Hồn vía Trung thu

Hồn vía Trung thu

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0

Sắp tới ngày rằm tháng Tám, còn gọi là Tết Trung thu hay Tết Nhi đồng, khắp các nẻo đường thành phố ngoài những gian hàng bán bánh Trung thu với cách bày trí đặc trưng từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong thật bắt mắt. Nhưng nếu chỉ có những hộp bánh đỏ rực mang các thương hiệu nổi tiếng quen thuộc mà không có những chiếc đèn lồng giấy kiếng, khung tre đủ loại hình: Con bướm, con cá, con gà, tàu thủy, xe tăng, ngôi sao với cách trang trí thuần Việt đi kèm thì cũng không làm nên hồn vía của một đêm rằm tháng Tám, một cái Tết Trung thu đúng nghĩa.

Mấy ai đi mua bánh Trung thu cho con mà lại quên mua một chiếc đèn lồng? Tôi đi tìm điểm bán đèn hay trong phút giây dừng chân chọn lựa một chiếc đèn vừa ý, tôi không khỏi ngậm ngùi nhớ lại thời thơ ấu của mình khi có dịp ngắm nghía những chiếc đèn lồng khung tre, giấy kiếng truyền thống. Màu đỏ rực rỡ với nét họa tiết, chấm phá đơn sơ thậm chí cách điệu mà làm nên hình dáng một con rồng, con gà, con cá, trái bí khi gắn cây nến nhỏ vào bên trong đốt lên, ánh sáng thật lung linh, kỳ ảo càng làm cho trí óc trẻ con trong sáng, hồn nhiên bay bổng hơn với sự tưởng tượng thăng hoa về một đêm Trung thu trăng sáng cùng hình ảnh chú Cuội ngồi gốc cây đa ngóng đợi chị Hằng.

Tuy nhiên, có mấy ai biết được những chiếc đèn lồng khung tre, giấy kiếng rất xa xưa ấy xuất xứ ở đâu? Vẫn biết, có nhiều nơi, nhiều làng nghề làm đèn lồng Trung thu nhưng ở Sài Gòn có một khu phố chuyên nghề làm đèn đã nổi tiếng lâu đời được nhiều nơi đặt hàng. Đó là khu phố làm đèn lồng giáo xứ Phú Bình, đường Lạc Long Quân Q11. Nó đã tồn tại hàng chục năm mà lúc thịnh hành có đến 100 hộ sản xuất, nhộn nhịp nhất là vào những tháng trước rằm Trung thu tháng Tám.

Đến khu phố làm đèn Trung thu giáo xứ Phú Bình, người ta sẽ nhận ra ngay những hộ sản xuất đèn lồng theo phong cách truyền thống, hoàn toàn thủ công. Nhiều kiểu đèn giăng trước cửa nhà để tiếp thị và khi bước vào trong, khách có thể chứng kiến tận mắt những nghệ nhân đang thao tác cho từng công đoạn làm đèn từ khâu chẻ tre, vuốt nan, làm khung, dán giấy kiếng, trang trí họa tiết.

Công đoạn khó nhất để làm ra một chiếc đèn lồng Trung thu có lẽ là uốn nan, ráp khung tạo hình dáng cho chiếc đèn mà hình dáng chiếc đèn khó nhất có lẽ là chiếc đèn con rồng bởi đây là sự kết hợp giữa khung tre và chi tiết uốn kẽm tạo dáng đầu rồng, râu rồng. Ông Trí, một nghệ nhân làm đèn lồng có thâm niên trên 15 năm cho biết: Họa tiết, màu sắc trang trí đèn lồng Trung thu của Việt Nam khác với đèn lồng Trung thu Trung Quốc. Họa tiết đèn Việt Nam mang bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc do gia đình truyền lại và mỗi thế hệ đều có sự sáng tạo thêm.

Ông Nhân - nghệ nhân làm đèn lồng than thở: Nguyên vật liệu làm đèn đều tăng giá, có chiếc đèn nhiều chi tiết khó, tinh xảo, đòi hỏi nhiều công sức hoàn thành như chiếc đèn con rồng phải mất mấy giờ liền mới làm xong. Thực tế còn phải cạnh tranh với đèn lồng của Trung Quốc giá rẻ nên nghệ nhân làm đèn lồng truyền thống hiện gặp rất nhiều khó khăn. Đèn lồng là mặt hàng không thể lưu kho được. Ông Nhân khẳng định nếu không thay đổi mẫu mã cho đèn lồng Việt Nam thì khó cạnh tranh với đèn lồng Trung Quốc.

Thế nhưng, đèn lồng Trung Quốc mỗi năm tràn vào thị trường Việt Nam, đặc biệt là ở TP.Hồ Chí Minh càng nhiều. Đèn của họ mẫu mã phong phú, đa dạng, giá rẻ. Trẻ con Việt Nam ngày nay do tiếp xúc với máy vi tính sớm nên sở thích cũng hiện đại, những mẫu lồng đèn khung tre, giấy kiếng hình dáng con thỏ, con cá, con gà hình như không còn hấp dẫn với chúng nữa mà cứ đòi bố mẹ mua lồng đèn Trung Quốc chế tác tân kỳ hơn, đèn dùng pin hoặc cắm điện sạc chứ không đốt nến lung linh cứ nơm nớp sợ cháy cả đèn khi gió mạnh.

Chính vì cạnh tranh không nổi với đèn lồng Trung thu của Trung Quốc mỗi năm nhập nhiều hơn nên nhiều nghệ nhân làm đèn lồng truyền thống đã bỏ nghề. Khu phố đèn lồng giáo xứ Phú Bình từ chỗ trước đây có 100 hộ làm nghề, hoạt động tấp nập vào những tháng chuẩn bị cho mùa Trung thu hiện giờ chỉ còn khoảng 10 hộ theo nghề, những hộ làm đèn này chủ yếu lấy công làm lời và không nỡ bỏ một nghề cha truyền, con nối. Do đó không khí của phố đèn lồng Phú Bình vào những ngày này trở nên buồn tẻ, vắng lặng chứ không rộn ràng, tấp nập, sôi động như xưa. Và biết đâu mai mốt Sài Gòn sẽ mất hẳn một phố nghề chuyên sản xuất đèn lồng nổi tiếng khắp nơi?

Từ Kế Tường