Khám phá miền sông Mã: Huyền sử về cuộc thủy chiến khủng khiếp

Khám phá miền sông Mã: Huyền sử về cuộc thủy chiến khủng khiếp

Thứ 7, 15/04/2017 | 08:21
0
Cuộc thủy chiến của các Long vương tại Pha Tém rất khủng khiếp. Nước sông Mã sôi lên sùng sục, dâng cao ngút núi bởi sự vùng vẫy của cả vạn con giao long.

Ông Hà Văn Duyệt, nguyên Bí thư Huyện ủy Mường Lát vốn sinh ra và lớn lên ngay bên bờ sông Mã, tại xã Phú Nghiêm (huyện Quan Hóa). Từ nhỏ ông đã gắn bó với khúc sông Pha Tém in dấu vị thần Ải Lậc Cậc này, đã hàng trăm lần mang chài lưới ra vũng xoáy dưới vách núi để bắt cá tôm.

Trước đây, vụng nước này chính là vựa cá mại lớn bậc nhất của con sông. Cá nhiều như lá rừng. Mỗi lần người mường Ca Da tổ chức lễ phá vũng cá, nơi này thực sự là một lễ hội lớn. Cạnh đó còn có một dòng suối đổ ra sông Mã, gọi là Mó Tôm, mỗi ngày tuôn ra 20-30kg tôm lạ. Loại tôm này khác biệt hẳn so với các con tôm sông khác, đầu to thân ngắn, rắn chắc thơm ngon. Ngày nay Mó Tôm cũng bị khai thác nhiều, mỗi ngày chỉ thu được chừng dăm ba kg tôm loại đặc biệt ấy cũng đã là khá. Ông Duyệt không rõ tại sao lại có điều lạ thế.  

Xã hội - Khám phá miền sông Mã: Huyền sử về cuộc thủy chiến khủng khiếp

 Mó Tôm với giống tôm lạ, ngon nức tiếng.

Nhưng điều kỳ lạ nhất chính là những lần nghe thấy âm thanh như chiêng trống phát ra từ khu vực sông núi này. Ông Duyệt bảo, tiếng chiêng trống như vang lên tận không trung, âm âm u u trong cả giờ đồng hồ, cả vùng nghe thấy. Không rõ nó có phải là tiếng dòng chảy ngầm trong núi vào đáy sông, hay một sự đứt gãy địa chất nào đó. Sau âm thanh lạ đó thì kiểu gì cũng có một xác người chết trôi từ phía thượng nguồn chảy về, dạt lại nơi chân núi Pha Tém. Nhiều người cao tuổi ở làng Chăm (xã Xuân Phú), làng Poọng (xã Phú Nghiêm) cũng xác nhận như vậy.

Có lẽ người Thái xưa kia cũng đã nghe thấy những thanh âm bí ẩn này, mà tin chắc rằng đây là thủy phủ của Long vương Pha Tém, còn gọi là ông thần Lý Lai. Trên bờ, nơi ấy cũng có một thần nhân khác là ông Pú Quán Muốp. Một lần ông Pú Quán Muốp bắn được một con cáo mèo trên cây sung cổ thụ (ngay cửa Mó Tôm, vừa bị đốn hạ). Bỗng có khách lạ đến xưng là người của ông Lý Lai, mời ông Pú Quán Muốp xuống Long cung giúp đỡ. Con cáo chính là loài thú quý, tên bắn không thủng, lửa đốt không cháy do Long vương thả lên bờ. Ông Pú Quán Muốp bắn được, ăn thịt nó, chứng tỏ ông là người Long vương đang cần.

Thì ra, Long vương Pha Tém đang lo sợ một cuộc tấn công lớn của Long vương Cửa Hà (đoạn sông qua xã Cẩm Phong, Cẩm Thủy) do đại tướng Ngao Vương chỉ huy. Ngao vương là một con thuồng khổng lồ có chiếc mào đỏ sáng choang như ánh mặt trời, sức mạnh vô địch. Ngao Vương dẫn các loài thủy tộc đánh tan các Long vương khác trên các khúc sông khác, gần nhất là thu phục Long vương Cơm Hạo (đoạn sông xã Lâm Xa, Bá Thước). Thu hết hàng binh của mỗi trận chiến, Ngao Vương ầm ầm tiến đánh Pha Tém để hoàn thành giấc mộng bá chủ sông Mã của Long vương Cửa Hà.

Cuộc thủy chiến của các Long vương tại Pha Tém rất khủng khiếp. Nước sông Mã sôi lên sùng sục, dâng cao ngút núi bởi sự vùng vẫy của cả vạn con giao long. Nhờ có tài bắn tên như thần, ông Pú Quán Muốp dễ dàng bắn trúng Ngao Vương, khiến viên đại tướng này rống lên đau đớn, quay đầu tháo chạy. Cả đoàn binh tôm tướng cá của Long vương Cửa Hà, Cơm Hạo nhanh chóng tan vỡ.

Xã hội - Khám phá miền sông Mã: Huyền sử về cuộc thủy chiến khủng khiếp (Hình 2).

 Vụng xoáy Pha Tém, nơi có rất nhiều cá mại.

Thua trận, đại tướng Ngao vương dẫn tàn quân trở về thì bị Long vương Cửa Hà nổi giận đuổi đi. Ngao vương bất đắc dĩ phải ngược vào hang núi Cẩm Lương để ẩn thân. Đám tàn quân theo sau đều biến thành đàn cá thần mà ngày nay chúng ta nhìn thấy. Một cánh quân khác của Ngao vương thua chạy ngược về phía xã Văn Nho (Bá Thước), chui vào hang đá hóa thân thành đàn cá thần Chiềng Ban. Có lẽ vẫn còn nhiều tàn quân khác của Ngao vương đang ẩn trốn đâu đó dọc triền sông Mã sau khi nước rút mà chúng ta chưa phát hiện ra.

Có công lớn, ông Pú Quán Muốp được Long vương Pha Tém ban thưởng rất nhiều vàng bạc, nhưng ông chỉ xin mang về một nắm cám, một nắm trấu và một con gà trống. Đó là con gà trống thần, cho ông rất nhiều vàng bạc của cải. Sau này, còn giúp tạo ra nguồn nước lớn, làm đổi thay cả vùng Phú Nghiêm, vốn là khu rừng thiêng nước độc chỉ có gia đình ông Pú Quán Muốp sinh sống.

Nắm trấu mà ông Pú Quán Muốp đem về, đến Hát Son Nhon thì bị gió thổi tung lên trời, rơi xuống mặt sông. Bỗng chốc chúng biến thành loài cá mại. Hiện nay, vào tháng Ba, tháng Tư hàng năm, khúc sông này nổi tiếng có rất nhiều cá mại lớn là như vậy. Đến đoạn sông Cún Hin Nam, ông Pú Quán Muốp lại làm rơi nốt nắm cám xuống nước. Các hạt cám nhanh chóng biến thành loài tôm đặc biệt thơm ngon và rất khác biệt những con tôm sông khác trên sông Mã. Cún Hin Nam chính là Mó Tôm hiện nay.

Ông Cao Bằng Nghĩa, người kể cho tôi nghe câu chuyện này nói thêm: “Đây cũng là một bằng chứng nữa, mang đậm ký ức của người Thái về một trận đại hồng thủy xa xưa, nước sông Mã từng dâng lên rất cao. Những con cá thần hiện nay đều nằm trên các nguồn suối có mực nước cao hơn so với mực nước sông Mã. Bên cạnh đó, các suối này đều cách bờ sông một khoảng ruộng đồng khá rộng. Nhưng giống cá sông lại “chạy” sống tự nhiên trên hang núi đá, chỉ có thể giải thích là tại một thời điểm nào đó, nước sông Mã đã dâng cao và đưa các loại cá lên. Khi nước rút, loài cá dốc thích nghi được với môi trường mới, nên đã tồn tại đến nay”.

Còn tại sao các suối cá này linh thiêng, tất nhiên có thể do sự tác động chủ ý của con người, nhằm mục đích bảo vệ đàn cá. Bởi những suối cá đều cạn, giống cá dốc lại khá hiền hòa, thân thiện với con người, nên rất dễ bị xâm hại. Được bảo vệ, chăm sóc, đàn cá sinh sôi nảy nở, tạo nên một trong những vẻ đẹp kỳ thú của vùng cao xứ Thanh, cũng là lẽ tất nhiên.

Lê Quân