Khốn khổ nông dân được mời cưới

Khốn khổ nông dân được mời cưới

Chủ nhật, 21/04/2013 | 14:56
0
Nhớ lại ba ngày nghỉ lễ đầy "sóng gió", bà Hồng lắc đầu: "Mỗi lễ lạt như vậy cũng đi tong một vài trăm nghìn đồng. Phải gượng cười trẹo cả miệng mà ngán ngẩm".

Ăn cỗ sao mà khổ

Sau gần năm trời bận bịu với công việc bếp núc trên thành phố, bà Phan Thị Hồng (quê Vĩnh Phúc) thấp thỏm mong chờ ngày về quê để được sum vầy bên đàn cháu và để được nhai miếng cơm sường sượng mà người thành phố vẫn luôn chê là khó nuốt. Nhưng hỡi ôi, có lẽ có nằm ác mộng bà Hồng không thể mường tượng được đang có tới cả chục đám cưới hỏi, giỗ chạp, mừng mua xe máy mới đang hau háu chờ "nuốt chửng" ba ngày nghỉ lễ hiếm hoi của bà.

Vừa đặt chân vào trong nhà, ngồi còn chưa ấm chỗ đứa cháu con nhà bà dì ruột chạy vào níu tay: "Chiều nay bác vào nhà cháu ăn cỗ con gái cháu cưới nhé. Lâu rồi bác không về quê phải ăn ở nhà cháu từ hôm nay đến hết tối mai nhé". Bà Hồng chưa kịp định thần thì đứa cháu lại hớt hải chạy sang nhà mấy người cùng làng để mời cho kịp ngày.

Tới nhà được một lúc thì làng trên xóm dưới đều biết tin bà về quê. Ông cụ hàng xóm sang chơi,  sau tuần trà xanh, ông tha thiết: "Ngày mai gia đình bên tôi cải mả cho cụ nhà. Mời bà sang ăn miếng cơm, uống chén rượu với nhà tôi. Chẳng mấy khi bà về quê thế này chắc cụ tôi dưới mồ cũng thấy mát mặt". Mời xong, cụ lại lững thững chống gậy nhấc từng bước một ra về, bỏ lại gương mặt thẫn thờ của người vừa được mời.

Tối hôm đó bà còn được mời thêm ba đám cưới, một đám đổ trần nhà và một đám ăn khao mua xe máy mới. Suốt ba ngày trời bà "đắt hàng" chạy không thua gì những ca sỹ hạng A chạy show ca nhạc. Những tưởng thời gian nghỉ ngơi bên gia đình thì nay chỉ riêng ngồi bên đàn con cũng chỉ thu xếp được dăm ba phút vào đêm khuya.

Nhớ lại ba ngày nghỉ lễ đầy "sóng gió", bà Hồng lắc đầu: "Mỗi lễ lạt như vậy cũng đi tong một vài trăm nghìn đồng. Phải gượng cười trẹo cả miệng mà ngán ngẩm".

Xã hội - Khốn khổ nông dân được mời cưới

Một cảnh đám cưới khá phổ biến ở thôn quê miền Bắc

Những tưởng chuyện về quê "chạy" ăn cỗ của bà Hồng đã khủng khiếp thế nhưng đem câu chuyện này kể cho những đồng nghiệp của tôi họ còn tâm sự nhiều người đã rơi vào hoàn cảnh còn "thê thảm" hơn thế nữa. Ở thành phố, người ta mời nhau bát cơm có khi còn phải nhấc lên đặt xuống còn ở nông thôn chỉ động bát động đũa là mời nhau và thậm chí họ 8-9 đời vẫn nằm trong danh sách.

Nói về nỗi khủng khiếp mang tên chạy show đám cỗ ở quê, chị Vương Lan cơ quan tôi sôi nổi như chọc vào đúng cái bọc lâu nay vẫn phải giữ trong lòng chưa có dịp thổ lộ: "Tôi về quê ăn cỗ cưới người chú họ ở xã Việt Thống, Quế Võ, Bắc Ninh. Quá bất ngờ với vùng quê nghèo thuần nông  mà đám cưới tổ chức linh đình đến vậy. Đám cưới được ăn uống trong vòng ba ngày liền. Ngày đầu những người họ hàng đến dựng rạp đám cưới giúp thì chủ nhà đã phải làm chừng hơn chục mâm cỗ mời mọi người ăn. Ngày thứ hai là dành cho quan khách ở xa và ngày thứ ba là bà con láng giềng. Sau ba ngày liền chú tôi lết ra giường vì quá mệt. Chú nói đám cưới nhà chú chỉ 150 mâm, nhiều người ì xèo là đám cưới chưa to. Có những nhà trong làng họ hàng nhiều thì có khi đến gần 200 mâm. Để lo cho đám cưới của con, chú đã phải vay chạy khắp nơi mới được 80 triệu đồng, nhưng thu về từ tiền mừng chỉ được gần 50 triệu đồng. Vui vì có thêm rể quý chưa thấy đâu chú lại phải lo tiền để trả nợ".      

Họ 7 đời vẫn mời cỗ cưới

Chị Trần Loan (quê ở Bắc Giang) cũng chia sẻ: "Về quê tôi mới hiểu một phần vì sao người nông dân quê tôi kinh tế không khá giả. Ngày trước chỉ có mùa xuân, mùa thu mới là mùa cưới xin, và chỉ những ngày đó người dân mới mất tiền và thời gian để đi ăn cỗ. Nhưng bây giờ quanh năm đều là mùa cưới. Ngày ngày mẹ tôi cứ thấp thỏm lo có người mời cỗ. Mỗi đám bố tôi chỉ mừng từ 100-200 nghìn đồng. Nhưng nhiều đám như vậy thì mỗi ngày cả nhà mất đến hơn triệu đồng. Nhiều nhà khác kinh tế eo hẹp, mỗi khi có thiệp mời thì lo như giấy đòi nợ. Họ lại cuống cuồng đi vay chạy hàng xóm, nợ nần cũng vì cỗ".

Chị Loan cũng kể nhiều nhà không chỉ mất tiền mất việc, mà còn lục đục sau chuyện cỗ bàn. Lần vừa rồi về quê chị bị đứa bạn cùng học cấp hai kéo vào tâm sự: "Gã chồng tao lần nào đi ăn cỗ về cũng say xỉn. Đi ăn cỗ buổi trưa về lại mất thêm buổi chiều ở nhà ngủ. Ở quê không uống cũng không được. Họ khích cho phải uống say mới chịu thôi. Nhiều hôm gã say quá nôn ọe ra khắp nhà. Chồng của chị bạn vừa bị mất công việc bảo vệ cho công ty nước ngoài vì cứ loanh quanh chỗ làm được đôi ngày lạ… xin nghỉ đi ăn cỗ. Giờ kinh tế gia đình vốn đã eo nay càng thêm neo".

Người dân quê giao thiệp rộng rãi thân tình với họ hàng làng xóm vì thế hễ trong nhà có việc lớn nhỏ đều mời người khác đến chung vui. Từ ăn cỗ cưới con cái, cỗ đám hiếu, cỗ lên nhà mới, cỗ khao xe đến cỗ con cái thi đậu vào đại học. Thành phần khách mời cũng khá đông đúc từ anh em ruột thịt đến họ hàng có khi xa 7- 8 đời vẫn mời. Nguời dân ở quê cũng chơi nhiều hội: Hội đồng niên (hội của những người sinh cùng năm), hội đồng ngũ (hội những người cùng nhập ngũ), hội đồng tâm (những người có cùng suy nghĩ với nhau), hội bạn học cấp 2, hội bạn học cấp 3, hội phụ nữ, hội người cao tuổi… Và mỗi lần có công to việc lớn thì những người trong cùng một hội lại lũ lượt rủ nhau đi ăn cỗ. Chính vì thế mà đi ăn cỗ như chạy "sô". Cả gia chủ và người đi ăn cỗ đều ngao ngán nhưng… Lệ nó phải thế.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian GS. Trần Lâm Biền cho rằng: Cưới xin ma chay là một vấn đề muôn thuở từ ngàn năm nay. Đó là bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Hiện nay người ta lấy đích đến là mục tiêu kinh tế nên nó "đẻ" ra không biết bao nhiêu biến tướng, công việc không làm được mà lại sinh ra nợ nần. Con người trở nên nặng nề về mặt tâm hồn.

Trước đây đi ăn cỗ chủ yếu là đến với nhau bằng tình cảm, nhất là đi ăn cưới, quà mừng cưới cũng đơn giản chỉ là cái phích, cái nón, bộ ấm chén… Thế nhưng, ngày nay người đi ăn cỗ phải có phong bì, ít là vài chục, nhiều khi tới cả trăm, thậm chí vài trăm ngàn đồng - ở quê bán một tạ thóc đi ăn vài bữa cỗ là hết. Mà thậm chí các cụ già đi ăn cỗ mà không có phong bì thì nhất định không đi, mặc dù ở tuổi đó thì làm gì còn làm ra tiền nữa…

Đừng để phong tục trở thành gánh nặng

Theo PGS.TS Lê Quý Đức (viện Văn hóa phát triển) thì Bộ Chính trị đã từng ban hành chỉ thị 27 về tổ chức đám cưới, đám ma và lễ hội. Nhưng quy định này chưa được đưa vào luật nên chỉ có thể duy trì hình thức vận động người dân làm theo. Tuy nhiên, cái gì đã trở thành phong tục tập quán thì khó thay đổi ngày một ngày hai. Vì thế cán bộ chính quyền tại địa phương cần vận động người dân thực hiện nếp sống văn hóa văn minh. Đừng để phong tục truyền thống của người dân trở thành gánh nặng.

Thành Huế

Chân dung những nông dân mua dâm Hoa hậu

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
Các đại “gia hai lúa” nổi tiếng ăn chơi vì họ liên tục được đền bù đất với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng. Trong khi đó danh sách những người mẫu, diễn viên nằm trong đường dây bán dâm ngàn đô vẫn dài thêm.

Cậu ấm cô chiêu làm nông dân tập sự

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
“Nhờ trực tiếp tham gia trồng cây con mới thấy hết được sự vất vả của người nông dân”.

Nỗi lòng của vợ gã nông dân cục tính có kiểu ghen quái dị

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
Mấy ngày nay, chị Hồng sống trong tâm trạng rối bời, đầu như muốn nổ tung ra vì thói ghen tuông vô lối của chồng. Nghe tiếng anh hàng xóm huýt sáo, tiếng lá cây chuối xào xạc, tiếng lạch cạch phát ra từ nhà bên, chồng chị lại nhảy lên chồm chồm, cho rằng mấy gã hàng xóm trong làng đang ra hiệu gọi vợ mình đi ngoại tình.