Khó hạn chế được học thêm “cưỡng bức”

Khó hạn chế được học thêm “cưỡng bức”

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:04
0
UBND TP Hà Nội vừa ban hành văn bản về quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn. Tuy nhiên, phần lớn nội dung vẫn na ná như các văn bản đã từng có trước đây.

Vẫn còn điệp khúc "nếu tự nguyện thì..."

Theo quy định, có ba trường hợp không được dạy thêm, học thêm, gồm các trường dạy học 2 buổi /ngày; học sinh tiểu học (trừ trường hợp nhận quản lý học sinh ngoài giờ theo yêu cầu của gia đình, phụ đạo cho những học sinh yếu kém, bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, luyện tập kỹ năng đọc, viết cho học sinh được cơ quan có thẩm quyền cấp phép); các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng không được dạy chương trình phổ thông.

Trường hợp các tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của các trường đại học, cao đẳng khi làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép dạy thêm, học thêm theo chương trình giáo dục phổ thông, phải được thủ trưởng trường đại học, cao đẳng đó có ý kiến chấp thuận trong đơn đề nghị.

Tuy nhiên, việc dạy thêm học thêm là quyền của học sinh; mọi tổ chức, cá nhân không ép buộc học sinh học thêm để thu tiền. Học sinh có nhu cầu học thêm phải có đơn và được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người đỡ đầu.

Theo quy định này, thời gian các đơn vị cơ sở thực hiện dạy thêm học thêm đối với học sinh tiểu học là không quá 2 tiết /buổi học và không quá 2 buổi /tuần; học sinh trung học cơ sở không quá 2 tiết /buổi học, không quá 3 buổi /tuần; học sinh trung học phổ thông không quá 3 tiết /buổi và không quá 3 buổi /tuần. Số học sinh mỗi lớp học thêm không quá 45 người, riêng bậc tiểu học mỗi nhóm trông giữ không quá 25 học sinh.

Ảnh minh họa

Quy định cũng nêu, các tổ chức, cá nhân nếu được phép dạy thêm, học thêm có thu tiền, chỉ được thu tiền phục vụ trực tiếp cho việc dạy thêm, học thêm, ngoài ra không được thu bất cứ khoản nào khác.

Mức thu tiền dạy thêm học thêm trong nhà trường do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường (thông qua Ban đại diện cha mẹ học sinh) đảm bảo thu đủ chi; mức thu tiền dạy thêm học thêm ngoài nhà trường do thỏa thuận giữa người học hoặc cha mẹ học sinh với tổ chức, cá nhân thực hiện dạy thêm học thêm.

Khó hạn chế được học thêm "cưỡng bức"

Cách đây 4 năm, UBND TP. Hà Nội đã có một văn bản về vấn đề này (Quyết định số 132/2007). Bộ GD&ĐT cũng như bản thân Sở GD&ĐT Hà Nội có khá nhiều văn bản chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng dạy thêm học thêm. Tuy nhiên, thực tế thì tình trạng các lớp dạy thêm học thêm tràn lan.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Trí Dũng, Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: "Dạy thêm học thêm đã được quán triệt từ đầu năm, có chỉ đạo trực tiếp từ các phòng giáo dục thuộc các quận, huyện. Sở có chương trình kiểm tra kết hợp giữa kiểm tra chuyên môn và kiểm tra toàn diện.

Quy định có nêu đối với tiểu học là không dạy thêm học thêm và những trường đã dạy 2 buổi /ngày thì không được dạy thêm nữa. Nhưng do nhiều phụ huynh không thể về đón con đúng giờ học nên phải gửi con tại nhà trường. Điều này không được gọi là dạy thêm học thêm được mà chỉ là hoạt động trông giữ trẻ ngoài giờ học và vẫn tính phí bình thường".

Theo ông Dũng, để chấm dứt tình trạng dạy thêm học thêm là rất khó. Không chỉ có việc dạy thêm học thêm diễn ra trong nhà trường, ngoài nhà trường có giấy phép hoạt động mà còn có nhiều giáo viên tổ chức dạy thêm kiểu cưỡng bức, lớp học chui ở nhà riêng, hoặc ở những khu dân cư.

Việc thanh tra, kiểm tra với những lớp học loại này là vấn đề nan giải. Sở không thể đến từng cụm dân cư mà kiểm tra rà soát được. Chính vì thế, cần phải có sự kết hợp giữa Sở Giáo dục và các ban ngành địa phương để giải quyết triệt để được tình trạng này.

Tuy nhiên, nếu như vẫn không có biện pháp để giải quyết dứt điểm sự mập mờ giữa tự nguyện và "cưỡng bức" như hiện nay thì sự lộn xộn trong dạy thêm học thêm sẽ khó tạo ra sự đột phá.

Trước đây đã có một số chuyên gia giáo dục đề nghị cấm hẳn việc tổ chức dạy thêm học thêm trong nhà trường. Trong buổi làm việc với Bộ GD&ĐT vào tháng 2 vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng đã nhấn mạnh cần phải chấn chỉnh tình trạng ép buộc học sinh học thêm dưới danh nghĩa tự nguyện trong các trường học.

Thành Huế - Văn Chương