Không có chuyện giao toàn quyền cho người đứng đầu

Không có chuyện giao toàn quyền cho người đứng đầu

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
Thông tư sửa đổi bổ sung một số điều từ Thông tư số 16/2009, quy định chi tiết hơn về việc xét công nhận chức danh Phó Giáo Sư (PGS), Giáo sư (GS) đã dấy lên nhiều luồng ý kiến.

"Hội đồng đã xét, trường không thể không bổ nhiệm"

Trước đây, hiệu trưởng các trường là những người lập danh sách các ứng viên có đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh GS, PGS, báo cáo cơ quan chủ quản có thẩm quyền quản lý nhà giáo xác nhận và có công văn kèm theo đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT bổ nhiệm chức danh.

Như vậy, Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước và sau này là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chính là người trực tiếp ký quyết định bổ nhiệm chức danh PGS, GS. Còn thủ trưởng các trường ĐH chỉ là một khâu trong quá trình thẩm định.

Tuy nhiên, theo Thông tư mới được ban hành, kể từ tháng 10/2012, hiệu trưởng các trường ĐH sẽ là người trực tiếp bổ nhiệm chức danh PGS, GS. Chính điểm mới này đã khiến dư luận có những hiểu sai và băn khoăn nhiều giữa hai việc: Thứ nhất là chuyển hẳn quyền cho thủ trưởng trường ĐH từ khâu xét duyệt đến ra quyết định bổ nhiệm chức danh cho các nhà giáo có đủ điều kiện đến việc ký quyết định bổ nhiệm; thứ hai là hiệu trưởng chỉ có chức năng bổ nhiệm dựa trên những xét duyệt thẩm định của hội đồng nhà nước như trước đây.

Xã hội - Không có chuyện giao toàn quyền cho người đứng đầu

Việc bổ nhiệm GS, PGS sẽ do hiệu trưởng các trường ĐH đảm nhiệm (Ảnh minh họa)

Nếu như trước đây, các vị tiến sĩ phải trầy trật với cả một quá trình dài từ khi được đề cử cho đến khi được công nhận chức danh PGS, GS thì nay mọi vấn đề có phần "dễ thở" hơn về mặt thủ tục.

Nhiều ý kiến cho rằng, thay vì xét để lập danh sách, bút ký của hiệu trưởng các trường ĐH bây giờ có sức nặng hơn nhiều khi trực tiếp chứng nhận một nhà giáo có đạt PGS, GS hay không. Tuy nhiên, quy định mới yêu cầu mọi khâu thẩm định hồ sơ để duyệt bổ nhiệm chức danh PGS hay GS vẫn phải làm theo trình tự trước đây.

Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV báo Người đưa tin, TS. Ngô Thế Chi, Giám đốc Học viện Tài chính cho biết: "Việc Bộ giao quyền bổ nhiệm chức danh PGS, GS cho hiệu trưởng các trường như chúng tôi chẳng khác nào biến chúng tôi thành những con bù nhìn. Vì nếu trên đã xét duyệt thì chúng tôi không có lý do gì để không công nhận kết quả từ phía hội đồng của ngành, Bộ. Cái quyền bổ nhiệm mà Thông tư mới sửa đổi đưa ra chỉ trao cho chúng tôi công nhận hoặc không công nhận. Mà một khi hội đồng ngành Nhà nước đã xét đủ tiêu chuẩn giao về cho chúng tôi bổ nhiệm thì rất ít trường hợp không được công nhận.

Nếu chúng tôi không phê duyệt quyết định bổ nhiệm thì chẳng khác nào phủ nhận cả một quá trình làm việc công tâm qua rất nhiều kiểm duyệt từ phía hội đồng ngành Nhà nước".

TS. Chi đưa ra quan điểm, đối với quy trình làm việc trước đây, nhiều khi trong hội đồng ngành của Nhà nước xét duyệt hồ sơ công nhận PGS, GS cũng không thể biết rõ được cụ thể người được bổ nhiệm là ai? Thực lực cụ thể như thế nào? Chỉ dựa trên giấy tờ và bằng cấp sáng chế thì nhiều khi rất dễ bị bỏ phiếu theo kiểu cảm tính.

Tôi nghĩ việc thay đổi theo thông tư mới đây như vậy cũng không khác quy trình làm việc trước là mấy. Để tạo sự công bằng và chuẩn xác trong việc bổ nhiệm chức danh PGS, GS, tôi nghĩ nên trao toàn bộ quyền xét duyệt cũng như thẩm định cho các trường ĐH. Tùy theo nhu cầu của từng trường, hiệu trưởng sẽ xem xét và ký quyết định bổ nhiệm cho phù hợp.

Xã hội - Không có chuyện giao toàn quyền cho người đứng đầu (Hình 2).

GS. Nguyễn Minh Thuyết

Giảm số GS, PGS không liên quan đến giảng dạy

Trái ngược với quan điểm của vị Hiệu trưởng trường Học viện Tài chính, PGS. TS Chu Hồng Thanh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ GD&ĐT, Ủy viên Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Luật học lại cho rằng: Quyết định số 20 của Thủ tướng chính phủ là quyết định sửa đổi bổ sung cho quyết định số 174 của Thủ tướng trước đó về vấn đề trình tự thủ tục bổ nhiệm chức danh GS, PGS.

PGS. TS Chu Hồng Thanh phân tích rõ, chức danh GS, PGS là chức danh của các nhà giáo đang giảng dạy tại các cơ sở ĐH. Trên thế giới, các nước đều giao quyền tự chủ rất cao cho các cơ sở đào tạo để họ tự xây dựng đội ngũ của mình thông qua việc xác định chức danh GS, PGS.

Trên thực tế, Thông tư sửa đổi quy định một giáo viên để được hiệu trưởng bổ nhiệm chức danh PGS, GS cần phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn chức danh. Tiêu chuẩn chức danh ấy phải được hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước xem xét qua các nấc khác nhau.

Cụ thể, có 3 nấc đó là Hội đồng chức danh Giáo sư cơ sở (do các cơ sở giáo dục ĐH xây dựng); hội đồng chức danh Giáo sư ngành và cuối cùng là hội đồng Giáo sư Nhà nước.

Vị Ủy viên Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Luật học cũng thông tin thêm, dựa vào danh sách đủ tiêu chuẩn đã được các hội đồng thông qua, giám đốc các học viện cũng như hiệu trưởng các trường ĐH mới căn cứ nhu cầu của mình để bổ nhiệm hoặc không bổ nhiệm. Hiệu trưởng và giám đốc không thể tùy tiện bổ nhiệm PGS, GS cho trường mình khi không qua 3 nấc chính như đã nêu trên.

Đánh giá về tính cải cách của quy định mới, GS. Thanh đã lược lại quy trình bổ nhiệm chức danh GS, PGS trước đây. Theo ông Thanh, cách đây khoảng 10 năm , Hội đồng Chức danh Giáo Sư Nhà nước sau khi xem xét qua ba cấp (Cơ sở, Ngành, Nhà nước) công nhận đủ tiêu chuẩn thì bổ nhiệm chức danh luôn. Cách đây 5 năm, không thể để hội đồng chức danh GS Nhà nước (hội đồng mang tính chất tư vấn) lại có chức năng bổ nhiệm. Vì vậy hoạt động này được định hướng là sẽ chuyển dần về cho các trường.

Theo ông Thanh, quy định mới này sẽ có một bước tiến hơn nữa. Đó là quyết định bổ nhiệm được giao cho hiệu trưởng. Khi hiệu trưởng các trường ra quyết định bổ nhiệm không chỉ căn cứ vào danh sách mà phải căn cứ vào đề xuất của từng bộ môn.

Đề xuất đó phải được khoa trực thuộc và hội đồng khoa học và đào tạo nhà trường thông qua. Lúc đó hiệu trưởng mới ra quyết định. "Nếu làm đúng quy trình thủ tục mới như vậy thì sẽ rất khó nảy sinh tiêu cực", PGS. TS Chu Hồng Thanh khẳng định.

Liên quan đến quy định mới về việc trao quyền bổ nhiệm chức danh GS, PGS cho các hiệu trưởng đại học, trao đổi với PV, GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội bày tỏ: “Chức danh GS, PGS là vị trí làm việc ở các trường đại học. Mỗi trường có số lượng vị trí và nhu cầu bổ nhiệm khác nhau.

Vì vậy, giao cho các trường bổ nhiệm hai chức danh này là đúng. Các nước phát triển đều làm như vậy. Trước đây, ta quy định GS, PGS là học hàm nên nhiều người không tham gia hoặc rất ít tham gia giảng dạy cũng tìm cách để được phong GS, PGS".

Cũng theo GS Thuyết, quy định mới sẽ góp phần giảm bớt những trường hợp không làm việc gắn với cơ sở đào tạo vẫn được bổ nhiệm GS, PGS. Ngoài ra, quy định này sẽ tạo ra dòng luân chuyển những người đủ tiêu chuẩn, có nguyện vọng đăng ký làm GS, PGS về những trường thuộc các vùng xa, góp phần cân bằng nguồn nhân lực chất lượng cao giữa các vùng.

Trình độ GS, PGS giữa các trường có thể chênh lệch ít nhiều nhưng mặt bằng tối thiểu vẫn được đảm bảo vì chỉ những người được các hội đồng chức danh thừa nhận đủ tiêu chuẩn để bổ nhiệm GS, PGS mới có thể gửi hồ sơ để các trường có nhu cầu xem xét bổ nhiệm.

Cẩn trọng với việc nể nang dẫn đến tiêu cực

Bên cạnh việc nêu ra những ưu điểm của quy định mới, GS Nguyễn Minh Thuyết cũng chia sẻ lo ngại của dư luận khi cho rằng quy định trên nếu không được các trường thực hiện một cách nghiêm túc, khách quan thì cũng có thể nảy sinh tiêu cực. Vì vậy, theo ông, các cơ sở cần đặc biệt coi trọng công việc này, nếu dễ dãi hay thiên vị, nhà trường sẽ rất dễ mất uy tín.

Dương Thu - Phạm Hạnh