Khốn khổ bởi “mốt quảng cáo thảm họa” kiểu... Kangaroo

Khốn khổ bởi “mốt quảng cáo thảm họa” kiểu... Kangaroo

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:01
0
Sau "sự kiện" quảng cáo của máy lọc nước Kangaroo "chọc tức" khán giả khiến dư luận "phát điên", hiện nay, trong giới quảng cáo, không ít người coi đó như là một thứ...mốt. Những quảng cáo dạng này đang được không ít doanh nghiệp áp dụng triệt để nhằm hút sự chú ý của các "thượng đế".

Gây chú ý bằng "tra tấn" khách hàng

Mấy tháng trước, trong trận chung kết cúp C1 châu Âu, khán giả "chết đứng" khi xem và nghe những đoạn quảng cáo "sốc" của hãng máy lọc nước Kangaroo. Không những thế, đoạn quảng cáo này còn được phát liên tục, nhiều lần (hơn 50 lần trong một trận bóng - PV). Được biết, đoạn quảng cáo trên phản cảm đến mức nhiều khán giả đã gọi ngay vào số máy đường dây nóng của thương hiệu này để phản ánh.

Công nghệ - Khốn khổ bởi “mốt quảng cáo thảm họa” kiểu... Kangaroo

Đang có nhiều sản phẩm quảng cáo “học đòi” theo “hội chứng máy lọc nước...Kangaroo”

Nhiều "thượng đế" xem truyền hình đặt câu hỏi không biết hãng sản xuất máy lọc nước này đã bỏ ra bao nhiêu tiền để được phát quảng cáo vào giờ "vàng" và được phát nhiều đến như vậy? Câu hỏi này vẫn đang còn bỏ ngỏ nhưng, chỉ sau một đêm, chính cái quảng cáo mà nhiều người cho là "thảm họa" đó đã khiến Kangaroo trở thành một "thương hiệu" khét tiếng đến mức cư dân mạng "phát cuồng" và... tẩy chay.

Chỉ với một câu slogan đơn điệu đi kèm theo tiếng nổ "inh" tai để tạo hiệu ứng âm thanh mạnh: "Uỳnh! Kangaroo - Máy lọc nước hàng đầu Việt Nam", hãng này đã khiến cho bao người "phát điên" vì...bực tức, ức chế. Được biết, theo thống kê, trong buổi tối hôm đó, quảng cáo này đã được lặp lại tận... 54 lần. Ngay sau đó, người tiêu dùng Việt đã lập hội tẩy chay sản phẩm bình lọc nước này.

Tưởng rằng, sau bài học ấy, các doanh nghiệp sẽ tự tìm cho mình một cách thức quảng cáo hay hơn và ý nghĩa hơn, tuy nhiên, trên truyền hình thời điểm gần đây xuất hiện nhiều đoạn quảng cáo được cho là... kế thừa “chiêu” của... Kangaroo.

“Khổ nạn” vì sự “kế thừa” phong cách... Kangaroo

Đang chuẩn bị ăn cơm, cả gia đình anh Nguyễn Minh Tuân (Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội) bỗng giật mình bởi tiếng "Cheng" lớn như vật gì đó bị vỡ. Sau phút định thần, mọi người cùng hướng về phía phát ra âm thanh thì trên tivi xuất hiện dòng chữ "Santafe - Thuốc trị táo bón hàng đầu Việt Nam".

Trao đổi với chúng tôi, anh Tuân không giấu nổi sự bức xúc: "Việc quảng cáo thuốc trị táo bón vào giờ ăn cơm là việc làm mất lịch sự. Hơn nữa, các cách thức quảng cáo này khiến cho người xem giật mình và cảm thấy bị xúc phạm. Cũng biết là các doanh nghiệp muốn tạo hiệu ứng âm thanh để hút sự chú ý của người xem, tuy nhiên nếu cứ thể hiện quá "lố" như thế này sẽ gây bực mình cho khán giả. Trước đây hãng bình lọc nước đã tra tấn người xem bằng các đoạn quảng cáo "giật gân" rồi giờ những sản phẩm khác cũng học theo, chắc họ hết ý tưởng rồi hay sao mà cứ phải sử dụng các đoạn quảng cáo phản cảm này".

Cần có quy định để có thể "trảm" quảng cáo thảm họa

Theo luật sư Nguyễn Huy An, Văn phòng luật sư Huy An (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: "Tôi cũng thực sự "choáng" với cái cách quảng cáo của nhiều sản phẩm hiện nay. Chỉ cần một âm thanh "chói" tai cộng với dòng chữ chạy trên màn hình là xong một màn giới thiệu sản phẩm. Tôi cũng biết có rất nhiều người dân bức xúc với những đoạn quảng cáo trên nhưng xét trong phương diện luật pháp, Luật Quảng cáo thì những quảng cáo kiểu này không vi phạm. Bởi những hình ảnh có trong các quảng cáo mà người khác gọi là thảm họa trên không bao chứa sự nhạy cảm theo quy định, hơn nữa, âm thanh của quảng cáo là do sở thích về âm lượng trên ti vi của khách hàng. Trong khi đó, trong Pháp lệnh Quảng cáo, Luật Quảng cáo không hề có mục nào quy định về việc xử phạt những quảng cáo gây "choáng" theo dạng này. Chính vì thế, đây là một vấn đề cực khó đối với các cơ quan chức năng trong lĩnh vực quản lý và xử phạt quảng cáo. Tôi nghĩ là Luật Quảng cáo nên có một quy định cụ thể về các loại quảng cáo trên", luật sư Huy An nhấn mạnh.

Chị Nguyễn Thanh Diệp (Khu đô thị Xa La, Hà Đông, Hà Nội) cho biết: "Lúc ấy con gái tôi đang ngủ say còn tôi vào bếp lấy nước để chuẩn bị pha sữa cho cháu. Thời điểm ấy trên truyền hình đang chiếu phim cuối tuần, tôi đã vặn âm lượng ti vi nhỏ để con gái đỡ thức giấc. Bỗng nhiên ở ngoài nhà "xoảng" một tiếng rõ to, con gái tôi tỉnh dậy khóc thét lên. Tôi tưởng con bị ngã nên hốt hoảng chạy ngay ra ngoài nhà thấy bé vẫn ở trên giường nhưng mặt tái nhợt vì giật mình. Lúc đó tôi nhìn trên ti vi xuất hiện dòng chữ "Davilo- Sản phẩm hàng đầu cho viêm dạ dày".

Quá bực mình với kiểu quảng cáo này, chị Diệp gọi điện đến số nóng của hãng thuốc nhưng không ai bắt máy. Kể từ đó để rút kinh nghiệm xem phim lúc con ngủ, chị Diệp phải tắt tiếng vì sợ những quảng cáo "thảm họa" như vậy. Được biết, không chỉ hai trường hợp trên mà có rất nhiều doanh nghiệp cũng dùng hình thức quảng cáo theo kiểu "cảm giác mạnh" tra tấn các thượng đế truyền hình. "Uỳnh! Myota - Tinh hoa công nghệ hiện đại"; "Uỳnh uỳnh! Dreamland - Chăn ga gối đệm Dreamland" hay "Megatex - Sơn và chống thấm hàng đầu..."

Trao đổi với PV Nguoiduatin.vn, Th.S Bùi Việt Hà - giảng viên khoa Báo chí Truyền thông (ĐHKHXH&NV, ĐHQG Hà Nội) cho rằng: "Thời gian gần đây, trên các trang truyền thông đại chúng cũng nói rất nhiều đến những quảng cáo gây "sốc" mà người ta cho là bắt nguồn từ một hãng máy lọc nước. Với tư cách là một khán giả, tôi thấu hiểu nỗi bức xúc của mọi người khi gặp phải quảng cáo không mong muốn. Tôi tin rằng bất kỳ ai trong đời cũng đã ít nhất một lần tắt tivi khi gặp phải những quảng cáo không dễ chịu như thế này. Nhưng với tư cách là người làm việc trong lĩnh vực truyền thông quảng cáo, tôi nghĩ rằng các quảng cáo ấy đã làm được điều mà họ muốn, đó là hút sự chú ý của người tiêu dùng".

Th.S Hà nói tiếp: "Tuy nhiên, mọi chiến dịch quảng cáo mục đích cuối cùng cũng để bán được hàng và để công chúng yêu quý thương hiệu của mình, tôi cho rằng về lâu dài, các đoạn quảng cáo theo kiểu này sẽ không tồn tại được lâu. Tôi được biết, sắp tới, Luật Quảng cáo được thi hành sẽ là sự thay thế hoàn thiện hơn cho Pháp lệnh Quảng cáo đã có từ 10 năm nay. Khi đó, hy vọng rằng, việc luật hóa cụ thể và quản lý rõ ràng hơn sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn cho ngành công nghiệp quảng cáo và truyền thông ở Việt Nam, để mỗi công dân sẽ được tôn trọng và được cư xử đúng luật, đúng mực hơn".

Văn Chương