Khi luật sư là 'người cũ'

Khi luật sư là 'người cũ'

Thứ 6, 06/09/2013 | 08:53
0
Trước đây, ông T. làm công ăn lương cho một công ty và từng đứng về phía công ty đấu với ông V. Nay ông T. là luật sư thì có quyền bảo vệ ông V. trong vụ kiện với chính công ty nọ?

Mới đây, luật sư BQT (Đoàn Luật sư TP.HCM) đã kiến nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Đoàn Luật sư TP.HCM chỉnh sửa Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp liên quan đến giới hạn hoạt động nghề nghiệp của luật sư. Theo ông, nếu giới hạn này không rõ ràng thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến những người đang hành nghề luật sư mà trước đây từng làm việc cho các cơ quan, doanh nghiệp.

Rắc rối vì gặp lại “người cũ”

Trước năm 2008, ông T. là chuyên viên pháp chế cho Công ty P. Trong thời gian làm chuyên viên pháp chế cho Công ty P., ông T. từng được công ty giao giải quyết vụ tranh chấp giữa công ty với ông V. Sau đó ông ra làm luật sư và đến tháng 9-2012, nhận bảo vệ quyền lợi cho ông V. trong vụ kiện tranh chấp hợp đồng với Công ty P. Biết chuyện, Công ty P. đã gửi đơn yêu cầu tòa không chấp nhận tư cách luật sư bảo vệ bị đơn của luật sư T.

Theo Công ty P., việc luật sư T.  bảo vệ cho ông V. sẽ dẫn đến sự không khách quan bởi luật sư T. có thể đã nắm các thông tin quan trọng khi làm việc cho Công ty P. và tham gia giải quyết vụ tranh chấp trước đó giữa công ty P. và ông V.

Luật sư - Khi luật sư là 'người cũ'

Ngày 16-8 vừa qua, Công ty P. tiếp tục kiến nghị Đoàn Luật sư TP.HCM can thiệp không cho luật sư T. tham gia vào vụ án. Nhưng trước đó, ngày 1-8, luật sư T. và ông V. đã thỏa thuận thanh lý hợp đồng và luật sư T. đồng ý rút khỏi vụ án.

Kiến nghị làm rõ thêm quy tắc

Trao đổi, luật sư T. cho biết ông rút khỏi vụ kiện không phải vì sợ mình làm sai mà nhằm bảo vệ khách hàng để vụ kiện được nhanh chóng giải quyết.

Trong kiến nghị gửi Liên đoàn Luật sư và Đoàn Luật sư TP.HCM, luật sư T. cho rằng ông không vi phạm Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư như Công ty P. viện dẫn. Cụ thể, Quy tắc 11.1 định nghĩa: “Xung đột về lợi ích trong hành nghề luật sư là sự đối lập về quyền lợi vật chất hay tinh thần đã xảy ra hoặc có khả năng xảy ra giữa hai hay nhiều khách hàng của luật sư; giữa luật sư, nhân viên, vợ, chồng, con, cha mẹ, anh em của luật sư với khách hàng trong cùng một vụ việc hoặc trong những vụ việc khác có liên quan đến vụ việc đó”. Nếu vi phạm quy tắc này thì luật sư phải từ chối nhận và thực hiện vụ việc của khách hàng theo Quy tắc 9.

“Hiểu theo định nghĩa “sự đối lập xảy ra giữa hai hay nhiều khách hàng của luật sư” nói trên thì nếu trước kia, cả Công ty P. lẫn ông V. đều là khách hàng của tôi thì nay tôi mới phải từ chối bảo vệ một bên. Đằng này ngày đó tôi là người làm công ăn lương cho Công ty P., ông V. cũng không là khách hàng của tôi, sao có thể gọi là xung đột về lợi ích? Quan hệ giữa Công ty P. với tôi trước đây là quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động với người lao động. Còn hiện nay, tôi hành nghề luật sư theo Luật Luật sư và các văn bản pháp luật liên quan. Hai tư cách này không liên quan đến nhau. Chẳng lẽ một người trước khi làm luật sư đã làm việc cho 100 công ty thì sau này họ sẽ phải loại trừ hết số khách hàng liên quan đến 100 công ty đó hay sao?” - luật sư T. phân tích.

Từ đó, luật sư T. kiến nghị lãnh đạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM phải sửa lại các quy tắc theo hướng làm rõ các trường hợp sau: Thứ nhất, nếu trước đây luật sư có hoạt động với tư cách là người lao động cho khách hàng (bên đối lập), khi khách hàng (bên không đối lập) lựa chọn luật sư thì luật sư có được nhận lời hay không? Thứ hai, có cần đưa ra mốc thời gian hạn định là một năm hay hai, ba năm… sau khi luật sư chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng pháp lý rồi mới được làm luật sư bảo vệ khách hàng hay không?

“Nếu quy tắc có thể chưa rõ dẫn đến cách hiểu khác nhau mà vẫn áp dụng thì các luật sư sẽ bị giới hạn rất nhiều về quyền hành nghề. Việc này còn ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng khi họ đã tin tưởng chọn luật sư mà mình tín nhiệm” - luật sư T. nói.

“Ứng xử vậy là khéo léo”

Về tình huống trên, luật sư Nguyễn Thế Phong (Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát Đạo đức nghề nghiệp, Khen thưởng, Kỷ luật của Liên đoàn Luật sư Việt Nam) nhận xét: Đối chiếu với quy định tại Luật Luật sư và Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư thì việc làm của luật sư T. không sai.

Luật sư Phong đồng ý với phân tích của luật sư T. liên quan đến Quy tắc 11.1. Tuy nhiên, ông cũng đồng tình với quyết định rút khỏi vụ án của luật sư T. và nói: “Việc lựa chọn cách ứng xử sao cho phù hợp trong nghề luật sư rất quan trọng. Về quy định, quy tắc thì không sai nhưng việc xử sự khéo léo sẽ không làm mất uy tín của luật sư. Dù sao trước đây mình cũng từng có những kỷ niệm vui buồn với cơ quan cũ, từng cống hiến và hưởng lợi ích vật chất từ đó thì không nên đối đầu khi không cần thiết”.

Luật sư Hà Hải (Phó Chủ tịch Hội đồng Khen thưởng - Kỷ luật Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng cho biết: Đoàn Luật sư TP.HCM đã nhận được kiến nghị của luật sư T. và sẽ họp bàn, cho ý kiến cụ thể. Về quan điểm cá nhân, ông đồng tình là nếu áp dụng theo quy định hiện hành thì luật sư T. không sai khi tham gia vụ án. Ông cũng đánh giá cao hành động rút khỏi vụ án của luật sư T. vì “không phải ai cũng ứng xử được như vậy”.

Đặc biệt, luật sư Hải đồng tình cao với kiến nghị của luật sư T. là cần quy định rõ trong thời hạn bao lâu thì luật sư có thể tiếp cận lại với những thân chủ bị cho rằng từng có mâu thuẫn về quyền lợi. “Nếu cứ viện dẫn mâu thuẫn về quyền lợi mà không có thời hạn thì vài chục năm sau luật sư vẫn không tiếp cận được. Các quy định liên quan phải có giới hạn rõ ràng, khi nào, trường hợp nào bị cấm. Điều này không chỉ phù hợp với thông lệ chung mà còn cần thiết cho hoạt động nghề nghiệp và quản lý luật sư” - luật sư Hải khẳng định.

Một cách hành xử hay

Theo tôi, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư hiện nay chỉ đề cập đến xung đột về lợi ích giữa các khách hàng của luật sư với nhau chứ chưa đề cập đến tình huống này. Do không thuộc diện điều chỉnh của quy tắc, mặt khác cũng không vi phạm quy định của Luật Luật sư nên luật sư T. có quyền thực hiện việc bảo vệ cho bị đơn.

Dù vậy, việc luật sư T. rút khỏi vụ án cũng là một cách hành xử hay. Liên đoàn Luật sư ghi nhận các nội dung trong kiến nghị của luật sư T. để xem xét khi sửa đổi, bổ sung quy tắc. Tôi cũng xin nói thêm rằng các văn bản pháp luật liên quan hoặc bộ quy tắc của Liên đoàn Luật sư cũng chỉ điều chỉnh được tương đối chứ không thể dự liệu được hết tất cả tình huống phát sinh trong thực tế. Đó là điều dễ hiểu vì thực tế hành nghề luật sư rất sinh động.

Luật sư LÊ THÚC ANH, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Theo Thanh Tùng (Pháp luật TP HCM)

Luật sư bào chữa 'nước đôi', được không?

Thứ 5, 05/09/2013 | 15:00
Chuyện luật sư ra tòa bào chữa kêu oan cho thân chủ nhưng lại “thòng” thêm rằng “nếu tòa kết tội thì xin giảm nhẹ hình phạt” đang gây tranh cãi trong chính giới luật sư.

Đại diện Viện kiểm sát phải ngồi ngang hàng luật sư

Thứ 3, 03/09/2013 | 09:50
Việc để kiểm sát viên ngồi ngang hàng với HĐXX vừa thể hiện sự bất bình đẳng về vị thế giữa bên buộc tội và bên gỡ tội, vừa dễ tạo cảm giác thiếu khách quan khi tòa xử án.

Luật sư 'phản' thân chủ, được không?

Thứ 5, 29/08/2013 | 10:55
Ra tòa, luật sư bất ngờ đề nghị tòa bác yêu cầu xin ly hôn của thân chủ vì cho rằng chưa phù hợp với đạo đức. Hành động “xưa nay hiếm” này đã gây nhiều tranh cãi…

Bút ký luật sư: 12 người chết thảm trên con tàu định mệnh

Thứ 3, 27/08/2013 | 16:00
"Tôi cầu mong những cánh hoa theo gió bay xa, như những linh hồn của các nạn nhân sẽ được siêu thoát", luật sư Phan Trung Hoài nói.

Phải tốt nghiệp đào tạo luật sư mới được 'học' giúp pháp lý?

Thứ 3, 27/08/2013 | 08:56
Trang thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Khánh Hòa có đăng bài “Về điều kiện tham dự khóa bồi dưỡng nghiệp vụ Trợ giúp pháp lý” phản ánh sự bất cập giữa điều kiện để tham dự khóa bồi dưỡng nghiệp vụ Trợ giúp pháp lý (TGPL)với điều kiện để bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý.

Trò chuyện với nữ luật sư thành đạt về cái tâm nghề luật

Thứ 4, 21/08/2013 | 09:43
“Mình thấy người khác bị chèn ép là sẵn sàng xông vào cuộc, sẵn sàng làm miễn phí. Nếu không phải vì yêu nghề, đam mê với nghề thì có lẽ những lúc vấp phải những khó khăn mình đã bỏ cuộc”, luật sư Hà Thị Thanh chia sẻ.