Khởi kiện doanh nghiệp trốn đóng BHXH: Vì sao bế tắc?

Khởi kiện doanh nghiệp trốn đóng BHXH: Vì sao bế tắc?

Thứ 3, 09/05/2017 | 12:01
0
Đại diện BHXH Việt Nam khẳng định, tình trạng nợ BHXH diễn ra ở tất cả loại hình kinh tế, nhưng tập trung vào khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Theo luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi năm 2014, từ 1/1/2016, tổ chức công đoàn được giao quyền khởi kiện doanh nghiệp, cá nhân nợ BHXH. Tuy nhiên, sau hơn một năm quy định này có hiệu lực, tổ chức công đoàn chưa khởi kiện thành công một vụ nào.

Nguyên nhân được chỉ ra là do vướng mắc về pháp lý, bất cập giữa một số quy định trong các luật, bộ luật là: Lao động, BHXH, Công đoàn và Tố tụng dân sự.

Tình trạng nợ, trốn đóng BHXH và khởi kiện gặp khó đã gây thêm tâm lý lo ngại, hoang mang cho người lao động (NLĐ). Việc xử lý các khoản nợ này dường như vẫn chưa có phương án giải quyết thỏa đáng.

Bên lề buổi tọa đàm trực tuyến “Gỡ vướng trong khởi kiện trốn đóng BHXH”, ông Đào Việt Ánh – Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cũng đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này.

Xã hội - Khởi kiện doanh nghiệp trốn đóng BHXH: Vì sao bế tắc?

Ông Đào Việt Ánh – Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam.

Phóng viên: Xin ông cho biết về thực trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH hiện nay và khả năng thu nợ? So sánh những con số này với trước thời điểm 1/1/2016 khi quyền khởi kiện chuyển sang các cấp công đoàn?

Ông Đào Việt Ánh: Tính đến hết quý I/2017, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN là 14.019 tỷ đồng (bằng 4,95% so với kế hoạch giao thu), tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, nợ BHXH là 10.001 tỷ đồng, nợ BHTN 552 tỷ đồng, nợ BHYT 3.466 tỷ đồng.

BHXH Việt Nam và tổng LĐLĐ Việt Nam đã ký Quy chế phối hợp về trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu trong việc khởi kiện ra toà đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH.

Thông thường, nợ BHXH những tháng đầu năm tăng, sau đó giảm dần. Ví dụ như cuối năm 2016, tỉ lệ nợ BHXH đã giảm xuống chỉ bằng 3,22% so với số phải thu, với tổng số tiền là 7.580 tỷ đồng.

Trong khi đó, cuối năm 2015, trước thời điểm 1/1/2016 khi quyền khởi kiện chuyển sang các cấp công đoàn, tỉ lệ nợ là 4,88%; số tiền là 9.920 tỷ đồng.

Phóng viên: Thưa ông, tình trạng nợ đọng BHXH chủ yếu tập trung vào khối doanh nghiệp nào? Ông có thể nêu ra một số điển hình?

Ông Đào Việt Ánh: Tình trạng nợ BHXH diễn ra ở tất cả loại hình kinh tế, nhưng tập trung vào khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Nguyên nhân chính là do tính tuân thủ pháp luật BHXH của chủ sử dụng lao động chưa cao, chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm, chưa quan tâm đến quyền lợi BHXH đối với người lao động.

Tính đến hết quý I/2017, một số doanh nghiệp nợ BHXH với số tiền lớn, thời gian nợ kéo dài như: Công ty CP xe khách Phương Trang (TP.HCM) 28,7 tỷ đồng; công ty TNHH Nam Phương (TP.HCM) 20,9 tỷ đồng; công ty CP Lilama 3 (Hà Nội) 25,4 tỷ đồng; công ty TNHH May mặc xuất khẩu VIT Garment (Hà Nội) 19 tỷ đồng; công ty CP ô tô Xuân Kiên Vinaxuki (Hà Nội) 18,9 tỷ đồng; công ty CP xây dựng 47 (Bình Định) 15,7 tỷ đồng; công ty CP Vietbo (Đồng Nai) 19,9 tỷ đồng; công ty CP Inox HB (Hưng Yên) 14,2 tỷ đồng…

Điều đáng lo ngại nhất là hiện nay có khoảng 1.400 tỷ đồng nợ BHXH từ các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn. Số tiền này được theo dõi trên hệ thống sổ sách đã hơn 10 năm. Đây là dạng “nợ treo” hầu như không thể thu hồi và quyền lợi của người lao động ở các doanh nghiệp này cũng bị “treo” chưa được giải quyết. Đến hết ngày 31/12/2015, trong số 1.400 tỷ đồng tiền nợ có 193.661 người lao động bị ảnh hưởng đến quyền lợi.

Phóng viên: Sự chồng chéo và khoảng trống về pháp luật thực hiện BHXH được cho là nguyên nhân chính khiến khởi kiện bế tắc. Để tổ chức công đoàn khởi kiện và được toà án chấp nhận thụ lý vụ án khởi kiện, cần phải căn cứ vào bộ luật Tố tụng Dân sự. Thế nhưng, luật BHXH có hiệu lực từ 1/1/2016, bộ luật Tố tụng Dân sự thì ngày 1/7/2016 mới có hiệu lực. Tiếp theo đó, bộ luật Hình sự có hiệu lực từ 1/7/2016, nhưng phải tạm dừng để chờ tới Kỳ họp Quốc hội tới đây cho ý kiến. Quan điểm của ông về sự bất cập này?

Ông Đào Việt Ánh: Trước đây, khi cơ quan BHXH là người khởi kiện đơn vị nợ BHXH để yêu cầu tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thì việc khởi kiện thực hiện theo thủ tục vụ án dân sự. Khởi kiện là một trong những biện pháp thu hồi nợ hiệu quả của ngành BHXH.

Thực tế, khi BHXH Việt Nam thực hiện việc khởi kiện: Số vụ cơ quan BHXH khởi kiện là: 8.840 vụ tương ứng với số tiền doanh nghiệp nợ gần 6.000 tỷ đồng; Tổng số vụ Tòa án đã xét xử: 3.986 vụ, tương ứng số tiền thu về quỹ BHXH gần 980 tỷ đồng, chiếm 16,3% trên số nợ khởi kiện; riêng năm 2015 cơ quan BHXH đã khởi kiện gần 3.500 vụ và đã thu về hơn 800 tỷ đồng tiền nợ BHXH.

Hiện nay, theo luật BHXH và luật Công đoàn thì công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên trực tiếp (với những đơn vị, doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức công đoàn cơ sở) có trách nhiệm đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện ra Toà.

Tuy nhiên, việc khởi kiện đòi hỏi phải do công đoàn cơ sở khởi kiện hoặc phải có giấy ủy quyền của người lao động. Đây là một khó khăn khiến việc khởi kiện của tổ chức công đoàn chưa phát huy hiệu quả.

Ngoài ra ở nhiều nơi, còn có tình trạng công đoàn cơ sở không dám đứng ra khởi kiện hoặc ủy quyền cho công đoàn cấp trên khởi kiện. Người lao động lại càng không dám ủy quyền cho tổ chức công đoàn kiện chủ doanh nghiệp của mình khi bản thân cần có công ăn việc làm. Những nguyên nhân này mang tính hệ thống và là thực tế, không thể thay đổi một sớm một chiều.

Trong khi đó, bộ luật Hình sự năm 2015, Điều 216 quy định về tội trốn đóng BHXH cho người lao động, người vi phạm có thể bị phạt tiền đến 3 tỷ đồng, phạt tù tới 7 năm. Tuy nhiên, bộ luật chưa được thi hành nên chưa tạo được sự “răn đe” hiệu quả đối với nhiều chủ sử dụng lao động đang trốn đóng, nợ đọng BHXH.

Vì vậy, BHXH Việt Nam kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, TAND Tối cao nên có những điều chỉnh về chính sách, quy định của pháp luật sao cho hài hòa để có thể bảo vệ lợi ích của người lao động, lợi ích của Nhà nước một cách hiệu quả nhất.

Phóng viên: Có thực tế, khi doanh nghiệp bị khởi kiện với số liệu nợ đọng BHXH, doanh nghiệp lại đối phó bằng cách đóng thêm một khoản BHXH nhỏ dẫn đến số liệu nợ đọng BHXH thay đổi khiến cơ quan chức năng phải làm lại từ đầu. Ông nhìn nhận thế nào về thực tế này?

Ông Đào Việt Ánh: Đúng là trên thực tế cũng đã xảy ra những trường hợp như thế này. Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị hồ sơ khởi kiện, cơ quan BHXH đã chốt thời điểm nợ, số tiền nợ. Trong trường hợp này, người khởi kiện sẽ cung cấp bổ sung thông tin, số liệu theo đề nghị mà không nhất thiết phải làm lại hồ sơ từ đầu. Khi Tòa án tiến hành các bước thủ tục tiếp theo, người khởi kiện sẽ cung cấp thêm thông tin để làm rõ.

Phóng viên: Một hướng đề xuất nữa để giải quyết vấn đề khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng BHXH là cơ quan BHXH sẽ vừa thanh tra thu vừa có quyền khởi kiện doanh nghiệp. Để thực hiện theo hướng này thì hoặc phải sửa luật BHXH hoặc luật Tố tụng Dân sự. Như vậy mới thúc đẩy quá trình thu hồi nợ tích cực, nhanh chóng. Quan điểm của ông ra sao?

Ông Đào Việt Ánh: Chúng tôi đồng tình với quan điểm này vì hiện tại, về việc này, BHXH Việt Nam trong thời gian tới sẽ kiến nghị với Chính phủ và Quốc hội về việc sửa luật BHXH và giao quyền khởi kiện cho cơ quan BHXH bên cạnh chức năng thanh tra.

Ngoài ra, quỹ BHXH không chỉ là phần thu từ NLĐ mà có một phần không nhỏ từ ngân sách Nhà nước đóng góp để đảm bảo an sinh xã hội (thông qua việc để lại lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp) mà chủ sử dụng lao động có trách nhiệm nộp vào quỹ BHXH.

Vì vậy, ngoài việc để tổ chức công đoàn khởi kiện, BHXH Việt Nam cũng kiến nghị các cấp, cơ quan có thẩm quyền cho phép cơ quan BHXH (với tư cách đại diện Nhà nước quản lý sử dụng quỹ BHXH) cũng có quyền khởi kiện đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH ra tòa, nhằm đảm bảo quyền lợi không chỉ cho NLĐ mà còn cho lợi ích của Nhà nước và cả xã hội...

Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện này!

Nguyễn Huệ

Cùng tác giả

Nữ hộ sinh trong vụ trao nhầm trẻ sơ sinh ở Ba Vì lên tiếng

Thứ 5, 12/07/2018 | 10:39
Vừa qua, hai nữ hộ sinh liên quan tới vụ trao nhầm con suốt 6 năm ở bệnh viện Đa khoa Ba Vì đã chính thức lên tiếng.

Xác định bố mẹ ruột của hai đứa trẻ bị trao nhầm ở BVĐK Ba Vì

Thứ 4, 11/07/2018 | 21:17
Sự việc gia đình phản ánh bệnh viện Đa Khoa Ba Vì trao nhầm trẻ sơ sinh 6 năm trước đã được BV xác nhận. Tại đây, danh tính bố mẹ đẻ của 2 cháu bé đã được làm rõ.

Khởi tố lái xe tải lùi xe khiến thai phụ và bé 3 tuổi tử vong

Thứ 6, 08/06/2018 | 20:46
Ngày 8/6, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, đã ra quyết định khởi tố bị can và tạm giam 3 tháng đối với Bùi Tuấn Anh (SN 1992, HKTT tại Khu 7, Trạm Thản, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) về tội Vi phạm quy định khi tham gia giao thông đường bộ.

Chủ đầu tư "đá" trách nhiệm cho chủ bể bơi vụ bé trai đuối nước ở tòa nhà Golden Land

Thứ 4, 06/06/2018 | 12:10
Đại diện ban Quản lý tòa nhà Golden Land cho biết, đơn vị đã yêu cầu chủ bể bơi Fitness Garden xử lý cho êm đẹp theo đúng pháp luật và đúng hợp đồng đã cam kết với ban quản lý.

Hy vọng phép màu cho em bé trồi khỏi bụng mẹ sau vụ tai nạn giao thông

Thứ 5, 31/05/2018 | 12:01
Thấy bé trồi ra khỏi bụng mẹ sau vụ tai nạn, mọi người đã nhanh chóng lại đỡ em bé, cắt dây rốn rồi đưa đi bệnh viện.