Hồi ức về những chiến công một thuở

Hồi ức về những chiến công một thuở

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Họ là những hậu duệ nhiều đời của dòng họ Trần ở làng Nam Đào. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, họ trở thành những chiến sĩ của đơn vị biệt động Sài Gòn, một lực lượng với những chiến công đã đi vào huyền thoại.

Ngọn lửa đấu tranh cách mạng hình như chưa bao giờ tắt trong trái tim mỗi thế hệ con cháu của dòng họ Trần. Một dòng họ đã từng viết nên những trang sử hiển hách trong lịch sử Việt Nam.

Người xây dựng cơ sở biệt động làng Nam Đào

Người đầu tiên của dòng họ tham gia biệt động là ông Trần Văn Mỹ. Ông Mỹ sinh năm 1942. Thuở nhỏ, ông Mỹ được ông Nguyễn Văn Chung, tức Tư Chung, dẫn dắt ông theo cách mạng. Cơ sở bị lộ, ông Mỹ được vợ ông Tư Chung đưa vào chiến khu ở Củ Chi. Năm 1963, ông Mỹ được nhận vào đơn vị biệt động C159, đơn vị của ông Ngô Thanh Vân (biệt danh Ba Đen). Ba Đen giao ông Mỹ nhiệm cụ móc nối, xây dựng cơ sở cho biệt động.

Xã hội - Hồi ức về những chiến công một thuở

Ban trị sự Hội tương tế làng Nam Đào.

Dưới vai trò của một chiến sĩ biệt động, ông Mỹ về thành phố, tìm cách móc nối, xây dựng cơ sở từ chính những người trong dòng họ của mình. Những người lớn tuổi thì ông tìm cách thuyết phục họ thành cơ sở của biệt động có nhiệm vụ che giấu cán bộ, vận động tài chính cho cách mạng. Với những người trẻ tuổi thì giác ngộ cách mạng, dẫn dắt họ trở thành chiến sĩ tác chiến của lực lượng biệt động. Riêng bản thân ông Mỹ đã móc nối với hơn 10 gia đình và cá nhân trong dòng họ thành cơ sở của biệt động. Tiêu biểu như ông Trần Nhương, ông Trần Văn Bảo, gia đình ông Trần Nuôi, Trần Kế, Trần Văn Hạnh, Trần Bớt, v.v...

Ngoài ra, ông Mỹ còn được ông Ba Đen giao nhiệm vụ nghiên cứu đánh các mục tiêu quân sự, chính trị của Mỹ - ngụy. Cùng với ông Nhương, ông Mỹ nghiên cứu cách đánh nhà hàng Ana. Mục tiêu kế tiếp là nghiên cứu đánh vào tòa nhà dùng làm đài ra đa của Mỹ, nay thuộc khu vực đường Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM. Khu này là nơi tập trung nhiều sĩ quan của Mỹ. Thế nhưng vị trí rất khó đánh vì khó tiếp cận.

Sau khi nghiên cứu kỹ, ông lên báo cáo với cấp trên. "Lúc đó, ông Tư Quỳ nói với tôi cứ về tìm gặp anh Tư Hiếu để bàn cách đánh. Nhà anh Hiếu ở đối diện với tòa nhà này. Từ cửa sổ nhà anh ngó qua thấy rõ phòng làm việc của tên thiếu tướng Mỹ. Tôi bàn với anh Tư Hiếu phải đào hầm, giấu vũ khí rồi dùng súng phóng lựu từ cửa sổ nhà anh bắn qua phòng đó. Giống như cách phóng hỏa tiễn từ xa vậy. Và anh Tư Hiếu đồng ý với kế hoạch này", ông Mỹ kể lại.

Nhưng đang làm dở hầm ông được phân công đi học trinh sát đặc công và chiến thuật đánh trong thành phố ở đơn vị F400, thuộc chiến khu Tây Ninh. Sau đó, cấp trên cử ông đi xây dựng đơn vị mới B12, thuộc quân khu Sài Gòn - Gia Định. Ông về thành tiếp tục xây dựng thêm cơ sở mới cho đơn vị. Không may, vào năm 1967, một cơ sở bị bắt đã khai ra ông. Địch đày ông ra Côn Đảo. Sau đó ông được trao trả tự do vào năm 1974. Trở về, ông tham gia vào lực lượng của Quân đoàn 3, tiếp tục hoạt động cách mạng cho đến ngày thống nhất đất nước.

Sau 1975, ông Mỹ là giáo viên Trường Cao đẳng Sư phạm TP.HCM (nay là Đại học Sài Gòn). Hiện nay, ông làm Trưởng ban liên lạc cựu tù chính trị và tù binh của Mặt trận Tổ quốc quận Phú Nhuận.

Cùng hoạt động với ông Mỹ là ông Trần Nhương. Ông Nhương từng tham gia hoạt động trong phong trào Liên hiệp học sinh, sinh viên do các anh Phạm Chánh Trực, Lê Hồng Tư và giáo sư Lê Quang Vịnh chủ xướng. Năm 1963, ông Nhương kết bạn với một số học sinh từ vùng quê lên Sài Gòn học. Về Gò Công, Tiền Giang quê của họ chơi, ông biết ở đây có vùng Giải phóng của cách mạng nên ông tìm cách xin vào hoạt động. Tại Sài Gòn, trong cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm, ông Nhương lấy được một số vũ khí, súng đạn đưa về cho tổ chức. Sau đó, ông được Huyện ủy viên Mười Hùng vận động tham gia phong trào binh vận, làm công tác binh vận tại trường võ bị Đà Lạt.

Trong thời gian hoạt động trong lòng địch, ông bị địch nghi ngờ và theo dõi. Do đó, ông trở về Sài Gòn, tìm gặp ông Trần Văn Mỹ, lúc này đang là một chiến sĩ biệt động nói rõ hoàn cảnh của mình và ngỏ ý muốn được hoạt động cách mạng tiếp. Ông Mỹ đã nhờ giao liên dẫn ông Nhương về ấp Bò Cạp, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi gặp ông Ba Đen. Tại đây, ông Nhương được ông Ba Đen nhận vào đơn vị biệt động, và nhận chỉ thị quay trở về Sài Gòn làm công tác xây dựng cơ sở tại làng Nam Đào. Sau khi xây dựng được một số đầu mối, ông Nhương chuyển sang làm nhiệm vụ khác. Đó là tiếp cận và ám sát những tên tay sai, lính Mỹ, tướng lĩnh chủ chốt của Mỹ được cách mạng nhận định là nguy hiểm và tàn ác.

Người tài xế biệt động và chú bé giao liên dũng cảm

Dòng họ Trần làng Nam Đào còn có ông Trần Chích (còn gọi là Ba Bảo), cũng là một chiến sĩ biệt động. Trong suốt quá trình tham gia lực lượng biệt động Sài Gòn, ông Ba Bảo chủ yếu làm nhiệm vụ lái xe tải, chuyên chở vũ khí, quân trang, quân dụng từ Củ Chi vào nội thành, chuẩn bị cho những trận đánh chiến lược. Dù luôn phải đối mặt với những hiểm nguy, bị chặn lại kiểm tra bất cứ lúc nào trong mỗi chuyến xe, nhưng ông Bảo luôn hoàn thành nhiệm vụ bằng bản lĩnh và sự nhanh trí của mình.

Năm 1968, ông Ba Bảo là người chở vũ khí cùng đơn vị của ông Ba Đen vào nội thành, chuẩn bị cho trận đánh vào tòa đại sứ Mỹ trong cuộc tổng tấn công Mậu Thân lịch sử. Năm 1969, ông bị địch bắt. Đến năm 1972 thì được thả, ông lại tiếp tục xây dựng cơ sở và hoạt động cho đến ngày thống nhất. Hiện ông Ba Bảo đã mất.

Lớp thế hệ kế tiếp các ông tham gia đơn vị biệt động là Đại tá Trần Văn Hưng. Ông Hưng là con của ông Trần Kế - một cơ sở của biệt động ở làng Nam Đào. Do sống trong không khí cách mạng từ gia đình, đến dòng họ, ông Hưng sớm có lòng yêu nước. Ông Hai Trí là người giác ngộ cách mạng cho ông Hưng. Khi còn là sinh viên của trường Cán bộ hóa học của Trung tâm Kỹ thuật Phú Thọ, ông Hưng nhiệt thành tham gia trong phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên và phật tử chống chế độ Ngô Đình Diệm. Sau đó, ông Hưng được đưa vào chiến khu ở Suối Sâu - Tây Ninh. Nhưng khi tới nơi thì không vào được do bị địch càn quét, nên ông phải quay về Sài Gòn.

Năm 1968, ông Ba Đen dẫn đơn vị bí mật về Sài Gòn, chuẩn bị cho trận đánh tòa đại sứ Mỹ. Đơn vị ông Ba Đen về trú ẩn ở nhà ông Kế. Trong thời gian này, ông Hưng làm liên lạc, trinh sát cho ông Ba Đen cả trước và trong trận đánh. Sáng ngày 03/03/1968, ông Hưng đi đến tiệm phở Bình trên đường Yên Đỗ để nắm tình hình. Tiệm phở Bình (nay thuộc đường Lý Chính Thắng, quận Phú Nhuận, TP.HCM) là nơi đơn vị ông Ba Đen ém quân chuẩn bị đánh tòa đại sứ Mỹ. Nhưng khi ông Hưng tới tiệm phở Bình thì bị cảnh sát ngụy bắt cùng một số người nữa.

Ông Hưng bị dẫn về giam cùng một số tù chính trị khác và suýt bị thủ tiêu. Sau đó, ông bị đày ra Côn Đảo, rồi được trao trả vào năm 1974. Ông về lại đơn vị đoàn 210 Cục Hậu cần. Năm 1975, ông về tiếp quản Trường Thiếu sinh quân của ngụỵ ở Vũng Tàu, rồi ông đi học tiếp ở Trường Đại học Bách Khoa. Tốt nghiệp kỹ sư Hóa học, ông về Nhà máy Z751, thuộc Tổng cục Kỹ thuật. Hiện ông đã nghỉ hưu.

Hương Lam