Im lặng trong cô đơn để viết tương lai

Im lặng trong cô đơn để viết tương lai

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
0
Chúng ta vẫn luôn biết đến Trần Dần trong tư cách là một nhà thơ lớn. Ông là nhà thơ mang trong mình cả hai thái cực: con người muốn làm một nghệ sĩ kiểu mới, đi trước thời đại, đồng thời cũng là một nghệ sĩ dám đằm mình xuống để viết.

Tôi khóc những chân trời không có người bay

Lại khóc những người bay không có chân trời

Người ta tưởng nhớ Trần Dần bằng những câu thơ trên, trước một tấm băng lớn treo ở tang phòng khi ông ra đi 17 tháng 1 năm 1997.

Viết trước hết để cho mình

Ông viết trước hết để cho mình, để thỏa cái khát khao sáng tạo trong mình, cứ viết đã, chứ không như rất nhiều nhà văn khác chưa viết đã sợ không được hiểu, không được in. Chính vì thế mà quá trình cách tân của ông bắt đầu rất sớm, từ những năm 1940 của thế kỷ trước, và đi rất xa.

Đọc một cách có hệ thống thơ của ông, người ta mới thấy hình như ông đã đi qua tất cả các thời kỳ của thi ca hiện đại thế giới, từ thơ siêu thực đến thơ hội họa. Hơn bất cứ nhà thơ Việt Nam nào, ông có một khả năng phi thường mà trời phú cho những nghệ sĩ lớn: đó là khả năng chịu đựng sự cô đơn, cô độc, chịu đựng sự im lặng và quên lãng.

Nhà thơ Trần Dần. Ảnh: Dương Minh Long

Nếu trong thơ, Trần Dần nổi tiếng là người cách tân cả về hình thức (với lối thơ bậc thang) lẫn tư tưởng (đa diện, triết lý) thì trong văn xuôi, ông lại một lần nữa được các nhà phê bình đánh giá cao với lối viết hiện đại, với nhiều câu văn được “dụng công và đẽo tạc đẹp như thơ”.

Im lặng trong cô đơn để viết cho tương lai

Có lẽ vì thế, bất chấp các biến động nghiệt ngã của thời cuộc, ông vẫn sáng tác, để rồi những thành quả lao động nghệ thuật của ông, cho dù phải chờ đến 50 năm sau khi hoàn thành mới được giới thiệu với công chúng, vẫn khiến người ta kinh ngạc và cảm phục trước bút lực của một tác gia lớn.

Với Những ngã tư và những cột đèn, cuốn tiểu thuyết mà mãi 44 năm sau khi Trần Dần hoàn thành ở dạng bản thảo mới được xuất bản chính thức lần đầu tiên, người ta lại nhận ra một sự thật: những cách tân theo lối phương Tây như tự sự đa điểm nhìn, trùng phức thời gian - không gian, xóa bỏ thời tính, hình thức tiểu thuyết - nhật kí, tiểu thuyết - trinh thám, dòng ý thức,… thường được dùng như lời khen tặng với các nhà văn ham tìm tòi của Việt Nam thời đang sống, Trần Dần đều đã “thể nghiệm” cả.

Ở đây, trong Những ngã tư và những cột đèn, Trần Dần đã “huy động” tối đa các lĩnh vực của mình: có Trần Dần nhà văn xuôi, Trần Dần nhà thơ (thể hiện ở cách tạo lập hình ảnh, nhiều lặp lại, không ít màu sắc), và cả một vai trò ít được biết đến hơn: Trần Dần nhà dịch thuật.

Buổi tọa đàm “Trần Dần trong văn xuôi” diễn ra vào hồi 18h00, thứ 5, ngày 16-06-2011 tại Hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp - 24 Tràng Tiền - Hoàn Kiếm - Hà Nội sẽ giúp bạn hiểu hơn về ông. Trong buổi tọa đàm có sự góp mặt của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, nhà phê bình văn học, dịch giả Cao Việt Dũng, nhà văn Lê Minh Khuê.

Công Tú