Hội lớp, thầy trò bàn chuyện chọn khối A, khối D

Hội lớp, thầy trò bàn chuyện chọn khối A, khối D

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:55
0
Mình là giáo viên dạy Toán, có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học ở cấp cơ sở và cấp tỉnh, đã được ngành sử dụng áp dụng vào thực tế dạy học. Nhưng sau khi tham dự vào một buổi hội lớp của cựu học sinh, mình lại ngộ ra được một điều.

Từ việc vượt rào...

Mồng ba Tết Nhâm thìn, mình đã đến dự buổi họp mặt của lớp B khóa 1993 – 1996 của Trường THPT Hương Sơn (Hà Tĩnh). Nhận được lời mời của anh cựu lớp trưởng, mình không từ chối như thường lệ. Mình đã chờ đợi điều này từ lâu lắm rồi, bởi đây là một lớp học sinh cũ rất đặc biệt.

Năm 1993, trước yêu cầu bức thiết của học sinh và sức ép của các phụ huynh, mình và Lê Văn Vỵ (dạy Văn) và hiệu trưởng Nguyễn Khắc Hào đã bỏ qua tất cả ý kiến phản đối để quyết định đầu tư cho một lớp chuyên Văn – Toán - Anh. Trong lịch sử Trường THPT Hương Sơn, đây là lớp khối D duy nhất, hội tụ được hầu hết học sinh ưu tú và được giao phó cho những thầy cô giỏi.

Xã hội - Hội lớp, thầy trò bàn chuyện chọn khối A, khối D

Những gương mặt ưu tú

Trong thập niên 90, ở huyện miền núi như Hương Sơn, một lớp chuyên khối A là quá thừa chỗ cho những “mầm” ĐH của trường. Dân Hương Sơn thuở trước còn đói khổ hơn cả bây giờ, mà trường ĐH hồi đó vừa ít, vừa thật, nên việc học sinh vào ĐH rất khó.Vì vậy, bất chấp đến sở trường năng khiếu của học trò, bất chấp môn học nào là cần thiết để vào đời, nhà trường và phụ huynh vào hùa, nhất nhất “lùa” những đứa khá vào khối A. Các lớp khối D, khối B, khối C chỉ còn toàn học sinh yếu. Sinh ra các lớp ôn khối B, C, D, thực chất để các thầy “dỗ” (tiền) nhiều hơn là “dạy” (chữ).

...đến những bất ngờ ở buổi họp lớp

Thầy cũ, trò xưa, gặp nhau mừng tủi. Không ngờ, những học sinh nghịch ngợm ngày nào, nay đều chững chạc, phong độ ra phết. Bây giờ, chúng về đây, đủ các thành phần: Nhà báo, kỹ sư, doanh nhân, tiến sỹ, thạc sỹ, giáo viên .... Chỉ có số ít, là nhang nhác vẻ nhà nông – đó chính là các thầy cô giáo cũ. Thời gian và sự cơ hàn của cái nghiệp chèo đò đã in dấu tiều tụy lên gương mặt các thầy cô.

Xã hội - Hội lớp, thầy trò bàn chuyện chọn khối A, khối D (Hình 2).

Nhiều thế hệ lãnh đạo, giáo viên đều có mặt

Lớp trưởng Phan Xuân Hồng, nay là một tay phóng viên gạo cội, đã biến buổi hội lớp thành một cuộc họp báo. Cậu ta đun “nóng” bữa “họp báo” bằng cách, công bố những bí mật động trời trong quá khứ. Những chuyện tày đình được bạch hóa sau 15 năm che dấu. Các thầy giám hiệu cũ, giám hiệu mới, các thầy cây đa cây đề, tất thảy đại biểu đều ngạc nhiên đến sững sờ.

Hóa ra, trong hè lớp 11, ngoài bốn bạn lén làm giả hồ sơ để thi ĐH, còn có dăm bảy người thi thay ĐH cho anh chị lớp trên trót lọt. Hóa ra, các án kỷ luật trộm cắp mà lớp và trường đã khoác vào cổ bạn Trần Anh Tú thì thủ phạm lại là bạn Nguyễn Văn Thịnh, nay là ông chủ một công ty ở Hà Nội.

Cô Thái Minh (dạy môn Anh văn) nhắc kỷ niệm xưa, khen bạn Lê Anh Đức chăm học ngoại ngữ, thường xuyên đến nhà cô hỏi bài. Nhưng Đức và các bạny lại thú thật, những tối đến nhà cô, hỏi bài là cái cớ để tò he với cô bạn T.H kề nhà cô.

Mấy cậu tham gia trộm xe đạp ở trường, nay mới thú thật nhận tội. Cậu Thịnh lén đến “học nhóm” với bạn Nga, hai đứa “học” thế nào mà làm sập giường gia chủ. Nghe tiếng “soạng” trong buồng tối, ông chủ vác gậy chạy vào, 2 đứa ôm “bị gậy” chạy mất tăm. Cũng ít ai ngờ, Thịnh đào hoa hơn, được một bạn nữ khác trong lớp chủ động tỏ tình ngay trước ngõ. Hai chuyện cậu Sơn thất tình, uống say, ôm lấy gốc chuối nhà Xuân Giang, vừa hôn vừa nấc nở: “Anh yêu em lắm Nga ơi!”.

Xã hội - Hội lớp, thầy trò bàn chuyện chọn khối A, khối D (Hình 3).

Những món quà kỷ niệm được gửi đến nhà trường

Các ông thầy cũ, mắt tròn mắt dẹt, bảo nhau: “Bây giờ mới sáng mắt ra”. Trời ạ, sáng đâu mà sáng, ông nào cũng kính lão dăm ba độ, thấy có rời ra được đâu. Tất thảy câu chuyện có thật ấy, đều ngoài tầm hiểu biết của các thầy, các cô.

Một thế hệ đặc biệt trong lịch sử

Các thầy may ra chỉ biết, lớp học này là lớp học sinh giỏi nhất từ xưa đến nay. Đặng Thịnh Căn, Lê Văn ngay từ đầu lớp 11 đã đoạt giải học sinh giỏi 12 tỉnh. Học xong lớp 11, hầu hết học sinh đã có thể thi đậu vào ĐH. Nguyễn Tất Thắng, Đặng Thịnh Căn, Nguyễn Văn Thịnh và Phan Xuân Hồng liều lĩnh đi thi ĐH và họ đã thị đậu một lúc nhiều trường và có điểm rất cao. Hết lớp 12, hầu hết học sinh đều đậu vào các trường ĐH tốp trên, có người còn ẵm luôn thủ khoa của cả hai trường ĐH danh tiếng.

Lớp khối D này, còn là một lớp nhiều học sinh cá tính và bản lĩnh. Đặng Thịnh Căn thiếu cân khi sơ tuyển Học viện An ninh. Cậu bảo với bác sỹ khám: “Cháu thiếu cân vì thiếu ăn, chú nên châm chước để giúp cho ngành!”. Thấy ông bác sĩ công an ngạc nhiên, cậu mạnh dạn giải thích tiếp: “Cháu học giỏi, thi trường nào cháu cũng sẽ đậu. Nhưng cháu muốn thi vào ngành công an. Nếu loại cháu, chú đã loại mất của ngành một công an giỏi”. Sau đó, cậu đậu thủ khoa và trở thành sinh viên xuất sắc của trường an ninh. Vào cuối năm thứ nhất, Căn bị bệnh hiểm nghèo, nhà trường đã chăm sóc hết sức tận tình cho tới lúc cậu vĩnh viễn ra đi. “Con cá mất”. Đặng Thịnh Căn, chính “là con cá to” nhất của lớp 12B.

Chuyện Lê Văn, mới vào đầu lớp 11, cậu đã học xong chương trình và đậu học sinh giỏi tỉnh môn Văn lớp 12. Từ hè lớp 11, Lê Văn ôn ĐH bằng cách mở lớp dạy luyện thi cả 3 môn Văn, Toán, Anh cho các bạn trong khối. Cậu bảo: “Nếu thấy tau dạy kém, thì chúng mày đừng học. Nhưng khi tau dạy, bọn mày phải gọi tau bằng thầy”. Lê Văn nay là một nhà quản lý rất năng động cho một doanh nghiệp của Singapo.

Xã hội - Hội lớp, thầy trò bàn chuyện chọn khối A, khối D (Hình 4).

Thầy trò cùng chụp ảnh lưu niệm

Tất cả học sinh của lớp 12B và 12A đều thành đạt. Nhưng khác với các bạn khối A, các cô cậu 12B có vẻ chững chạc và toàn diện hơn. Họ giỏi ngoại ngữ, thích giao tiếp, thường xuyên viết lách và rất quan tâm đến chính sự. Có lẽ vì thế, họ hầu hết đều là “ông chủ” và thường làm cho các công ty nước ngoài. Mình hỏi: “Tại sao học sinh lớp 12B này, lại thành đạt một cách đầy bản lĩnh như vậy?”. Cậu Hồ Thái Sơn, cán bộ lớp, nay là phó chánh thanh tra của một đơn vị nói: “Bọn em tự tin vì được học đúng ba môn sở trường mà lại là các môn rất cần thiết. Nếu học khối A, chưa chắc bọn em đã đậu ĐH. Mà các bạn đậu khối A, họ cũng khổ vì khi học phổ thông, cứ học đi, học lại mãi môn Lý, Hóa (lại trắc nghiệm nữa) còn Văn và Ngoại ngữ không biết gì, vào ĐH mới nhảy quýnh lên”.

Cậu Nguyễn Văn Thịnh bảo: “Con nít cũng nhận ra, Toán, Văn, Anh cần thiết hơn Toán, Lý, Hóa. Bộ GD & ĐT thật vô lý khi buộc hầu hết các trường ĐH tuyển khối A. Từ đó, làm cho hầu hết học sinh phổ thông học hành phiến diện. Xưa nay, những người tài thường vào ĐH bằng khối A. Nếu họ không muốn là “nhân tài què quặt”, chắc chắn họ phải tự bổ túc các kiến thức xã hội. Giá như khối D được “phổ cập” như khối A, chắc sẽ tiết kiệm được rất nhiều tâm sức cho những người tài”.

Cậu lớp trưởng, nhà báo Phan Xuân Hồng bảo với mình: “Thầy ơi, khi nào Bộ GD&ĐT tỉnh ra, nếu họ muốn cho thi ĐH ba môn Văn, Toán, Anh, thì thầy mời họ về điều tra nghiên cứu lớp 12B bọn em!”.

Buổi liên hoan thật vui, thầy trò đều say. Mà mấy đứa say này nói thật lạ, chúng bảo, Bộ GD&ĐT vớ vẩn, rồi lại hỏi, khi nào thì họ tỉnh ra. Họ vớ vẩn thì có, chứ họ có phải say đâu mà bảo họ tỉnh ra. Nhưng mà, rượu thì ngon thật!

Trần Đình Trợ


Tag: hỏi bài