Hốt bạc với nghề làm ngón tay giả cho mafia Nhật

Hốt bạc với nghề làm ngón tay giả cho mafia Nhật

Thứ 2, 15/07/2013 | 21:07
0
Do bắt nguồn từ các võ sĩ samurai, những luật lệ của tổ chức mafia Yakuza rất chặt chẽ, trong đó hai luật lệ nổi tiếng nhất là xăm mình và chặt ngón tay.

Từ tập tục chặt ngón tay ghê rợn của Yakuza…

Từ lâu, Yakuza luôn được nhắc tới như một tổ chức mafia Nhật Bản lớn nhất thế giới. Không giống với những băng đảng xã hội đen Italy hay Mỹ, ở Nhật Bản, Yakuza là tổ chức mafia hoạt động công khai, có văn phòng, gắn bảng hiệu, vươn vòi đến tất cả các lĩnh vực, từ giải trí, văn hóa, tài chính đến chính trị, thậm chí cả năng lượng hạt nhân. 

Các thành viên Yakuza cũng không hề giấu giếm thân phận của mình bởi vì ở Nhật, tham gia một nhóm xã hội đen có tổ chức không phải là điều bất hợp pháp. Cũng vì thế, Yakuza thường xuyên tổ chức các cuộc tuần hành công khai, tự hào với “các giá trị truyền thống” và tổ chức chặt chẽ của mình. Theo ước tính của Sở Cảnh sát quốc gia Nhật, tổ chức này hiện có khoảng 86.000 người, hoạt động trong ít nhất 22 nhóm khác nhau.

Có lẽ điều khiến nhiều người bất ngờ nhất chính là, tổ chức tội phạm lớn nhất thế giới này lại có nguồn gốc từ những võ sĩ samurai, những người đã làm nên tinh thần võ sĩ đạo nổi tiếng của Nhật. Theo các tài liệu còn lưu lại tới ngày nay thì vào năm 1604, Tokugawa, lãnh chúa mạnh nhất thời bấy giờ, đã dẹp tan nạn cát cứ, đưa Nhật Bản bước vào thời kỳ Mạc phủ Edo với quyền lực tập trung trong tay Mạc phủ do ông đứng đầu, được dựng lên bên cạnh Nhật hoàng vốn chỉ còn mang ý nghĩa tượng trưng. 

Chiến tranh kết thúc khiến hơn 500.000 võ sĩ đạo (samurai) trở thành những “thanh niên thất nghiệp”. Do chỉ biết một nghề duy nhất là chém giết, nay phải sống trong thời bình, những samurai thất nghiệp này chỉ còn một cách duy nhất là tập trung thành các nhóm nhỏ, lấy việc đi cướp làm kế sinh nhai. Những nhóm lưu manh có nguồn gốc võ sĩ chính là nguồn gốc đầu tiên hình thành tổ chức mafia Yakuza sau này. Ngay chữ Yakuza cũng là từ mang ý nghĩa khinh miệt, chỉ những tầng lớp vô lại, dưới đáy xã hội.

Vừa mang dáng dấp hội kín, vừa mang ý nghĩa tôn giáo, Yakuza luôn đề cao tinh thần tuyệt đối trung thành, dựa trên mối ràng buộc thân phận – tử phận của kẻ dưới đối với người trên. Cũng do bắt nguồn từ các võ sĩ samurai, tổ chức và những luật lệ của tổ chức mafia rất chặt chẽ. Trong số những luật lệ của Yakuza, hai luật lệ nổi tiếng nhất có lẽ là xăm mình và chặt ngón tay.

Lạ & Cười - Hốt bạc với nghề làm ngón tay giả cho mafia Nhật Hình xăm của một thành viên Yakuza.

Xăm hình là nghi thức được thực hiện khi một người được tiếp nhận vào tổ chức Yakuza. Sau khi đã hội đủ các “điều kiện”, thành viên mới sẽ phải trích máu ăn thề và xăm hình. Hình xăm được Yakuza hiểu như là cách để một người tách khỏi thế giới bình thường của họ và cũng vì thế, nó trở thành điểm đặc trưng của tổ chức tội phạm này. 

Quá trình xăm hình còn là quá trình thử thách sức chịu đựng của thành viên mới. Trong nghi lễ xăm hình của tổ chức Yakuza, người ta không sử dụng các thiết bị điện tử mà xăm hoàn toàn bằng tay với cây bút nhọn bằng tre hoặc thép, rất đau đớn và thường mất nhiều năm mới hoàn thiện. Thông thường, các thành viên mặc quần dài, áo kín cổ để che các hình xăm của mình khi đi ra ngoài, song khi ở với những người cùng hội, họ lại luôn coi hình xăm như một niềm tự hào.

Không giống như hình xăm, việc chặt ngón tay là một hình phạt đối với các thành viên khi họ mắc phải một tội lỗi nào đó vi phạm điều luật của tổ chức. Đây cũng là một hình thức tạ tội khi không thể thanh toán nợ hoặc để chấm dứt một vụ ân oán giang hồ. Tập tục này được cho là có liên quan tới các võ sĩ samurai. 

Thông thường, khi cầm kiếm Nhật đúng cách, hầu như toàn bộ sức mạnh của nắm tay đều dựa vào ngón út, vì thế nên người bị cắt mất ngón út không thể cầm kiếm vững và đúng cách được. Một người không còn cầm kiếm đúng cách được thì sức chiến đấu sẽ giảm và lệ thuộc nhiều hơn vào chủ nhân cũng như tổ chức.

Những thập kỷ gần đây, để tránh bị người ngoài phát hiện thân phận, nhiều thành viên Yakuza đã tìm cách làm các ngón tay giả. Chính nhu cầu này đã sinh ra một nghề khá kỳ lạ ở Nhật Bản, đó là nghề làm ngón tay giả cho các thành viên tổ chức mafia Nhật Bản Yakuza.

… đến người chuyên làm ngón tay cho mafia

Shintaro Hayashi, một người chuyên làm các bộ phận giả bằng silicon cho các bệnh nhân bị ung thư vú và cụt chân, tay, đã bắt đầu tiếp nhận các khách hàng mới từ hơn 10 năm trước. Những khách hàng mới này là thành viên của Yakuza, những người muốn che giấu thân phận trong thế giới ngầm của họ với thế giới bên ngoài. 

Lạ & Cười - Hốt bạc với nghề làm ngón tay giả cho mafia Nhật (Hình 2). Nhiều thành viên Yakuza cần làm ngón tay út giả.
"Càng ngày càng có nhiều người đến gặp tôi để làm ngón út giả. Đó không phải là ngón tay út theo chuẩn nhỏ, to hay bình thường mà là ngón út được đo kích cỡ một cách chính xác", Hayashi nói.

Hayashi nói, các khách hàng Yakuza của ông chia làm ba loại: cựu thành viên đang tìm kiếm việc làm ngoài các hoạt động mafia, những thành viên Yakuza hiện thời cần che giấu thân phận khi xuất hiện trong đám cưới con hoặc các lễ lạt gia đình, những thành viên Yakuza bị bạn gái/người yêu thúc ép vì sợ tiếng xấu của họ. "Nhiều người luôn nắm chặt tay để tránh bị phát hiện. Tuy nhiên, cũng có lúc bạn không thể giấu tay lâu hơn được nữa", Hayashi nói.

Theo Hayashi thì các thành viên Yakuza có thể mất một vài đốt ở ngón út, nhưng cũng có người mất cả ngón út lẫn ngón đeo nhẫn. Một ngón tay giả mà Hayashi thực hiện có giá 280.000 yên, đắt hơn rất nhiều so với một ngón tay silicon thông thường. Tuy nhiên, với những đơn hàng này, ngón tay giả phải được làm theo đúng với phần kích thước của ngón tay đã bị mất. Để thực hiện điều này, khách hàng luôn phải tới cửa hàng của Hayashi để đo kích thước các ngón tay khác để từ đó chế tạo ngón tay giả bị thiếu cho phù hợp.

Ngoài việc làm ngón tay mới, hầu hết các thành viên Yakuza tới cửa hiệu của Shintaro Hayashi vài lần một năm khi silicon bị hỏng hoặc cần tô lại màu. Shintaro Hayashi ước tính, khoảng 5% khách hàng của ông là cựu thành viên Yakuza và ông đã sản xuất hơn 300 ngón tay giả cho những khách hàng như vậy.

Thời gian gần đây, số khách hàng tới cửa hàng của ông Hayashi để làm ngón tay giả bỗng tăng đột biến. Ông Hayashi cho rằng, kể từ khi Chính phủ Nhật Bản chính thức tuyên chiến với các tổ chức mafia bằng việc ban hành luật chống tội phạm có tổ chức thì các thành viên Yakuza bắt đầu “giải nghệ” nhiều hơn. 

Từ năm 2005 tới nay, đã có tới hai thủ lĩnh của Yakuza bị Chính phủ Nhật Bản bắt giữ và điều này khiến hoạt động của Yakuza trở nên vô cùng khó khăn. Nhiều người quyết định rời bỏ cuộc sống ở thế giới ngầm để trở lại với cuộc sống bình thường và việc làm một ngón tay giả để xóa đi quá khứ đen tối và tội lỗi của mình trở thành một nhu cầu tất yếu của các cựu thành viên băng nhóm tội phạm lớn nhất thế giới này.

Bách Nhật

Hoạt động rửa tiền siêu khủng của các băng đảng mafia

Thứ 6, 03/05/2013 | 08:38
Liên tiếp các cuộc trấn áp tội phạm liên quan đến nạn rửa tiền được thực hiện trên khắp nước Mỹ, một số ngân hàng lớn cũng bị điều tra bởi những cáo buộc về việc các ngân hàng này có thể đã giúp đỡ các ông trùm ma túy và bọn khủng bố rửa tiền.

Những “quyền năng” rợn gáy của Mafia Sicile thế kỷ 21

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:07
Từ hai thế kỷ qua, bên cạnh những cơ quan cai trị hợp pháp, luôn luôn có bóng dáng của mafia ẩn nấp phía sau lưng.

Sốc cảnh mafia “đồng giới” hôn nhau

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
Theo phát ngôn viên của sở cảnh sát đảo Sicily thuộc Italya ngày 14/6 cho biết, cảnh sát của đảo này vừa bắt được 24 thành viên của một tổ chức mafia khét tiếng của nước này.