Khách du lịch được 'khuyến mãi' ngộ độc thực phẩm

Khách du lịch được 'khuyến mãi' ngộ độc thực phẩm

Thứ 7, 18/05/2013 | 10:57
0
Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm "đến hẹn lại lên”, với nguy cơ ngộ độc thực phẩm hàng loạt cho du khách, khiến các nhà chức trách đau đầu, du khách bất an, lo lắng. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến bộ mặt du lịch của các thành phố du lịch bởi nó rất dễ khiến du khách “một đi không trở lại”.

Biến “thượng đế” thành... bệnh nhân

Vừa qua, tại TP. Đà Nẵng, một trong những thành phố chú trọng và quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), cũng không tránh khỏi việc khách du lịch bị ngộ độc thức ăn. Những dịp lễ lớn của thành phố có lúc lên đến 400.000 khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng tại đây.

Ngày 7/5 vừa qua, gần 300 học viên trường Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ Lê Hồng Phong (Hà Nội) vào Đà Nẵng tham gia tour nghiên cứu thực tế. Sau khi dùng bữa tối tại nhà hàng Cội Nguồn, với các món ăn đặc sản biển, 300 du khách đều có dấu hiệu buồn  nôn, chóng mặt và gần 40 người phải nhập viện cấp cứu tại khoa Y học nhiệt đới (BV Đà Nẵng). Tính đến ngày 10/5 vẫn còn hơn 10 người đang được điều trị tại khoa Y học nhiệt đới. Tour du lịch phải hủy bỏ vì không ai còn tâm trạng để đi tham quan bất cứ điểm đến nào.

Đầu tháng 6/2011, 439 khách du lịch đến tỉnh Lâm Đồng thăm quan, nghỉ mát cũng bị bị ngộ độc thức ăn. UBND tỉnh đã phải làm công văn hỏa tốc để yêu cầu các cấp ngành y tế thành lập ngay các đoàn thanh tra để kiểm tra các cơ sở dịch vụ, ăn uống trong phạm vi toàn tỉnh, nhất là những dịch vụ có nguy cơ cao về mất ATVSTP. Bởi vào mùa du lịch cao điểm, mỗi ngày thành phố du lịch Đà Lạt đón hơn 8.000 du khách  tới tham quan, nghỉ dưỡng.

Khi đó ông Trương Văn Thu, phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phải thốt lên rằng: “Nếu không sớm xác định, công bố nguyên nhân thì vô tình “bóp cổ” du lịch Đà Lạt”. Trung tuần tháng 7/2011, bệnh viện ĐH Y Hà Nội cũng phải “tạm dừng” một số ca mổ cho bệnh nhân, vì một số bác sĩ bị ngộ độc thức ăn trong chuyến đi du lịch ở Hạ Long (Quảng Ninh). Trong đoàn đi gần 30 người có đến 2/3 bác sĩ bị ngộ độc thức ăn sau khi ăn sáng ở khách sạn Pearl.

Lạ & Cười - Khách du lịch được 'khuyến mãi' ngộ độc thực phẩm

Bệnh nhân trường Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ Lê Hồng Phong (Hà Nội) điều trị tại BV Đà Nẵng do ngộ độc thực phẩm (ngày 7/5).

Chỉ trong tháng 6/2010 tỉnh Bình Thuận đã xảy ra hai vụ khách du lịch bị ngộ độc con số lên tới gần 200 người. Ngày 10/6/2010 bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận lại tiếp nhận 127 du khách nhập viện cấp cứu do bị ngộ độc thức ăn khi đến thưởng thức món ăn tại hội chợ ẩm thực do Công ty du lịch Suối Cát tổ chức. Các bệnh nhân nhập viện đều có triệu chứng đau bụng, sốt nhẹ, nôn ói và tiêu chảy, xét nghiệm thấy lượng bạch cầu trong máu tăng cao do bị nhiễm trùng. Ngay sau vụ việc xảy ra, các cơ quan chức năng đã vào cuộc. Nguyên nhân ban đầu được xác định các bệnh nhân này đều bị ngộ độc do thức ăn của nhà hàng Đại Dương (thuộc khu du lịch Suối Cát) trên địa bàn TP. Phan Thiết.

Ngày 11/6/2010, một vụ ngộ độc lại xảy ra khiến 34 du khách phải nhập viện trong tình trạng nôn ói, đau bụng. Khách du lịch chủ yếu từ TP.HCM ra TP. Phan Thiết du lịch. Sau khi đoàn khách ăn tối tại Công ty TNHH Sóng Biển Xanh với các món gỏi ốc, lẩu thái, cơm chiên, một số người của công ty tiếp tục đi ăn thêm ở bên ngoài. Đến sáng ngày hôm sau, những du khách này đồng loạt có những biểu hiện nôn ói và đau bụng và được đưa đi cấp cứu kịp thời .

Thành phố du lịchsẽ tự “giết mình”

TP. Hội An (Quảng Nam) với cơ sở phát triển ngành Du lịch - Dịch vụ - Thương mại giữ vai trò chủ đạo, do đó vấn đề quan tâm đến ATVSTP là một trong những mối quan tâm thường xuyên, với số lượng hàng ngàn khách du lịch đến thành phố mỗi ngày. Trao đổi về vấn đề ATVSTP với PV báo ĐS&PL, ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết: “Vấn đề ATVSTP là một trong những nội dung chỉ đạo thường xuyên của thành phố, TP. Hội An phong phú về văn hóa ẩm thực, chủ yếu là du khách nước ngoài  đến đây. Bởi Hội An là một thành phố du lịch, nếu không quan tâm đến vấn đề ATVSTP thì thành phố sẽ tự giết mình và “sinh mệnh” của thành phố cũng không còn”. Ông Lê Văn Giảng cũng cho biết thêm, TP. Hội An có được sự “đảm bảo” ATVSTP chính là công tác tuyên truyền đến từng các hộ kinh doanh từ nhà hàng đến các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng phải thường xuyên kiểm tra, “đừng để đến khi kiểm tra thì sự việc đã rồi”.

Trước thực trạng một số địa phương, số lượng khách du lịch bị ngộ độc thức ăn đã  gây không ít khó khăn, ảnh hưởng đến sự phát triển ngành du lịch của tỉnh nhà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của các công ty  tổ chức đi tour. Ông Đinh Văn Lộc, GĐ Công ty CP Du lịch Việt Đà (Đà Nẵng) cho biết: “Những du khách bị ngộ độc thực phẩm, dù chưa biết nguyên nhân nhưng đã làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín nhà hàng, khách sạn, khiến nhiều du khách sẽ lo sợ, không dám ăn uống. Do đó ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng du lịch, công ăn việc làm cho nhân viên của các công ty du lịch, thậm chí có những  nhà hàng “vô tội” cũng khó lấy lại uy tín của mình. Muốn phát triển du lịch lâu dài, chúng ta cần chú ý đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ở mức cao nhất. Làm du lịch mà khiến cho tâm lý du khách luôn sợ hãi, e dè thì sớm muộn gì cũng mất hết khách!”.

Ông Trần Chí Cường, phó giám đốc sở Văn hóa Thể thao - Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết: “Yếu tố an toàn nói chung, trong đó có cả vấn đề ATVSTP là hết sức quan trọng đối với hoạt động du lịch. Vì vậy công tác đảm bảo an ninh an toàn cho du khách luôn được TP. Đà Nẵng và ngành du lịch hết sức quan tâm và nỗ lực thực hiện. Đây cũng là một trong những mục tiêu trong xây dựng điểm đến an toàn, thân thiện, thành phố du lịch của Đà Nẵng. Tuy nhiên, bên cạnh một số yếu tố khách quan (thực phẩm nguyên liệu, môi trường chế biến...)  cũng có nguyên nhân xuất phát từ điều kiện nhận thức của một bộ phận người dân (nhà hàng, quán ăn...) và ngay cả bản thân du khách về đảm bảo ATVSTP. Để xảy ra những trường hợp ngộ độc thức ăn, không đảm bảo về ATVSTP thật sự là điều đáng tiếc, bởi ít nhiều cũng sẽ có tác động tiêu cực đến xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch. Với trách nhiệm là cơ quan tham mưu quản lý Nhà nước trên lĩnh vực du lịch, Sở sẽ phối hợp với các ngành liên quan như Công Thương, Y tế kiểm tra, kiểm soát và xử lý các trường hợp vi phạm. nhằm đảm bảo tốt nhất an toàn cho du khách và người dân”.

Chị P.T.T.L. một trong những nạn nhân của vụ ngộ độc thực phẩm ở TP. Đà Nẵng phải điều trị tại bệnh viện cho biết: “Chúng tôi vừa đến Đà Nẵng, không thể ra tham quan bán đảo Sơn Trà vì mưa nên kéo nhau vào nhà hàng để liên hoan giao lưu. Cả 4 đoàn đều ăn tối tại đây với một thực đơn đặt trước. Nói chúng tôi mang đồ ăn ở ngoài vào là không đúng. Chúng tôi bị ngộ độc từ ngay sau bữa ăn (tức tối ngày 7/5). Đây đúng là chuyến tham quan du lịch nhớ đời của tôi. Vừa tốn tiền, không được gì, lại được phen khiếp vía. Lần sau có đi du lịch cũng phải xem xét kỹ mới được”.                      

Do khâu “đầu vào” thực phẩm

Ông Trần Công Ân, giám đốc  BV Vĩnh Đức (Quảng Nam) một trong những người trực tiếp và chứng kiến điều trị cho nhiều  bệnh nhân bị ngộ độc thức ăn, do mất ATVSTP cho rằng: “Nguyên nhân của vấn đề này chính là “vật liệu” đầu vào cho hệ thống nhà hàng, hàng quán chưa chặt chẽ khâu kiểm tra ATVSTP. Ông cho biết “Nếu không khắc phục được đầu vào của thực phẩm ở các nhà hàng, quán ăn và để xảy ra ngộ độc với người tiêu dùng thì du khách tham quan đến các thành phố du lịch chắc chắn sẽ bị hạn chế”. 

Quang Huy

Báo động tình trạng trẻ ngộ độc thực phẩm

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
TS. Lê Thị Hồng Hảo, phó viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia Bộ Y tế cho biết, sự lạm dụng các loại hóa chất trong sản xuất thực phẩm ngày càng phổ biến. Từ năm 2008 đến nay liên tục xảy ra các vấn đề về an toàn thực phẩm, trong đó có cả thực phẩm dành cho trẻ nhỏ.

Đà Nẵng: Hàng chục người nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm

Thứ 6, 10/05/2013 | 09:52
Đến chiều 9/5, vẫn còn 10 người trong Đoàn của trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ Lê Hồng Phong (Hà Nội ) phải nằm viện điều trị tại khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng. Theo chẩn đoán của bác sĩ chuyên khoa, khả năng do ngộ độc thực phẩm.

Mua máy "giải độc" thực phẩm có thể rước thêm... ngộ độc

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
Canh cánh trước nỗi lo thực phẩm không an toàn, gần đây, người dân đổ xô đi mua máy "giải độc" thực phẩm bằng khí ozon...

Chuyện buồn gia đình có 4 người chết vì ngộ độc bánh ngô

Thứ 4, 15/05/2013 | 09:40
Hiện tại, do nhu cầu sử dụng, ngoài món mèn mén (ngô xay đồ lên) là lương thực chính ăn thay cơm, ngày thường, bà con vẫn làm bánh để ăn.