Khai quật được nhiều di vật ở di tích Bãi Cọi

Khai quật được nhiều di vật ở di tích Bãi Cọi

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:40
0
Ngày 14/12 vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh (Bảo tàng Hà Tĩnh) phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc đã kết thúc cuộc khai quật lần thứ 3 di tích Bãi Cọi tại xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, (Hà Tĩnh). Ở đợt khai quật này, đã có những thành tích nhất định, nhiều di tích mộ táng và đồ tùy táng được phát lộ.

Đây là đợt khai quật lần thứ 3 ở di tích Bãi Cọi nhằm xác định rõ hơn diện phân bố và tính chất văn hóa của di tích này, đồng thời đây cũng là đợt khai quật tiếp nối dự án hợp tác nghiên cứu dài hạn 2009 – 2013 giữa Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc về di chỉ khảo cổ học Phôi phối - Phối Bãi Cọi của Hà Tĩnh.

Xã hội - Khai quật được nhiều di vật ở di tích Bãi Cọi

Các nhà khảo cổ đang tiến hành khai quật

Trên cơ sở thực địa được khảo sát, các chuyên gia khảo cổ Việt Nam và Hàn Quốc đã mở 4 hố khai quật (gồm 1 hố tại Bãi Cọi và 3 hố tại Bãi Lòi) với tổng diện tích khai quật rộng 107,25m 2 . Kết quả cho thấy diễn biến địa tầng các hố đào tương đối đồng nhất với sâu từ 0,7m đến 1,4m.

Xã hội - Khai quật được nhiều di vật ở di tích Bãi Cọi (Hình 2).

Theo đó, các chuyên gia đã phát hiện 16 mộ táng cổ, trong đó có 9 mộ chum, 2 mộ nồi, 1 mộ bình, 1 mộ bình - nồi, 3 mộ huyệt đất. Trong đó, hố khai quật tại Bãi Cọi có 3 mộ chum (2 mộ chôn theo chiều đứng, 1 mộ chôn nằm ngang); 1 mộ nồi; 1 mộ bình. Hố khai quật tại Bãi Lòi có 11 mộ, gồm: 1 mộ nồi ở hố Tây Bắc, 1 mộ chum ở hố Đông Nam; 2 mộ huyệt đất, có thể được chôn song táng; 5 mộ chum, 1 mộ bình nồi và 1 mộ huyệt đất.

Xã hội - Khai quật được nhiều di vật ở di tích Bãi Cọi (Hình 3).

Các nhà nghiên cứu đang báo cáo kết quả khai quật

Qua khai quật, đã phát hiện được khá nhiều di vật tùy táng với các chất liệu đồ đá, đồ sắt, đồ đồng, đồ gốm. Trong đó, nhóm đồ sắt gồm các di vật đốc rìu hình chữ nhật, một lao, một cuốc chữ U và một hiện vật sắt chưa xác định loại hình do bị hoen gỉ. Nhóm đồ đồng một vòng tay, một mũi tên đồng hình lá, 4 khuyên tai. Ngoài các loại chum, vò, nồi, bình táng bằng gốm, kết quả khai quật còn pháp hiện thêm các loại hình tùy táng như nồi, bình, bát bồng, bát, chõ, nắp, chén, chì lưới, dọi se chỉ…

Theo đánh giá ban đầu của các chuyên gia cho thấy, đợt khai quật này đã đạt được kết quả tốt đẹp, qua các di tích mộ táng phát hiện được khá nhiều di vật có ý nghĩa rất lớn, là cơ sở phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học về văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Đông Sơn trong thời sơ sử ở nước ta nói chung và Hà Tĩnh nói riêng. Dự kiến, một số di vật mộ cổ sẽ được các chuyên gia tiếp tục nghiên cứu khoa học và tổ chức trưng bày triễn lãm giới thiệu với bạn bè quốc tế tại Hàn Quốc.

Công Lâm