'Hối lộ thần thánh' - Chuyện buồn chốn cửa thiền

'Hối lộ thần thánh' - Chuyện buồn chốn cửa thiền

Thứ 2, 11/03/2013 | 15:54
0
Rải tiền lẻ vô tội vạ, đốt vàng mã, chen chân nhau xì xụp khấn vái, đã trở thành một hiện tượng bình thường nơi chốn cửa thiền trong nhiều năm qua.

PV Nguoiduatin.vn đã có cuộc trao đổi với PGS-TS. Trần Lâm Biền, một nhà nghiên cứu văn hoá dân gian uy tín hàng đầu của Việt Nam về vấn đề này.

“Đặt cược” với tinh thần

Hiện nay ở các cửa đình, chùa và những nơi linh thiêng, xảy ra hiện tượng người đi lễ, đi hành hương rải tiền cúng tế một cách vô tội vạ, thậm chí phản cảm. PGS-TS. nhận xét như thế nào về tình trạng này?

Trước hết, có thể nói đây là một sự hỗn tạp. Vấn đề tiền nong đối với thần linh thì sự hỗn tạp bây giờ mới có, ngày xưa thì không. Người xưa luôn tâm niệm thần linh là một thế lực thiêng liêng của tầng trên, cho nên ứng xử với thần linh phải đạt được sự kính trọng và trong sáng chứ không ai ứng xử theo lối mua bán cả. Những hiện tượng kể trên ít nhiều mang tính chất mua bán ở cửa thần, cửa thánh, hối lộ thần linh, bắt ép thần linh nhận hối lộ thì chỉ bây giờ mới có. Lối suy nghĩ theo kiểu "tốt lễ dễ kêu", người ta sẽ lầm tưởng như thế là kính trọng, thần linh sẽ hiểu và ban phát lộc cho con người. Những tính toán vụ lợi cá nhân, nói thẳng ra là một sự "đặt cược" với thần linh, biến thần linh thành một công cụ vì cái thấp hèn của con người mà tồn tại. Nguyên nhân một phần cũng vì hiện nay chúng ta đang trên đà sống gấp, không chỉ trong hành động mà còn trong suy nghĩ mới dẫn đến sự suy diễn sai lầm như vậy.

Xã hội - 'Hối lộ thần thánh' - Chuyện buồn chốn cửa thiền

Người dân chen nhau đi lễ cầu tài lộc đầu xuân nhưng không có ý gìn giữ sự tôn nghiêm chốn linh thiêng - ảnh Thành Long.

Người xưa luôn nhận thức về thần linh như những đấng tối cao, vì con người mà tồn tại, ban cho mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an. Người thời nay, không phải tất cả nhưng đa phần những người gọi là tín đồ, đi lễ vì những mưu cầu của mình. Lối ứng xử trước kia dựa trên thước đo Chân-Thiện-Mỹ. Ở trong các gia đình hay các đền, chùa thì ban thờ lúc nào cũng được gắn với không gian trang trọng nhất. Đó là thế giới của thần linh, người ta không cho phép được đặt đồ mặn lên đó mà chỉ là hương hoa đăng, trà quả thực. Đồ mặn được đặt ở một cái sập hoặc một cái bàn thấp hơn, coi như một thế giới khác không thuộc tầng trên. Không bao giờ có sự lẫn lộn giữa đồ mặn và đồ chay trong cùng một ban thờ.

Trên bước đường phát triển xã hội, đương nhiên không tránh khỏi những khủng hoảng đặc thù. Một trong những khủng hoảng ấy sẽ kèm theo những ứng xử thiếu văn hoá, thiếu kính trọng với thần linh của người đời. Cụ thể là nó đang hạ thấp thần linh bằng cách coi các ngài cũng chỉ như những gì tồn tại giữa cuộc đời, cũng ăn hối lộ, cũng đo đếm thành tâm, cúng càng nhiều thì nhận lại càng được nhiều. Người ta nhét tiền vào tay của tượng Phật hoặc gài trên thân, thậm chí trên đầu, mũ, tóc, chân, đôi khi họ nhét cả vào dây cương của ngựa, vào miệng các linh vật, thậm chí ở cả giếng nước, cây đa, cây đề người ta cũng rải tiền như bươm bướm. Điều này là không thể chấp nhận bởi vì chính những hành động đó đã làm ô uế cõi thiêng liêng. Hành động này đứng ở mặt tâm linh chỉ có tội không có phúc, đương nhiên cái tội này sẽ phải trả giá rất nặng nề.

Ông có thể lý giải rõ hơn về những thứ được gọi là ô uế thần linh?

Trước kia, khi bước chân qua ngưỡng cửa của những kiến trúc gắn với việc thờ cúng, người ta coi đó là một thế giới khác, phải bỏ lại thế giới trần tục, những tính toán mưu lợi ở bên ngoài cửa để tạo nên một tâm, thanh lòng tĩnh trước khi tiếp cận với thần linh. Bây giờ thì con người không phân định giữa đời và đạo, không phân định được thế gian và cõi siêu linh nên họ bước qua cửa chùa, cửa đền cũng chỉ như bước qua cái cửa nhà mình thôi, họ quên nên mang theo cả rác rưởi trần gian vào thế giới của các ngài. Không chỉ rác vật chất mà cả những rác rưởi tâm hồn nữa, họ đi vào những kiến trúc này để cầu xin nhiều cho bản thân mình hơn là cho những điều tốt đẹp.

Lễ vật dâng cho thần linh của người xưa trước hết phải xuất phát từ cái tâm. Tâm có tịnh thì tuệ mới sinh, tuệ sinh thì mới làm bệ đỡ cho cái tâm trong sáng được. Tâm không tĩnh, tuệ không sáng sẽ dẫn đến chỗ ứng xử sai lầm, mê tín dị đoan. Người xưa khi đứng trước Thần Phật, họ chắp ấn phổ lễ đặt trước ngực để khai mở luân xa. Hai tay chắp khít các ngón vào nhau, chiếu thẳng lên trời đặt ở nơi trái tim để khai mở cái tâm thông, nghĩa là nghĩ đến người trước rồi mới nghĩ đến mình sau. Việc đặt tiền giọt dầu hay lễ vật phải đặt rất cẩn thận, trên các khay, đĩa nhằm giữ cho thế giới thiêng không bị vẩn đục. Hành động vứt, ném tiền này là hành động phi lý về đạo đức, đặc biệt là đạo đức tâm linh. Vứt tiền không khác gì cho ăn mày. Khi mà thần linh hưởng cái lộc dâng lên, nhìn những đồng tiền đó, các ngài sẽ nghĩ gì?

Như vậy, theo ông, ý nghĩa ban đầu của tiền giọt dầu? Tiền giọt dầu và tiền công đức có giống nhau không?

Ngày xưa, khi đi lễ, người ta đặt tiền giọt dầu trên một cái đĩa ở ban thờ nhưng số tiền này chỉ vừa đủ để làm đèn hương, ít nhiều đóng góp vào việc mua đồ lễ trong những ngày rằm, ngày hội. Ngoài ra một phần cũng để chi tiêu cho người làm việc trông coi ở đó. Tiền giọt dầu phải đặt lên rất thành kính để tránh xúc phạm tới các ngài.

Tiền công đức thì khác, khi có đóng góp, số tiền này sẽ được ghi vào bia kí rất rành mạch, tiền đó sẽ được dùng làm gì, ở đâu rõ ràng. Thường sẽ là tiền để góp phần tu bổ, xây dựng công trình kiến trúc này hoặc phục vụ cho những mục đích của cộng đồng. Người xưa đi lễ, họ hiểu công đức là cái cuối cùng chứ không phải cái đầu tiên. Đức bao giờ cũng phải gắn với đạo. Trong đạo thì phải lấy trí đức làm đầu. Trí đức là cái đức của trí tuệ thì lại phải lấy trí tuệ làm đầu. Có trí tuệ thì mới đạt tâm đức, cái tôi trong sáng, đúng với con đường của đạo. Có trí đức rồi mới có nhân đức, là cái tôi thương người như thể thương thân. Sau cùng mới là công đức.

Nay thì cả hai thứ tiền bị nhoè trong nhau. Sao không ai hỏi và tự trả lời rằng những đồng tiền đó ngày nay sẽ đi về đâu, làm gì? Người ta biết nhưng người ta lẩn tránh câu trả lời.

Xã hội - 'Hối lộ thần thánh' - Chuyện buồn chốn cửa thiền (Hình 2).

PGS-TS. Trần Lâm Biền.

Một dạng hối lộ thần linh cấp siêu cao cấp

Theo ông có tồn tại một cấp độ nào khác của hình thức hối lộ chốn cửa thiêng này tồn tại một cách kín kẽ hơn?

Hiện nay, trong xã hội vẫn còn tồn tại một số đối tượng kiếm đồng tiền một cách quá dễ dàng, giàu lên quá nhanh tới mức khó hiểu. Trong xã hội tư bản, sự giàu có thường thuộc về bản chất, ít nhiều mang tính tầng lớp còn ở ta thì khác. Bởi sự giàu có quá nhanh khiến họ nghi ngờ và lục vấn tinh thần nhưng lại không giải mã được số của cải to lớn ấy. Cùng một công việc nhưng có người thành, người bại còn họ thì thành công quá mức tưởng tượng. Vì vậy họ cho rằng của thần thánh ban nên tìm mọi cách để trả nợ lại. Họ trả bằng cách làm công đức, đóng góp rất nhiều, lên đến cả tiền tỉ cho các công trình, di sản văn hoá tâm linh. Nhưng cũng vì bỏ ra những đồng tiền đó, họ can thiệp sâu vào việc sửa chữa, tôn tạo, ép theo ý mình dẫn tới sự suy giảm bản sắc văn hoá của chính nơi đó. Đây thực ra cũng chỉ là một hành động "hối lộ" dạng siêu cao cấp, đặt ra một khoán ước với thần linh bằng niềm tin đảm bảo cho sự giàu có vững bền của các đối tượng này mà thôi.

Việc bỏ tiền ra công đức để tôn tạo di tích cũng là một việc nên làm và cần được ghi nhận thì việc ghi tên trên các ghế đá, bồn cây, cũng là một việc chính đáng?

Trước kia, khi công đức người ta chỉ ghi tên vào bia kí chứ không ghi vào hiện vật. Nếu như ở trên các hoành phi câu đối, người ta phải ghi lạc khoản là để họ chịu trách nhiệm với nội dung viết trên đó, một cách kính cẩn và thành tâm với thần linh và người đời chứ không mưu cầu vinh quanh ở cái tên. Nay thì người ta ghi tên trực tiếp vào đồ dâng lễ, vào các hiện vật đóng góp, xây dựng, đó là một hành động đời hoá thế giới tâm linh, khoe mẽ với người đời. Những thứ được đặt trong không gian tâm linh ấy đều thuộc về thế giới của thánh thần, nghĩa là một thế giới khác, thế giới bên kia. Việc ghi tên mình vào hiện vật đồng nghĩa với việc ghi tên mình vào thế giới khác, nói thẳng ra là tự ghi tên mình vào sổ tử.

Như vậy, theo ông việc đặt tiền lễ là không cần thiết?

Tôi trả lời câu hỏi này bằng một câu chuyện. Ngày xưa ở những nơi linh thiêng, có những cái giếng, cái huyệt mà người đi lễ thường hay vứt xuống đó những đồng xu lẻ. Người ta quan niệm những cái huyệt đó là đường đi xuống âm ti địa phủ, là đường đi của những kiếp người đau khổ mà khi sống phải chịu những cơ cực ở đời, khi chết vẫn không trả được hết những nợ nần nhân gian, vẫn phải chịu kiếp đớn đau, khổ cực. Ném những đồng xu xuống đó cũng là để giúp những kiếp đời ấy đỡ được phần nào sự đau khổ, có thêm một chút lệ phí để đi đường. Đó là một hành động nhân nghĩa mà người xưa vẫn thường làm. Nhưng hiện nay, nhìn những cái giếng, cái huyệt, đầy những đồng tiền giấy lẻ, người ta nghĩ gì? Họ đang mưu cầu những thứ cho riêng mình như một khoán ước với thần linh chứ không nghĩ đến những kiếp đời đã qua. Với họ quan trọng vẫn là những điều họ mong ước, khấn lên bằng miệng hoặc ngầm khấn trong đầu chứ không phải thiêng liêng hay kính cẩn. Sự xô bồ trong đi lễ cũng là một nguyên nhân dẫn đến hiện tượng như vậy. Dù thế nào, chữ nhân nghĩa vẫn phải đặt lên đầu chứ không phải chữ công đức.

Xin cảm ơn ông!                 

Xây 9 ngôi tháp cũng không bằng cứu 1 người!

Người theo đạo Phật hẳn nhớ lời Phật dạy: Dù cho xây dựng đến 9 ngôi tháp cũng không bằng bỏ sức cứu cho 1 người. Nhân đức phải đặt cao hơn công đức mới đúng con đường của đạo. Trong tấm bia kí ở chùa Bối Khê được lập vào đời Thái Hoà của thời Lê Sơ rằng: "Anh tú của đất trời là sông núi, anh tú của sông núi là thần linh" mà thần linh là đem đến cho con người mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi cho nên thần linh cũng là vọng ước của con người, gắn với Chân, Thiện, Mỹ. Hành trình bước vào cõi tâm linh của con người cũng chính là cuộc hành trình để họ đi tìm lại chính mình, bỏ qua những dục vọng, tiền tài ở bên ngoài. Sự cân bằng trong cuộc sống mới là mục đích ban đầu chứ không phải đến để cầu sức khoẻ, bình an là chính. Các cụ xưa có nói: "Của cho không bằng cách cho". Cách dâng cúng thần linh sao cho đồng tiền vừa được sử dụng một cách chính đáng giữa cộng đồng mới là quan trọng.

Đỗ Hu

Mái ấm cửa thiền chắp cánh ước mơ cho trẻ em bất hạnh

Thứ 2, 14/01/2013 | 08:54
Ngôi chùa Phúc Sơn nằm sâu trong xóm nhỏ của xã Hải Trung (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định), đây là nơi nuôi dưỡng hàng chục đứa trẻ bị bỏ rơi từ khi hình hài còn đỏ hỏn. Nửa đêm, khi cả vùng quê nghèo đã im lìm thì bên trong chùa ánh đèn vẫn sáng. Nhiều người sẽ ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh một sư thầy đang à ơi, tay đưa võng hát ru cho những đứa trẻ vài tháng tuổi. Cửa Phật không chỉ thắp sáng tương lai cho nhiều học trò nghèo trưởng thành, đỗ đạt mà là nơi nương tựa của những cụ già neo đơn không chốn về.

Ứng xử chốn cửa thiền cũng cần có giáo dục

Thứ 2, 05/08/2013 | 16:35
Không chỉ lễ xôi gà, heo quay, nhiều người còn chuẩn bị cả mũ áo, tiền vàng... để dâng Phật với mong muốn lễ càng to thì tài lộc càng nhiều trong năm mới. Một số vị hòa thượng cho rằng, theo triết lý của nhà Phật thì đó là một quan niệm sai lầm.

Giáp mặt “giang hồ” ăn bám chốn cửa thiền

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
Một đội quân, hoạt động dưới sự giám sát và những "luật ngầm" được quy định rõ ràng, bất cứ ai muốn kiếm sống bằng cái nghề này tại đây cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt.

Những hình ảnh 'nhói mắt' gây phản cảm nơi đất Phật

Thứ 3, 19/02/2013 | 14:29
Đi chùa đầu năm là nét đẹp văn hóa của người Việt, bên cạnh đó còn quá nhiều hình ảnh phản cảm, vô ý thức của người dân ở chốn tâm linh, ngược với thuần phong mỹ tục.