Khám phá nghĩa địa cá ông độc nhất vô nhị ở Việt Nam

Khám phá nghĩa địa cá ông độc nhất vô nhị ở Việt Nam

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Đã bao đời nay, người dân coi cá ông là thần hộ mệnh cho người đi biển.

Nghĩa địa cá ông (cá Voi) rộng 3.000 m2 ngự trị trên một trảng cát nằm ép mình trong xóm nghèo của làng chài Phước Hải (huyện Đất Đỏ, Bà Rịa – Vũng Tàu). Từ bao đời nay, mảnh đất này là nơi linh thiêng chôn cất hàng ngàn hài cốt của “ông” Nam Hải. Mỗi gốc cây, ngọn cỏ đến từng hạt cát trong nghĩa địa đều chứa đựng một phần xương thịt của cá ông và được ngư dân trân trọng, gìn giữ. Bởi “ông” là thần hộ mệnh cho họ giữa biển khơi đầy sóng gió hiểm nguy. Sự phù hộ của “ông” còn giúp người dân được mùa đánh bắt, tôm cá đầy khoang.

Nhịp sống - Khám phá nghĩa địa cá ông độc nhất vô nhị ở Việt Nam

Dinh Ông Nam Hải hàng năm tiếp nhận hàng trăm hài cốt cá ông

Nghĩa địa cá ông độc nhất

Nhiều người dân huyện Đất Đỏ cho biết, chuyện cá cứu người giữa biển khơi từ lâu đã không còn là truyền thuyết nữa. Những sự thật đó được các nhân chứng sống trở về từ biển cả kể lại một cách rành mạch và chi tiết. Người dân miền biển dù đi bất cứ đâu kể cả khi không còn làm nghề chài nữa nhưng cứ đến ngày 16/2 (Âm lịch) hàng năm lại quay về quê dự lễ Nghinh Ông. Thậm chí, có người đang sinh sống ở tận TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương…là con của làng chài cũng tìm về mong một cuộc sống thuận buồn xuôi gió. Họ tôn thờ theo ý nghĩa tâm linh, nguyện hướng về cội nguồn. Và chỉ có những con dân miền biển ở vùng quê Đất Đỏ mới có nét tín ngưỡng độc đáo này.

Không chỉ tôn thờ theo ý nghĩa tâm linh, người dân vạn chài ở vùng quê Phước Hải còn xây dựng hẳn một nghĩa địa cá ông dành riêng cho việc mai táng khi chẳng may “ông” lụy (chết). Nghĩa địa được tạo dựng cách đây khoảng bảy năm trên một diện tích đất rộng 3.000 m2, hướng mặt ra biển. Nơi an nghỉ của cá ông được bao phủ bởi những hàng phi lao vi vu gió ngàn. Cách đó chừng 1km là đền thờ Ông Nam Hải. Đây là nơi lưu trữ những hài cốt của “ông” sau mỗi đợt xả tang (theo quy định của ngư dân ở đây thì cứ 3 năm là cải mả, hốt mộ “ông” về Đền để nhường lại diện tích cho các “ông” khác vừa mới lụy).

Tìm hiểu nhiều nơi và đặt chân đến nhiều vùng đất biển, chúng tôi thật sự ngạc nhiên vì sự tôn trọng tuyệt đối của người dân nơi dây dành cho cá ông. Ở những vùng chài khác, người ta chỉ chôn rải rác, gặp đâu thì chôn cá ở đó chứ không tập trung, quy mô và bài bản như ở làng chài này. Nghĩa địa có năm khu.

Mỗi khu từ 20-40 mộ cá ông. Đầu các ngôi mộ đều có bát hương và bia đúc xi măng ghi rõ “Nam hải chi mộ” cùng ngày tháng “ông” lụy. Phía sau ngôi mộ là tên người chịu tang. Trong khuôn viên nghĩa địa, người ta còn xây lăng, nhà khách và đặt nhiều ghế đá. Mỗi khi chiều xuống, họ kéo đến ngồi hóng mát, chuyện trò chia sẻ kinh nghiệm đi biển. Đây còn là nơi đưa tiễn, ngóng trông của người ra khơi và người ở lại.

Chúng tôi gặp ông Bảy Bê (ngụ Thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ), người có thâm niên 40 năm theo nghề biển nay đã “nghỉ hưu” ở nhà. Không có việc gì làm, mỗi khi nhớ biển ông lại ra trông nom dinh Ông Nam Hải. Ông kể cho chúng tôi nhiều chuyện ly kì xung quanh nghĩa địa này. Mỗi khi ra khơi đánh cá, hễ ngư dân nào phát hiện “ông” lụy hoặc “ông” mắc lưới thì phải dừng ngay hoạt động đánh bắt đưa ông vào bờ làm lễ chôn cất.

Ông Bảy Bê kể, hồi ông thường xuyên theo cha ra khơi. Một hôm vô tình phát hiện thấy ông bị mắc lưới. Mọi người trên thuyền đưa “ông” lên khoang, ướp lạnh cẩn thận. Hôm đó, vì thuyền ra khơi quá xa bờ nên cha ông Bảy định đánh xong mẻ cá đầu sẽ đưa “ông” vào đất liền mai táng. Tuy nhiên, tàu nhằm hướng xa thẳng tiến thì tự nhiên bị những đợt sóng chồm lên cản mũi tàu. Cứ thế vài lần ra khơi không được, thuyền trưởng hiểu rằng, phải đưa “ông” vào đất liền yên nghỉ. Khi thuyền quay đầu hướng đất liền mặc nhiên cứ bon bon rẽ sóng thẳng tiến, không gặp phải bất cứ trở ngại nào.

Ông Bảy cho biết, hằng ngày luôn có rất nhiều người tới mộ thắp hương khấn vái cá ông phù hộ. Bản thân người nào đang chịu tang “ông” thì phải có trách nhiệm trông nom phần mộ, chăm sóc hương khói thường xuyên. Khi hốt ngọc cốt của cá, người ta thường lấy tro hòa với nước tưới vào lưới hy vọng sẽ đánh được nhiều cá tôm, mang bình yên đến với dân vạn chài. Răng của cá ông được mài nhẵn xâu chuỗi hạt đeo vào người cầu may mắn, khỏe mạnh.

Nhịp sống - Khám phá nghĩa địa cá ông độc nhất vô nhị ở Việt Nam (Hình 2).

Nhiều nơi làm lễ tang khi cá voi trôi dạt vào bờ. Ảnh minh họa

Ông Nam Hải đội tàu cứu người

Chuyện cá ông cứu người đã trở thành biểu tượng ở mỗi làng chài. Ông Bảy cho biết, ông nghe người ta kể lại ở Quảng Ngãi cách đây không lâu đã xảy ra sự việc này. Đó là ngư dân ra biển đánh cá tên Hùng. Được biết, khi thuyền đang neo đậu để mọi người nghỉ ngơi cho lại sức thì bất ngờ bị nghiêng. Ông Hùng không may bị văng xuống biển.

Sau thời gian giằng co với sóng lớn, kình ngư này kề ngay miệng của một con cá mập. Thân thể nhỏ bé của con người bị sóng đánh tơi tả còn sức đâu mà chống chọi với nanh vuốt của con cá to lớn, hung dữ kia nữa. Lúc đó có lẽ, ông Hùng đã nghĩ đến cái chết cận kề và buông xuôi tất cả. Nhưng khi ông vừa nhắm mắt lại thì thấy mình đang nằm trên một tấm phản khổng lồ và từ từ trồi lên mặt nước. Ông Hùng ngỡ ngàng nhận ra một Ông Nam Hải to gấp mấy lần con cá mập đang đưa mình từ từ vào thuyền. Hay một lần khác, ngư dân Đặng Châu ở Quảng Ngãi khi đang ra khơi gặp bão, thuyền lật hất ông rớt xuống biển, sau nhiều ngày lênh đênh bị sóng giập vùi, sức cùng lực kiệt. Ông Châu đang thả mình chờ chết thì bất ngờ hai ông Nam Hải kẹp ông đưa vào hòn đảo gần đó.

Trong dân gian, ngư dân tin rằg, khi cá ông lụy thì sẽ có một “ông” khác kê lưng dìu vào bờ để ngư dân trông thấy đi an táng. Cá ông chết luôn ngửa bụng và ngư dân tin rằng, “ông” muốn giữ cho bộ lòng khỏi bị cá khác ăn. Điều đó, một phần nói lên sự thánh thiện được giữ trọn trong tâm kể cả khi ông mất. Thời đi biển, có lúc ông Bảy nhìn thấy cá ông bơi sát mép thuyền, lưng dài đến vài chục mét nhưng không hề tạo ta sóng to, gió dữ. Ông cứ lặng lẽ sát cánh cùng những người dân vạn chài ngoài biển khơi tạo cho họ niềm tin vào điềm lành.

Ngày nay, tại Đình Thần Thánh Tam đặt tại TP. Vũng Tàu còn một bộ xương cá ông được ngư dân đưa vào bờ thờ đầu tiên vào năm 1868. Được biết lúc đó “ông” bị trôi dạt vào bãi biển Thùy Vân. Một phần còn lại của bộ xương này nặng đến bốn tấn cho thấy con cá voi bị nạn có thể dài tới 30 mét. Một cái xương sườn còn lưu giữ đến nay dài 1,8m.

Việc thờ cá ông đối với dân vạn chài là trách nhiệm và bổn phận. Họ coi đó như một cách đền ơn đáp nghĩa theo luật nhân quả. Đến nghĩa địa cá ông một lần, chúng tôi có cảm giác bình an thanh thản. Sự bình an này vốn dĩ như có sẵn được duy trì từ nhiều đời nay bên làng chài nghèo này.

Hoa Nguyên