Khổ vì chủ quan “bệnh ngoài da”

Khổ vì chủ quan “bệnh ngoài da”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
0
Thời tiết hanh, khô, lạnh, làn da vẻ đẹp thứ nhì sau vóc dáng của con người, bị đe dọa nghiêm trọng. Đến các chuyên khoa về da liễu, chứng kiến, xem hồ sơ bệnh án của bệnh nhân viêm da, chúng tôi mới giật mình bởi nhiều ca bệnh viêm da thật "khó đỡ", như chuyện đùa.

Những ca viêm da "khó đỡ"

Hoàng Thái, 25 tuổi, nhà ở khu bãi giữa, gần chợ Long Biên (Hà Nội), bị sốt cao, li bì trong 2 ngày, da mẩn đỏ thành từng cục. Trên tay, chân và ngực Thái vẫn còn nguyên hình những đường gãi do tay tác động vào. Điều các bác sỹ quan tâm đối với ca bệnh này là đàn ông rất ít bị viêm da thời tiết, bởi độ nhạy cảm của làn da đàn ông ít hơn rất nhiều phụ nữ, trẻ em, người già.

Bác sỹ Nguyễn Văn Hòa, viện Da liễu TW, người trực tiếp điều trị cho Thái, kể: "Thái được đưa đến khám cấp cứu với triệu chứng sốt cao, da mẩn đỏ khắp người. "Tiểu sử" của bệnh nhân này chưa hề bị viêm da thời tiết bao giờ. Tìm hiểu, mới biết, nhà ở khu bãi, nhiều chuột, Thái trực tiếp bị chuột cắn, chạy qua người. Thái cũng rất yêu chó, sau khi đi làm về, cậu này thường ôm, thậm chí có hôm còn cho chó ngủ cùng..." Theo bác sỹ Hòa, da của Thái bị dị ứng với vết cắn của chuột, lông chuột. Con chuột này có tiết nước bọt vào vết cắn. Thái thấy ngứa và gãi, thế là loang ra. Tất nhiên, không ngoại trừ, da bị viêm từ việc ôm chó, lông chó cùng ký sinh trùng sống ở chó gây viêm da...

Tại Bệnh viện Da liễu Hà Nội, chúng tôi tiếp xúc với nhiều bệnh nhân bị viêm da do vô tình tiếp xúc với côn trùng, các loại sâu. Chị Nguyễn Thị Oanh (ở Đông Anh, Hà Nội) đã gãi đến mỏi tay, cả ngày lẫn đêm, máu bật theo tay gãi mà vẫn không hết ngứa. Chị đến bệnh viện Da liễu Hà Nội khám, điều trị. Theo bác sỹ Nguyễn Thùy Anh - trực tiếp khám, điều trị cho chị Oanh, thì kiểm tra kỹ, bệnh nhân Oanh bị lông sâu róm dính vào tay, chân. Vì thường xuyên làm việc ở ngoài đồng đến tối, chị Oanh cũng bị con thiêu thân bay vào người, chạm vào da vùng tay, mặt, cổ... Cơ địa chị Oanh phản ứng với những loại côn trùng, sâu đó, dẫn đến ngứa. Cùng với việc vừa làm, vừa gãi, bụi bẩn nhiễm vào, chị Oanh bị viêm da khá nặng.

Trường hợp cháu Nguyễn Thu Hà, 11 tuổi (ở Thanh Oai, Hà Nội) bị viêm da cũng thuộc dạng "khó đỡ". Cháu Hà rất thích con bướm. Hễ cứ thấy bướm bay vào nhà là cố gắng tìm mọi cách bắt bằng được, thả vào trong cái hộp nhựa to, rồi ngắm, nhìn. Mẹ cháu Hà cho biết, chiều hôm ấy, có một con bướm to, 3 màu, bay lượn ở sân nhà. Cháu tìm mọi cách để bắt nhưng 2 lần bắt trượt, chỉ túm được vào cánh con bướm, bướm vùng vẫy, bay đi mất. Tay cháu Hà vẫn còn phấn ở cánh bướm để lại. Sau đó khoảng 1 giờ đồng hồ, cháu Hà ngứa tay. Cháu gãi, thế là cứ mẩn đỏ dần hết cánh tay...

Xã hội - Khổ vì chủ quan “bệnh ngoài da”

Chuột cống, một tác nhân gây mẩn ngứa, viêm da?!.

Muôn kiểu "hành hạ" làn da

Trường hợp ngứa, viêm da "khó đỡ" trên không nhiều nhưng ngày càng phát triển và kèm theo một số triệu chứng khác như sốt, gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe con người. Kiểu viêm da thời tiết, theo mùa, dễ được bệnh nhân phát hiện và đến điều trị kịp thời. Kiểu dị ứng da vô tình mới là "khó đỡ". Chị Hoàng Thu Nga (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: Cứ sang mùa hanh, khô, lạnh là da tôi lại nổi mề đay, trông gớm lắm.

Biết là viêm da dị ứng thời tiết nhưng ngứa nên gãi cả đêm, gãi bật máu là chuyện thường. Nhiều khi bật máu mà chỗ da đó vẫn ngứa, vẫn muốn được gãi... Cứ bắt đầu mùa thu hàng năm, chồng tôi đùa, bảo rằng: "Sắp đến chu kỳ "nghiện" (gãi) rồi. Có những đêm, thấy tôi ngồi gãi, máu bật ra, chồng tôi chẳng biết làm thế nào để giúp mà chỉ biết thức cùng. Có hôm, anh ấy lấy dây buộc tay tôi vào thành giường để tôi không gãi được. Anh ấy bảo, "vợ hành hạ da mình như thế đủ rồi". Nghe mà xót xa, nhưng lúc cơn ngứa lên, không thể chịu được, phải gãi..."

Chị Nguyễn Hoài An (ở Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội) cũng giống với chị Nga, "nghiện" gãi khi thời tiết hanh, khô và lạnh. Ngoài ngứa, vùng bụng, mông, chân của chị An còn nổi mề đay, đỏ tấy như những quả cà chua. Chị An tâm sự: "Tôi bị dị ứng, ngứa da nhiều năm rồi. Lúc đầu không biết, đi tiêm, uống thuốc bắc, thuốc nam, bôi thuốc... Tôi đã dùng đủ loại rồi, cuối cùng cứ đến mùa lạnh là lại vẫn ngứa, vẫn nổi mề đay. Tôi sang cả Singapore khám, cũng thế thôi. Riêng dị ứng thời tiết, dẫn đến ngứa, ai mắc phải, đành chung sống với nó cả đời. Trừ trường hợp, ngứa, gãi, gây viêm da thì phải đi điều trị. Điều trị chắc chắn sẽ khỏi viêm da nhưng không khỏi được "nghiện" ngứa theo mùa. Cơ địa của mình nó thế, phải chấp nhận thôi".

Đem những chuyện trên hỏi bác sỹ Nguyễn Minh Quang, phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội, chúng tôi nhận được câu trả lời khá thú vị về bệnh dị ứng thời tiết, ngứa, viêm da. Bác sỹ Quang cho biết: Thời tiết chuyển mùa, hanh, khô và lạnh, số bệnh nhân đến khám liên quan đến da tăng đột biến. Bệnh viện đang điều trị cho nhiều bệnh nhân bị mày (mề) đay; viêm da cơ địa (trẻ em và người lớn); viêm da tiếp xúc do côn trùng; da khô...

Bác sỹ Quang phân tích: Thời tiết lạnh, hanh, khô kéo dài làm cho khả năng tiết mồ hôi và các chất hữu cơ của da giảm. Nó làm cho da khô, nẻ, dễ ngứa. Đến giới hạn an toàn của cơ thể, da không căng giãn thêm, không tiết mồ hôi và các a xít hữu cơ để bảo vệ da thì lớp biểu bì da ngày càng mỏng, mất đàn hồi, nứt nẻ gây ngứa. Ngứa thì phải gãi, càng gãi càng rách da thêm và ngứa càng tăng. Một nguyên nhân khác nữa, mùa đông hay ngứa và viêm da là vì việc tắm rửa, chăm sóc da bị hạn chế.

Nó làm cho các vi sinh vật, nấm gây bệnh có môi trường thuận lợi để ký sinh trên da phát triển. Khi nấm phát triển, ngứa là chuyện đương nhiên xảy ra và viêm da thật khó tránh khỏi. Theo bác sỹ Quang, thời tiết hiện nay đang rất thuận lợi cho vi khuẩn viêm da xâm nhập, phát triển. Ngoài ra, da tiếp xúc với côn trùng cũng là nguyên nhân gây ngứa, dị ứng, viêm da.

Bác sỹ Thùy Anh cho biết: Bệnh viện Da liễu TW tiếp nhận nhiều ca viêm da nặng đến mức bị biến chứng bội nhiễm, gây loét. Điều trị khỏi viêm da thì cũng để lại sẹo, hoặc vết thâm (rất lâu sau đó mới mờ) trên người bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân coi thường chuyện ngứa, viêm da, cứ tự mua và bôi thuốc không theo phác đồ điều trị của bệnh viện dẫn tới nguy hiểm khôn lường.

Có bệnh nhân ở Thường Tín (Hà Nội), chỉ viêm da đơn thuần, không điều trị đúng cách, dẫn đến biến chứng, lở loét da toàn thân, bị nhiễm trùng vào máu... Bệnh nhân này phải điều trị thuốc đặc trị, kháng sinh liều cao gần 5 tháng mới khỏi bệnh. Bác sỹ Anh khuyến cáo: Mọi người không nên coi thường dị ứng ngứa, viêm da. Nếu có triệu chứng, hãy đến các cơ sở chuyên khoa để được khám, điều trị đúng phác đồ, tránh hậu quả xấu xảy ra với làn da.

Khô da mùa đông là biểu hiện rất thường gặp do độ ẩm của không khí giảm. Mặt là vùng da tiếp xúc nhiều nhất với môi trường nên rất hay bị khô gây nẻ. Trong thời tiết này, bác sĩ khuyến cáo không nên tắm bằng nước quá nóng dễ gây tổn hại da, làm cho da mất đi bã bảo vệ da và làm da khô. Ăn uống phải điều độ, nhiều nước, vitamin. Không nên ở quá nhiều trong phòng có điều hòa nhiệt độ nóng.

Q.Chi - L.Anh