Hy hữu những cuộc săn thú bắn nhầm người

Hy hữu những cuộc săn thú bắn nhầm người

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:04
0
Do liên tục bị thú tấn công khi vào rừng thăm rẫy nên một số người dân sống ở vùng cao đã mang vũ khí (súng tự chế) để đối phó. Những vụ săn thú bắn nhầm người của đồng bào vùng cao trở nên ngày một nhiều, đang gióng lên hồi chuông cảnh báo trước việc săn bắn phi pháp, gây họa lớn của một số người dân thiếu ý thức.

Nhìn người, tưởng thú

Anh Alăng Th., một người dân ở huyện vùng cao Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) kể lại, mấy năm trước đây, trên địa bàn các xã vùng cao Đông Giang, tình trạng người dân sử dụng súng đạn trở nên khá phổ biến. Do đó, những cuộc đi săn thú diễn ra rất thường ngày, thậm chí có người còn ở luôn trong rừng sâu cả tuần liền. Thời đó, vùng cao thú nhiều nên việc đi săn cũng đem lại nhiều cảm hứng cho những tay săn phố núi. Ở một số vùng, những người đi săn thú nhiều đến độ mỗi thôn chia nhau làm làm 2-3 nhóm để vào rừng đi săn. Mỗi ngày như thế có khi săn được cả vài ba con thú là chuyện thường, anh Th. nhớ lại.

Xã hội - Hy hữu những cuộc săn thú bắn nhầm người

Săn thú bằng cách truyền thống bây giờ không còn phổ biến ở buôn làng vùng cao

Chính từ việc sử dụng vũ khí một cách vô tội vạ, cộng với sự thiếu hiểu biết về pháp luật mà đã gây ra nhiều vụ án đau lòng, khiến người chết, kẻ vướng vào vòng lao lý. Nhiều vụ án, mặc dù bây giờ đã chìm vào trong ký ức nhưng lại gây nên những nỗi đau âm ỉ suốt một thời, trở thành nỗi lo ám ảnh cho người dân vùng cao. Tất cả cũng đều xuất phát từ những việc đi săn bắn thú, khi vào rừng sâu, do không quan sát kỹ nên đã cướp cò tước đi sinh mạng của chiến hữu một cách vô tình.

Nhằm giảm thiểu tình trạng người dân sử dụng súng riêng, trong những năm qua, các ngành chức năng thuộc các huyện miền núi Quảng Nam đã đồng loạt ra quân đến các làng bản để tuyên truyền, vận đồng người dân giao nộp vũ khí nóng. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của PV, cho đến thời điểm này, ở những vùng đồng bào miền núi, việc cất giấu vũ khí (súng) vẫn còn tồn tại một cách khá kín đáo, khiến lực lượng chức năng không thể phát hiện được. Do đó, tình trạng sử dụng vũ khí lén lút vẫn còn diễn ra ở một số vùng, gây ra nhiều tác hại lớn mà người dân chưa thể nhận thức hết được.

Bên cạnh đó, nhiều vùng miền núi hiện nay, việc người dân tự mày mò, chế tạo ra những loại súng tự chế, bắn đạn thật (đạn súng thể thao - PV), trở nên khá phổ biến, đang gây hoang mang trong dư luận. Đa số loại súng này đều được cất giấu khá kín đáo trong nhà, thậm chí để ở trong rừng sâu, mỗi khi cần thì tìm đến sử dụng. Có súng, ai cũng tranh thủ vào trong rừng săn thú về bán cho các chủ quán nhậu, nhà hàng. Do đó, việc lo thú rừng cạn kiệt chưa dứt thì người dân lại gánh thêm nỗi lo sợ khi vào rừng bị các thợ săn nhầm tưởng là thú rừng thì mất mạng như chơi.

Những cái chết đau lòng từ việc săn thú

Trong khoảng thời gian hơn 10 năm trở lại đây, tại địa bàn các huyện miền núi Quảng Nam đã xảy ra hơn 10 vụ người dân bị bắn nhầm trong rừng. Trong đó, có những vụ cho chính người thân thực hiện khi cả hai đều vào rừng đi săn. Vào năm 1997, tại xã Sông Kôn (huyện miền núi Đông Giang, Quảng Nam) xảy ra một vụ săn thú bắn nhầm người gây xôn xao dư luận ở một vùng quê. Điều đáng nói, giữa hung thủ với nạn nhân có mối quan hệ anh vợ, em rể. Nạn nhân là anh Alăng Bh...

Xã hội - Hy hữu những cuộc săn thú bắn nhầm người (Hình 2).

Một người dân cõng con heo rừng sau chuyến đi săn

Hôm đó, tiết trời âm u, hai anh em Bh. Rủ nhau vào trong rừng sâu cuối làng đi săn thú, thăm bẫy. Theo lời kể của hung thủ, lúc vào sâu trong rừng sâu, hai anh em họ đã chia nhau theo hai hướng khác nhau để săn thú, thăm bẫy. Do trời âm u, khi đến điểm giao hẹn, người anh vợ đã không nhận ra em rể của mình nấp trong lùm cây mà cứ nhắm thẳng vào rồi cướp cò, khiến người em rể gục chết ngay tại chỗ. Mặc dù sự việc đau lòng xảy ra không phải do cố ý nhưng với hành vi trên, hung thủ cũng đã chịu sự trừng trị hình án của pháp luật.

Tương tự, vào đầu năm 2004, tại thôn Đhờ Rồng (xã Tà Lu, huyện Đông Giang) cũng đã xảy ra vụ án gây chết người tương tự. Theo lời kể của các nhân chứng, do thấy bố vợ là ông Zơrâm Pít để khẩu súng hớ hênh trong ngôi nhà, sợ vì đám thanh niên đến nghịch nên ông Bríu Bê, khi đó là Phó Chủ tịch HĐND xã Tà Lu lấy súng đem về cất tại nhà mình. Thời gian sau, biết ông anh rể là Bríu Bê được cử đi học tại Tam Kỳ (Quảng Nam) nên Zơrâm Ninh (con trai ông Pít) đã đến nhà anh rể nhờ các cháu đưa chìa khóa để lấy súng.

Sau đó, Ninh đã cho Bríu Nhớ, trú cùng thôn, mượn súng đi săn thú. Ngày 8/1/2004, Bríu Đăng (khi đó đương chức Cán bộ Tư pháp xã Tà Lu) đến hỏi mượn khẩu súng từ Bríu Nhớ để đi săn heo rừng. Chập choạng tối 10/1/2004, Bríu Đăng đến rẫy sắn đầu con suối để mai phục đàn heo rừng. Phát hiện trong bụi lau lách rậm rạp phía trước có tiếng động, Bríu Đăng giương súng lên bóp cò rồi chạy tới vạch bụi rậm để tìm. Nhưng trước mắt Đăng không phải là heo rừng mà là người bạn cùng thôn Bríu Nhấp bị trúng đạn, máu chảy lên láng và gục chết ngay tại chỗ.

Sau vụ đó, TAND tỉnh Quảng Nam đã mở phiên tòa xét xử lưu động ngay tại huyện Đông Giang để người dân trong vùng cùng chứng kiến. Với hành vi phạm tội như trên, Bríu Đăng bị tòa tuyên phạt 5 năm tù giam với 2 tội danh Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng và Vô ý làm chết người và phạt Zơrâm Ninh 3 năm tù.

Còn ở huyện vùng cao Nam Trà My (Quảng Nam), vào 2008 cũng xảy ra một vụ bắn nhầm người do đi săn. Trước đó, ngày 4/4//2008, Nguyễn Hồng Vinh (trú thôn 3, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My) mang súng thể thao vào rừng để săn thú. Nghe thấy tiếng động trong bụi cây trước mặt, tưởng là thú rừng, Vịnh liền nổ súng. Tuy nhiên, không ngờ đó là Hồ Văn Hiếu (30 tuổi, trú cùng thôn). Ngay sau đó, Vịnh liền cõng anh Hiếu đi bệnh viện cấp cứu. Nhưng anh Hiếu bị thương quá nặng, đã chết trên đường đi. Ngày 7/7/2008, Vịnh đã ra đầu thú tại cơ quan công an huyện.

Trước đó, tại xã Trà Cang (cũng huyện Nam Trà My), anh Hồ Văn Nái bị Hà Văn Thắng, trú cùng địa phương bắn thủng màng phổi phải chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam cấp cứu mới tai qua nạn khỏi. Số là, khi anh Nái băng rừng, ngang qua rẫy nhà Thắng lúc anh Thắng đang phục bắn heo rừng phá hoại một số cây trồng trong rẫy. Thấy lá rừng động đậy, Thắng chắc mẩm là heo rừng lại về nên lẩy cò. Nào ngờ không phải heo mà là anh Nái ngã nhào xuống dòng suối cạn. Phát đạn oan nghiệt suýt chút nữa lấy mạng anh Nái.

Không riêng gì ở Việt Nam có chuyện nhầm lẫn người và heo rừng, mà cả nước bạn Lào cũng có trường hợp săn heo rừng trúng người. Khoảng cuối tháng 11/2006, anh Riah Nơm cùng vợ ở thôn Abưl-cum, huyện Kà Lùm, tỉnh Xêkông (Lào) đi lấy măng rừng. Trong lúc lúi húi bẻ măng, lột vỏ thì anh Riah Nơm bỗng nhiên ngã vật ra sau do trúng đạn AK 47. Người bắn chính là anh ruột của nạn nhân. Anh này cũng vào rừng săn bắn heo rừng và ngỡ thằng em của mình là heo rừng. Rất may, do được sự giúp đỡ tận tình của nhân dân xã Chơm và Axan (huyện Tây Giang) cùng Bộ đội biên phòng Đồn 649 (Quảng Nam) cấp cứu kịp thời và chuyển anh này đến Bệnh viện huyện Tây Giang cứu chữa nên đã thoát chết...

Từ những vụ việc trên, có thể thấy rằng, việc sử dụng súng để săn bắn thú rừng một cách thiếu hiểu biết pháp luật ở đồng bào vùng cao đang trở thành nỗi lo hiểm họa, đe dọa đến tính mạng của người dân. Và một khi các cơ quan chức năng chưa làm triệt để việc vận động giao nộp vũ khí từ đồng bào ở một số vùng, thì nguy cơ việc săn thú bắn nhầm người sẽ còn tái diễn, gây nên những cái chết đau lòng chỉ vì lợi ích trước mắt từ thú rừng.

Vương Hoàng