Khám phá vùng đất thiêng Delhi

Khám phá vùng đất thiêng Delhi

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:04
0
Hoàng hôn đã đổ ráng đỏ trên Pháo đài Đỏ đỏ rực. Chim chiều đã chao chát bay đầy trên bầu trời Delhi vẫn xanh trong ngày đông nắng, dòng người cũng luyến tiếc rời Red Fort đang lộng lẫy tỏa sáng trong hoàng hôn, nhưng biết làm sao, cuộc vui nào chẳng tàn.

Rời Lahore Gate, rời Red Fort, nhưng chúng tôi không bỏ Red Fort mà đi. Chúng tôi men theo bờ thành cao nghều nghệu đi qua cửa bên kia của Red Fort, cửa Delhi – vốn không mở cửa cho công chúng. Ý đồ là sẽ dụ dỗ các anh lính Ấn Độ, vốn dĩ rất mến khách lạ, biết đâu lại được cho vào.

Chiều về, chim chao chát tìm tổ ở Lahore gate

Hai chúng tôi lần mò qua cửa Delhi. Đúng là mấy anh lính Ấn độ rất dễ thương, tuy không cho chúng tôi vào trong nhưng lại cho đến gần dòm ngó tý và cũng cho chụp vài tấm hình làm kỷ niệm.

Không vội vã, tôi và 1 bạn mò ra 1 góc thành cổ vắng tênh ngồi nhìn chiều rơi chầm chậm trên từng phiến đá cũ, lòng cảm thấy hí hửng vô cùng vì được nhìn hoàng hôn rơi trên thành xưa vang bóng.

Bên cửa Delhi vắng thênh thang càng thấy rõ sự uy nghi, sự hoành tráng của Pháo đài đỏ ngày xưa

Sau đó, là khi chiều đã thật muộn, tôi đi về thì mới phát hiện ra có 1 con đường rất gần đi từ cửa Delhi của Red Fort, băng sang 1 vườn hoa công viên nhỏ là sẽ đến cổng Bắc của Masjid Jama. Mà ở đây, giờ này lại miễn vé vào cửa vì không còn du khách, chỉ có người mộ đạo đi lễ.

Tôi trà trộn vào dòng người đi lễ nhưng không vào trong thánh đường – cũng biết giới hạn nào cần dừng, tôi ngồi mê đắm trên khoảng sân rộng của thánh đường ngắm chiều muộn đi đang trôi, hoàng hôn đã không còn những những tia nắng ham vui vẫn còn vương vấn trên mái thánh đường xưa làm Masjid Jama càng thêm huyền hoặc trong khoảnh khắc khi ngày đi đêm tới.

Masjid Jama trong chiều tắt nắng

Trên sân vắng tênh, gió nhè nhẹ trên cao, tiếng kinh kệ lúc rì rầm lúc vang vang… tôi như say như đắm ngồi giữa vuông sân thênh thang đó, chỉ muốn ngồi thật lâu chờ đêm đen rồi sẽ về. Nhưng không được, vì bị mấy anh theo đạo phat hiện và mời ra. Có lẽ tôi bị phát hiện là do không chịu quỳ lạy lúc mọi người làm lễ hay vì quần áo và vóc dáng quá châu Á, cũng chẳng biết nữa. Nhưng mai mốt, nếu bạn nữ nào yêu thích được ngắm hoàng hôn trên Masjid Jama thì chịu khó kiếm cái khăn trùm đầu rồi vào đây ngồi thì tha hồ mà ngắm.

Dù đổi chỗ mấy lần khi bị đuổi trong cái sân mênh mang, cuối cùng chúng tôi cũng phải lóc cóc ra về. Trên đường về, 2 chúng tôi lại đi bằng Metro, xem bản đồ và nảy sinh ý định nhảy tàu đi đến India Gate, Khải Hoàn Môn của Ấn Độ trong đêm, nghe nói rất lung linh quyến rũ khi đêm về.

Thế là 2 tên bụi đời nhảy Metro đến viếng một India Gate thật lung linh huyền ảo trong một đêm Delhi nồng nàn!

Thật tình mà nói, đi Metro dù vào giờ cao điểm đông đúc người hơn, là một trong những niềm vui khi lang thang ở Delhi, niềm vui này cũng giống như sau khi đi đôi giày chật chội bạn được đi chân trần vậy(!). Lúc đầu, 2 tên định về lại khu Paharganj vì sợ để đồng bọn chờ, nhưng nghĩ đi nghĩ lại có về đó giờ này cũng ăn nhậu thôi chẳng làm gì khác, giở L.P ra xem thấy có 1 ga Metro tương đối gần India Gate là 2 tên quyết định đi luôn. Đồng bọn ở nhà tha hồ mà đi shopping.

Tưởng gần, té ra từ ga đi đến India Gate đi mất gần 30p, con đường vắng tanh vì đi ngang qua các công viên. Nhưng nhờ vậy mà lại sạch và yên tĩnh, khác xa một India ồn ào đông đúc mà chúng tôi đã chìm ngập từ sáng đến giờ.

India Gate ban ngày

Cổng Ấn Độ là đài tưởng niệm chiến tranh lớn nhất tại Ấn Độ. Nằm giữa một quảng trường cây xanh rộng, trước ngày Ấn Độ độc lập, tháp cao 42m này là nơi tưởng niệm 90.000 binh sĩ Anh đã ngã xuống qua nhiều cuộc chiến trên đất Ấn, chứ không phải dành cho người Ấn. Nhưng giờ đây, mọi người chỉ biết đến India Gate như một đài tưởng niệm chiến tranh – đơn giản vậy thôi.

India Gate ban đêm

Nhìn xa xa thì thấy India Gate cũng hao hao giống Khải hoàn môn hay Patuxay ở Vientiane, hay giống giống vài cái cổng chào trên đất Thái, nhưng lại gần thì thấy ngay đó là India – vì rất đông người tụ tập bên dưới chân đài, buôn bán, lòng vòng… nói chung là các điểm tụ tập ban đêm đông đúc ở Ấn Độ cũng như quê Việt mình.

Các góc cạnh India Gate

Đi lòng vòng quanh India Gate, cố gắng chụp vài tấm hình gọi là lưu dấu, ngồi lê lết nhìn thiên hạ… đến lúc bụng sôi lên ồng ộc lại lếch thếch lê thân băng qua cái quảng trường cây xanh dài tít mù để đến ga, nhảy tàu điện về ga New Delhi rồi băng qua đường để đến khu Paharganj.

Đêm Delhi thứ 2, bia lại lênh láng. Tranh thủ ăn chơi tối cuối cùng ở Delhi thôi, vì ngày mai sẽ rời Delhi đi Amritsa rồi.

Delhi cỡi ngựa xem hoa 1 ngày thì thấm tháp gì, nhưng nếu các danh thắng ở Ấn Độ mà muốn la cà cho “đủ” chắc cũng mất vài năm. Do vậy, chúng tôi quyết định là sẽ ở thêm Delhi một ngày nữa rồi đến tối sẽ lên tàu đi Amritsar. Công việc của ngày hôm nay là sáng sớm đóng gói hành lý, trả phòng, gửi hành lý lại nhà nghỉ để chiều quay về lấy, ra ga mua vé tàu đi Amritsar. Cũng từ ga tàu New Delhi, chúng tôi đi bộ đến ga Metro New Delhi, lên Metro thẳng hướng đến thành cổ Purana Qila, kế đó nữa là lăng mộ vua Humayun...

Nhưng đã được đến thành Purana Qila ngay đâu, ga gần nhất cách đó vài km, nhưng được cái trên đường đến đó có các điểm tham quan khác nghe nói cũng hấp dẫn nên cả đám cứ lò dò đi bộ. Giờ này nắng ở Delhi vẫn còn chát chúa nhưng cũng may là vỉa hè đoạn đường này có nhiều cây xanh nên cả bọn cứ thế túc tắc mà đi.

Tham quan cái viện bảo tàng của tòa án xong (phải nộp máy chụp hình và cả điện thoại di động) thấy cũng chẳng có gì hấp dẫn, cho dù việc tham quan miễn phí và có các chú lính nhiệt tình hướng dẫn. Nghe nói ở đây có 2 cái bảo tàng, 1 cái nói về hệ thống luật pháp của 3.500 trước công nguyên, 1 cái là của thế kỷ 20.

Trên đường, có 1 ngôi đền hay chùa gì đó là lạ, chẳng có bảng biểu tiếng Anh gì hết nhưng chúng tôi cứ xông vào. Dân tình cũng rất nhiệt tình chỉ trỏ nhưng chẳng hiểu gì hết. Chỉ thấy mấy cái cây được trang trí hay hay, ngắm nghía làm vài tấm hình rồi đi tiếp.

Cái cây được trang trí đẹp lạ ở cái đền/chùa không biết tên

Mấy anh mấy chú đi lễ

Ngay trước khi đến Purana Qila là một bảo tàng đồ thủ công mỹ nghệ của Ấn Độ, rất đáng xem. Bảo tàng nằm trong một khuôn viên xanh mát và lưu giữ cả mô hình của những ngôi nhà, xóm làng của các dân tộc ở Ấn Độ. Ở đây lưu giữ và trưng bày hơn 20.000 hiện vật về thủ công mỹ nghệ từ cổ đến kim, đến từ khắp nơi trên đất Ấn.

Các đồ vật bày bán cũng đầy tính nghệ thuật

Các con hổ giấy này là tranh rối bóng, cử động được

Một cỗ xe ngày xưa, nhìn nó nhỏ vậy chứ không phải đâu

Phải mượn một anh giai Ấn đứng chụp hình mới thấy nó to cỡ nào

Trang trí trên tường của một ngôi nhà Ấn xưa

Các phù điêu chạm trổ giả cổ trong làng bảo tàng

Vì bảo tàng thủ công mỹ nghệ cũng không cho chụp hình bên trong nên tôi không chia sẻ được hình ảnh ở đây nhưng các tác phẩm của họ rất tinh xảo và đa dạng. Từ kim loại, đá quý đến ngọc, đến gỗ, đến xương động vật đến giấy, đến… đủ thứ bạn có thể nghĩ ra. Ở đây không chỉ là 1 bảo tàng mà còn có thêm một làng nghề thủ công, họ vừa làm vừa bày bán nhiều thứ đồ tinh xảo.

Các bức tượng trong nơi thờ phụng thần Aiyanar – một vị thần theo dân gian Ấn Độ

Nếu có thời gian lang thang và đọc kỹ các thông tin chi tiết về các hiện vật được trưng bày ở đây thì sẽ rất thú vị. Cơ man nào là những bức tranh thêu tinh xảo, khảm ngọc quý đá quý lộng lẫy, ngay cả những món đồ gỗ hay đồ kim loại cũng được chạm trổ những nét hết sức tinh vi độc đáo.

Nhà tranh trong làng “giả” xưa

Nhà giàu trong làng “giả” xưa

Cả bọn đã quy định giờ tập trung để đi Purana Qila, nhưng phải dời đi dời lại mấy lần mới dứt ra được cái viện bảo tàng hấp dẫn này để kéo nhau lần mò theo bức tường thành rêu phong đi sang Purana Qila. Đi theo con đường hoang ven bờ thành này mát mẻ và thích hơn đi ngoài đường lộ chính nhiều nhưng cuối đường là phải leo qua hàng rào nhọn hoắt mới đến được cổng vào Purana Qila.

Một cổng thành ở con đường hoang

Con đường ven theo thành cổ, dọc theo Mathura Road ngoài kia, đi men ngay dưới chân các đoạn thành xưa không được tu sửa nên dấu vết hoang phế rất rõ. Thành có tường thật dày và cao ngất ngưởng. Gần nửa thiên niên kỷ qua rồi, gạch đá cũng đã tan vỡ, đã hao gầy nhưng thành cũ còn rất uy nghi. Đi dưới chân thành này mới có cảm giác phiêu-phiêu về các câu chuyện, những hình ảnh vẫn xem về các trận công thành ngày xưa, chắc cũng không đơn giản như trong phim đâu – nhất là khi xem thành này.

Thành xưa hoang phế

Cổng thành Tây, nơi chúng tôi vào thành

Nói đúng ra lúc đầu thấy con đường hoang vu cỏ mọc rậm rịt, chúng tôi cũng chưa dám đi nhưng thấy các bạn trẻ Ấn Độ băng băng vạch lối vén lá mở đường, thế là chúng tôi mới lò dò thì theo, nào ngờ gặp con đường đẹp.

Khuôn viên mênh mông của Purana Qila nhìn từ ngoài cổng thành – xa xa là thánh đường Hồi giáo

Những con đường thênh thang trong Purana Qila

Backpackervn