Huyền thoại ngôi chùa nghìn tuổi nước lũ không thể tràn qua?

Huyền thoại ngôi chùa nghìn tuổi nước lũ không thể tràn qua?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Tương truyền, mùa lũ, cả vùng Sơn Tây ngập trong biển nước nhưng người dân sống gần chùa Mía vẫn bình yên vô sự, nhờ sự che chở của thần linh, ngọn nước dữ không thể “bén mảng” đến cửa Tam quan của chùa.

Huyền tích “bà chúa Mía”

Chúng tôi tìm đến chùa Mía, còn gọi là Sùng Nghiêm tự nằm tọa lạc trên một gò đất cao thuộc thôn Đông Sàng, xã Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) . Theo lời kể của người dân nơi đây, chùa Mía đến nay đã có hàng nghìn năm tuổi. Xưa kia, đây chỉ là một ngôi chùa nhỏ, hoang sơ và cho tới nay người ta vẫn chưa tìm ra ai là người đầu tiên đặt móng xây nên ngôi chùa này. Đến thế kỷ thứ XVII, trên đường du ngoạn, chúa Trịnh Tráng có ghé qua nơi đây, tất thảy gái trai trong làng đều kéo nhau đi xem, riêng chỉ có một thiếu nữ vẫn hăng say lao động không bận lòng đến xung quanh. Thiếu nữ vừa làm vừa ca: “Tay cầm bán nguyệt xênh xang / Nửa lo việc nước nửa toan việc nhà”. Thấy cô gái có khí phách hơn người, chúa Trịnh Tráng lấy làm cảm phục, không những không trách tội mà ngự ban lấy làm vợ.

Xã hội - Huyền thoại ngôi chùa nghìn tuổi nước lũ không thể tràn qua?

Hệ thống tượng là điểm nhấn thu hút khách ở chùa Mía

Tương truyền, người con gái đất Mía ấy là Nguyễn Thị Ngọc Rong. Sau khi lên duyên với chúa Trịnh Tráng, dù sống trong cảnh nhung lụa có kẻ hầu người hạ nhưng bà vẫn luôn hướng về quê hương. Ni sư ở chùa cho biết: “Thấy chùa Mía hoang tàn, đổ nát, năm 1632, Cung phi Ngọc Rong đã đứng ra khuyến mộ thiện nam tín nữ các làng Đông Sàng, Mông Phụ, Cam Thịnh,… các làng thuộc Tổng Mía cùng tôn tạo lại. Nhân dân trong vùng mến mộ uy đức của bà, đã tạc tượng đem thờ ở chùa. Người dân nơi đây tôn sùng bà là “Bà chúa Mía”. Về sau, chùa được tu bổ nhiều lần, nhưng đến nay từ quy mô đến kiến trúc vẫn được giữ gần như nguyên vẹn”.

Theo lời giới thiệu của sư thầy trụ trì Thích Đàm Thanh, chùa Mía được xây dựng theo lối nội công ngoại quốc. Các công trình trong chùa đều có quy mô bề thế, gồm: Tam quan, vào trong có sân Chùa lát gạch - hai bên là nhà thờ Tổ và nhà khách; tiếp đến nhà Tiền Đường - tả hữu hành lang san sát nối kề, trong ngoài bao bọc ngang dọc đan xen tạo dáng thành hình chữ “Mục”. Chùa được dựng bằng nhiều cột gỗ to và thấp, nét đặc trưng của kiến trúc thế kỷ XVII.

Bước qua cổng Tam quan sẽ thấy trong vườn chùa sừng sững cây đa cổ thụ đã vài trăm tuổi, tán lá xòe rộng cả một vùng. Phía bên mái chùa được thiết kế thấp để khi khách bước vào sẽ phải nghiêng mình kính cẩn, Chùa lấy tên tự: “Sùng Nghiêm” (cung kính, tôn nghiêm) là vì thế. Ni sư ở chùa cho biết: “Bước vào chùa con người phải thật sự thành tâm, tự cúi mình mà soi rọi lấy phật tâm của chính mình. Không ít du khách vào chùa, do đặc điểm mái thấp nên dễ bị cộc đầu”.

Nhắc đến chùa Mía, người ta cũng nghĩ ngay đến 287 pho tượng lớn nhỏ, gồm 6 tượng đồng, 107 tượng bằng gỗ và 174 tượng làm bằng đất nung sơn son thiếp vàng cực kỳ quý hiếm. Đáng lưu ý nhất là tượng Tuyết Sơn, tượng Quan Âm Nam Hải, tượng Bà Chúa Mía, tượng Quan Âm Tống Tử (Quan Âm Thị Kính) đã đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XVII như người làng Mía ngợi ca: “Nổi danh chùa Mía làng ta/ Có pho Tống Tử Phật Bà Quan Âm”.

Cứu người dân thoát khỏi thủy thần

Theo lời kể của người dân nơi đây, đến nay, chùa Mía vẫn lưu truyền những giai thoại nhuốm màu sắc huyền bí. Trò chuyện với chúng tôi, một cụ bà bán nước cạnh chùa kể lại trận đại hồng thủy xảy ra cách đây hơn nửa thế kỷ. “Năm đó, vỡ đê sông Hồng, nước tràn về làng tôi. Dân làng nháo nhào dừng việc chạy chợ, kiếm ăn, tất tả về làng tránh lũ. Tưởng rằng dân làng sẽ bị thủy thần nuốt chửng nhưng thật kỳ lạ, nước lũ kéo về, tiếng nước, tiếng mưa gầm réo nhưng chỉ bò qua cổng làng, chảy chậm dần rồi dừng lại giữa con dốc trước cổng Đông. Đường đi vào chùa vẫn khô ráo như thường, ngôi chùa vẫn sừng sững uy nghiêm không một dòng nước lũ nào xâm hại vào”.

Cụ bà này kể tiếp: “Trận đại hồng thủy năm đó, ngoài mấy con nghé, con bê hoảng loạn không chạy được bị nước cuốn trôi, còn người già, người trẻ trong làng bình yên thoát nạn. Chúng tôi cũng thấy làm lạ nhưng rồi ngẫm nghĩ, chắc thần linh chùa Mía che chở cho dân làng khỏi thủy thần”.

Cũng theo lời kể của các bậc cao niên trong làng, thời kỳ kháng chiến chống Pháp, thần linh chùa Mía từng che chở nhiều dân làng trước họng súng kẻ thù. Có lần, giặc mở trận càn lên vùng đất Mía. Đi đến đâu, chúng gieo rắc đau thương, chết chóc đến đó. Rất nhiều người dân các làng xung quanh đã ngã xuống trước họng súng kẻ thù. Dân làng Mía liền lũ lượt kéo nhau lên chùa, ẩn nấp sau lưng hai ông Hộ pháp để lánh nạn. Lạ kỳ thay, đạn giặc như bị một bàn tay vô hình đẩy lạc hướng, không một viên nào “bén mảng” được đến không gian của chùa. Lần đó, dù giặc càn quét nhưng người dân làng Mía đều bình yên vô sự.

Lý giải cho những câu chuyện ly kỳ này, sư thầy Thích Đàm Thanh cho biết: “Đứng trên góc độ của một phật tử nghiên cứu về phật pháp thì không bao giờ có những câu chuyện như thế. Tôi cũng từng được nghe dân làng kể về những câu chuyện kỳ bí này, nhưng theo tôi chỉ mang tính chất truyền miệng. Chùa Mía được bao bọc bởi dân làng, chùa là đấng lương tri của con người nên được người dân bảo vệ. Dù qua bao thăng trầm lịch sử, chùa Mía vẫn tồn tại và luôn là nơi để con người gửi gắm những điều tâm linh”.

Cũng theo lời của sư thầy Thích Đàm Thanh, chùa Mía được người dân trong ngoài vùng biết đến bởi sự tôn nghiêm, cổ kính. Qua năm tháng, ngôi chùa hàng ngàn năm tuổi càng trở nên linh thiêng trong lòng mọi người. “Người xưa có câu: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Chùa cũng như một ngôi nhà vậy, có người sống lâu trong nhà thì nhà nhiều hơi ấm, chùa càng cổ kính thì càng linh ứng nhiều. Không thể nói chùa này thiêng hơn chùa kia, đã là chùa thì chùa nào cũng linh thiêng cả”, sư thầy Đàm Thanh nhấn mạnh.

Được biết, chùa Mía cũng là “ngôi nhà tình thương” dành cho trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa. Hiện các ni sư trong chùa đang nuôi dưỡng và chăm sóc 7 bé mồ côi. Có bé bị bỏ rơi ở bệnh viện, cũng có bé bị người sinh thành đem đặt ở cổng chùa… Chị Bùi Thị Tuyến, một người bán hàng trước cổng chùa cho biết: “Các cháu bé ở chùa được các ni sư chăm sóc, dạy dỗ tận tình. Những bé lớn đều được cho đi học ở thị xã, nói chung các cháu ở đây đều có điều kiện sống rất tốt về cả vật chất và tinh thần. Những đứa trẻ đáng thương bị cha mẹ bỏ rơi từ lúc mới lọt lòng được lớn lên trong vòng tay của Phật và sự yêu thương của mọi người”.

Không gian tâm linh lưu giữu nhiều tượng nghệ thuật nhất

Dù đã trải qua bao thăng trầm biến cố cùng thời gian nhưng chùa Mía vẫn lưu giữ được kiến trúc độc đáo, những kiệt tác nghệ thuật của thế kỷ XVII. Năm 1993, Chùa Mía được Bộ văn hóa – thông tin công nhận là di tích Lịch sử - Văn hóa. Tháng 5/2006, ngôi chùa được Thành hội Phật giáo TP HCM kết hợp với Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận là Ngôi chùa chùa lưu giữ nhiều tượng nghệ thuật nhất Việt Nam. Chùa Mía là một không gian tâm linh, đến với chùa Mía để thấy lòng thảnh thơi, xua tan đi những lo toan bộn bề và được cúi đầu nghiêng mình trước đức Phật.

Anh Văn – Hồng Nhật