Huyền thoại phong thủy vương triều Tống (P2)

Huyền thoại phong thủy vương triều Tống (P2)

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
0
Theo quan niệm thông thường thì nguồn nước sâu và dài thì long khí vượng, nguồn nước nông và ngắn thì sẽ không thể nuôi được phúc khí rồng.

Thêm vào đó, sự thay đổi của sông ngòi cũng có thể ảnh hưởng tới bố cục phong thủy của một vùng đất. Trác Quận hiển lộ long mạch cũng là vì hệ thống sông ngòi nơi đây bị Tùy Dạng Đế thay đổi do việc đào Đại Vận Hà.

Từ thời Tây Hán Thủy tổ của dòng Triệu ở Trác Quận là quan Kinh Triệu Doãn Triệu Quảng Hán đã sống ở vùng này.

Triệu Quảng Hán là một danh thần thời Tây Hán. Sách “Hán Thư” có chép về Triệu Quảng Hán như sau: “Quảng Hán là người mạnh mẽ, trời sinh đã là người hiếu thuận và tài năng”.

Xã hội - Huyền thoại phong thủy vương triều Tống (P2)

Vì thế, Triệu Quảng Hán địa vị giống như tể tướng triều Hán. Những con cháu của họ Triệu sau này cũng chẳng phải hạng xoàng xĩnh. Cháu của Triệu Quảng Hán là Triệu Cống vẫn tiếp tục làm một chức quan to trong triều Hán.

Địa vị của họ Triệu còn kéo dài cho tới tận thời nhà Tấn. Dưới triều Tấn, con cháu của họ Triệu là Triệu Chí dù không làm quan nhưng vẫn là một kẻ sĩ được người đương thời rất mực tôn kính.

Tới thời nhà Tùy, hai cha con Triệu Thế Mô và Triệu Nguyên Thúc, hết lòng phò tá triều đình, trở thành hai công thần nổi tiếng của nhà Tùy.

Họ Triệu ở thời Đường càng nhiều nhân tài hơn, hầu hết đều làm quan rất to trong triều. Việc họ Triệu trở thành dòng họ rất thành danh dưới triều Đường có liên quan rất chặt chẽ tới việc thay đổi phong thủy ở Trác Quận.

Cho tới thời Triệu Hoằng Ân, cha của Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận, long khí của họ Triệu mới bắt đầu lộ ra. Theo sách “Lương Thư” chép thì khi Triệu Hoằng Ân sinh ra đã xảy ra rất nhiều chuyện kỳ dị. Hôm đó, sóng của sông Hoàng Hà đột nhiên cuộn lên rất cao.

Từ dưới đáy sông, sóng cuộn lên một chiếc bia bằng đồng, bên trên khắc ba hàng chữ: “Hữu nhất chân nhân tại Ký Châu, Bế khâu trương cung tả hữu biên, tử tử tôn tôn vạn vạn niên!” (nghĩa là ở Ký Châu sẽ xuất hiện một người có tên là Hoằng, con cháu của người đó sẽ đời đời kiếp lên ngôi hoàng đế).

Điều này vừa trùng khớp với cha con Triệu Khuông Dận. Trong tên của Triệu Hoằng Ân có một chữ Hoằng, con trai của ông ta là Triệu Khuông Dận cũng lên ngôi hoàng đế, trị vì thiên hạ.

Lạc Dương sinh rồng

Triệu Hoằng Ân ngay từ nhỏ đã tỏ ra kiêu dũng dị thường, có tài cưỡi ngựa bắn tên. Lúc bấy giờ, các triều đại thời Ngũ Đại chiến tranh liên miên, Triệu Hoằng Nhẫn lập rất nhiều công trạng lớn trong cuộc chiến giữa nhà Hậu Đường và Hậu Lương, vì vậy rất được vua Đường Trang Tông Lý Tồn Húc tin dùng, bổ nhiệm làm thủ lĩnh cấm quân của triều Hậu Đường.

Hậu Đường xây dựng kinh đô ở Lạc Dương, vì thế, Triệu Hoằng Ân dời nhà từ Trác Quận tới Lạc Dương. Lần di chuyển này đã giúp Triệu Hoằng Ân sinh ra một “chân long”. Đó chính là ông vua khai quốc triều Bắc Tống Triệu Khuông Dận.

Địa thế phong thủy của Lạc Dương đương nhiên không phải nhắc tới. Bởi lẽ nơi đây từ xưa đã được chọn làm kinh đô của rất nhiều triều đại. Từ khu vực trung tâm của Lạc Dương, phía bắc Mang Sơn làm bình phong, phía nam có ngọn Y Khuyết sừng sững, phía Tây là Tần Lĩnh, phía đông là Sùng Nhạc.

Bốn phía có những cửa ải tự nhiên sừng sững che chở, phía đông có Hổ Lao Quan, phía tây có Hàm Cốc Quan, phía nam có Hoàn Viên Quan, phía bắc có Mạnh Luật Cổ Độ (còn gọi là Mạnh Luật Quan).

Với địa thế đó, Lạc Dương là nơi có địa thế vô cùng quan trọng, là nơi mà các nhà quân sự luôn tìm cách chiếm cho bằng được.
Do địa thế có núi non hiểm trở bao bọc, Lạc Dương là vùng đất dễ thủ nhưng khó tấn công.

Trong đó, núi Long Môn nằm cách Lạc Dương khoảng 25 dặm về phía nam, song song với Hương Sơn, ở giữa hai ngọn núi này là sông Y Thủy.

Truyền thuyết trong dân gian lưu truyền rằng, hai ngọn núi này ban đầu vốn chỉ là một, chắn ngang ở giữa làm ngăn trở dòng chảy của sông Y Thủy, gây ra ngập lụt cho dân làng.

Khi Vua Vũ trị thủy đã bổ đôi ngọn núi này ra để cho sông Y Thủy chảy qua ở giữa, vì thế ngọn núi này mới phân thành hai ngọn một phía đông một phía tây như ngày nay.

Vì mọi người đều so sánh Vua Vũ với rồng, vì thế ngọn núi này mới được gọi là Long Môn Sơn.

Từ thời cổ đại, nơi đây đã trở thành cửa ngõ phía nam của Lạc Dương, còn gọi là Y Khuyết. Nằm đối diện với ngọn Long Môn ở phía đông chính là ngọn Hương Sơn. Vì ở trong núi này có loại sắn có mùi rất thơm, vì vậy, người dân nơi đây mới gọi núi này là Hương Sơn.

Ngọn núi này có cảnh sắc rất đẹp, ngọn núi cao nhọn, cây cối rậm rạp, xanh biếc, rất hấp dẫn người ta tìm tới để tham quan hoặc ở.

Nhà thơ nổi tiếng đời Đường là Bạch Cư Dị những năm cuối đời đều sống ở đây, vì vậy mới có hiệu là Hương Sơn Cư Sĩ. Sau khi Bạch Cư Dị chết, được chôn cất ở ngọn Tỳ Bà của núi Hương Sơn.

Ở phía tây, nằm cách Lạc Dương khoảng 30 dặm là ngọn Chu Sơn, còn gọi là Tần Sơn, phía tây bắt đầu từ Hào Sơn ở Lạc Ninh, đến phía đông thì vào Lạc Dương. Do trên núi này có 3 ngôi mộ cổ vì vậy người ta còn gọi nơi đây là Tam Sơn.

Nếu đứng trên đỉnh của Chu Sơn, phía bắc có thể nhìn thấy Mang Sơn, phía nam có thể nhìn thấy sông Lạc Thủy, khung cảnh rất tráng lệ. Ngoài ra, ở Lạc Dương còn một ngọn núi rất nổi tiếng khác, là nơi Bá Di và Thúc Tề, hai đại thần nhà Thương đã chết đói tại đây.

Ngọn núi này nằm ở khu vực phía đông của Lạc Dương, là một bộ phận của Mang Sơn. Do đỉnh núi rất cao, mặt trời xuất hiện ở đây đầu tiên nên còn gọi là Dương Sơn.

Những ngọn núi bao quanh khiến Lạc Dương xuất hiện khí tượng của long mạch. Tuy nhiên, hệ thống sông ngòi của Lạc Dương cũng xuất sắc không kém.

Sông Hoàng Hà cuồn cuộn chảy qua Tân An, Mạnh Tân, rồi chảy về phía đông. Về hướng Tây Nam của Lạc Dương có hai nhánh của sông Hoàng Hà là sông Lạc Hà và Y Hà.

Sông Lạc Hà, còn gọi là Lạc Thủy, cũng chính vì con sông này nên vùng đất này mới có tên là Lạc Dương.

Lạc Hà là một nhánh lớn của Hoàng Hà ở vùng trung du, bắt nguồn từ Thiểm Tây, chảy qua Lạc Nam của Thiêm Tây, Lư Thị, Lạc Ninh, Nghi Dương, Lạc Dương, Yển Sư, Củng Nghĩa của Hà Nam rồi mới đổ và Hoàng Hà.

Sau khi Tùy Dạng Đế cho đào Đại Vận Hà, nơi đây trở thành trung tâm của Đại Vận Hà, nghĩa là đầu mối của cả nước.

Y Hà, bắt nguồn từ Hùng Nhĩ Sơn thuộc núi Nga Mi, chảy qua huyện Sùng, Y xuyên, Lạc Dương rồi gặp Lạc Hà ở Yển Sư. Phần thượng du Y Hà có nhiều khe hẹp, nước chảy gấp, lượng nước phong phú.

Lưu vực của hai dòng sông Y Hà và Lạc Hà là mảnh đất trọng yếu để các triều đại cổ xưa chọn làm kinh đô, có thể coi nó như chiếc nôi của nền văn minh Trung Quốc.

Sử gia Tư Mã Thiên nói: “Xưa nơi ở của Tam Hoang (3 ông vua đầu tiên của Trung Quốc) đều ở vùng Hà Lạc này cả”. Trong lịch sử 5 ngàn năm của Trung Quốc, có đến một phần ba các vương triều đều lấy vùng này làm trung tâm.

Thời Tây Hán, ban đầu Lưu Bang dự định định đô ở Lạc Dương. Tuy nhiên, sau đó Lưu Bang đã nghe lời Trương Lương mới dời đô về Trường An.

Sau khi Bắc ngụy thống nhất phương bắc, việc đầu tiên Hiếu Văn Đế làm đó chính là dời đô về Lạc Dương. Thời kỳ 16 nước thời Đông Tấn, thiên hạ đại loạn, các khu vực hành chính không được ghi chép một cách cẩn thận.

Tuy nhiên, có thể khẳng định chắc chắn rằng, vùng Lạc Hà vẫn là trung tâm của Hà Nam Quận.

Sau khi triều Tùy thống nhất thiên hạ, đã lấy Đông Đô Lạc Dương làm trung tâm của cả nước. Tới thời nhà Đường, sau khi Đường Thái Tông lên ngôi không lâu đã ra lệnh cho tu sửa Lạc Dương. Ngoài ra, Võ Tắc Thiên cũng rất thích Lạc Dương.

Trong thời kỳ Đường Cao Tông còn tại vị, Võ Tắc Thiên thường khuyên Cao Tông dời đô về Lạc Dương. Sau khi tự mình lên ngôi hoàng đế, nắm chính quyền, Võ Tắc Thiên càng dành nhiều thời gian sống ở Lạc Dương hơn đồng thời đổi tên Đông Đô của Lạc Dương thành Thần Đô, gọi sông Lạc Hà là Thánh Hà (sông thánh).

Tới thời Đường Huyền Tông, trước sau ông vua đa tình nổi tiếng này sống ở Lạc Dương khoảng 10 năm, mở đầu cho thời thịnh trị Khai Nguyên nổi tiếng của triều Đường.

Một học giả thời Thanh sau khi đi khảo sát sông núi Lạc Dương đã nói rằng, Lạc Dương ở phía Nam có núi Chẩm Sùng, Y Khuyết, ở phía bắc có Mang Sơn, Hoàng Hà, phía đông có Hổ Lao Quan, phía tây có Hàm Cốc Quan, có núi sông bao bọc như vậy quả là số một thiên hạ, có thể nói là nơi kinh đô của bậc đế vương.

Chính nhờ có long khí ở Lạc Dương bồi tụ, Triệu Khuông Dận mới có thể rất nhanh trở thành một “chân long xuất thế”, khai sáng nên vương triều nhà Tống.

Hải Phong