Hữu sinh vô dưỡng

Không phải cứ đẻ con ra là có ơn ban mạng sống cho con, không phải cứ nuôi con ăn là có ơn dưỡng dục con. Thực tế đó cần được nhìn nhận đúng để sớm cứu vớt cuộc đời những đứa trẻ vô tội sinh nhầm hang quỷ.

Hình ảnh những đứa con bị mẹ ruột ở Bà Rịa - Vũng Tàu chăn dắt hành nghề ăn xin. (Ảnh: Thanh niên)

“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ, gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha”. Nhưng trên đời này, mọi điều chỉ có tính tương đối, bao gồm cả nghĩa mẹ, công cha. Có câu “hữu sinh vô dưỡng”, ngẫm mà đau lòng!

Cùng thời điểm, câu chuyện về những người cha, người mẹ hành hạ con ruột đã thức tỉnh cả xã hội vốn trọng hai chữ “sinh thành”. Một người cha ở Bắc Giang hiếp dâm con gái ruột 15 tuổi nhiều lần. Một người cha ở Bắc Ninh đem đứa con gái 6 tuổi ra làm đồ chơi hình nộm để đánh đập trong cơn phê ma túy. Một người mẹ ở Bà Rịa – Vũng Tàu làm nghề chăn dắt trẻ ăn xin với chính 5 đứa con đẻ, nhẫm tâm tra tấn thừa sống thiếu chết nếu đám trẻ không xin đủ chỉ tiêu đặt ra trong ngày. Cả ba vụ việc phẫn nộ này xảy ra trong tháng 7 Âm lịch, tháng Vu lan báo hiếu, tháng mà nhà nhà, người người nhắc nhở nhau báo đền ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha.

Sự tăm tối, vô minh biến nhiều người cha, người mẹ thành cầm thú. Không phải do ma túy, cũng không phải do cái nghèo, càng không phải do lòng tham làm mờ mắt, sự trống rỗng của tình yêu thương mới là lý do khiến những đứa trẻ non nớt trở thành nạn nhân của chính người đẻ ra mình. Không ai chọn được nơi sinh ra, và tệ hơn khi nơi sinh ra ấy là địa ngục dương gian.

Chưa có cơ chế nào giúp sớm giải thoát cho những đứa trẻ ấy khỏi nguy cơ bị đày đọa về thể xác lẫn tinh thần nếu sự việc chưa bị phanh phui. Thường thì, chúng chỉ được cứu khi cơ thể đã dọc ngang sứt sẹo và tâm hồn đã trầy tróc tổn thương. Một số trường hợp, chúng chết trước khi được cứu, như vụ việc cháu bé 3 tuổi bị mẹ và người tình đánh đập đến tử vong hồi tháng 4 tại Hà Nội.

Thật khó để ngăn kẻ xấu trở thành cha mẹ. Dù muốn hay không, họ vẫn tạo ra những đứa con sinh học. Một xã hội càng phát triển, thì cơ hội để những đứa trẻ bất hạnh được bảo vệ khỏi nanh vuốt của chính người cha, người mẹ sinh học bất lương càng cao hơn. Nhưng, điều đó chỉ xảy ra khi mà xã hội không xem việc cha mẹ đánh đập con cái là bình thường với lý do dạy bảo; không xem việc một người cha, người mẹ nghiện ma túy được nuôi con là bình thường với lý do “có cha có mẹ vẫn tốt hơn” và không xem tiếng khóc xé ruột gan của những đứa trẻ nhà bên là bình thường với lý do “không phải chuyện nhà mình”.

Số liệu từ UNICEF cho hay, Việt Nam xếp thứ 27/75 quốc gia về tình trạng bạo lực ở trẻ em. Theo đó, mỗi năm có khoảng 2000 trẻ em Việt bị bạo hành. Có tới 68,4% trẻ em từng bị cha mẹ hoặc người chăm sóc bạo lực tại nhà. Và… con số của thực tế có thể còn cao hơn nữa.

Đã đến lúc, xã hội phải thay đổi nhận thức về hai chữ “cha mẹ”, phân biệt giữa cha mẹ sinh học “có sinh không dưỡng” và cha mẹ thực thụ, phân biệt giữa việc sinh con do hệ quả sinh lý với ơn sinh thành, phân biệt giữa việc nuôi ăn nuôi học với ơn dưỡng dục. Những đứa trẻ không chọn việc chúng ra đời và hoàn toàn không có nghĩa vụ phải mang ơn, phải lệ thuộc vào những người tạo ra chúng nhưng không chăm sóc, bảo vệ, nuôi dạy đúng vai trò và trách nhiệm về mặt đạo lý cũng như pháp luật.

Chỉ khi đó, tiếng kêu cứu của một đứa trẻ mới có thể chạm tới trái tim, khối óc của những người xung quanh trước khi da thịt chúng ứa máu và những lời xót thương, phẫn nộ không trở thành câu cảm thán chót lưỡi đầu môi.

Lê Anh

Đừng lấy lý do "đi công tác" để dối lừa con trẻ

Thứ 3, 15/09/2020 | 07:00
“Mẹ đi công tác xa nhớ giữ sức khỏe, mẹ nhanh về với con, con yêu mẹ”. Đó là những dòng chữ nắn nót của cháu bé 6 tuổi gửi mẹ đi “công tác xa” như lời ông bà vẫn thường hay nói với cháu. Thực tế, cháu bé đâu biết được sẽ còn phải rất lâu, rất lâu nữa mẹ mới về.

Tư duy ngắn hạn

Thứ 3, 15/09/2020 | 08:00
Chỉ vì tiện sang đường, người ta bất chấp pháp luật gỡ bỏ tấm lưới chống lóa ở dải phân cách. Nhưng, chữ Tiện của người Việt còn nhiều dẫn chứng hơn thế…