Kho báu khổng lồ trong truyền thuyết của người Tày

Kho báu khổng lồ trong truyền thuyết của người Tày

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
0
Theo truyền thuyết, xưa kia, hang động này là nơi thiên đình cất giấu vàng bạc châu báu và nhốt một nàng công chúa phạm tội bất hiếu với ngọc hoàng. Để không bị mất cắp của cải và cấm cửa người con gái hư dại của mình, ngọc hoàng đã cho một đàn hổ dữ xuống trông coi.

Hổ dữ ngày đêm gầm rú khiến người dân không ai dám bén mảnh đến. Sau này, người ta đặt tên hang là Ngườm Ngao (theo tiếng Tày, Ngao là hổ, Ngườm là tiếng gầm rú, Ngườm Ngao là hang hổ gầm gào).

Nhốt hổ để giữ kho vàng?

Người dân tộc Tày ở Đàm Thủy (Trùng Khánh, Cao Bằng) rất tự hào về một cảnh quan thiên nhiên mà họ coi đó là quà tặng trời ban. Đó chính là động Ngườm Ngao ở bản Gun. Nằm sâu trong lòng núi đá vôi, động Ngườm Ngao cuốn hút du khách thập phương không chỉ bằng vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ mà còn bởi những câu chuyện ly kỳ được lưu truyền xung quanh những nhũ đá lung linh huyền ảo.

Chị Nguyễn Thị Thủy (SN 1987), người dân tộc Tày đã làm hướng dẫn viên ở động gần 2 năm nay cho biết: "Ngườm Ngao hút khách nhất là vào tháng 5, 6, và 7. Nhưng đa phần khách đến thăm động là giới trẻ ham mê du lịch phượt. Những người già thường bị "khuất phục" bởi con đường đi vào đến động rất khó khăn với nhiều khúc cua gấp.

Xã hội - Kho báu khổng lồ trong truyền thuyết của người Tày

Phóng viên đang dùng dụng cụ gõ những âm thanh hay từ đàn đá.

Có lẽ, bất cứ ai đến đây cũng bị cuốn hút bởi truyền thuyết huyền bí của người Tày về hai tiếng Ngườm Ngao. Chị Thủy cho hay, tích xưa ghi lại, từ thuở xa xưa, người Tày đã làm ăn sinh sống yên bình hòa thuận trên vùng đất đá vôi này. Bỗng một ngày, nơi đây xuất hiện đám thổ phỉ vô cùng hung dữ. Chúng khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Bọn thổ phỉ không những vơ vét lương thực mà còn mang đi số lượng vàng bạc châu báu rất lớn từ việc cướp bóc khắp nơi.

Khi về tới Trùng Khánh, bọn cướp cho quân đi lùng sục một địa điểm hợp lý làm đại bản doanh và cất giữ "chiến lợi phẩm" vừa cướp được. Rồi chúng thấy Ngườm Ngao là hang động lớn, lại nằm khuất trong núi sâu, ít người biết đến nên đã hạ trại và lập đại bản doanh ở đây. Từ đó, người dân nơi đây khốn khổ trăm bề. Cuộc sống của họ vốn ăn chưa no, mặc chưa đủ ấm nhưng hàng tháng phải mang tài sản cống nạp bọn cướp.

Tuy nhiên, một ngày, có đàn hổ dữ từ rừng sâu kéo nhau vào hang động để cư ngụ. Không thể chống lại được đàn thú dữ, bọn thổ phỉ đành ngậm ngùi ra đi. Vì muốn bảo vệ mạng sống, tên nào tên ấy bỏ lại vàng bạc chạy thoát thân. Người dân trong vùng nhiều lần tìm cách dụ đàn hổ ra khỏi hang động để lấy số của cải kia nhưng đành bất lực. Đàn hổ mặc nhiên ngụ trong hang cả mấy năm trời không chịu ra. Người dân hễ đi đến đây thì chỉ nghe tiếng hổ gầm rú là vô cùng sợ hãi, không ai dám bén mảng lại gần. Cho đến một ngày, lũ hổ dữ tự ra đi. Người dân háo hức chạy vào nhưng lạ thay, bên trong không còn một chút tài sản nào nữa.

Tuy nhiên, một truyền thuyết khác cho rằng, xưa kia, từ khi bản người Tày chưa xuất hiện, thiên đình lấy động là nơi cất giữ kho báu. Vì sợ người hạ giới phạm vào nguồn của cải lớn này nên đã lùa một đàn hổ dữ xuống canh gác. Đàn hổ ấy được quản lý bởi một cô công chúa xinh đẹp trót mang trọng tội.

Sau này, người dân nghe nói có nàng tiên trong hang nên tò mò muốn vào xem. Tuy nhiên, cứ đi đến cửa thì sâu thẳm trong hang đá vọng ra tiếng hổ gầm rú. Chính vì thế, không ai dám tiến sâu vào. Sau này, biết hang động cất giữ kho báu bị lộ, thiên đình đã mang hết của cải đi. Vì những tiếng hổ gầm rú mà người dân đặt cho hang cái tên Ngườm Ngao. Được biết, đến nay, khi vào hang, người ta vẫn còn thấy dấu tích của nơi cất giữ kho báu xưa với những nhũ đã muôn hình muôn dạng.

Lần theo truyền thuyết tìm kho báu

Theo chân cô hướng dẫn viên xinh đẹp, chúng tôi từng bước men theo ánh điện sáng lờ mờ đi gần một cây số mới đến cửa hang động. Được biết, hang Ngườm Ngao dài hơn 2000m, nhưng mới được đưa vào khai thác khoảng 800m. Dưới ánh sáng đèn điện, những nhũ đá vôi hiện lên như một kỳ quan thiên nhiên đích thực.

Chị Thủy kể: "Theo ghi nhận của đoàn khảo sát của hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh năm 1995, hang Ngườm Ngao được một nhà thám hiểm người Pháp phát hiện ra vào năm 1921. Người này đã để lại bút ký của mình trên phiến đá ngay phía cửa hang". Khi thăm hết hang động, ra đến cửa Ngườm Ngao, trên phiến đá sát cánh cửa, người ta sẽ được nhìn thấy những vết khắc bằng tiếng Pháp đã phai mờ theo thời gian và con số 1921.

Xã hội - Kho báu khổng lồ trong truyền thuyết của người Tày (Hình 2).

Hình thù đặc biệt từ một nhũ đá tạo nên.

Được biết, hang Ngườm Ngao có ba cửa chính. Thường khách tham quan sẽ đi vào ở cửa Ngườm Lồm (Luồng) và đi ra ở cửa Ngườm Ngao, coi như đi một vòng không quay lại. Còn cửa bản Thuôn nằm sâu bên trong giữa hang, thông với một bản của người Tày. Bên trong hang, dọc theo những nhũ đá và măng đá với đầy đủ hình thù là một dòng suối chảy từ trong lòng đất thông ra phía con sông Quây Sơn thơ mộng. Dòng suối ấy không bao giờ cạn nước. Người Tày cho rằng, đó là dòng nước mắt khóc nhớ thiên giới của cô tiên trong truyền thuyết. Bởi vậy, nó trong vắt, mát lạnh vào mùa hè và ấm nóng vào mùa đông như chất chứa tình cảm trong đó.

Điều kỳ thú mà hang động Ngườm Ngao mang lại cho du khách đến đây không chỉ là những nhũ đá đủ dáng vẻ mà nó là cả một nền văn hóa của người Tày thu nhỏ. Từng bước men theo ánh đèn trong hang, chúng tôi thấy những nhũ đá xếp tầng tầng lớp lớp giống như những thửa ruộng bậc thang.

Du khách cũng sẽ mường tượng ra căn gác bếp của người Tày với đầy đủ hình ngô, khoai, sắn treo lủng lẳng ngược xuống được tạo nên bởi những nhũ thạch. Cùng với căn bếp là mô hình nhà sàn hai tầng của người Tày với phía trên là tầng dành cho người ở và phía dưới là tầng để chăn nuôi gia súc. Những nhũ thạch nhỏ xuống tạo thành hình bồ thóc biểu trưng cho sự no đủ và ước mơ cuộc sống sung túc của người dân tộc nơi đây.

Ngoài ra, du khách đến đây sẽ được tận mắt mục sở thị những hình thù vô cùng độc đáo hoàn toàn do tạo hóa ban tặng. Đó có thể là mô hình chiếc thuyền căng buồm đón gió, cũng có thể là một đài sen úp ngược độc đáo, hoặc là những bức tượng với hình ba tảng nhũ thạch như hình của ông Phúc-Lộc-Thọ. Bên cạnh đó là hình dáng một bà bầu mà người Tày quan niệm rằng chỉ cần áp bụng vào cái bụng bầu của nhũ đá ấy sẽ con cháu đầy đàn, có nếp có tẻ. Người ta coi đó là một Vịnh Hạ Long thu nhỏ giữa khu trung tâm của Động và có cả ao sen quê Bác với những nhũ đá xếp khéo léo hình lá.

Ngoài ra, nhũ đá còn tạo nên ba cây đàn đá với những âm thanh trầm bổng khác nhau. Du khách nào khéo léo có thể tự đệm một bản nhạc du dương cho mình. Đặc biệt, trong hang động còn có cả một "thác Bản Dốc" thu nhỏ. Những ngày mưa, nước từ trong vách núi đá chảy ra. Du khách tới đây may mắn sẽ được nhìn thấy nước trắng bạc chảy ào ào như một thác Bản Dốc thứ hai, một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Cao Bằng.

Dương Thu