạo lực học đường diễn ra ngày càng nhiều. Đặc biệt là hiện tượng giáo viên đánh học sinh xảy ra liên tiếp khiến nhiều người lo ngại về môi trường giáo dục hiện nay.

Những con số báo động nỗi đau bạo lực học đường

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
Các chuyên gia giáo dục lo lắng về sự lệch lạc về nhân cách và bất ổn trong tâm lý của một bộ phận học sinh hiện nay.