Khi làng quê “lên” Net

Khi làng quê “lên” Net

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:05
0
Từ khi có Internet, nhiều làng quê bắt đầu chuyển mình chạy theo xu hướng của thị trường. Đã không còn những đêm tĩnh mịch sau lũy tre. Tiếng gươm đao chạm nhau chan chát, tiếng còi xe cấp cứu hú rợn người, tiếng súng đạn nổ liên thanh phát ra từ... những cặp loa nhỏ xíu.

Những thanh niên nông thôn bỏ ruộng vườn ngồi lướt net cả ngày, có những "cuộc tình chấm com" nhức nhối vùng quê và nhiều tệ nạn cũng bắt đầu từ đây... Không khí nhộn nhịp đến thâu đêm suốt sáng luôn diễn ra ở hầu khắp các điểm Internet.

Anh bạn còn học hồi phổ thông đưa tôi ra quán đầu làng, gọi 2 ly cà phê đen đá. Trong tiếng nhạc xập xình phát ra từ 2 chiếc loa công suất lớn ở góc nhà, anh kể: "Bây giờ muốn gì có nấy. Thích karaoke, có ngay. Uống bia, có mấy em tiếp thị "hầu". Rồi thích chát chít thì vào Internet...". Giống như một con phố mới hình thành ở các đô thị lớn của Hà Nội, đường Xốm (Hà Đông) vẫn còn chen vào một số căn nhà xập xệ. Kể từ khi Hà Đông lên thành phố, mặt tiền của các gia đình được trang hoàng và ưu tiên cho kinh doanh.

Những "đại gia" mua đất xây nhà cao tầng, rồi mở cửa hàng, cửa hiệu trương hộp đèn quảng cáo sáng choang. Quán xá đèn xanh đỏ chớp nháy suốt đêm, rồi quán nhậu không thiếu loại gì, từ bình dân đến cao cấp...

Hết cãi nhau, một đám thanh niên lại dàn hòa và kéo nhau vào dịch vụ Internet. Tôi nhìn đồng hồ, đã bước sang 24 giờ đêm. Một quầy Internet bên kia đường vẫn còn rất đông khách "ngồi đồng". Khi được nhận một máy bên góc phòng, nhìn quanh thấy ai cũng dán mắt vào màn hình, tôi bảo bà con quê mình nay mê công nghệ thông tin chẳng kém gì người thành phố. Anh bạn tôi cười rồi bảo, mấy năm nay, người lớn đến trẻ con đều nghiện cái món Internet chẳng khác gì hồi karaoke mới tràn về...

Những ai từng qua huyện Quốc Oai (Hà Nội) chỉ khoảng một năm trước bây giờ trở lại sẽ nhận ra sự thay đổi rõ rệt. Không khí "hiện đại" của các hàng quán, dịch vụ Internet khiến làng quê không còn yên ả thuần nông như trước.

Trong một ngõ nhỏ có gần 10 tiệm Internet hoạt động từ sáng đến khuya. Mới hơn 10 giờ sáng, tôi tạt vào dịch vụ Internet không tên nằm bên con đường bê tông. Cả 20 dàn máy đều có "chủ" - những cậu bé chân tay còn lấm lem bùn đất, dép lê lẹt quẹt. Mỗi máy có khoảng 3 - 4 chàng dán mắt vào màn hình vi tính và đều há hốc miệng. Khi chiếc xe mô tô phân khối lớn bị ngã nằm chỏng chơ, cả đám nhao nhao: "Mày chạy dở ẹc, đưa tao". Cậu bé ngồi giống như ông cụ bỏ cả hai chân lên ghế vênh mặt lên bảo: "Mày thích thì lấy máy khác, máy này tao trả tiền...". Cuộc chơi lại bắt đầu với các trò bắn súng, đám trẻ lại dán mắt vào màn hình, tiếng súng đạn nổ ầm ầm nghe nhức tai phát ra từ 2 chiếc loa mở hết công suất. Lại há hốc mồm, lại cãi nhau ỏm tỏi...

Khoảng 19 giờ hôm sau tại một quán khác, vẫn là cảnh đông nghẹt người, từ lớn tới bé, tại các quầy dịch vụ. Ở một góc khuất, nhóm thanh niên đang dán mắt vào màn hình. Tưởng họ vào mạng tìm kiếm thông tin để nâng cao kiến thức, ai ngờ khi đi ngang qua, liếc qua kẽ hở của những cái đầu chụm lại trước màn hình, hiện ra trước mắt là những hình ảnh tươi mát... Nhóm thanh niên choai choai khác thì đang xem phim chưởng, tiếng gươm đao chạm nhau nghe chan chát, tiếng đấm đá ứ ự "phát" ra từ 2 chiếc loa mở hết công suất. Hơn 24 giờ, bà chủ vặn nhỏ volume hơn một chút, nhưng âm thanh hỗn tạp giữa khuya nghe rợn người...

Khóc cười cùng Net

Hơn một tuần, tôi lang thang về các vùng quê đang chuyển mình thời mở cửa. Cạnh những khu trường học, dịch vụ Internet bắt đầu mọc lên. Nhiều trẻ em trốn học, nói dối cha mẹ xin tiền học thêm, mua sách vở và ném tiền vào game. Một giáo viên ở trường THCS Trần Hưng Đạo (Hà Đông) than thở: "Thôi đừng có vi tính, vi tiếc chi hết. Nhiều em đang học giỏi, bỗng chốc sa sút, sáng lên lớp ngủ gà ngủ gật, rồi bỏ tiết trốn học. Nhà trường không quản lý nổi...".

Cũng chính vì net đã có nhiều gia đình đã rơi vào bi kịch. Chị H. (xã Tiến Xuân, Thạch Thất, Hà Nội) tâm sự: "Từ khi có net, chồng tôi suốt ngày bỏ bê công việc đồng áng để vào mạng. Lúc đầu ông ấy đi suốt đêm. Tôi hỏi, ông ấy bảo vào tìm thông tin về giống cây trồng. Đêm nằm nghe ông ấy kể cái vi tính nó hay lắm, chỉ cần ngồi nhà gõ cái "ên tơ" là biết cả thế giới, rồi cần bán lúa chỉ "kích" một cái là biết giá cả của thị trường... Ai ngờ, mạng đâu chẳng thấy, chỉ thấy ông ấy đang rung đùi ngồi xem mấy cô ở trần như nhộng trên vi tính. Mà ông ấy ngồi suốt ngày đêm, mỗi giờ 3.000 đồng, tiền đâu mà chịu cho thấu?".

Có bậc cha mẹ suốt ngày ở ruộng, đến lúc phát hiện con cái yêu sớm, thất tình, trải qua "chuyện ấy"... chỉ còn biết khóc và đổ lỗi vì... mấy tiệm net. Chiều chập choạng, từng nhóm bạn trẻ quần ống lửng, chân dép lê cưỡi xe SH, LX rất "ngầu" hẹn hò nơi điểm net. Họ được mệnh danh là những "thợ săn" trên mạng với đủ thứ tình thật ảo lẫn lộn. Họ kéo bạn từ trên net ra ngoài đời kết thành nhóm. Một cô mệnh danh "tóc xù" nhại lời một bài hát: "Nét giúp tôi cùng bạn bè đi khắp nơi, mà sao thấy khổ ghê, không được an toàn". Chị Ph - Chủ tiệm net - cho hay, 4 tháng trước một thôn nữ trong nhóm này đã trở thành con "chim mồi" đáng thương trong tay một kẻ "săn tình" chuyên nghiệp.

Gia Bảo