"Khó ngăn chặn trẻ tiếp xúc với truyện tranh ngoại nhập"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:53
0
"Hiện nay truyện tranh thiếu nhi có hình ảnh nhạy cảm, kích dục… đang “đầu độc” trẻ nhỏ. Việc trẻ thích đọc truyện tranh là hoàn toàn bình thường. Nhưng NXB khi đưa các ấn phẩm ra thị trường phải xem xét đến tính định hướng giáo dục".

Nói về thực trạng truyện tranh thiếu nhi phản cảm, cô giáo Nguyễn Hương Giang (Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám-Hà Nội) cho rằng: “Thực tế, sau khi công luận nhiều lần lên tiếng về hiện tượng này, nhiều NXB đã có một số động thái như thu hồi, cải chính, hứa kiểm duyệt tốt hơn. Nhưng đó chỉ là hình thức và thường không kéo dài được lâu. Điều quan trọng nhất chính là chế tài xử lý các vi phạm và cách thức quản lý hệ thống xuất bản của các cơ quan quản lý nhà nước hiện nay”.

“Thực trạng truyện tranh phản cảm, gợi dục đang tấn công lứa tuổi thanh thiếu niên là không phải bàn cãi. Tuy vậy, chuyện một vài NXB vô tình hay cố ý để lọt lưới hoặc hợp thức hóa các thể loại sách đen là điều không thể chấp nhận được”, cô Giang bức xúc.

Tiến sĩ xã hội học Trịnh Hòa Bình cho biết: "Hiện nay truyện tranh thiếu nhi có hình ảnh nhạy cảm, kích dục… đang “đầu độc” trẻ nhỏ. Việc trẻ thích đọc truyện tranh là hoàn toàn bình thường. Nhưng NXB khi đưa các ấn phẩm ra thị trường phải xem xét đến tính định hướng giáo dục. Theo tôi, pháp luật nên có những quy định cụ thể về hiển thị rating (đánh giá, thẩm định chất lượng của sản phẩm). Ta chưa có quy định về kích cỡ, thể hiện của rating. Rating phải được đưa lên bìa sách thế nào để dễ nhận thấy, dễ nhìn thấy. Người đọc nhìn vào, có thể biết ngay, truyện có đúng lứa tuổi của mình hay không. Bố mẹ thấy rating vượt quá số tuổi cũng sẽ kiểm soát".

Vốn liếng văn ngày càng nghèo nàn là suy nghĩ của TS. Tâm lý Nguyễn Kim Quý (Đại học Sư phạm Hà Nội). Theo TS Quý: "Có thể thấy, việc tiếp xúc thường xuyên với sách, truyện có nội dung thiếu lành mạnh là nguyên nhân khiến các em thiếu nhi ngày càng xa rời, thờ ơ với những kho tàng truyện cổ tích. Điều này cũng khiến vốn liếng về văn học, các môn xã hội như Lịch sử, Địa lý của các em ngày càng nghèo nàn và trống rỗng. Ởã lứa tuổi thiếu nhi, nhận thức của các em chủ yếu là do cảm tính. Vì vậy, khi tiếp xúc thường xuyên với văn hóa phẩm không lành mạnh, có những hình ảnh bắt mắt, ngôn từ gây sốc, nhan đề giật gân, các em rất dễ bị dụ dỗ, kích thích trí tò mò. Nếu không ngăn chặn kịp thời các loại sách có nội dung xấu, hậu quả để lại sẽ là khôn lường".

TS giáo dục Thùy Anh, chủ nhiệm câu lạc bộ “Đọc sách cùng con” thì cho rằng: "Mỗi thời đại có nhân vật riêng của mình. Trẻ em bây giờ không biết đến các nhân vật trong các tác phẩm từng đi vào ký ức của các thế hệ trước như hoàng tử bé, cô gái Asole trong "Cánh buồm đỏ thắm". Tuy nhiên, xung quanh vẫn còn nhiều thứ tốt đẹp để các em khám phaá́. Người lớn nên đóng vai trò định hướng cho văn hóa đọc của trẻ bằng cách sàng lọc, lựa chọn các tác phẩm có tính nhân văn. Bởi điều dễ nhận thấy là trẻ nhỏ thường có xu hướng học theo những thứ được đọc, được học".

Xây dựng không gian đọc sách thực thụ là ý kiến của dịch giả Hoàng Thúy Toàn: "Việt Nam không thiếu những cây viết tâm huyết với trẻ thơ. Cùng với việc đầu tư về công nghệ in ấn và trình bày, chắc chắn sẽ thu hút các em thích đọc sách nhiều hơn. Những hình thức như ngày hội sách, giới thiệu sách của nhà phê bình cũng là một trong những cách hay để lôi kéo bạn đọc. Quan trọng hơn là cần gây dựng thói quen đọc sách cho các em từ trong mỗi gia đình. Như ở Nga, việc xây dựng tủ sách ở mỗi ngôi nhà đã tạo được thói quen đọc sách đáng quý trong 70 năm qua ở đất nước này. Chúng ta nên học tập việc xây dựng một tủ sách, góc sách cho trẻ thơ. Mỗi khu phố cũng nên có một góc thư viện dành cho trẻ. Đây là cơ hội để trẻ tiếp xúc với môi trường văn hóa, không gian đọc sách thực thụ".

Chị Ngô Thu Hiền, giáo viên Văn trường THPT Phù Ninh, Phú Thọ nêu ý kiến: "Những truyện tranh nước ngoài hay, nhân văn thì không có lý do gì chúng ta hạn chế. Tuy nhiên, khi biên dịch cần có sự phù hợp với văn hóa, con người Việt Nam. Còn những truyện tranh mang tính trần trụi, thô tục nên có sự kiểm soát ngay từ khâu xuất bản. Sự nhập nhèm trong dán nhãn độ tuổi hiện nay khiến cả bậc phụ huynh cũng dễ nhầm lẫn. Nếu không kiểm soát từ đầu vào, khi tác phẩm đã được bung ra thị trường, thì dù có cố đến mấy, người lớn cũng khó lòng ngăn chặn được trẻ tiếp xúc".

Chị Nguyễn Thị Thủy, Từ Liêm, Hà Nội nêu ý kiến: "Nhiều truyện tranh tuy đã được ghi phân loại độ tuổi được đọc ở bìa nhưng các siêu thị, trung tâm sách lại cố tình để chung với gian sách thiếu nhi là không thể chấp nhận được. Thực tế nay đang diễn ra tại hầu khắp các cửa hàng sách. Cấm đọc nhưng lại trưng bày thì ghi phân loại chẳng có ý nghĩa gì. Với tâm lý của lứa tuổi thích adua, tò mò lại thêm sự “mời gọi” này, thì trẻ em thích lựa những loại sách nội dung độc hại cũng là điều dễ hiểu".

Sẽ “sàng lọc” các nhà xuất bản

Đại diện Cục Xuất bản Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng: “Không có chuyện các cơ quan quản lý nhà nước làm ngơ để một số NXB lợi dụng đưa các ấn phẩm truyện tranh phản giáo dục. Mọi sai phạm đều sẽ được xử lý đúng luật định. Cục Xuất bản sẽ xem xét việc nên hay không cho phép một số NXB được ấn hành truyện tranh như hiện nay”. Mặc cho các cơ quan chức năng đang “lên dây cót”, dư luận vẫn tỏ ra không mấy tin tưởng vềì việc giải quyết tận gốc vấn đề này.

Ngân Giang- Hoàng Mai