Sập bẫy lương bốc xếp 12 triệu/tháng

Sập bẫy lương bốc xếp 12 triệu/tháng

Thứ 4, 02/10/2013 | 15:57
0
Anh Nguyễn Văn Cường (21 tuổi, sinh viên năm 3 trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM) cho biết, để có tiền đi học thêm ngoại ngữ, anh thường tranh thủ những ngày nghỉ học xin đi làm thêm.

Háo hức với mức lương "khủng"

Vì nghĩ mình là trai tráng khỏe mạnh, anh Cường sẽ chọn cho mình công việc nặng nề như bốc xếp, lao động thời vụ... để có thể nhận được nhiều tiền trong một thời gian ngắn.

Thế nhưng, hành trình xin việc không dễ dàng như anh nghĩ. Tháng 8/2013, theo thông tin từ một tờ rơi được dán trên những cột điện bên đường, anh Cường  đọc được nội dung: "Cần tuyển gấp nam bốc xếp, lao động thời vụ, lương cao, bao ăn ở. Một ngày 350 - 450 ngàn đồng". Nếu chăm chỉ, Cường có thể kiếm 12 triệu/tháng nên anh đã nhanh chóng liên hệ qua số điện thoại được dán dưới tờ rơi. Gọi vào số máy 0964123xxx, anh nhận được sự hướng dẫn rất nhiệt tình của người đàn ông tên Th., được cho là  nhân viên đang tuyển dụng việc làm này.

Xã hội - Sập bẫy lương bốc xếp 12 triệu/tháng

Anh Nguyễn Văn Cường kể lại vụ việc.

Hẹn gặp anh Cường tại một trung tâm giới thiệu việc làm trên đường quốc lộ 1A thuộc phường Tam Bình (quận Thủ Đức, TP.HCM), người đàn ông tên Th., giải thích cho người lao động hiểu rõ "luật" trước khi nhận việc làm. Theo yêu cầu, anh Cường sẽ phải đóng số tiền 400 ngàn đồng tiền bảo hiểm tai nạn; nộp chứng minh nhân dân bản gốc cho trung tâm giới thiệu việc làm. Sau khi làm xong những thủ tục này, anh Cường sẽ được nhân viên của trung tâm chở đến nơi nhận việc. Kết thúc công việc, người lao động sẽ được trả lại chứng minh nhân dân. Cứ nghĩ mình sắp được nhận việc làm lương cao nên anh Cường không ngần ngại đóng tiền để được đi làm.

Thế nhưng, sau khi đóng tiền xong, anh Cường được nhân viên của trung tâm giới thiệu việc làm chở đến một cơ sở chế biến hạt điều tại một nhà xưởng trong khu công nghiệp Sóng Thần thuộc thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Không như thỏa thuận ban đầu, anh Cường được giới thiệu làm công việc sàng vỏ hạt điều. Mỗi ngày, anh sẽ phải sàng lọc sáu bao tải vỏ hạt điều tương ứng với sáu tấn. Mỗi tấn được trả 50 ngàn đồng. Tuy nhiên, sau một ngày làm việc chăm chỉ, anh Cường cùng nhóm bạn ba người cũng chỉ sàng được năm bao tải vỏ hạt điều. Kết thúc ngày làm việc đầu tiên, anh Cường và nhóm bạn làm cùng chỉ được trả gần 60 ngàn đồng/người. Nghĩ mình bị lừa, anh Cường và nhóm bạn làm cùng chỉ biết ráng làm để có tiền. Tuy nhiên, khi biết mình trở thành nạn nhân bị lừa đảo việc làm, anh Cường cùng nhóm bạn lao động tại đây cũng không hề báo cơ quan chức năng. Bởi vì cho rằng những thủ tục như đóng tiền, hay nộp giấy tờ cho trung tâm môi giới lao động thì đúng anh có đóng, nhưng do không giữ lại biên lai nên anh và những người bạn không có cơ sở kiện lại những kẻ đã lừa đảo mình. Cách tốt nhất là chăm chỉ làm việc để lấy lại khoản tiền bị lừa.

Tại quận 12, TP.HCM cũng xuất hiện nhiều trung tâm giới thiệu việc làm theo kiểu lừa đảo người lao động. Anh Nguyễn Văn Bé (34 tuổi, ngụ Đồng Tháp) vừa chân ướt chân ráo lên TP.HCM để xin làm công nhân. Đang trong thời gian chờ đợi công ty gọi đi làm, anh Bé đọc được  thông tin tuyển dụng trên một tờ rơi dán ngoài đường. Theo thông tin này, anh  Bé sẽ xin làm công việc bốc xếp hàng hóa, mỗi ngày sẽ được trả 400 ngàn tiền lương, bao ăn ở. Nghĩ còn hơn hai tuần nữa mới đi làm nên anh Bé đã gọi điện thoại xin làm nghề bốc xếp. Liên hệ theo địa chỉ ghi trên tờ rơi, anh Bé đến trung tâm giới thiệu việc làm trên địa bàn phường Tân Thới Hiệp (quận 12). Cũng theo yêu cầu của nhân viên trung tâm, anh Bé phải đóng 300 ngàn đồng tiền chi phí môi giới.

Xã hội - Sập bẫy lương bốc xếp 12 triệu/tháng (Hình 2).

Một  tờ rơi giới thiệu việc làm.

Tiền mất tật mang

Những trường hợp người lao động bị lừa rồi không trình báo cơ quan chức năng đã tạo điều kiện cho bọn tội phạm lừa đảo việc làm ngày càng tăng. Anh Bé ngậm ngùi kể với chúng tôi: "Sau khi đóng tiền, tôi chỉ nhận được công việc là đi bốc hàng theo xe tải. Mỗi ngày chỉ được trả 200 ngàn đồng, chưa bao gồm tiền ăn. Thấy bị lừa, tôi hỏi người chủ thì được trả lời: "Với công việc này, chúng tôi đã thuê nhiều người lao động ở nhiều tỉnh khác nhau, chắc các anh bị người ta lừa, chúng tôi chưa bao giờ trả lương cho nhân viên 350 ngàn đồng/ngày. Có lẽ họ muốn thu tiền của các anh nên mới bày ra chiêu dụ dỗ các anh với mức lương cao. Từ trước đến nay, việc chúng tôi tuyển nhân viên, chúng tôi đã phải trả chi phí cho trung tâm giới thiệu việc làm. Và tất nhiên khi nhận việc, phía người lao động như các anh sẽ không phải mất đồng nào nữa mới đúng".

Cho rằng, những kẻ lừa đảo đã ngang nhiên coi thường pháp luật, sẵn sàng móc túi người lao động và sinh viên, anh Cường vẫn chưa hết bức xúc trước những chiêu trò mới này. Anh nói: "Chúng tôi không ngờ, ngay giữa thành phố văn minh, hiện đại như thế lại có những kẻ dám nghĩ chiêu trò lừa đảo trắng trợn như vậy. Chúng ngang nhiên công bố thông tin ngay ngoài đường, rồi dụ dỗ người ta đóng tiền. Mặc dù biết chúng lừa đảo, chúng tôi cũng phải ngậm ngùi chịu đựng. Bởi khi làm thủ tục đóng tiền, chúng không hề ghi biên lai, ra khỏi trung tâm là chúng tôi đã mất chứng cứ để chứng minh chúng đang lừa đảo. Nếu có trình báo cơ quan công an thì ít ra chúng tôi cũng cần có bằng chứng và hơn nữa nghĩ rằng với số tiền lừa đảo một lần khoảng 400 ngàn đồng nếu trình báo cũng vô ích nên chúng tôi cho qua. Chỉ mong, những tay lừa đảo này sớm phải chịu xử lý trước pháp luật".

Theo luật sư Đoàn Xuân Hội (Chủ tịch hội Luật gia tỉnh Bình Dương), hiện nay, một số người lao động dễ dàng bị lừa đảo bởi các trung tâm việc làm. Nguyên nhân là họ muốn có mức lương cao nên sẵn sàng đóng tiền để nhanh chóng có việc làm. Theo quy định của pháp luật, những trung tâm giới thiệu việc làm phải được sự cho phép của sở Lao động - Thương binh & Xã hội thì mới được hành nghề. Khi xin việc, nếu có dấu hiệu bị lừa, người lao động cần tìm hiểu xem trung tâm giới thiệu việc làm đó do ai quản lý để trình báo với cơ quan chức năng. Cách tốt nhất khi xin việc là người lao động cần tìm đến những cơ sở giới thiệu việc làm có uy tín để tránh hậu quả tiền mất tật mang.           

Công an sẽ vào cuộc điều tra

Trao đổi với PV, một cán bộ công an quận 12 cho biết, gần đây, nhiều người dân đến trình báo bị một số trung tâm giới thiệu việc làm đóng trên địa bàn quận 12 đã có hành vi lừa đảo người lao động. Với hình thức rất tinh vi là những trung tâm này thu tiền người lao động, sau đó giới thiệu những việc làm "ma", khi người lao động tìm đến những địa chỉ được giới thiệu việc làm đó thì không có thật, hoặc những công việc không phù hợp. Để rồi sau một thời gian đi  tìm việc, người lao động phải bỏ cuộc dễ dàng. Chúng tôi sẽ tiếp nhận thông tin từ người dân điều tra làm rõ về vấn đề này.

Ái Minh

Nhờ giống Messi nên có việc làm

Thứ 4, 09/01/2013 | 10:11
Một người Tây Ban Nha tên là Miguel Martinez có ngoại hình giống siêu sao bóng đá Lionel Messi như tạc. Và nhờ vậy, anh ta có việc làm.

Phút cùng quẫn vì không xin được việc làm

Chủ nhật, 17/03/2013 | 15:45
Một thân một mình bắt xe vào miền Nam lập nghiệp, anh Thành Xuân Th. tưởng mảnh đất này sẽ giúp mình tìm được một công việc có thu nhập ổn định, lương cao.

Từ nay đến 2020, cần 15,3 triệu việc làm mới

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:53
Việt Nam cần 15,3 triệu việc làm trong 10 năm tới để giải quyết 1,3 triệu lao động đang thất nghiệp, trên 4,5 triệu lao động đang thiếu việc làm và khoảng 9,5 triệu lao động mới.

Giới trẻ đổ xô đi thẩm mỹ để tìm việc làm

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:43
Ngày càng có nhiều người trẻ tìm đến thẩm mỹ viện như một cứu cánh để đẹp hơn, tự tin hơn trước khi vào vòng... phỏng vấn trong bối cảnh suy thoái kinh tế.

'Đáng sợ nhất là không có việc gì để làm'

Thứ 5, 26/09/2013 | 11:14
“Mọi người nói rằng trong cuộc sống mỗi người cần ba điều để trở nên thực sự hạnh phúc: một ai đó để yêu thương, một công việc để làm và quan trọng là một cái gì đó để hy vọng” (Tom Bodett).

Lương chưa đầy 5 triệu, nhân viên ngân hàng kiếm việc làm thêm

Thứ 6, 09/08/2013 | 09:13
Lương chưa nổi 5 triệu đồng/tháng, nhiều cán bộ ngân hàng phải kiếm việc làm thêm để trang trải cuộc sống.