Huyền thoại “cây đa tình” ở vùng đất “mỹ nữ tiến vua”

Huyền thoại “cây đa tình” ở vùng đất “mỹ nữ tiến vua”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Con gái bản Mậu ai nấy đều có nước da trắng như trứng gà bóc, khuôn mặt đẹp tựa trăng rằm, điệu cười như mẫu đơn nở rộ, giọng nói nhẹ nhàng như mật rót vào tai... Tương truyền, đây chính là bản “mỹ nữ tiến vua” nằm ẩn mình dưới chân non thiêng Yên Tử.

“Nếp làng Gà, đàn bà Tuấn Mậu” là những mỹ từ đầy mê hoặc mà người đời đã đúc kết lại để dành tặng cho người con gái bản Mậu (xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động, Bắc Giang).

Xã hội - Huyền thoại “cây đa tình” ở vùng đất “mỹ nữ tiến vua”

“Cây đa tình”

Huyền tích “mỹ nữ tiến vua”

Theo lời giới thiệu của anh bạn vốn là “trai bản xứ”, bản Mậu nằm thu mình dưới chân đại ngàn Yên Tử. Từ đây, mất khoảng 2 giờ đồng hồ leo núi đến đỉnh non thiêng chùa Đồng. Trên đường đi có “Bàn cờ tiên”, thực chất là tảng đá phẳng lỳ, người dân trong vùng vẫn truyền tai nhau rằng, các tiên nữ trên trời thường hay hạ phàm, xuống đó đánh cờ, múa hát và ngắm cảnh trần gian. Tại đây các “cô tiên” ăn trầu và nhả bã, quanh khu vực này mọc rất nhiều lá trầu tiên, ăn cay cay, đặc biệt rất hữu dụng chữa một số bệnh hậu sản, bệnh đau bụng, đau xương, cảm cúm.

Người dân nơi đây cũng kể lại, nguyên trước kia, tên cũ của bản là Tuấn Mẫu, nghĩa là người mẹ đẹp. Trải qua nhiều đời, tên cũ bị đọc chệch đi thành Mậu - bản Mậu. Tương truyền, đây là bản người Dao hiếm hoi được vua chúa xưa kia “ngự thưởng” lựa chọn cung tần, phi tử. Trưởng bản tuyển những cô gái đẹp nhất trong làng xã làm danh sách tâu lên. Triều đình sẽ tổ chức chọn lọc theo những tiêu chuẩn nhất định như thi hoa hậu ngày nay, mà phần thưởng là được chung chăn gối với vua trên long sàng.

Dừng chân trước nhà văn hóa thôn, chúng tôi ngồi nhìn ra phía đường chính, miệng thở hổn hển, chốc chốc lại đưa tay lau mồ hôi ướt đẫm trên mặt. Viễn cảnh về “miền đất hứa” mà chúng tôi vẽ ra trong suốt cuộc hành trình thật khác xa so với cảnh tượng thực tế trước mắt. Nếp nhà sàn truyền thống của bà con dân tộc Dao chỉ thưa thớt, thay vào đó là những căn nhà mái ngói, mái bằng mọc lên san sát dọc hai bên đường. Trang phục váy áo xúng xính của thiếu nữ Dao, những nụ cười rạng rỡ như tiên nữ, những gương mặt hút hồn… cho đến giờ vẫn chỉ là “sản phẩm” trong trí tưởng tượng.

Trước mắt chúng tôi là các cô gái người Dao bình thường như bao cô gái khác trong trang phục của người Kinh. Nhưng phải công nhận một điều, các cô gái bản Mậu đều có làn da trắng như trứng gà bóc, đôi mắt ướt đa tình làm nghiêng ngả cả trời chiều sơn cước.

Trò chuyện với chúng tôi, trưởng thôn Bàn Văn Thành cười hỉ hả khi biết mục đích chuyến đi của anh em. Cùng nhâm nhi chén rượu ngô do chính con gái trong bản làm, ông Thành nói: “Bản gái đẹp chỉ là trong truyền thuyết thôi. Chứ con gái trong bản cũng có người nọ người kia”.

Theo chân trưởng thôn Bàn Văn Thành, chúng tôi đến thăm cụ Trịnh Tiến Hiện, bí thư chi bộ thôn Mậu. Cụ ông đã ngoài 70 tuổi, tóc trắng như cước, râu dài chớm ngực, mắt sáng như sao, sức vóc vẫn khỏe mạnh như đôi mươi. Trò chuyện với chúng tôi, cụ Hiện kể: “Hồi còn trẻ, tôi có nghe các cụ cao niên trong làng kể lại sự tích về “làng mỹ nữ tiến vua”. Hàng ngàn năm nay, dân làng vẫn truyền miệng nhau câu chuyện về vẻ đẹp của con gái bản Mậu”.

“Chuyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa, cạnh chỗ nhà sàn văn hóa của bản bây giờ có cái giếng thần kỳ. Nước trong vắt, ngọt lịm, con gái bản Mậu thường ra đây múc nước rửa mặt, tắm gội nên cô nào cũng trắng trẻo. Tương truyền, con gái nơi đây, dù tuổi đời mới chỉ 13, 14 tuổi, nhưng đã thuộc loại “phong nhũ, phì đồn”, nhan sắc mặn mà đến “nghiêng nước, nghiêng thành”. Dáng đi nhẹ nhàng, uyển chuyển trên đôi gót hồng thoăn thoắt, giọng nói ấm áp nhưng có thể vang xa qua mười ngọn núi, chín dòng khe, lọt vào tai và con mắt xanh các quan mối. Cho nên thời ấy, vua chúa thường cho người đẹp lên kinh thành để hầu vua. Ngược lại, trai làng ăn uống nước ở giếng ấy thì trở nên đen đủi và xấu xí”, cụ Hiện sảng khoái kể lại.

Huyền thoại “cây đa tình”

Trong khi các cô gái đẹp cứ thay nhau đi hầu vua, rồi lấy chồng thiên hạ, trai làng tức khí liền rủ nhau đập mảnh sành, lấy đá lấp giếng, rồi bắt một con chó đen tế lễ, thề không ai được ăn, được uống nước ở giếng đó nữa. “Thật ra đó chỉ là một cái giếng làng bình thường, người dân cứ tự thêu dệt lên những câu chuyện huyễn hoặc để lôi kéo sự hiếu kì của nhiều người. Theo tôi nghĩ, con gái vùng cao đẹp là do khí hậu trong lành, lại được sống giữa khí trời thiên nhiên, nên có làn da trắng hồng, mái tóc đen”, ông Hiện cho biết.

Vị bí thư chi bộ này cũng khẳng định: “Chuyện cái giếng là có thật, nhưng giờ đã bị lấp, cũng chẳng biết nguồn nước còn không? Trước đây cũng có người định đào đá lên tìm “nước thần”, nhưng dù có đào sâu hàng chục mét cũng không gặp được dòng nước nào”.

Qua thời gian, câu chuyện không rõ thực hư ấy cứ truyền từ đời nọ đến đời kia, và người ta cứ mặc nhiên phong tặng cho bản Mậu cái mỹ danh “Bản gái đẹp dưới sườn Tây Yên Tử”. Đó như một “thương hiệu” mà người đời trao cho bản làng heo hút này, và nó là lí do khiến cánh trai trẻ chúng tôi tìm về bản Mậu, để có cơ hội chiêm ngưỡng nhan sắc trời cho của thiếu nữ người Dao nằm lẩn khuất dưới chân đại ngàn Yên Tử linh thiêng, kỳ vĩ này.

Cũng theo lời kể của già làng Trịnh Tiến Hiện, xung quanh huyền thoại “mỹ nữ tiến vua” của bản Mậu, vẫn còn biết bao câu chuyện kì bí mà người làng còn truyền tụng đến bây giờ. “Cây đa tình” trên sườn núi hàng nghìn năm tuổi, thân cao trăm trượng, tán rộng cả một vùng bao đời nay là một trong những huyền thoại ấy.

Truyền thuyết kể rằng, có hai cặp trai gái yêu nhau. Cô gái đẹp như tiên giáng trần, nước da trắng như tuyết, môi đỏ như son, tóc đen mượt như mun; còn chàng trai thì xấu xí. Mối tình của họ đã vượt qua mọi ranh giới và họ giấu tất cả bố mẹ, bà con dân bản. Cho đến một ngày, cuộc tình của họ cũng bị phát hiện. Dù bố mẹ cô gái một mực ngăn cấm nhưng hai người vẫn quyết chí yêu nhau, thề non hẹn biển, sống chết bên nhau. Cuối cùng, do gia đình “chia uyên rẽ thúy”, cặp đôi quyết định quyết định tìm đến cái chết để giữ trọn lòng son. Vào một ngày nọ, họ dắt tay nhau đi về hướng Bắc, ôm nhau dưới gốc cây cổ thụ cho đến chết.

Người dân nơi đây kể lại, chỗ đôi trai gái chết đi mọc lên hai cây đa, bên trên 1 cây, bên dưới 1 cây. Hai cây đa tựa vào nhau, quấn quýt cành lá, tồn tại cho đến tận bây giờ, rễ cây tua tủa cắm xuống mặt đất. Người ta đếm được có đến 200 tua rễ như thế. Dân bản gọi cây đa bên trên gọi là “cây đực”, cây đa bên dưới là “cây cái”. Ở cây đa “đực”, có một cành cây uốn cong như một cánh tay, “ôm” trọn lấy gốc cây bên dưới. Vì thế dân bản mới đặt cho cây cái tên đầy lãng mạn “Cây đa tình”.

Nghe kể về huyền tích đầy thê lương nhưng không kém phần lãng mạn này, chúng tôi bày tỏ ý muốn được thấy tận mắt “Cây đa tình”. Xách con dao quắm đi rừng, ông Hiện phăm phăm dẫn chúng tôi băng rừng leo núi khi bóng chiều đang dần dần đổ xuống. Phải mất gần 1 tiếng đồng hồ băng qua những con đường rừng sâu hun hút, chúng tôi mới đến được cây đa tình. Mồ hôi vã ra xối xả, chảy tràn vào hai hốc mắt cay xè. Trên diện tích bằng khoảng 4-5 manh chiếu ghép lại, hai cây đa hiện ra sừng sững giữa rừng. “Quả thực là một kỳ quan nằm lặng lẽ nơi sườn núi Tây Yên Tử”, mấy anh em trong đoàn thốt lên.

Hụt hẫng lòng vì không có cơ duyên

Chúng tôi rời bản Mậu khi trời đã nhá nhem, những căn bếp của đồng bào người Dao Thanh Y đang tỏa ra làn khói trắng nghi ngút. Lòng tôi có phần hụt hẫng khi không có cơ duyên ngắm nhìn những cô gái đẹp bản Mậu. Có thể tiếng tăm của các cô gái bản Mậu chỉ là trong truyền thuyết, hay có thể chúng tôi không có may mắn gặp được người đẹp. Nhưng chúng tôi hiểu thêm rằng, trên khắp mảnh đất Việt thân thương vẫn còn rất nhiều điều kỳ thú.

Anh Đức