Khi teen tự tử vì những lý do ngớ ngẩn

Khi teen tự tử vì những lý do ngớ ngẩn

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:09
0
Tình trạng học sinh tuổi teen tự vẫn ngày một gia tăng. Mới đây nhất là vụ việc học sinh trường THPT Ngô Quyền (Hải Phòng) treo cổ tự tử vì cho rằng bị thầy giáo xúc phạm.

Những sự việc trên như một hồi chuông báo động về tình trạng suy nghĩ bồng bột, lệch lạc của một bộ phận giới trẻ hiện nxay. Bên cạnh đó, sự thờ ơ của người lớn cũng vô tình đẩy các em vào vòng tay của "tử thần".

Khi bị mắng, trẻ em rất dễ phản ứng tiêu cực (Ảnh minh họa)

Trẻ em tự tử vì "lớn sớm"

Trao đổi với PV, chuyên gia Tâm lý học Đinh Đoàn nhận định: "Việc học sinh tuổi teen dọa tự tử hay tự tử thật một phần bị ảnh hưởng bởi phim ảnh... Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân duy nhất. So với trước kia, cùng một độ tuổi nhưng học sinh thời nay lớn hơn cả về thể chất lẫn tinh thần. Chính vì thế chúng nhận ra quyền lợi của mình rất sớm. Nhiều đứa trẻ tự tử bởi chúng lầm tưởng quyền của mình bị người lớn tước bỏ, hay chỉ đơn giản là bị thầy cô, cha mẹ mắng mỏ nên không dám đến lớp, tủi thân với bạn bè...".

Tiến sĩ Xã hội học Trịnh Hòa Bình cho biết: "Có khoảng 20% các vụ tự tử của giới trẻ hiện nay ảnh hưởng từ phim ảnh, truyện, tiểu thuyết. Dường như những bộ phim, cuốn truyện... đó đã vô tình tạo thành một "kịch bản" để cho các em lựa chọn nhằm phản ứng lại với trật tự của xã hội. Ngoài ra, một bộ phận giới trẻ Việt Nam còn bị ảnh hưởng bởi trào lưu tự tử của Nhật Bản, cụ thể là tinh thần võ sĩ đạo. Tuy nhiên, các võ sĩ đạo Nhật Bản tự tử vì tinh thần dân tộc chứ không phải là hờn dỗi, thù vặt, dọa nạt người khác như giới trẻ Việt Nam".

Nhiều ý kiến cũng cho rằng chuyện học sinh tự vẫn không phải là thiếu hiểu biết hay ấu trĩ. Chẳng qua, chúng muốn đòi quyền trẻ em sớm hơn những đứa trẻ khác. Khi cảm thấy cái tôi của mình bị xúc phạm, sỉ nhục, chúng sẵn sàng lấy cái chết để phản ứng lại.

Trao đổi với PV, tiến sĩ Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH cho biết: "Theo báo cáo, mỗi năm nước ta có đến hàng trăm học sinh tự tử. Những sự việc trên có nhiều nguyên nhân như sức ép học hành, do quan hệ bạn bè hoặc gia đình có vấn đề dẫn đến giới trẻ bị sốc. ở nước ta vẫn chưa xảy ra những vụ tự tử tập thể như các nước Nhật Bản, Hàn Quốc... tuy nhiên, đây cũng là một điều đáng lo ngại. Giới trẻ giờ phát triển tâm sinh lý sớm nên nhiều khi thất tình hay việc bố mẹ, thầy cô mắng mỏ cũng dẫn đến tự tử".

Tự tử vì muốn khẳng định bản thân

TS. Trịnh Hòa Bình cho biết, nhiều người cho rằng, học sinh tự tử là do thiếu kỹ năng sống, cái đó cũng không thể phủ nhận. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng học sinh tự tử là do hiểu biết không đến nơi đến chốn. Nhiều em học sinh nghĩ rằng, thầy cô giáo, cha mẹ là những người có ảnh hưởng đến mình, tuy nhiên họ không được xúc phạm mình như vậy. Nhận thấy mình không thể chống lại được bằng hành vi khác như đánh nhau với thầy cô, với bố mẹ nên những học sinh nay lựa chọn cách chấm dứt cuộc sống để phản ứng lại và khẳng định bản thân.

Được biết, khi chuyên gia Đinh Đoàn làm tư vấn trên chương trình "Cửa sổ tình yêu" cũng nhận được nhiều cuộc điện thoại của các em học sinh chia sẻ muốn tự tử vì hàng nghìn lí do... Có học sinh muốn tự tử vì thi trượt đại học, có em bị cô giáo nghi ngờ lấy trộm quỹ lớp nên tự tử để lấy lại "công bằng"...

Trước thực trạng này các chuyên gia tâm lí cũng khuyến cáo, những sự việc trên thực sự là tiếng chuông cảnh báo đến việc giáo dục kỹ năng sống và tôn trọng giá trị cuộc sống đến giới trẻ. Các bậc phụ huynh, nhà trường cần giáo dục cho học sinh hiểu các em sống không phải cho riêng mình mà còn cho gia đình, cho xã hội...

Hơn nữa, thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, internet như một con dao hai lưỡi. Ngoài những mặt tích cực không thể phủ nhận thì chúng cũng có những hạn chế nhất định. Các em đọc, xem nhiều phải biết chọn lọc những cái tốt đẹp để tiếp thu chứ không phải thấy cái gì cũng bắt chước.

Chuyên gia Đinh Đoàn cũng cho rằng: "Thầy cô, gia đình phải hiểu tâm sinh lý của học sinh và con em mình. Nếu các em làm sai việc gì hãy giải thích, nhắc nhở nhẹ nhàng để chúng hiểu được được lỗi lầm và thay đổi. Không nên hành xử thô lỗ, sỉ vả dẫn đến việc các em cảm thấy bị xúc phạm, tổn thương tâm lý, lấy cái chết để giải quyết mọi việc".

Văn Chương