Khi U20 'an dưỡng'

Khi U20 'an dưỡng'

Thứ 4, 12/06/2013 | 14:40
0
Với tôi, hơn nửa năm nay, ngày nào cũng là ngày nghỉ. Điều đó, có nằm mơ, bao nhiêu năm qua, tôi cũng không dám nghĩ tới.

Mọi việc có lẽ xảy ra theo hướng khác, nếu không có những quyết định. Sau quãng thời gian nếm trải và hưởng thụ những quyết định ấy, tôi học được cách bằng lòng, vui vẻ đón nhận mọi thứ. Tôi nhận ra, mình đã có nhiều tham vọng (thường là thế, vì những lúc vô công rồi nghề luôn có nhiều ước mơ viển vông) và không chịu ngồi yên hoặc hưởng thụ.

Cũng phải thừa nhận, đó là quãng thời gian bồn chồn và căng thẳng nhất mà tôi từng trải nghiệm. Những cuộc vui có thể đã trọn vẹn hơn nếu tôi hào hứng hơn với nó. Tôi đã đấu tranh, giành giật và đôi khi cầu cạnh - một việc làm mà tôi luôn cảm thấy xấu hổ. Tôi bắt đầu thấy thấm thía nỗi khổ của những người mang bệnh, phải đi khám, phải nằm viện, phải tiêm. Cái đau đớn nhất là tôi đánh mất tự do, phải nhìn những gì tôi làm được, nay người khác làm giúp. Những mặc cảm về thể trạng khi bị bệnh cũng khiến tôi từ chối không ít những sự gặp gỡ, giao lưu bạn bè…

Xã hội - Khi U20 'an dưỡng'

Tuy nhiên, chẳng phải tất cả đều tồi tệ. Tôi nhận ra, đã là thanh niên (đáng ra đã có hai con như thằng bạn cùng làng) nhưng vẫn muốn được chiều chuộng. Với bố mẹ, tôi luôn làm sai và được tha thứ. Bố mẹ vẫn chiều chuộng tôi như thể tôi mới sinh ra được vài ngày và cần kiêng cữ đủ thứ. Chỉ khác là thằng con đã có râu và hàng ngày thêm đôi câu nhắc nhở: "Râu dài rồi đấy!".

Tôi cũng đã tự rũ bỏ cái định kiến về sự mới mẻ, tươi trẻ của con gái Việt Nam. Ngày xưa, tôi có những suy nghĩ khác (và sẽ chẳng dại gì nói ra điều đó). Chưa bao giờ những cô gái ngang qua khiến tôi xao xuyến lâu như vậy. Cái bâng khuâng có được, nhiều khi đã chế ngự những toan tính thô lỗ. Giống như những người thích xem hoa trong vườn, kẻ thô lỗ sẽ vội vàng hái chúng về làm của riêng, chẳng bao lâu sẽ tàn. Kẻ tinh tế sẽ đứng từ xa, chiêm ngưỡng và thỏa sức đắm chìm…

Tôi còn có những sáng cô đơn thức dậy, nắng chói chang qua cửa sổ, tiếng chim chào mào tíu tít ngoài vườn cây cạnh nhà. Tôi mơ màng dụi mắt ngồi bên cửa cho nắng làm đỏ cả da như một thiếu nữ.

Những lúc rảnh rỗi tôi thường vẽ. Những bức tranh không tả thực mà lúc nào cũng rối rắm, đôi khi uốn lượn. Tôi tìm lại được cái bể kính năm xưa, phải mười mấy năm trước, kỳ cọ và bắt đầu nuôi cá.

Và, cuộc đời là những chuyến đi. Có quá nhiều chuyến đi chỉ trong hơn nửa năm dễ có thể làm tôi sụt đi vài ký-lô nhưng lại thêm vào một kho trải nghiệm. Phải thế thôi, trong cuộc sống đôi khi bạn phải đánh đổi một số thứ. Chẳng thế mà, lần cô bán dép đi qua, tôi có nguyên một đôi dép tổ ong ngon lành mà không các thêm một xu nhờ đống dép cũ. Mọi định luật được phát minh luôn đúng đến từng chi tiết.

Trưa nay, bố đi vắng, có mỗi hai u con ngồi ăn cơm. Mới khơi lại tý chuyện mà u đã rớm nước mắt. Ngọt ngào quá. Đôi khi, ta phải chi một số tiền để được thưởng thức rượu tây, bia ngoại hoặc một thức uống có ga. Nhưng với nước đun sôi để nguội, ta luôn cảm thấy ngọt mát hơn cả. Người mẹ cũng thế!              

Hồng Dương

10 điều nông nổi của tuổi trẻ

Thứ 4, 17/04/2013 | 08:27
Khi còn trẻ, chúng ta thường bốc đồng và thích thể hiện, để rồi nhiều năm sau khi nhìn lại, chúng ta phì cười: “Hồi ấy sao mình nông nổi thế”.

Người trẻ 'nổ' quá sẽ có sát thương

Thứ 5, 14/03/2013 | 13:15
“Nổ” chơi cho vui (hay còn gọi là “chém gió”, “quăng bom”...) đang trở thành một thói quen phổ biến ở một bộ phận bạn trẻ hiện nay. Hầu hết đều cho rằng đây là thú vui vô thưởng vô phạt và không có gì đáng lo ngại.

Người trẻ đang lãng phí những điều gì?

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:07
Trong hành trình tạo dựng một cuộc đời có ý nghĩa, nếu bạn lỡ coi thường một trong 10 điều thiết yếu dưới đây, coi như bạn đã tự đánh mất một phần nhựa sống của chính mình.