Hù dọa 'nhát con' cũng đưa vào luật

Hù dọa 'nhát con' cũng đưa vào luật

Thứ 2, 15/07/2013 | 08:53
0
Dự thảo lần ba Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống bạo lực gia đình... (gọi chung là an ninh, trật tự) mà Bộ Công an vừa công bố tiếp tục đưa ra những quy định mà theo nhận định của các chuyên gia pháp luật là “tù mù”, khó thực hiện.

Cuối năm 2007, Luật Phòng, chống bạo hành gia đình đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực vào ngày 1-7-2008. Tiếp đó, Chính phủ có ban hành Nghị định (NĐ) 110/2009 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình. Giờ dự thảo NĐ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự tiếp tục “bê” nguyên xi NĐ 110/2009 có dấu hiệu can thiệp sâu vào quan hệ gia đình, biến nó từ quan hệ dân sự vốn theo truyền thống, phong tục tập quán thành quan hệ hành chính giữa Nhà nước và công dân.

Cha mẹ nhát ma con: Phạt 2 triệu đồng

Xin được bắt đầu từ các quy định nêu tại các điểm d, đ khoản 2 Điều 54 của dự thảo về hành vi hành hạ ngược đãi người trong gia đình. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền được phạt tiền từ trên 1,5 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với hành vi “Thường xuyên dọa nạt thành viên gia đình bằng các hình ảnh, con vật, đồ vật mà người đó hoảng sợ, ảnh hưởng đến tinh thần”. Vậy, ảnh hưởng đến tinh thần ở mức độ nào thì bị phạt trong trường hợp cha mẹ nhát ma con cái để bé sợ mà đi ngủ hoặc ăn? Nên nhớ trong xã hội mấy ai là nhà tâm lý hoặc có phương pháp dạy con vô cùng khoa học mà không dùng những hình ảnh “con ma”, “ông kẹ” để nhát con.

Rồi phải hiểu sao là hành vi sai phạm “Nuôi các con vật, trồng các loại cây nhằm gây hại cho sức khỏe của thành viên gia đình tại nơi ở của thành viên đó”? Ví dụ: Anh A nuôi con chó, con ngan, nhà ở mặt tiền đường, khu dân cư đông đúc có nhiều người qua lại. Buổi tối nó sủa, nó kêu ồn quá vợ ngủ không được thì có nghĩa là anh A đã làm bậy nên phải bị phạt?

Luật sư - Hù dọa 'nhát con' cũng đưa vào luật

Vợ kiểm soát tiền của chồng: Phạt 1 triệu đồng

Điều 56 quy định về các hành vi cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi “Cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên đó”. Muốn cấm cản con cái, vợ/chồng làm điều gì đó, cha mẹ hay chồng/vợ thường không chỉ dùng lời nói. Còn nếu dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để thực hiện việc cấm cản đó thì sẽ là vi phạm quy định khác chứ không thể là điểm này.

Giả sử ông A thấy con gái mình yêu và muốn kết hôn với một người mà ông thấy người này nát rượu, không lo làm ăn. Ông nói với con gái: “Mày lấy nó, tao sẽ từ mày!”, nếu cô con gái hoặc anh chàng kia báo chính quyền thì ông A sẽ bị xử phạt vì ngăn cấm mối quan hệ hợp pháp hay sao?

Điểm b khoản 2 Điều 60 có quy định việc “Kiểm soát chặt chẽ nguồn tài chính của thành viên gia đình hoặc nguồn tài chính chung của gia đình nhằm tạo cho thành viên gia đình sự phụ thuộc về tài chính”. Trong một gia đình, đặc biệt là giữa cha mẹ và con chưa đến tuổi trưởng thành hoặc không có khả năng lao động, con cái hầu như phụ thuộc vào cha mẹ về tài chính. Vậy nếu áp dụng quy định này thì rất nhiều cha mẹ sẽ bị xử phạt nếu con mình hoặc người khác báo chính quyền rằng không được cho tiền đi xem phim hoặc đi mua sắm…?

Hành chính hóa các quan hệ dân sự

Trong dự thảo có nhiều nội dung mà ở đó bản chất là quan hệ dân sự nhưng lại bị biến đổi thành quan hệ hành chính và dẫn đến trách nhiệm pháp lý hành chính. Điều này gây nguy cơ can thiệp và xâm phạm vào các quyền dân sự của người dân.

Điểm d khoản 1 Điều 56 có nêu hành vi “Đe dọa tự gây thương tích hoặc tự gây thương tích cho mình để đòi hỏi thành viên gia đình đáp ứng yêu cầu của mình”. Quyền về thân thể của một con người thì người đó có quyền kiểm soát, thậm chí là quyền được chết cũng phải được tôn trọng. Một người có quyền tự sát không? Câu trả lời là có. Vậy chúng ta không nên can thiệp vào quyền dân sự của công dân. Giả sử một người vợ nói với chồng là anh ly hôn với em thì em sẽ tự sát, nếu anh chồng hoặc người khác báo chính quyền thì cô vợ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hay sao?

Hoặc điểm d khoản 1 Điều 60 có nêu hành vi “đập phá tài sản riêng của mình nhằm gây áp lực về tâm lý đối với thành viên gia đình”. Nếu áp dụng quy định này thì chúng ta xâm phạm nghiêm trọng vào quyền sở hữu hợp pháp tài sản của công dân. Công dân có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của mình nếu không xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác. Ví dụ: A không thể đốt nhà mình mà cháy đường dây điện của Nhà nước, cháy nhà bên cạnh… nhưng nếu nhà anh ta ở giữa đồng, nhà vách lá anh ta đốt không xâm phạm tài sản, hay lợi ích của người khác thì anh ta sai gì? Việc đập phá tài sản riêng như điện thoại di động, xe máy nhằm gây áp lực tâm lý có khác gì với việc đập phá những tài sản có giá trị lớn hơn?

Theo điểm b khoản 1 Điều 64, cơ quan có thẩm quyền có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với người “biết hành vi bạo lực gia đình mà không báo tin cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền”. Chúng ta có thể hiểu việc báo tin cho người có thẩm quyền biết về hành vi bạo lực là một loại hành vi tố cáo. Mà đã là tố cáo thì người tố cáo phải thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người tố cáo theo quy định của Luật Tố cáo năm 2011.

Tố cáo được xem là quyền của công dân (trừ trường hợp tội không tố giác tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự) nên công dân có quyền lựa chọn xử sự, Nhà nước khuyến khích công dân tố cáo đúng sự thật và được khen thưởng, bảo vệ khi tố cáo đúng sự thật. Ngược lại, người tố cáo sai sự thật phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi của mình. Tại sao biến quyền tố cáo thành nghĩa vụ tố cáo của công dân trong trường hợp này?

Chuyện nhà người khác, đố chính quyền chứng minh!

“Kiểm soát chặt chẽ nguồn tài chính của thành viên gia đình hoặc nguồn tài chính chung của gia đình nhằm tạo cho thành viên gia đình sự phụ thuộc về tài chính” (Điều 60)

- Thế nào là “kiểm soát chặt chẽ”, thế nào là “sự phụ thuộc về tài chính”?

“Bạo lực trong sinh hoạt tình dục của vợ chồng mà người vợ hoặc chồng không muốn” (Điều 56)

- Đây là một quy định hoàn toàn không khả thi vì theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2011 thì người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Việc chứng minh có hay không hành vi “bạo lực trong sinh hoạt tình dục của vợ chồng” là vô cùng khó khăn và việc chứng minh tiêu chí “mà người vợ hoặc chồng không muốn” lại còn khó khăn hơn rất nhiều lần.

“Thường xuyên dọa nạt thành viên gia đình bằng các hình ảnh, con vật, đồ vật mà người đó hoảng sợ, ảnh hưởng đến tinh thần” (khoản 2 Điều 54); “thường xuyên theo dõi thành viên gia đình vì lý do ghen tuông (khoản 1 Điều 56); thường xuyên đe dọa bằng bạo lực để buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ” (khoản 2 Điều 61)

- Thuật ngữ “thường xuyên” được xem là tiêu chí để quyết định việc xử phạt. Thế nào là “thường xuyên”? Theo cách hiểu thông thường thì “thường xuyên” là đều đặn và không bị gián đoạn. Như vậy, các hành vi trên phải hội đủ hai điều kiện thì mới có thể xử phạt là: Thực hiện nhiều lần và khoảng thời gian giữa các lần ấy phải tương đối bằng nhau.

Thiết nghĩ đối với những hành vi vi phạm diễn ra trong nội bộ gia đình thì việc đấu tranh để đối tượng thừa nhận một lần vi phạm đã khó, huống chi yêu cầu chứng minh tính chất thường xuyên thì làm sao có tính khả thi. Tại sao không thay các tiêu chí định tính thành các tiêu chí định lượng cụ thể, chẳng hạn thay đổi tiêu chí “thường xuyên” thành “hai lần trở lên trong sáu tháng”?

ThS CAO VŨ MINH

ThS NGUYỄN VĂN TRÍ (Pháp luật TP HCM)

Đe dọa giết người, vì sao ít khởi tố?

Thứ 2, 08/07/2013 | 09:37
BLHS có quy định về tội đe dọa giết người (Điều 103 BLHS). Tuy nhiên, các cơ quan bảo vệ pháp luật ít khi khởi tố người có hành vi đe dọa vì phải đánh giá rất nhiều yếu tố…

Bạo lực trong sinh hoạt tình dục vợ chồng bị xử phạt

Thứ 4, 10/07/2013 | 09:26
Đó là một phần nội dung dự thảo 3 của Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình... vừa được Bộ công an công bố.

Luật sư bị làm khó: Chuyện… bình thường?

Thứ 4, 10/07/2013 | 08:20
Một luật sư kể một lần được vào tiếp xúc bị can cùng cán bộ điều tra, khi luật sư hỏi thì thấy cán bộ này dẫm chân bị can. Kể từ lúc đó, bị can… từ chối luật sư luôn.