Khai thác cát Hòa Bình: Chủ tịch UBND tỉnh nhận trách nhiệm

Khai thác cát Hòa Bình: Chủ tịch UBND tỉnh nhận trách nhiệm

Thứ 5, 27/07/2017 | 14:00
0
Sau khi báo Người Đưa Tin vào cuộc, ngày 26/7, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã có buổi đối thoại với nhân dân 2 xã Hợp Thành, Hợp Thịnh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình để giải quyết vấn đề khai thác cát.

>> Khai thác cát Hòa Bình: 'Dân phản đối vẫn cấp phép là sai'

>> Cấp phép khai thác cát ở Hòa Bình: Quá nhiều số liệu vênh nhau

Điểm nóng - Khai thác cát Hòa Bình: Chủ tịch UBND tỉnh nhận trách nhiệm

Người dân lo ngại việc khai thác cát ngay cạnh bãi ruộng sẽ gây sạt lở.

Cuộc đối thoại chủ yếu xoay quanh các nội dung chính như: Việc UBND tỉnh cấp phép khai thác cát, sỏi cho hai công ty có đúng trình tự, thủ tục hay không? Người dân đề nghị xác định rõ ranh giới, mốc giới giữa diện tích doanh nghiệp được cấp phép khoanh vùng khai thác với diện tích đất sản xuất nông nghiệp và UBND tỉnh rút giấy phép hoạt động của các doanh nghiệp. Nếu UBND tỉnh đồng ý để doanh nghiệp tiếp tục khai thác làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân, gây ra tình trạng sạt lở đất thì quy trách nhiệm cho cá nhân, tổ chức nào?

Ông Lê Văn Chung, Trưởng xóm Tân Thịnh đặt câu hỏi với Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Quang: "Chương trình thời sự phát vào ngày 25/5 của Đài truyền hình Việt Nam có đưa tin, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo dừng tất cả việc khai thác cát sỏi trên sông nhưng trên địa bàn tỉnh vẫn cho phép khai thác. Liệu việc này có đi ngược lại chỉ đạo của trên hay không?.

Ngày 25/11/2013, Đảng ủy UBND xã Hợp Thịnh làm việc với công ty Khai khoáng SAHARA và có ghi cho phép công ty này vào khai thác khi được sự đồng ý của nhân dân. Vậy có văn bản nào chứng minh nhân dân Hợp Thịnh nhất chí? Nếu như chưa có sự đồng ý của nhân dân mà vẫn ký, liệu có vi phạm quyền dân chủ của nhân dân hay không?".

Điểm nóng - Khai thác cát Hòa Bình: Chủ tịch UBND tỉnh nhận trách nhiệm (Hình 2).

Người dân phát biểu trong cuộc đối thoại với Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình.

Đại diện đoàn công tác, Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình trả lời: "Với nội dung trên, Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo những vấn đề khai thác cát sỏi lòng sông, có kết hợp với khai thông luồng rạch. Đặc biệt, các dòng sông thuộc đồng bằng sông Cửu Long đang bị sạt lở và các vấn đề bị lợi dụng trong khai thông luồng rạch mà khai thác cát sỏi không đúng quy trình thì đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ là tỉnh nào.

Đối với tỉnh Hòa Bình, việc cấp phép cho 2 công ty khai thác là đúng quy trình. Việc cấm khai thác cát là không thể bởi đây là nhu cầu cần thiết để xây dựng cơ sở vật chất cũng như phát triển kinh tế xã hội".

Để trả lời câu hỏi thứ 2, vị này đưa ra hồ sơ có thỏa thuận của 2 xóm là Dân Chủ và Độc Lập. Các trưởng xóm là Trần Văn Huyên, Nguyễn Xuân Lâm, Nguyễn Thùy Linh đã có ý kiến. Còn ý kiến này có thật sự dân chủ với bà con hay chưa thì ông này xin phép trả lời sau.

Ngoài ra, trong buổi làm việc, nhân dân còn đặt ra các câu hỏi như: Hai công ty ồ ạt khai thác cát có vi phạm giấy phép đầu tư hay không và tỉnh Hòa Bình đã xử lý ra sao vấn đề này? Việc tiếp tục cho khai thác cát về lâu dài có tác động tiêu cực như thế nào tới diện tích đất canh tác cũng như đời sống của người dân khu vực?

Nhân dân hai xã đã bày tỏ lo lắng tình trạng khai thác cát sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và cuộc sống người dân; vấn đề thực hiện quy chế dân chủ trong cấp phép khai khác cát; kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh rút giấy phép của doanh nghiệp khai thác cát…

Đại diện các ngành, chính quyền địa phương đã trả lời đi thẳng vào những vấn đề mà người dân hỏi; đồng thời các cơ quan chức năng cũng mong muốn nhân dân hai xã tiếp tục đồng hành cùng chính quyền để kiểm tra, giám sát hoạt động của hai công ty, đảm bảo cho phát triển kinh tế xã hội địa phương gắn với ổn định đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn.

Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã chia sẻ với bức xúc của người dân và rất tôn trọng kiến nghị của dân. Sau nhiều ngày bàn giải pháp với các sở ban ngành đi đến đối thoại với nhân dân.

Ông Nguyễn Văn Quang cho hay: "Vấn đề rút giấy phép và không cho khai thác cát là việc rất khó thực hiện. Bởi không cho khai thác cũng phải đúng theo quy định và phải có căn cứ, vi phạm thì phải xử lý còn khai thác phải đảm bảo theo quy định là nhu cầu phát triển kinh tế xã hội thì vẫn phải thực hiện.

Nếu vi phạm thì bắt buộc xử lý. Nếu 2 công ty còn vi phạm thì không cần bà con ý kiến, UBND vẫn thu hồi giấy phép. Cát là nhu cầu phát triển của toàn tỉnh để phát triển kinh tế xã hội và dân sinh, vấn đề là khai thác đúng quy định và đảm bảo môi trường".

Ông Nguyễn Văn Quang - Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cũng nhận trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, đã nghiêm khắc kiểm điểm.

"Để bà con bức xúc là trách nhiệm của chính quyền. Hy vọng sau buổi đối thoại này sẽ có tiếng nói chung với nhân dân. Đây là bài học về trách nhiệm chung của các ngành, từ cơ sở tới tỉnh trong công tác kiểm tra, giám sát, quản lý Nhà nước về công tác phối hợp giải quyết công việc", ông Nguyễn Văn Quang nói.

Kết thúc đối thoại, ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của người dân. Ông khẳng định việc cấp phép cho hai công ty về hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông Đà đã đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Vi phạm của hai công ty trong thời gian qua đã làm ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn.

Việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong công tác phối hợp, kiểm tra, xử lý còn thiếu chặt chẽ, không kịp thời, đã để vi phạm diễn ra trong nhiều ngày mới xử lý được. UBND tỉnh đã chỉ đạo nghiêm khắc kiểm điểm đối với các cơ quan, tổ chức liên quan.

Đình Thiện