Khi người cầm cọ mải miết mưu sinh

Khi người cầm cọ mải miết mưu sinh

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Lăn lộn tại góc chợ đêm hay thâu đêm với đống vải vụn để làm tranh ghép là cách mưu sinh quen thuộc của các sinh viên mỹ thuật.

Dòng tranh thị trường, tranh decor chủ yếu là tranh phong cảnh, tĩnh vật đang có sức hút bởi giá thành rẻ lại phù hợp với thị hiếu của người dân đã phần nào giúp giảm gánh nặng cơm áo cho một bộ phận sinh viên mỹ thuật.

Xã hội - Khi người cầm cọ mải miết mưu sinh

Nhiều sinh viên mỹ thuật kiếm sống bằng nghề chép tranh

Xoay đủ nghề để mưu sinh

Có con mắt thẩm mỹ đặc trưng của nghề nghiệp, không ít sinh viên các trường mỹ thuật coi việc thiết kế các mẫu đồ lưu niệm cho các cơ sở sản xuất cũng là một hình thức kiếm tiền chính đáng và đầy sáng tạo. Thêm một chút khéo tay cùng với tính tỉ mỉ, kiên nhẫn, không ít người đã biến những ý tưởng ấy thành sản phẩm thủ công độc đáo và có sức hút trên thị trường .Từ những mảnh vải vụn xin được từ các hiệu cắt may để ghép nên những bức tranh vải độc đáo, cô chủ nhỏ Thu Huyền chia sẻ rất khiêm tốn khi được hỏi về thương hiệu hoa ghép Huyền Chi và coi đó là một cách "thổi hồn" vào những mảnh vải vụn.

Tranh thủ "cày" thêm buổi tối ở các chợ đêm, đặc biệt là các chợ gần khu trọ của sinh viên như: Chợ Phùng Khoang, Hàng ngang, Hàng Đào…, những họa sỹ mà phần lớn là sinh viên các trường mỹ thuật làm thêm bằng cách nhận ký họa chân dung cho khách. Để hành nghề, họa sỹ chỉ cần vài cây bút chì đen, 1 tập giấy trắng, vài ba cái ghế nhựa, cùng một góc chợ với ánh sáng đủ dùng. Với giá dao động từ 50 - 70.000 đồng/bức trong vòng 15 - 20 phút, họa sỹ có thể bỏ túi được vài trăm ngàn mỗi đêm. "Vừa nâng cao tay nghề lại vừa có thu nhập để trang trải cho sinh hoạt càng ngày càng đắt đỏ" - Hồng Minh - sinh viên năm thứ 3 Đại học Mỹ thuật Công nghiệp hồ hởi.

Hiện, các gallerry tranh lớn tại Hà Nội như Apricot, Green palm dọc các tuyến phố Hàng Bông, Nguyễn Thái Học… hoạt động theo hình thức: Họa sỹ vẽ tranh và đưa đến ký gửi ở các phòng tranh này, nếu bán được sẽ trích lại phần trăm cho gallery hoặc hình thức mua đứt tranh của họa sỹ với giá thỏa thuận.

Từ chép tranh đến... cụt hứng

Trên thực tế, với sự xuất hiện của làng nghề chuyên chép tranh ở Phú Xuyên - Hà Nội, không ít người cất công tìm đến tận các làng chuyên chép tranh để đặt hàng. "Mình cần số lượng lớn những bức tranh kinh điển để gửi đi làm quà cho người thân ở nước ngoài nên tìm đến đây. Đi xa một chút nhưng giá rẻ hơn, phục vụ chu đáo nhiệt tình hơn" - chị Hà (Phố Huế, Hà Nội) vừa nói vừa chỉ vào một chồng hơn chục bức tranh chép nổi tiếng như: Em Thúy, Cô gái bên hoa huệ…

Nhiều người chấp nhận đến làm tại các xưởng của làng nghề mà không khỏi chạnh lòng khi thân phận những người được đào tạo bài bản bị đánh đồng với đội ngũ thợ chép tranh. Ngọc Minh (sinh viên năm thứ 3 Đại học Mỹ thuật Việt Nam) chia sẻ: "Chép tranh cũng là một nghề nên khả năng phối màu, kỹ thuật vẽ cũng như các yếu tố cẩn thận, tỉ mỉ khá quan trọng. Tuy nhiên, với những tác phẩm chỉ là sự dập khuôn, sao chép, họa sỹ khi đã quen tay một ngày có thể chép tới 3-4 bức. Tuy nhiên, cảm xúc khi cầm cọ cũng chai dần đi, sáng tạo cũng dần bị bào mòn.

Đối với tranh sơn mài, người họa sỹ phải đầu tư chi phí và công sức khá lớn, bởi nguyên liệu dùng là vàng thật, bạc thật được dát mỏng có giá 2 triệu đồng/quỳ, màu tự nhiên có giá 700.000 đồng/lạng màu. Do đó, loại tranh này có giá thành khá cao. Vì thế, tranh mỹ nghệ được coi là một hình thức giả tranh sơn mài đã thu hút không ít dân chơi tranh rón rén.

Để phục vụ thị trường, một số họa sỹ tương lai đành ngậm ngùi chạy theo công nghệ hàng giả hàng nhái nhanh gọn mà thu nhập lại tức thì. Anh Tài vừa tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, tranh thủ trong lúc chờ việc nên về đầu quân cho một cơ sở làm tranh mỹ nghệ ở Bối Khê - Thường Tín bật mí về công nghệ làm giả tranh sơn mài: "Gỗ dán phun sơn thay cho gỗ sơn mài, màu vẽ thì dùng sơn tổng hợp, sau đó phun dầu bóng tạo độ bóng. Với giá thành rẻ chỉ vài trăm đến trên dưới 1 triệu đồng/bức nên mỗi ngày xuất xưởng vài trăm bức là thường".

Hiện, dòng tranh thị trường, tranh decor chủ yếu là tranh phong cảnh, tĩnh vật đang có khuynh hướng lấn sân tranh nghệ thuật bởi tính đại chúng, phù hợp với hầu hết các không gian nên không ít các họa sỹ chạy theo thị trường để mưu sinh. Lý giải cho thực tế tranh nghệ thuật đích thực lâm vào cảnh sống vật vờ như hiện nay, họa sỹ Đỗ Khang nói: "Người yêu tranh thì không đủ tiền mua, còn người có tiềm lực kinh tế thì lại không mặn mà với việc chơi tranh hoặc có đi chăng nữa thì thẩm mỹ cũng chỉ dừng lại ở dòng tranh thị trường màu sắc tươi sáng, dễ nhìn, dễ hiểu mà thôi".

Tuy vậy, nhiều sinh viên không xem đây là nghề lâu dài. Anh Tài cho biết: "Đây chỉ là công việc tạm thời giúp tôi trang trải học phí ở trường mà thôi". Trên thực tế, những hoài bão của một bộ phận sinh viên các ngành hội họa đang có nguy cơ bị vùi dập bởi thị trường hàng chợ vẫn tồn tại nhan nhản. Họa sỹ Phan Quang Tuấn nhận định: "Hiện, thị trường tranh Việt rất cần những Mạnh Thường Quân tài trợ cho họa sỹ sáng tác, bởi không ít họa sỹ hụt hơi giữa biển ý tưởng sáng tạo mà không đủ tiềm lực để thực hiện".

Linh Nhi