Một người khuyết tật giàu có... ngoài dự định

Một người khuyết tật giàu có... ngoài dự định

Thứ 4, 28/08/2013 | 16:59
0
Mọi hoạt động cá nhân phải có người trợ giúp, nhưng Phạm Thanh Sơn vẫn trở thành ông chủ của một công ty phần mềm máy tính.

Những biến cố thay đổi cuộc đời

Anh Phạm Thanh Sơn (sinh năm 1968), tuổi thơ anh gắn liền với những tiếng hát rì rầm của quê hương miền biển. Vào những ngày hè của năm 1994, khi đang là một chàng trai căng tràn nhựa sống tuổi đôi mươi, trong một lần đi tham quan suối nước nóng Bình Châu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với đồng nghiệp cùng công ty, Phạm Thanh Sơn đã gặp đại nạn. Từ một cú nhảy xuống hồ bơi cạn nước, anh không may bị tai nạn, đốt sống của anh bị va đập mạnh, chấn thương tủy sống, phải nằm liệt một chỗ. Toàn thân của anh từ cánh tay trở xuống đã vĩnh viễn mất hết cảm giác.

Kể từ đó, mọi sinh hoạt của anh luôn gắn bó với chiếc giường. Anh Sơn tâm sự: "Đó là những ngày tháng rất buồn của cuộc đời tôi. Nhưng chưa bao giờ tôi muốn bỏ. Gia đình đưa tôi đi chữa bệnh rất nhiều nơi, nghe thầy thuốc nào hay chúng tôi đều tìm tới, chỉ đến khi một ngày tôi đến gặp một bác sĩ tư nhân. Bác sĩ bảo cuộc đời tôi chỉ có thể sống được 10 năm nữa thôi. Và tình trạng này sẽ theo tôi đến giây phút cuối đời. Đến lúc đó, tôi biết định mệnh này đã theo tôi và tôi không có cách nào để chạy thoát". 

Xã hội - Một người khuyết tật giàu có... ngoài dự định

Dù tàn tật nhưng Phạm Thanh Sơn vẫn luôn tích cực làm việc

Lời của bác sĩ xoáy sâu vào suy nghĩ của anh, kèm theo đó là lời của một người bạn rất chân tình giúp anh vượt qua những đau đớn tinh thần và thể xác để làm lại cuộc đời. Anh Sơn nhớ lại: "Khi ấy, có một người bạn đến thăm tôi, nhìn tôi trên giường bệnh, người bạn chỉ nói một câu mà khiến tôi nhớ mãi: "Sơn à, một bài văn hay không phụ thuộc vào văn dài hay ngắn". Những lời nói đó giúp tôi tìm được động lực để đi tiếp. Và tôi quyết tâm làm lại cuộc đời mình khi cơ thể chẳng còn tuân theo mệnh lệnh của khối óc nữa".

Điều may mắn cho anh Sơn, trước khi bị tai nạn, anh từng là một người học rất giỏi. Anh có kiến thức về nhiều lĩnh vực, vì từng học lâm nghiệp tại trường trung cấp Lâm nghiệp ở Vũng Tàu, học đại học Ngoại thương, học Tin học... Những kiến thức quý giá ấy là chút ánh sáng le lói để anh Sơn lần đi từng bước thật chậm mà tìm lại cuộc đời. Anh Sơn tâm sự: "Khi ấy, ba mẹ tôi đã lớn tuổi, tôi lại là con trai duy nhất trong nhà, mọi tiền bạc ba mẹ đều dồn hết sức để trị cho tôi. Tôi không thể để cho ba mẹ buồn mãi nữa và tôi quyết định tôi phải làm ra tiền để phụ giúp cho ba mẹ, và không còn quan tâm đến bệnh tình của mình diễn biến như thế nào nữa".

Nói là lao động để kiếm tiền, nhưng bằng cách nào, khi anh còn chưa tự chăm sóc mình thì làm sao ai có thể nhận anh vào làm được. Con đường kiếm tiền của người tật nguyền như anh chẳng phải dễ dàng chút nào. Nhớ lại đã từng học qua vi tính, anh Sơn quyết định dạy lại những kiến thức mà mình đã từng học. Khi ấy, vi tính lại chưa phổ biến, chưa nhiều người biết đến nên học trò tìm đến nhà thầy Sơn lúc nào cũng đông đúc và nhộn nhịp.

Xã hội - Một người khuyết tật giàu có... ngoài dự định (Hình 2).

Phạm Thanh Sơn cùng một số nhân viên công ty

Trở thành ông chủ ngoài dự định

Lấy niềm vui công việc làm hạnh phúc

Dù đã mấy chục năm luôn cống hiến cho xã hội những điều tốt đẹp nhưng Phạm Thanh Sơn vẫn chọn cho mình cách sống lặng lẽ. Không vợ, không con, gia đình của anh là những nhân viên ở công ty, là bạn bè ở khắp chốn. Khi hỏi anh có bao giờ buồn vì cuộc sống không có gia đình nhỏ không, Phạm Thanh Sơn chỉ cười và bảo: "Đôi khi bản thân tôi còn muốn thoát ra cái thể xác này để được tự do làm những điều mình thích, thì hà cớ gì mình phải bắt người khác vào cuộc sống như thế. Điều mà tôi mong muốn là công ty được phát triển để anh em có một cơ sở vững chắc mà lo cho gia đình".

Giữa lúc nghề dạy học đang rất phát triển, Phạm Thanh Sơn lại ra một quyết định táo bạo là... chuyển nghề. Anh cho biết: "Dạy được một năm, tôi bắt đầu cảm thấy cuộc sống của mình thật nhàm chán. Tôi chuyển sang nghiên cứu phần mềm Autocad (thiết kế bản vẽ - PV) để dạy cho kỹ sư. Dạy được một thời gian nữa, tôi bắt đầu chuyển sang nghiên cứu nâng cấp phần mềm hệ thống kế toán mà tôi đã từng làm. Có thể nói, việc làm này đã biến cuộc sống tôi bước sang một trang viết mới".

Những ngày nằm liệt trên giường, Phạm Thanh Sơn chưa bao giờ ngưng nghỉ làm việc. Chính thái độ hăng say lao động ấy khiến anh có nhiều cơ may gặp được những thuận lợi trong việc làm của mình. Anh Sơn tâm sự: "Khoảng năm 1998, một người bạn trong công ty cũ bảo tôi nâng cấp lại phần mềm kế toán đã được tôi thiết kế từ khi chưa bị bệnh. Được dịp, tôi bắt đầu lao vào học lại kế toán, nghiên cứu phần mềm mới. Khi được lao động và học tập, tôi như thấy mình vẫn đang sống và tôi cảm thấy hạnh phúc khi được làm một điều gì đó cho cuộc đời này, dù là nhỏ nhoi đi chăng nữa".

Suốt một thời gian dài, anh Sơn lao vào nghiên cứu, trung bình, mỗi ngày anh làm việc khoảng 14-15 tiếng, ngồi làm việc cần mẫn đến nỗi, cơ thể anh bị hoại tử phần mông. Để chữa trị, Phạm Thanh Sơn đã phải lọc hết phần thịt thối đang dần hoại tử trên cơ thể. Đau đớn nhiều về thể xác, nhưng anh vẫn kiên nhẫn và giữ vững tinh thần để tiếp tục làm việc. Anh chia sẻ: "Khi tập trung vào làm việc, tôi không còn suy nghĩ nhiều về bệnh tình, sức khỏe... giờ sống là phải làm việc thôi. Khi làm việc là một thú vui, những thứ khác sẽ không bao giờ là trở ngại".

Tuy nhiên, do không thể tự chăm sóc được mình, mọi hoạt động đều phải nhờ vào người khác, nên khi làm việc, Phạm Thanh Sơn đều nhờ đến bàn tay chăm sóc của mẹ. Anh Sơn kể: "Nhiều khi phải thức đến gần sáng, mẹ cũng phải thức theo tôi để chăm sóc. Thấy mẹ vì mình vất vả, tôi cảm thấy rất buồn, nên thường phải ngủ sớm để mẹ cũng được ngủ. Nhưng khi bị cuốn vào công việc, đặt người xuống gối tôi lại miên man suy nghĩ tiếp. Nếu là người khác có thể ngồi dậy để viết lại suy nghĩ của mình, nhưng tôi thì không, vì bàn tay tôi không có đủ sức để cầm viết, nên trong giấc ngủ của mình tôi phải luôn suy nghĩ và ghi nhớ những gì đã nghĩ ra".

Cuối cùng, thì phần mềm kế toán của anh cũng được ra đời sau thời gian dài làm việc cật lực. Với những tính năng vượt trội, sản phẩm mà anh làm ra được nhiều người quan tâm và tìm đến sử dụng. Từ một người tàn tật mất hết khả năng hoạt động, Phạm Thanh Sơn đã làm chủ một công ty từ nghị lực phi thường của mình. Không chỉ tạo ra sản phẩm có ích cho đời, anh còn tạo ra nhiều việc làm cho người khuyết tật. Công ty của anh Sơn thu nhận rất nhiều người khuyết tật vào làm việc. Không chỉ vậy, anh còn sẵn sàng dạy tin học miễn phí cho nhiều người và luôn giang tay đón nhận những bạn trẻ mới ra trường, đang tìm một môi trường có cơ hội thử sức.

"Ngôi nhà" mà anh Sơn gây dựng đã trở thành nơi ấm áp để nhiều người tìm cơ hội vươn lên trong cuộc đời nhiều thử thách. Luôn bình lặng, điềm đạm giữa cuộc đời, Phạm Thanh Sơn vẫn cống hiến những điều nho nhỏ cho cuộc đời...

HỢP PHỐ- HUÊ TRẦN

Vĩnh Phúc: Thương mẹ bệnh tim, con quyết đỗ thủ khoa

Chủ nhật, 28/07/2013 | 07:58
Mẹ bị bệnh tim đã 20 năm khiến em Nguyễn Diệu Hằng luôn tự nhủ phải cố gắng học tập để mẹ vui lòng. Thành quả được đền đáp trong kì thi đại học vừa qua là em đã đỗ thủ khoa khối D4 Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội.

Hành trình khám phá và chinh phục 'vua đèo Tây Bắc'

Thứ 3, 21/05/2013 | 15:58
Một trong những điều thú vị nhất của hành trình khám phá Tây Bắc Việt Nam là chinh phục những con đèo.

Người đàn bà mù vượt lên số phận

Thứ 6, 17/05/2013 | 16:22
Cảnh người mẹ khiếm thị địu con nấu rượu, làm bánh và cõng con bán hàng đã quá quen thuộc với người dân nơi đây.

Cảm phục những tấm gương người trẻ vượt lên số phận

Thứ 6, 12/04/2013 | 11:30
Bằng nghị lực phi thường và sự ham học, những học sinh, sinh viên khuyết tật đã vượt lên số phận trở thành những tấm gương sáng cho các bạn trẻ.

Chuyện đời bệnh nhân chạy thận vượt lên số phận

Thứ 2, 21/01/2013 | 10:38
Gần mười năm qua, anh Mai Ngọc Tiếp sinh năm 1972, thôn Pò Đứa, xã Mai Pha, TP. Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn cứ mỗi tuần ba lần chạy thận tại khoa Thận nhân tạo (bệnh viện Bạch Mai). Kể từ ngày anh bị bệnh, cả gia đình bốn người phải chuyển hẳn về Hà Nội sống, kinh tế gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào mớ rau, củ khoai của vợ anh bán ngoài chợ cóc gần nơi thuê trọ. Tuy vậy, anh vẫn cố.